Những thách thức của Việt Nam khi tham gia vào các dự án tín chỉ carbon rừng

Với tiềm năng lớn về rừng, Việt Nam có nhiều cơ hội trong việc phát triển các dự án rừng hay phát triển bền vững. Tuy nhiên, cũng còn tồn tại khó khăn nhất định.

Vận dụng lợi thế quốc gia có tiềm năng rừng

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang ngày càng diễn ra mạnh mẽ và thu hút nhiều sự quan tâm, các quốc gia đã và đang gấp rút lên kế hoạch, thực hiện các giải pháp nhằm hạn chế các tác động tiêu cực đến khí hậu toàn cầu. Theo đó, việc giảm phát thải khí nhà kính luôn là mục tiêu hàng đầu của các quốc gia trong chiến lược hành động này. Sử dụng đất, thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp chính là lĩnh vực tiêu biểu, cần thiết góp phần đưa các quốc gia hướng đến cam kết Net-Zero, đặc biệt là các quốc gia có tiềm năng về rừng như Việt Nam.

Với tiềm năng lớn về rừng, Việt Nam có nhiều cơ hội trong việc phát triển các dự án rừng hay phát triển bền vững. Theo Điều 1 Quyết định 2860/QĐ-BNN-TCLN 2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hiện trạng rừng toàn quốc năm 2021 ở Việt Nam được công bố như sau:

Hiện trạng rừng Việt Nam tính đến hết ngày 21/12/2021

Nguồn: Thông Tấn Xã Việt Nam

Như vậy, về mặt dữ liệu hiện trạng rừng, Việt Nam đã xây dựng và vận hành bộ cơ sở dữ liệu toàn quốc và dữ liệu luôn được cập nhật định kỳ, dễ trích xuất, dễ quản lý, giám sát.

Ngày 22/10/2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (cơ quan thực hiện Chương trình giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ) và Ngân hàng thế giới với tư cách là cơ quan được Quỹ Đối tác Carbon trong lâm nghiệp (FCPF) ủy thác đã ký thỏa thuận chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ (ERPA). Theo thỏa thuận, Việt Nam sẽ chuyển nhượng 10,3 triệu tấn CO2 ở vùng Bắc Trung Bộ giai đoạn 2018-2024 và nhận tổng số tiền 51,5 triệu USD cho các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng tự nhiên tại đây. Vào cuối năm 2022, Chính phủ ban hành Nghị định 107/NĐ-CP về thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ. Từ đó tạo bước đệm cho Việt Nam trong việc thúc đẩy hợp tác với các đối tác quốc tế khác trong việc bảo vệ và phát triển rừng.                                         

Các khó khăn và thách thức

Tuy nhiên, vẫn không thể tránh khỏi các khó khăn và thách thức khi Việt Nam tham gia vào các dự án tín chỉ carbon rừng. Dự thảo sửa đổi Nghị định 156/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp vẫn chưa được ban hành nên các hoạt động thí điểm về phát triển dự án carbon chưa được phê duyệt để thực hiện đăng ký và ban hành được tín chỉ ra thị trường. Đồng thời, đối với mỗi loại rừng, về mặt kỹ thuật sẽ có những khó khăn khác nhau, đặc biệt ở khía cạnh quản lý và lịch sử phát triển rừng khiến nhiều nơi dù có rừng nhưng vẫn chưa đủ tiêu chuẩn để có thể đăng ký và ban hành tín chỉ carbon.

“Rừng là nơi có khả năng hấp thụ và lưu giữ một lượng lớn carbon”, Th.S Thái Trần, chuyên gia quốc tế tư vấn dự án/tín chỉ/chứng chỉ carbon cho biết tại buổi chia sẻ kỹ năng truyền thông về phát triển bền vững mới đây tại VOV College. Theo ông Thái, “Rừng chiếm gần 11% về hấp thụ carbon. Tuy Việt Nam có lợi thế về rừng nhưng đến nay, Việt Nam mới chỉ có một dự án CDM và một dự án REDD+ theo cơ chế tự nguyện được đăng kí thành công. Như vậy, vấn đề Việt Nam trước mắt cần tập trung có thể thấy là việc hoàn thiện khung chính sách và kĩ thuật để có thể giải quyết các khó khăn, trở ngại và đưa các dự án đến việc ban hành tín chỉ carbon, từ đó đưa thị trường tín chỉ carbon của Việt Nam phát triển, gia nhập cùng thị trường quốc tế”.

