Trường Đại học CMC chính thức tuyển sinh ngành đào tạo thiết kế vi mạch bán dẫn

Theo phương án tuyển sinh năm 2024, Trường Đại học CMC chính thức mở ngành Công nghệ Kỹ thuật Điện tử – Viễn thông (CNKTĐT-VT) với chương trình Thiết kế vi mạch bán dẫn, đào tạo theo định hướng ứng dụng. Sinh viên sẽ được thực hành bằng trang thiết bị hiện đại của Synopsys với phần mềm xuất sắc có bản quyền do Cadence cung cấp.

Chương trình Thiết kế vi mạch bán dẫn (IC Design) thuộc ngành Công nghệ Kỹ thuật Điện tử – Viễn thông (CNKTĐT-VT) tại Trường Đại học CMC được xây dựng, đào tạo theo định hướng ứng dụng. Sinh viên được học các kiến thức công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực điện tử – viễn thông, sau khi tốt nghiệp có nền tảng kiến thức tốt về phần cứng, phần mềm và thiết kế điện tử, có thể tham gia ngay vào các khâu tư vấn, nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, hoặc đóng gói vi mạch trong hệ sinh thái bán dẫn tại Việt Nam hoặc trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.

Nhận định về chương trình đào tạo mới mở này, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Bình – Hiệu trưởng Trường Đại học CMC cho biết: “Chương trình đào tạo ngành CNKTĐT-VT được thiết kế theo chuẩn kiểm định của Hội đồng kiểm định các chương trình đào tạo kỹ thuật – công nghệ của Mỹ (ABET), chú trọng cung cấp kiến thức nền tảng kết hợp với rèn luyện kỹ năng chuyên môn mang tính ứng dụng cao cho sinh viên”.

Ngành thiết kế chip bán dẫn – Cơ hội nhiều hấp dẫn và tương lai đầy triển vọng cho sinh viên

Trong bối cảnh chuỗi cung ứng vi mạch bán dẫn đang có xu hướng dịch chuyển dần sang các nước Đông Nam Á, trong đó Việt Nam là nơi đầu tư hấp dẫn do có nhiều lợi thế so sánh về địa chính trị và thị trường công nghệ. Những năm qua, nhiều tập đoàn và doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực công nghệ đã có mặt và đang mở rộng đầu tư vào Việt Nam với hơn 50 công ty vi mạch đang hoạt động có hiệu quả như Intel, Renesas, Marvell, Applied Micro, Synopsys, Qualcomm, Infineon, Amkor, …

Tại buổi tọa đàm “Thiết kế Chip bán dẫn: Cơ hội mới – Tương lai mới” dành cho học sinh, sinh viên quan tâm đến lĩnh vực công nghệ, ông Harsh Bharwani – CEO Jetking chia sẻ về tiềm năng của ngành thiết kế vi mạch bán dẫn là với sự thay đổi ngày càng nhanh của công nghệ, ngành thiết kế vi mạch bán dẫn ngày càng phát triển mạnh mẽ.

Nhu cầu của ngành thiết kế vi mạch tại Việt Nam cần 10000 kỹ sư/năm nhưng hiện tại chỉ mới đáp ứng được 20%. Trong khi đó, lương của kỹ sư vi mạch rất cao, khởi điểm 15-20 triệu, kinh nghiệm 15-20 năm là 60-70 triệu/tháng.

Hệ thống phòng thí nghiệm theo tiêu chuẩn của Synopsys phục vụ đào tạo thiết kế vi mạch tại Trường Đại học CMC – Ảnh: (CMC).

