Vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng chip bán dẫn toàn cầu

Nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam đã và đang tham gia với mức độ khác nhau trong giai đoạn ngành bán dẫn là chuỗi cung rất lớn trên lĩnh vực công nghiệp điện và điện tử. Thách thức, cơ hội và lợi thế của Việt Nam là thực tế khi tham gia chuỗi cung ứng bán dẫn.

Triển vọng của Việt Nam trong ngành công nghiệp bán dẫn

Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp bán dẫn lớn trên thế giới đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội đầu tư, một số doanh nghiệp đã xây dựng cơ sở nghiên cứu và sản xuất chip, Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển mạnh mẽ đề trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng của thị trường công nghệ bán dẫn.

Sau chuyến thăm cấp nhà nước Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden vào tháng 9 năm 2023 tại Việt Nam, hai nước Việt Mỹ nâng cấp lên quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện. Một trong những nội dung hợp tác được thống nhất đẩy mạnh là hợp tác chặt chẽ trong ngành công nghiệp bán dẫn, đặc biệt là trong việc đào tạo nhân sự cho lĩnh vực này.

Nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam đã và đang tham gia vào chuỗi cung ứng chip bán dẫn ở mức độ và quy mô khác nhau trong giai đoạn ngành bán dẫn là chuỗi cung rất lớn trên lĩnh vực công nghiệp điện tử của thế giới.

Ngành công nghệ bán dẫn được chia làm hai mảng chính, bao gồm thiết kế chip và sản xuất chip. Trước đây, cả hai công đoạn này được thực hiện bởi một công ty, như Intel hay Samsung, nhưng hiện nay, được thực hiện bởi nhiều công ty khác nhau như: TSMC, SK Hynix, Micron, Qualcomm và Nvidia. Cho nên, thiết kế chip sẽ ngày càng trở nên quan trọng, trong khi sản xuất chip đang ở giai đoạn trì trệ, nhất là chip dưới 5nm. Nếu Việt Nam tập trung vào thiết kế chip sẽ có lợi thế không nhỏ trong ngành công nghệ chip bán dẫn.

Chủ tịch NVIDIA Jensen Huang lưu bút tại Lễ Khai trương Trung tâm Vi mạch Bán dẫn tại Hà Nội vào ngày 11/12/2023

Hiện nay, Việt Nam tuy chưa có hạ tầng công nghệ, nhưng có nhiều trường đại học, trung tâm nghiên cứu cùng với nhiều quan hệ hợp tác quốc tế để hỗ trợ nghiên cứu và phát triển ngành bán dẫn nên có thể tập trung vào nghiên cứu thiết kế chip. Trong khi đó, để thiết lập một cơ sở chế tạo bán dẫn đúng phẩm chất và đủ quy mô, doanh nghiệp công nghệ cần vốn đầu tư rất cao, vào khoảng 10 tỷ USD. Hơn nữa, các cơ sở này cần cập nhật công nghệ mới sau mỗi chu kỳ vài ba năm, cùng với đòi hỏi phải nâng cấp trang thiết bị và nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ nhân viên kỹ thuật lành nghề.

Trong thời điểm hiện nay, hầu hết việc sản xuất bán dẫn diễn ra tại Đài Loan (Trung Quốc), tiếp theo là Hoa Kỳ và trong tương lai gần là Nhật Bản. Nhiều chuyên gia công nghệ và kinh tế lưu ý rằng, việc sản xuất không nên dừng lại ở các nền kinh tế nêu trên, mà cần được phân bổ sang các quốc gia khác có thể đáp ứng các tiêu chí của chuỗi cung ứng chip và bán dẫn trên thế giới.

