Hội thảo Khoa học Netzero với chủ đề “Tín chỉ carbon, Doanh nghiệp bắt đầu từ đâu” sáng nay thu hút giới chuyên gia trong ngành và các doanh nghiệp (DN) lớn quan tâm. Khán phòng nhỏ đã không đủ chỗ ngồi khi nhiều người biết thông tin đã đến tham dự.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Hồ Quang Minh – Chủ tịch Trung tâm Khoa học và hợp tác Netzero Việt Nam – Asia cho biết: “VANZA thành lập nhằm mục đích tạo nên một diễn đàn hiệu quả cho cộng đồng doanh nghiệp hướng đến phát triển bền vững theo xu hướng Net Zero. Góp phần vào mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 mà Chính phủ đã cam kết.
VANZA tổ chức hội thảo với mong muốn chia sẻ những thông tin quý giá từ các chuyên gia, ý tưởng sáng tạo và kinh nghiệm thực tiễn để cùng nhau đem lại giá trị gia tăng cho doanh nghiệp trong quá trình thực hành ESG, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn hướng tới Net Zero như một xu hướng tất yếu.”
Tín chỉ Carbon – từ khóa nóng nhưng hiểu về “tín chỉ” thế nào?
Như lời quảng cáo trước đó của Ban tổ chức (BTC), đây là cơ hội cho DN thảo luận cùng chuyên gia CDM top 5 thế giới, ông Thái Trần, về cách để tạo ra tín chỉ Carbon có giá trị, quản lý carbon và thị trường carbon.
Vấn đề quá mới, không phải ai cũng biết cách để có được tín chỉ carbon, khi mà nhiều năm qua một số lãnh vực đã giảm nhiệt, quan trọng là bắt đầu từ đâu và như thế nào để có tín chỉ.
Chuyên gia Thái Trần – CEO Hanam Carbon, tuy nói tiếng Việt còn lơ lớ, nhưng đủ sức giải trình từng câu hỏi của các cử tọa, những câu hỏi sát sườn hóc búa từ thực tế của doanh nghiệp.
Ai cũng nghĩ thị trường Carbon đang sôi động, có rừng có cây là ngủ một đêm dậy là có tiền, cơ hội làm giàu đến nơi. Nhưng, thực tế không hề đơn giản như thế.
Trung tâm Khoa học và Hợp tác Net Zero Vietnam – Asia (VANZA) phối hợp với Công ty tư vấn Hà Nam Carbon, Viện nghiên cứu Vùng và đô thị (IRUS) và Hà Nam Fabrics sẽ tổ chức Hội thảo “Tín chỉ Carbon – Doanh nghiệp bắt đầu từ đâu” đã chọn đúng điểm ngứa của DN để đưa ra nội dung này.
Theo thông tin từ BTC, dự kiến Việt Nam sẽ tạo ra khoảng 10,8 triệu tín chỉ carbon tự nguyện mỗi năm, nhu cầu về cơ chế trao đổi và mua bán tín chỉ này đang ngày càng tăng. Chính phủ đặt mục tiêu năm 2025 lập và vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon. Ba năm sau, tức là năm 2028, sàn sẽ được vận hành chính thức. Câu hỏi được đặt ra là các doanh nghiệp Việt Nam nên bắt đầu từ đâu để đi cùng nhịp với thị trường trong nước và quốc tế.
Mặc dù thị trường tín chỉ carbon được đánh giá là có tiềm năng nhưng vẫn tồn tại rất nhiều vấn đề và thách thức. Cụ thể, các doanh nghiệp Việt Nam có thể phải chịu thêm nhiều tỷ đô la tiền thuế phát thải Carbon khi xuất sang thị trường châu Âu do ảnh hưởng bởi cơ chế điều chỉnh biên giới Carbon. Việt Nam cần phải làm gì, làm như thế nào để tháo gỡ những “nút thắt” trên, từ dó để có thể tận dụng tối đa cơ hội phát triển từ thị trường này?
Với sự tham dự những chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh và tín chỉ Carbon là: Ông Trần Thái, Giám đốc Công ty tư vấn Hà Nam Carbon; ông Mã Thanh Danh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Kido – Chủ tịch HĐQT Công ty Tư vấn quốc tế CIB; ông Trần Nguyễn Trọng Nguyên, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Tư vấn và Thương mại Kenzen, đã tập trung lý giải những vấn đề này.