Nắm bắt được nhu cầu cao về nhân lực của ngành vi mạch bán dẫn cả về số lượng lẫn phẩm chất, Trường Đại học CMC đã đầu tư mạnh mẽ về cơ sở vật chất, đặc biệt chú trọng xây dựng đội ngũ giảng viên có năng lực chuyên môn cao và giàu kinh nghiệm giảng dạy và tâm huyết với nghề. Đội ngũ giảng viên của trường phần lớn từng học tập, làm việc và nghiên cứu tại các trường đại học hàng đầu thế giới tại Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ba Lan, New Zealand,… và các trường đại học hàng đầu Việt Nam.

PGS.TS. Nguyễn Ngọc Bình cho biết: “Nhà trường sẽ kết hợp với các đối tác nước ngoài với sự hỗ trợ của Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (NIC) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Nhà trường cũng đã cử giảng viên tham dự những Khóa đào tạo về thiết kế vi mạch dành cho giảng viên các trường đại học do NIC tổ chức”.

Trước đây, Tập đoàn CMC đã hợp tác với các hãng nổi tiếng trên thế giới như Synopsys, Cadence, Siemens (Mentor Graphics), Xilinx,… trong đó, Synopsys – một hãng thiết kế điện tử hàng đầu của Mỹ để thành lập Phòng thí nghiệm IC Design tại nhà trường. Tại đây, sinh viên sẽ được thực hành với trang thiết bị hiện đại của Synopsys và phần mềm xuất sắc có bản quyền do Cadence cung cấp.

TS. Robert Li – Phó Chủ tịch Synopsys khu vực Đài Loan và Đông Á (ở giữa) trong buổi làm việc với trường Đại học CMC

Theo học chương trình này, sinh viên nắm vững kiến thức nền tảng và chuyên sâu về kỹ thuật thiết kế vi mạch để ứng dụng; có kỹ năng thiết kế, hiện thực hóa và đánh giá hệ thống, giải pháp của ngành thiết kế vi mạch. Ngoài ra, sinh viên được học kỹ năng sử dụng các công cụ thiết kế, mô phỏng và đánh giá kiểm tra từ các hãng nổi tiếng trên thế giới như Synopsys, Cadence, Siemens (Mentor Graphics),… để tham gia các dự án tại doanh nghiệp.

Bên cạnh lĩnh hội kiến thức, sinh viên còn được trau dồi, phát triển kỹ năng giao tiếp và kỹ năng làm việc nhóm, khả năng đọc hiểu tài liệu và trình bày các giải pháp chuyên ngành bằng ngoại ngữ, kỹ năng về lãnh đạo và quản lý cùng thái độ trách nhiệm nghề nghiệp, xử được lý các sự cố liên quan đến các thiết bị điện tử, vi mạch và thiết bị tự động hóa.

Sinh viên có cơ hội thực hành, thực tập và cơ hội việc làm rộng mở sau khi tốt nghiệp

Cụ thể, sinh viên ngành CNKTĐT-VT có cơ hội được rèn luyện kỹ năng thực hành, nghiên cứu khoa học trong các dự án thực tế tại Viện Nghiên cứu Ứng dụng Công nghệ CMC (CMC ATI) – nơi nghiên cứu các ứng dụng công nghệ mới để phát triển sản phẩm cho Tập đoàn CMC. Viện ATI cũng chính là đơn vị phát triển ứng dụng nhận diện khuôn mặt CIVAMS được thiết kế từ chip bán dẫn FPGA.

Cam kết 100% sinh viên tốt nghiệp có việc làm với thu nhập hấp dẫn

Trường Đại học CMC đã xây dựng và phát triển nhiều mối liên kết, hợp tác với nhiều doanh công nghệ nghiệp trong nước và quốc tế từ nhiều năm qua. Với lợi thế này, nhà trường cam kết việc làm cho 100% sinh viên ngành CNKTĐT-VT hệ song ngữ nhập học năm 2024. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên sẽ được cam kết việc làm tại Tập đoàn Samsung, Microsoft và các công ty thành viên của Tập đoàn Công nghệ CMC như: CMC Telecom, CMC Global, CMC Technology & Solution, CMC Cyber security…

NX