Ngoài ra, bên cạnh khâu thiết kế, Việt Nam cũng có thể tham gia khâu đóng gói, kiểm thử và lắp ráp. Trước đây, một số công nghệ đóng gói chip tiên tiến của Intel và Samsung đã được thực hiện tại Việt Nam. Hy vọng với nguồn nhân lực tương đối dồi dào, có trình độ chuyên môn cao và khả năng thu hút vốn đầu tư nước ngoài mạnh mẽ, Việt Nam sẽ là một ứng viên có nhiều triển vọng cho ngành công nghiệp bán dẫn.

Hành động của Việt Nam trong công đoạn thiết kế và đóng gói.

Trong công đoạn thiết kế và đóng gói, tuy là người đến sau, Việt Nam có thể bắt đầu tham gia vào công đoạn đóng gói phần mềm, các ứng dụng trong hoạt động công nghệ sản xuất bán dẫn và lắp ráp thiết bị điện tử đầu cuối. Cho nên, Việt Nam có thể có chỗ đứng trong môi trường cạnh tranh với các quốc gia đi trước trong quy trình sản xuất chip tại Châu Á.

TS. Sadasivan Shankar (GS Đại học Stanford, Hoa Kỳ) – ảnh Vietnamnet

Về nhân lực, theo TS. Sadasivan Shankar (Đại học Stanford, Hoa Kỳ), “Việt Nam hiện có đội ngũ kỹ sư trẻ, tài năng, phát triển rất nhiều phần mềm, rất nhiều ứng dụng. Nhưng những ứng dụng này không phải chỉ dừng lại là ứng dụng để xem phim, nghe nhạc, mà rộng hơn, như phục vụ lĩnh vực y tế. Khi có tình huống khẩn cấp, số đông người dân cần cấp cứu, thì ứng dụng này có khả năng kích hoạt như gọi xe cứu thương phục vụ nhu cầu cứu chữa khẩn cấp. Đó là một ví dụ. Tôi cho rằng, kỹ sư trẻ Việt Nam có điều kiện đóng góp rất lớn cho quá trình này”.

Đồng thời, Việt Nam cần tập trung vào việc sản xuất những vật liệu phục vụ các mô hình máy tính lớn, máy lượng tử. Việc phát triển bán dẫn sau này phụ thuộc vào các mô hình máy tính lớn và những vật liệu mới đáp ứng được nhu cầu của ngành bán dẫn.

Về lâu dài, Việt Nam cần quan tâm là lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất bán dẫn sinh học, hay bán dẫn hữu cơ để hướng tới yếu tố bền vững, để có thể tạo ra những sản phẩm liên quan đến bán dẫn, đảm bảo nền kinh tế phát triển bền vững trong tương lai.

Nguồn nhân lực-lợi thế đi cùng thách thức của Việt Nam

Nguồn nhân lực hiện tại của Việt Nam dù dồi dào và có chuyên môn, nhưng chưa thực sự đáp ứng được tiêu chuẩn của ngành công nghiệp bán dẫn về số lượng cần thiết và phẩm chất chuyên sâu. Hầu hết các nước trên thế giới, ngay cả các cường quốc như Hoa Kỳ, Anh Quốc đều thiếu nguồn nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn. Việt Nam không phải là quốc gia ngoại lệ.

Tuy nhiên trong thời điểm hiện nay, thách thức đối với Việt Nam là không đủ giáo sư, các nhà khoa học có đủ khả năng giảng dạy đầy đủ các phân ngành trong lĩnh vực bán dẫn. Vì vậy, Việt Nam cần có nhiều Viện khoa học, nhiều Trung tâm nghiên cứu, nhiều mối quan hệ hợp tác quốc tế với các tổ chức khoa học và các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu trên thế giới để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này.

Vấn đề cần lưu ý là hiện nay, ở các quốc gia tiên tiến, có khá nhiều giáo sư giảng nhiều phân ngành, từ vật liệu cho đến các mô-đun kết nối, … trong ngành công nghệ vi mạch bán dẫn. Mà ngành bán dẫn rất rộng, không ai có thể dạy tất cả. Để thành lập được một mô hình đào tạo có hiệu quả, chương trình giảng dạy ban đầu rất khó khăn. Nhưng nếu không có bước đi đầu tiên dù gian nan để đào tạo con người, thì nguồn nhân lực tương lai sẽ không có bước đi tiếp theo và bước đi đến tận cùng mang lại hiệu quả.

Vì vậy, Việt Nam nên bắt đầu từng bước xây dựng các chương trình đào tạo bậc đại học, khóa huấn luyện chuyên sâu và nâng cao cấp chuyên gia, đầu tư vào những khóa học trao đổi sinh viên với những cơ sở đào tạo có thế mạnh trong lĩnh vực công nghệ chip bán dẫn.

Những yếu tố giúp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Bên cạnh nguồn nhân lực, yếu tố đầu tiên giúp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu là nguồn tài chính đầu tư cho lĩnh vực bán dẫn và các chính sách phát triển ngành bán dẫn. Đó là điều kiện tiên quyết và cũng là yếu tố quan trọng mà Chính phủ cần phải quan tâm thích đáng.

Khuyến khích đổi mới và sáng tạo bằng nguồn lực tài chính để hỗ trợ các trung tâm nghiên cứu, các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân trong việc đổi mới và sáng tạo công nghệ, chế tạo sản phẩm mới và mở rộng các dịch vụ liên quan đến lĩnh vực chip và bán dẫn.

Sau đó, mối quan hệ hợp tác giữa chính phủ, các doanh nghiệp công nghệ và các tổ chức nghiên cứu là yếu tố cần chú trọng để định hình bước đi và tìm ra giải pháp thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần có các chính sách ưu đãi thực tế cho các doanh nghiệp công nghệ và các chính sách khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức nghiên cứu, các doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu phát triển ngành bán dẫn tại Việt Nam, qua đó, thu hút các công ty đến Việt Nam để sản xuất linh phụ kiện hay thiết bị của ngành bán dẫn.

Một khía cạnh khác, việc tổ chức những hội nghị, hội thảo trao đổi chuyên môn sâu trong lĩnh vực bán dẫn là cơ hội để chuyên gia nước ngoài có thể nắm bắt được những vấn đề bên trong của Việt Nam và đội ngũ nhà khoa học Việt Nam, qua đó, ngành công nghiệp Việt Nam có thể nắm bắt được sự phát triển của lĩnh vực này trên thế giới. Điều đó rất có cho lộ trình phát triển của Việt Nam.

Cuối cùng, yếu tố quan trọng nhất, điều kiện căn bản nhất vẫn là nguồn nhân lực, vì thiếu nguồn nhân lực về số lượng và phẩm chất chuyên môn, thì mọi yếu tố khác nếu có cũng trở thành điều vô nghĩa.

Cơ hội dành cho các doanh nghiệp Việt Nam trong ngành chip bán dẫn.

Ngành công nghiệp bán dẫn đã có trên 60 năm tuổi đời, doanh nghiệp Việt Nam đi sau trong lĩnh vực này nên không thể có một vị thế như những doanh nghiệp đã đi trước trên thế giới.

Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam nên khởi động ngay tức thời với các chương trình không cần quá nhiều vốn đầu tư, mở rộng hợp tác chiến lược với các công ty, tổ chức nghiên cứu, trường đại học trong nước và các nước mạnh trong ngành bán dẫn.

Điều quan trọng là Việt Nam cần có một lộ trình tổng thể cấp quốc gia mà chính phủ là nhạc trưởng. Khi có một lộ trình rõ ràng, hợp lý và trên cơ sở lộ trình đó, các bên quan tâm hợp tác, các công ty trong và ngoài nước sẽ biết được dự kiến, định hướng chung của Việt Nam sẽ đồng hành cùng nhau lĩnh vực này.

Chip thương mại đầu tiên của Việt Nam do ICDREC thiết kế. Ảnh: ICDREC.

Ở Đông Nam Á, Singapore là quốc gia đã có những bước đi ban đầu tuần tự, hợp lý trong giai đoạn đầu phát triển ngành công nghiệp bán dẫn là tìm cách hợp tác với các quốc gia như Mỹ và nước Châu Âu. Việt Nam với cách tiếp cận tương tự, có thể tìm kiếm và mở rộng cơ hội hợp tác, liên kết với các quốc gia khác như Mỹ, Anh, Singapore, … Hơn nữa, Việt Nam không chỉ dừng lại ở một công ty hay một quốc gia, mà cần hợp tác với nhiều công ty của nhiều quốc gia trên thế giới. Trong đó, Anh quốc cũng muốn tham gia vào ngành bán dẫn, nên Việt Nam có thể sẵn sàng mở rộng hợp tác.

Chiến lược Phát triển công nghệ bán dẫn của Việt Nam.

Việt Nam chậm chân so với các quốc gia khác trong lĩnh vực chip bán dẫn nên về chiến lược cần tạo điều kiện thuận lợi về tài chính, chính sách cho các tổ chức nghiên cứu, các doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu và phát triển.

Trong lĩnh vực này, vào ngày 23/12/2022, Samsung đã khánh thành trung tâm R&D mới tại TP Hà Nội. Trung tâm R&D không chỉ là trung tâm nghiên cứu hàng đầu ở Đông Nam Á, mà còn là một trong những trung tâm nghiên cứu lớn nhất thế giới với hai nhiệm vụ chính là mở rộng lĩnh vực nghiên cứu và nâng cao trình độ chuyên môn, góp phần đặt nền móng cho nhân tài công nghệ Việt Nam và phát triển công nghiệp bán dẫn.

Mối quan hệ hợp tác mang tính chiến lược giữa chính phủ, các doanh nghiệp công nghệ và các tổ chức nghiên cứu là yếu tố cần quan tâm đúng mức để định hình giải pháp thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn.

Trong chuyến thăm Hoa Kỳ vào tháng 9 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, NIC đã có những ký kết hợp tác quan trọng với các đối tác Hoa Kỳ như Cadence, Đại học bang Arizona, Synopsys để phát triển các trung tâm đào tạo, nghiên cứu, thiết kế và phát triển sản phẩm vi mạch bán dẫn. Đến nay, Hoa Kỳ đã cam kết hỗ trợ 2 triệu USD cho phát triển lực lượng lao động bán dẫn, xây dựng các phòng thí nghiệm giảng dạy, thực hành liên quan quy trình nghiên cứu, chế tạo, lắp ráp, kiểm thử và đóng gói chip bán dẫn.

TTg. Phạm Minh Chính tới thăm và làm việc với Tập đoàn Synopsys – Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đầu tư vào đào tạo và phát triển nguồn nhân lực bắt đầu từ giáo dục, sau đó, đào tạo chuyên ngành liên quan đến công nghệ chip để cung cấp lực lượng lao động cao cho ngành công nghiệp. Muốn có một nền tảng bán dẫn tốt, phải xây dựng nguồn nhân lực ngay từ nền móng, Chính phủ cần có chính sách khuyến khích các trường đại học mở các khóa học đào tạo về lĩnh vực này để cung ứng nguồn nhân lực bán dẫn, đồng thời, cử nhân lực có trình độ khoa học – kỹ thuật cao đào tạo tại các nước phát triển về lĩnh vực này.

Việt Nam rất quan tâm lĩnh vực đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Điển hình là sự kiện khóa đào tạo chuyên sâu về Thiết kế vi mạch (Digital Design – Custom IC Training) dành cho giảng viên các trường Đại học khu vực Hà Nội và kỹ sư tại các công ty công nghệ được khai giảng ngày 11/12/2023, tại Khu Công Nghệ Cao Hòa Lạc, do Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Công ty Cổ phần Giáo dục Quốc tế SUN EDU tổ chức.

Khóa đào tạo chuyên sâu về thiết kế vi mạch tập trung vào việc hướng dẫn và huấn luyện kỹ thuật Digital Design trên phần mềm thiết kế vi mạch Innovus nổi tiếng của Cadence, nhằm tạo cơ hội cho các giảng viên và kỹ sư nắm vững, ứng dụng kiến thức hiện đại vào công tác giảng dạy và nghiên cứu. Chính phủ cũng cần có những chính sách khuyến khích các trường đại học mở các khóa học đào tạo về lĩnh vực này để cung ứng nguồn nhân lực bán dẫn.

Khuyến khích đổi mới và sáng tạo là phần quan trọng mang tính chiến lược trong ngành công nghiệp bán dẫn. Chính phủ Việt Nam đã có chính sách cụ thể khuyến khích đổi mới và sáng tạo. Vào ngày 14/02/2024, theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 177/QĐ-TTg thành lập Hội đồng Quốc gia về Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo.

Hội đồng có chức năng giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết các vấn đề quan trọng, liên ngành trong việc xây dựng, tổ chức thực hiện chủ trương, chiến lược, cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên phạm vi cả nước.

Việt Nam trong chiến lược phát triển, cần xây dựng và phát triển hệ thống cung ứng và hỗ trợ đa dạng để đảm bảo nguồn cung đầy đủ, ổn định và đáng tin cậy cho ngành công nghiệp bán dẫn. Hiện nay, Việt Nam được đánh giá có nhiều tiềm năng tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, bảo đảm sự tiếp cận có kiểm soát đối với ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn nếu có những cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút đầu tư từ các quốc gia có ngành công nghiệp bán dẫn phát triển và nâng cao năng lực công nghệ trong nước.

Thế nhưng, Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn tham gia vào lĩnh vực thử nghiệm, đóng gói và lắp ráp, có tỷ suất lợi nhuận thấp của ngành công nghiệp bán dẫn. Điều này có thể hạn chế khả năng gia nhập chuỗi giá trị để tham gia lĩnh vực thiết kế và sản xuất chất bán dẫn, lĩnh vực đòi hỏi cơ sở hạ tầng sản xuất và lao động chuyên môn hóa. Do đó, Chính phủ Việt Nam cần mở rộng hợp tác với các tập đoàn hàng đầu, như Intel, Samsung, TSMC, SK Hynix, Micron, Qualcomm và Nvidia để qua đó, tăng giá trị của mình trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ông (Jensen Huang) Hoàng Nhân Huân, CEO tập đoàn đa quốc gia Nvidia trong chuyến thăm Việt Nam, tháng 12/2023

Việt Nam đang tăng cường quan hệ quốc tế và mở rộng hợp tác với các quốc gia khác để chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và nguồn lực, trong đó, phát triển quan hệ hợp tác trên lĩnh vực nghiên cứu và phát triển công nghệ bán dẫn. Thời gian qua, Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Mỹ cùng nhiều doanh nghiệp công nghệ đã đến Việt Nam tìm hiểu môi trường đầu tư sản xuất chip và chất bán dẫn.

Tập đoàn VinaCapital cũng vừa tổ chức hội nghị các nhà đầu tư vào năm 2023 với sự tham dự của hơn 150 nhà đầu tư quốc tế. Tại hội nghị này, các nhà đầu tư quan tâm nhiều về lĩnh vực phát triển công nghệ cao, nhất là công nghệ chip bán dẫn. Và gần đây, các nhà nhà sản xuất và cung cấp chip của Hà Lan ASML đang tìm kiếm cơ hội đầu tư, mở rộng hoạt động kinh doanh sang khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Như vậy, với tiềm năng về nhân lực, cùng với cơ sở vật chất của các cơ sở giáo duc-đào tạo, cơ hội dịch chuyển chuổi cung ứng toàn cầu, cùng với chính sách khuyến khích đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ, Việt Nam có thể vượt qua thử thách ban đầu, đạt đến mức phát triển ngành công nghiệp bán dẫn trong tương lai không xa.