Ngoài tham luận phân tích, kiến giải, luận bàn về thị trường carbon (tín chỉ carbon) sẽ mang đến cơ hội hay thách thức gì cho các doanh nghiệp Việt Nam của chuyên gia Thái Trần, các DN hiểu tận tường tình thế và vị thế của Việt Nam trên thị trường carbon hiện nay.
Chuyên gia Thái Trần cũng đưa ra khuyến nghị đối với các doanh nghiệp Việt, cần tận dụng các cơ hội từ thị trường tài chính carbon như thế nào trong bối cảnh Chính phủ Việt Nam cam kết mạnh mẽ giảm phát thải tiến tới Net zero Carbon vào 2050, còn thế giới đang áp dụng các luật chơi về môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu…
“Tham gia vào thị trường carbon là động lực phát triển, đổi mới công nghệ phát thải thấp, hướng đến nền kinh tế trung hòa carbon. Các doanh nghiệp, tổ chức và quốc gia tham gia vào thị trường carbon nhận được lợi ích hai chiều: thực hiện giảm lượng khí nhà kính, góp phần phát triển bền vững, đồng thời được công nhận bằng tín chỉ carbon, thúc đẩy nền kinh tế.
Các doanh nghiệp cũng được hưởng lợi từ việc bán tín chỉ carbon và xây dựng hình ảnh thương hiệu trong mắt người tiêu dùng. Việc tiếp cận nguồn Tài chính Xanh để hiện thực hóa thị trường chính là cơ hội mà các bên cần nắm bắt”, ông Thái Trần nói.
Kinh tế tuần hoàn – nút thắt nào cần tháo gỡ
Đặc biệt, chuyên gia kinh tế tuần hoàn Mã Thanh Danh – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Kido – Chủ tịch HĐQT Công ty Tư vấn quốc tế CIB, đã cùng bàn luận, trao đổi về nội dung kinh tế tuần hoàn đang được xem là xu thế của thế giới.
Ông Mã Thanh Danh đặt vấn đề, nhà nhà nói về kinh tế tuần hoàn có phải trend (xu hướng) hay không, hay chỉ nói mà không làm, DN không biết bắt đầu từ đâu.
Rõ ràng, Việt Nam để hội nhập sâu rộng hơn nữa vào ‘sân chơi” quốc tế từ đó nâng cao thương hiệu và vị thế của các doanh nghiệp Việt nói riêng và hàng hóa xuất khẩu Việt Nam nói chung cần phải bắt đầu từ đâu trong lộ trình tuần hoàn này.
Ông Mã Thanh Danh nhấn mạnh, một vòng tròn tuần hoàn mà sản phẩm được sử dụng, thu gom, tái sử dụng, tái chế, càng lâu trong vòng tròn này càng tốt, đó chính là kinh tế tuần hoàn.
Chưa kể quá trình này cần phải biết cách giảm sử dụng năng lượng, xoá bỏ những quy trình bất hợp lý làm tiêu hao nhiều nguyên nhiên liệu, ngay khi thiết kế sản phẩm đã phải tính đến vòng đời, cách thu hồi, cách tái chế đơn giản và hiệu quả nhất.
Thực hiện kinh tế tuần hoàn chính là bắt đầu từ nhận thức của ông chủ doanh nghiệp, phải hiểu ngay trước mắt có thể chưa thu được lợi nhuận nhưng lâu dài và uy tín, thương hiệu được thị trường chấp nhận, khả năng cạnh tranh tăng cao so với sản phẩm cùng loại.
Ông Mã Thanh Danh kết luận như một Slogan của công ty mình: “Hiền cùng Thiên nhiên – Lành cùng Tương lai”. Một thực tế rất rõ ràng không phải bàn cãi mà triết lý nhà Phật cũng nói như thế, nghĩ làm sống lành, nghĩ và hướng tới bảo vệ môi trường tất yếu sẽ phát sinh những giải pháp đúng, dễ thực hiện.
Một mô hình được ông Mã Thanh Danh nhắc tới là dự án Phở Xanh (phở Phò Mã) đang mong muốn tập trung để một đầu mối nấu nước cốt phở, các hiệu phở lấy nước cốt này về và gia giảm thêm gia vị “bí mất công nghệ” của riêng từng tiệm phở thì sẽ giảm được nhiên liệu, hệ thống quan trắc sẽ đảm bảo được chất lượng nước nấu phổ ngay từ đầu vào đến đầu ra phải đúng chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. Nếu tập trung từng cụm nấu phở như thế không chỉ tiết kiệm nhiên liệu mà việc phát thải khí CO2 cũng sẽ giảm.
“Trong một sân chơi hướng về nền kinh tế tuần hoàn, về tín chỉ carbon, những doanh nghiệp khi cần sản phẩm của mình, trước đây họ thường đòi hỏi ISO, còn bây giờ họ sẽ cần tìm doanh nghiệp trong chuỗi liên kết thực hiện kinh tế tuần hoàn, đầu vào cũng phải kinh tế tuần hoàn, thì mới có thể thực hiện kinh tế tuần hoàn khép kín.
Vòng tròn khép kín của kinh tế tuần hoàn sẽ giúp doanh nghiệp lớn, đặc biệt DN xuất khẩu sang thị trường EU Go Green hoặc Hitech thì cần kinh tế tuần hoàn để đảm bảo xuất hàng. Và cuối cùng sẽ là câu chuyện của sự thành công và thất bại về kinh tế tuần hoàn của các nước và Việt Nam”, ông Mã Thanh Danh cho biết thêm.
Thúc đẩy thực hành ESG để nền kinh tế phát triển bền vững
Phát triển bền vững với công cụ ESG không còn là lựa chọn có hay không, mà là con đường bắt buộc phải tuân thủ để tồn tại và phát triển. ESG bền vững không phải là xu hướng nhất thời mà chính là mục tiêu cần thiết của các doanh nghiệp Việt.
Chuyên gia Thái Trần khẳng định, thực hành ESG hay Net zero sẽ giúp doanh nghiệp có những lợi thế nhất định. Thứ nhất là khả năng tiếp cận được những nguồn vốn với chi phí vốn thấp hơn so với doanh nghiệp bình thường. Thứ hai là khoản đầu tư bỏ ra hôm nay thường được xem là chi phí sẽ chuyển thành doanh thu, lợi nhuận sau 5-10 năm. Ngược lại, nếu không đầu tư thì chưa tới 5 năm sau sẽ bị ảnh hưởng. Người tiêu dùng sẽ là động lực buộc doanh nghiệp phải thực hành các hành động phát triển bền vững.
Đồng tình với quan điểm này, ông Trần Nguyễn Trọng Nguyên – Giám đốc điều hành Công ty TNHH Tư vấn và Thương mại Kenzen, cho rằng là một thành viên trong xã hội, góp phần xây dựng xã hội tốt đẹp hơn là trách nhiệm và quyền lợi của doanh nghiệp. ESG đã ra đời cùng với bộ nguyên tắc đầu tư trách nhiệm (PRI) để thúc đẩy doanh nghiệp, tổ chức đầu tư phải quan tâm, thực hiện các hoạt động kinh doanh, đầu tư của mình một cách có trách nhiệm với xã hội.
Ông Trần Nguyễn Trọng Nguyên cũng nhấn mạnh: “Thúc đẩy thực hiện ESG sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao vị thế, năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư, giảm rủi ro mà các tác động môi trường, xã hội, quản trị gây ra. Thúc đẩy thực hiện ESG là nhằm hướng tới đạt được mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), góp phần hiện thực hóa xã hội không carbon (NET ZERO).”
ESG (môi trường – xã hội – quản trị) nổi lên như một công cụ để doanh nghiệp hướng đến bền vững và sau đó đạt được mục tiêu net zero. Doanh nghiệp Việt không thực hành tốt ESG hoặc không sớm triển khai thì 3-5 năm tới sẽ bỏ qua rất nhiều cơ hội. Doanh nghiệp thực hiện tốt ESG sẽ góp phần đạt được mục tiêu SDGs, qua đó cải thiện hình ảnh, nâng cao giá trị thương hiệu, thu hút đầu tư.
ESG, tài chính xanh và tín chỉ carbon chính là để để hướng tới Net Zero. Năm 2050, Net Zero trở thành mục tiêu chung và Việt Nam không nằm ngoài nỗ lực đó. Cùng với doanh nghiệp toàn cầu, các doanh nghiệp Việt Nam đang nỗ lực tìm kiếm những giải pháp sáng tạo để giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và đồng thời tạo ra giá trị kinh tế.
Cuộc đua Net Zero không chỉ là một thách thức, mà còn là cơ hội để doanh nghiệp thể hiện cam kết của mình đối với sự phát triển bền vững và hòa nhập vào xu hướng toàn cầu của môi trường kinh doanh xanh.