Thị trường Carbon quốc tế được thiết lập dựa trên các cơ chế trong khuôn khổ của Nghị định thư Kyoto. Nhìn về lịch sử phát triển, năm 1990, Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (Intergovernmental Panel on Climate Change – IPCC) đã có công bố báo cáo đánh giá lần thứ nhất đưa ra các cơ sở khoa học một cách toàn diện về biến đổi khí hậu, tạo tiền đề để hình thành các chính sách khí hậu quốc tế trong tương lai. Năm 1992, Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) được thông qua và đến năm 1997, Nghị định thư Kyoto được thông qua và trở thành chính sách khí hậu quốc tế đầu tiên mang tính ràng buộc đối với các quốc gia tham gia. Nghị định thư Kyoto hình thành với ba cơ chế: cơ chế đồng thực hiện (Joint Implementation – JI) được nêu tại Điều 6, cơ chế phát triển sạch – CDM (Điều 12) và cơ chế mua bán phát thải quốc tế (Điều 16) cho các quốc gia thuộc phụ lục B của Nghị định thư Kyoto.

Nhằm tăng cường truyền thông, Trung tâm Tư vấn và Đào tạo Báo chí – Truyền thông – VOV College đã mời các Chuyên gia về Carbon và Truyền thông chia sẻ cùng các học viên trong chương trình đào tạo “Nâng cao năng lực cho các cây bút trẻ về kinh tế/tài chính và phát triển bền vững” năm 2023.

Chính sách về thị trường Carbon tại Việt Nam

Chính phủ đã ban hành Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon. Nghị định này quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, bao gồm Điều 91 về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, Điều 92 về bảo vệ tầng ozon, Điều 139 về tổ chức và phát triển thị trường carbon. Trong đó, Nghị định quy định cụ thể lộ trình phát triển, thời điểm triển khai thị trường carbon trong nước, áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động phát thải khí nhà kính, giảm nhẹ phát thải và hấp thụ khí nhà kính; tham gia phát triển thị trường carbon trong nước; sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, tiêu thụ và xử lý các chất làm suy giảm tầng ozon, chất gây hiệu ứng nhà kính.

Như vậy, hiện nay Việt Nam đang trong quá trình hoàn thiện các chế định về thị trường carbon. Theo Nghị định, đến năm 2028 sàn giao dịch tín chỉ carbon sẽ chính thức được vận hành. Mục tiêu phát triển thị trường carbon quy định tại Nghị định cụ thể hóa mục tiêu cam kết của Việt Nam cho các lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp, sử dụng đất và lâm nghiệp, quản lý chất thải, các quá trình công nghiệp.

Các chính sách liên quan khác: Luật lâm nghiệp số 16/2017/QH14 được Quốc hội ban hành ngày 15/11/2017 đưa ra khung pháp lý về quyền sở hữu rừng, cơ chế tài chính và chia sẻ lợi ích đối chi trả dịch vụ môi trường rừng (Quốc hội Việt Nam, 2017); Quyết định số 419/QĐ-TTg được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 5/4/2017 phê duyệt Chương trình hành động REDD+ quốc gia đến năm 2030 đề cập đến các hoạt động giảm nhẹ khí nhà kính và tiếp cận kinh doanh tín chỉ carbon rừng, trong đó có hoạt động nhằm bảo tồn, tăng cường trữ lượng carbon và quản lý bền vững tài nguyên rừng thông qua nhân rộng các mô hình kinh doanh rừng năng suất cao và rừng gỗ lớn; nhân rộng mô hình quản lý rừng tự nhiên bền vững; bảo vệ, bảo tồn và phục hồi rừng.

Rừng ngập mặn Cần Giờ được đánh giá cao về tiềm năng tham gia thị trường carbon.

Theo các chuyên gia, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách hiện có, làm rõ và cụ thể các quyền về carbon, bao gồm: quyền sở hữu carbon, quyền chuyển nhượng, mua bán CER, quyền hưởng lợi carbon rừng cũng như trách nhiệm đối với từng quyền này; phát triển và hoàn thiện mạng lưới đăng ký và truy xuất carbon trên nền tảng số kết nối có hiệu quả giữa dự án carbon và bên mua. Cần có thêm các nghiên cứu và quy định về thị trường carbon bắt buộc (được thành  lập nhằm thực hiện hóa quy định, luật lệ về giảm khí nhà kính tại các quốc gia) và thị trường carbon tự nguyện (dựa trên nhu cầu giảm phát thải phục vụ mục đích riêng của mỗi doanh nghiệp).

 Ngọc Khánh