Tập đoàn Hàn Quốc đầu tư 1 tỷ USD xây dựng nhà máy chất bán dẫn tại Việt Nam

Tập đoàn Hana Micron – một trong những công ty bán dẫn hàng đầu của Hàn Quốc – đã chính thức đặt những viên gạch đầu tiên trong việc tham gia nền công nghiệp bán dẫn của Việt Nam tại Bắc Giang.

Công nghiệp bán dẫn là một trong những ngành nghề có trị giá lên tới hàng trăm tỷ USD và được Chính phủ nhiều nước chú trọng vì tầm quan trọng của nó. Không là ngoại lệ, với mong muốn phát triển đất nước theo hướng hiện đại hoá, Việt Nam cũng đang thâm nhập vào ngành kinh doanh trọng yếu này thông qua những nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài.

Mới nhất, tập đoàn Hana Micron – một trong những công ty bán dẫn hàng đầu của Hàn Quốc – đã chính thức đặt những viên gạch đầu tiên trong việc tham gia nền công nghiệp bán dẫn của Việt Nam tại Bắc Giang.

Hana Micron là công ty của Hàn Quốc gia nhập thị trường bán dẫn từ năm 2001. Trong giai đoạn thành lập đến năm 2010, công ty chủ yếu gia công sản phẩm cho Samsung và SK Hynix trong nước với nhiều giải thưởng cho doanh nghiệp gia công tại Hàn Quốc.

Năm 2006, công ty thành lập Hana Micron America tại Mỹ, bước đầu cho quá trình phát triển bên ngoài biên giới Hàn Quốc. 10 năm sau, Hana Micron chính thức đặt nền móng tại Việt Nam thông qua việc thành lập công ty con.

Đến thời điểm hiện tại, công ty đang có mặt tại 4 quốc gia là Mỹ, Hàn Quốc, Việt Nam và Brazil, thực hiện nhiều công đoạn quan trọng trong ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.

Kết quả kinh doanh của công ty cũng rất khả quan với doanh thu và lợi nhuận đều có xu hướng tăng trong 5 năm qua. Năm 2022, Hana Micron đạt doanh thu gần 9 nghìn tỷ KRW (khoảng 6,7 tỷ USD), tăng trưởng 33,5% so với năm trước cùng mức lợi nhuận vào khoảng 590 tỷ KRW (438 triệu USD); tổng tài sản của doanh nghiệp là trên 14 nghìn tỷ KRW.

Đây là những con số tương đối khả quan và cho thấy tham vọng về việc trở thành một ông lớn trong ngành bán dẫn của công ty những năm tới đây.

Ngành nghề kinh doanh chính của Hana Micron là các giải pháp về chất bán dẫn back-end, với quy trình từ sản xuất, kiểm thử cho tới đóng gói. Trong đó, bằng cách kết hợp các công nghệ về chất nền và chip lật tiên tiến, các sản phẩm của Hana Micron có hiệu suất điện tốt, chất lượng cao và giá thành vô cùng cạnh tranh.

Bên cạnh đó, các công nghệ khác về laminate (dành cho IC), khung dẫn, wafer dành cho điện thoại và các sản phẩm điện tử của công ty cũng có những đặc điểm nổi bật, giúp họ trở thành đối tác của nhiều doanh nghiệp lớn tại Hàn Quốc (như SK và Samsung) và trên thế giới.

Chất lượng cao với mức giá vô cùng cạnh tranh là những gì mà doanh nghiệp cam kết và theo đuổi, giúp họ ngày càng chiếm được niềm tin với các khách hàng. Đồng thời, Hana Micron cũng liên tục nghiên cứu và phát triển những công nghệ mới, phù hợp với xu hướng của công nghiệp bán dẫn trên toàn cầu, với những kế hoạch liên quan đến công nghệ bộ nhớ và chip lật tới 2025.

Có thể thấy, công ty đã hoàn toàn sẵn sàng cho việc phát triển và cạnh tranh trên tầm thế giới những năm tới đây, với nhiều công nghệ nổi bật.

Kế hoạch của công ty tới năm 2025 liên quan đến chip nhớ (Ảnh: Hana Micron).

Tham vọng của công ty trong những năm tới không thể đạt được nếu thiếu đi một trong những địa điểm sản xuất quan trọng là Việt Nam, với tổng vốn đầu tư đăng ký của Hana Micron lên tới 600 triệu USD.

Nhà máy đầu tiên của công ty được đặt tại Bắc Giang đã được hoàn thiện và chính thức đi vào hoạt động giai đoạn 1 trong năm 2020, đánh dấu bước đầu cho ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam. Dự kiến trong năm 2023, nhà máy này sẽ mang lại tới 300 triệu USD doanh thu cho tập đoàn.

Mới nhất, công ty tiếp tục đầu tư nhà máy thứ 2 tại nước ta với mong muốn xây dựng được một hệ sinh thái nhằm phát triển ngành công nghiệp này tại Việt Nam toàn diện hơn nữa.

Dự án nhà máy Hana Micron Vina 2 của công ty sẽ tiếp tục được đặt tại khu công nghiệp Vân Trung, tỉnh Bắc Giang và là dự án sản xuất chất bán dẫn đầu tiên tại khu vực miền Bắc.

Trong kế hoạch tới năm 2025, doanh nghiệp dự kiến sẽ đầu tư vào Việt Nam tổng số tiền lên tới 1 tỷ USD, tạo ra việc làm cho khoảng 4000 nhân lực (tương đương với 70% số lượng nhân sự mà công ty cần để triển khai nhà máy), đem lại cho doanh nghiệp mức doanh thu dự kiến lên đến 400 triệu USD.

Nhà máy của Hana Micron tại Việt Nam (Ảnh: Hana Micron).

Việc triển khai dự án này sẽ giúp Việt Nam định hướng được hướng đi cho tương lai liên quan đến sản xuất chất bán dẫn. Đây sẽ là cơ hội để Việt Nam chuyển mình, nâng cao chất lượng nhân lực cho ngành bán dẫn và phát triển hơn nữa để trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Việc Hana Micron đầu tư mạnh mẽ vào Việt Nam cho thấy sự đánh giá rất cao về mặt chiến lược của doanh nghiệp Hàn Quốc đối với nước ta. Đây cũng sẽ là cơ hội để Việt Nam chứng minh năng lực và thu hút thêm nhiều dự án đầu tư từ nước ngoài hơn nữa trong thời gian tới, tạo động lực để nước ta có thể phát triển kinh tế theo hướng công nghệ cao một cách bền vững.

Tiến Đạt


Bình luận

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *