Gần đây, trên mạng xã hội có một văn bản rất hay, nói rõ việc những người viết lách hiện nay dùng một số từ sai so với nghĩa của từ đó trong một tổ hợp ngôn ngữ hay cách thức diễn đạt một vấn đề. Có một bản của bạn TÂM HIỀN sưu tầm khá dài và NGƯỜI NƯỚC HUỆ (tức Trần Đức Anh Sơn) đã hiệu chỉnh và được đưa lên mạng thu hút rất nhiều người quan tâm bình luận.
Theo đó, các quan điểm của mọi người là nên khảo sát cụ thể để lúc viết lách dùng từ cho chính xác hơn. Và, như tham vọng của những người sưu tầm, hiệu chỉnh đưa lên, đó là có thể hữu ích cho mấy người làm nghề viết lách.
- Sai vì không hiểu nghĩa gốc Hán – Việt
* CHUNG CƯ: Từ kép này được thành lập theo văn phạm Hán – Việt vì tính từ đứng trước danh từ cho nên cả 2 từ phải đều là Hán – Việt. Thế mà từ chung Hán – Việt không có nghĩa là chung chạ mà có nghĩa là cuối cùng. Vậy chung cư (終居) không phải là “nơi nhiều người ở chung” mà là “nơi ở cuối cùng”, tức là mồ chôn hay nghĩa địa. Vậy phải đổi từ “chung cư” thành “chúng cư” (衆居) thì mới ổn.
* KHẢ NĂNG: “Khả năng” (可 能) là năng lực của con người, có thể làm được việc gì đó. Thế mà người ta đã viết và nói những câu đại loại thế này: “Hôm nay, khả năng trời không mưa”, “khả năng con bò này sẽ chết vì bị bệnh”… Nghe thực là kỳ cục và đáng xấu hổ. Tôi cho rằng, người ta đã nhầm lẫn giữa hai từ “khả năng” (可 能: capacité, capable) với “khả dĩ” (可 以 (possibilité, possible). Nhưng thôi, chúng ta nên dùng từ thuần Việt là “có thể”, đúng và dễ hiểu, còn từ “khả năng” chỉ nên dùng để nói về năng lực con người mà thôi.
* QUÁ TRÌNH: “Quá” (過) là “đã qua”, “trình” (程) là “đoạn đường”. “Quá trình” là “đoạn đường đã đi qua”. Nói thế này là đúng: “Quá trình thực hiện công việc đã gặp nhiều trở ngại”. Nhưng tôi lại thấy trong sách báo có câu đại loại thế này: “Quá trình thực hiện công tác sắp tới của tôi là sẽ rất thuận lợi”. Thực là sai lắm rồi. Trong trường hợp này, phải dùng chữ “tiến trình”, đúng cho cả 3 thì quá khứ, hiện tại và tương lai.
* HUYỀN THOẠI: Người viết, kể cả những người có bằng cấp cao, không chịu học tiếng Hán, mà lại thích dùng tiếng Hán để tỏ ra “ta đây” nên nhiều tiếng được dùng sai nghĩa một cách thực buồn cười. Thí dụ, tôi rất thường nghe đài truyền hình, truyền thanh và báo chí nói “huyền thoại Pélé” “huyền thoại Maradona”… Người có học nghe thực chướng tai, nhưng người nói chẳng ngượng miệng chút nào. Tại sao nghe chướng tai? “huyền” (玄) là “màu đen”, nghĩa bóng là “sâu xa, mờ ảo, không có thực”; “thoại” (話) là “câu chuyện”. Vậy “huyền thoại” là “câu chuyện mờ mờ ảo ảo, không có thực, do truyền miệng mà ra”. Thí dụ: chuyện bà Âu Cơ đẻ ra trăm trứng, chuyện ông Thánh Gióng cỡi ngựa sắt đi đánh giặc Ân là những huyền thoại. Đằng này, ông Maradona, ông Pélé có thiệt 100% sao gọi là “huyền”. Và 2 cầu thủ đó là con người sao gọi là “thoại” được. Nếu muốn dùng chữ “huyền thoại” để đề cao 2 cầu thủ đó thì phải nói thế này: “Cái tài của 2 ông này tưởng như chỉ có trong huyền thoại”. Ông bà mình thường nói: “Dốt thì hay nói chữ”, có đúng trong trường hợp này hay không?
* HÔN PHU, HÔN THÊ: “Hôn” là “cưới”, “phu” là “chồng”, “thê” là “vợ”. Trong chữ “phu” và chữ “thê” đã có nghĩa của chữ “hôn” rồi cho nên gọi “hôn phu” và “hôn thê” là để chỉ người chồng. người vợ là phi lý. Gọi “hôn lễ” (lễ cưới), “hôn phối” (lấy nhau) thì được. Còn nói “hôn phu”, “hôn thê” thì có thể hiểu (昬夫), (昬妻) là “người chồng u mê”, “người vợ u mê” cũng như nói “hôn quân” (昬君) là “nhà vua u mê” vậy.
- Sai vì cố ý sửa nghĩa gốc Hán – Việt
* ĐỘC LẬP: “Độc” (獨) là “riêng một mình”, “lập” (立) là “đứng”. Vậy theo nghĩa gốc Hán – Việt, “độc lập” là “đứng riêng rẽ một mình, không đứng chung với ai cả”. Rõ ràng từ này là sai nếu dùng để diễn tả tình trạng của một quốc gia không lệ thuộc nước khác. Ngày nay, các quốc gia như thế đâu có đứng riêng một mình mà đều có liên hệ với nhau trong các tổ chức quốc tế. Tôi thấy cụ Trần Trọng Kim, cụ Dương Quảng Hàm dùng từ “tự chủ” để thay thế từ “độc lập”. Như thế là rất hay. Có người bảo với tôi rằng từ “độc lập” là do ông Tôn Dật Tiên đặt ra nên không thể bỏ được. Tại sao vậy? Ông Tôn Dật Tiên thì liên quan đến ngôn ngữ của Tàu chứ có liên quan gì đến ngôn ngữ Việt Nam. Tàu dùng sai thì chúng ta đâu có buộc phải theo cái sai của họ.
* PHONG KIẾN: “Phong kiến” (封建) gồm 2 chữ “phong tước” (封爵: ban quan tước) và “kiến địa” (建地: ban đất để dựng nước). “Phong kiến” chỉ chế độ hoàng đế phong tước cho người có công và cấp cho một vùng đất rộng để thành lập quốc gia, với quân đội, luật lệ và chế độ thuế má riêng biệt. Chế độ này hiện hữu ở đời nhà Chu bên Tàu với nước của thiên tử và nước của các chư hầu; từ nhà Tần trở đi thì chế độ phong kiến bị bị bãi bỏ và được thay bằng chế độ trung ương tập quyền. Chế độ phong kiến cũng tồn tại ở vài nước Âu châu như Pháp, chỉ vào thời Trung cổ mà thôi. Ở Việt Nam không bao giờ có CHẾ ĐỘ PHONG KIẾN (féodalité) mà chỉ có chế độ QUÂN CHỦ CHUYÊN CHẾ (royalisme absolu) mà thôi. Gọi chế độ quân chủ ở Việt Nam bằng từ “phong kiến” là chưa ổn. Có tài liệu còn bảo rằng sự cúng tế đình chùa là tàn tích của phong kiến thì càng sai hơn nữa.
* TIÊU CỰC, TÍCH CỰC: Hiện nay, người ta gán vào hai từ “tiêu cực” (消極), “tích cực” (積極) này ý nghĩa tốt xấu hết sức rõ rệt. Hành động nào tốt thì được gọi là “tích cực”; trái lại, hành động xấu thì gọi là “tiêu cực”. Thực ra, suy từ nghĩa gốc Hán – Việt thì sự gán ép như thế là sai. “Tích cực”, “tiêu cực” tự nó không có sẵn tính chất tốt hay xấu mà chỉ ấn định cường độ của hành động mà thôi. Thí dụ, trong một đoàn đi làm việc phước thiện thì ai “tích cực” là tốt và ai “tiêu cực” là không tốt. Nhưng trong một bọn côn đồ tổ chức đi ăn cướp thì đứa nào “tích cực” lại là đứa xấu nhất. Trong truyện Tam quốc của Tàu, Từ Thứ, mưu sĩ của Lưu Bị bắt buộc phải về phục vụ dưới trướng của kẻ thù là Tào Tháo. Từ Thứ đã giữ thái độ “tiêu cực” nghĩa là không hiến mưu kế gì cho Tào Tháo. Thái độ “tiêu cực” này của Từ Thứ, từ cổ chí kim luôn luôn được khen ngợi; vậy “tiêu cực” có xấu đâu.
- Sai vì không phân biệt được tiếng Hán – Việt với tiếng thuần Việt (tiếng Nôm)
* QUỐC GIỖ: Tôi có đọc được câu này: “Ngày giỗ tổ Hùng vương là ngày quốc giỗ”. Nói như vậy là sai. “Giỗ” là tiếng Nôm chứ không phải là tiếng Hán – Việt nên không thể đặt sau tiếng “quốc” được. Hãy bỏ tiếng ngày “quốc giỗ’ mà dùng tiếng thuần Việt là “ngày giỗ cả nước”, vừa đúng, lại vừa dễ hiểu. Nơi tiếng Hán, ngày giỗ là “kỵ nhật” (忌). Ở một vài tỉnh của Trung Việt, người ta gọi ngày giỗ là ngày kỵ. Ta nên dứt khoát chỉ dùng từ Nôm là ngày giỗ để cho thống nhất toàn quốc.
* GÓA PHỤ: Tôi đã gặp vài lần chữ “góa phụ” trong sách vở báo chí để chỉ người đàn bà có chồng đã chết. Gọi như thế là sai vì tính từ “góa” là tiếng Nôm, không thể đặt trước danh từ “phụ” được. Phải gọi người “đàn bà góa” (toàn Nôm) hay người “quả phụ” (toàn Hán – Việt) thì mới đúng.
* ĐỆ NHẤT THÁC: Ở ngõ đi vào của một địa điểm du lịch, có hàng chữ to tướng dùng để quảng cáo “Nơi đây có đệ nhất thác”. Viết như thế là sai. Đặt 2 chữ “đệ nhất” (tiếng thêm nghĩa) trước chữ “thác” (tiếng chính), là theo văn phạm Hán – Việt thì cả hai chữ đều phải là tiếng Hán – Việt mới được. Ở đây, tiếng thác là thuần Nôm, thế là bậy rồi. Không có tiếng Hán – Việt nào có nghĩa “thác nước”. “Thác” theo tiếng Hán là “bộc bố” (瀑 布), nhưng đó lại là tiếng Hán thuần túy nghĩa là chưa được Việt hóa thành tiếng Hán – Việt nên chưa thể dùng được. Trong trường hợp này, nên viết “Nơi đây có thác đẹp nhất”, vừa đúng, vừa dễ hiểu lại vừa hấp dẫn khách du lịch.
- Sai vì không phân biệt được văn phạm Hán – Việt với văn phạm Nôm
* X QUANG: Mỗi lần có chuyện phải vào bệnh viện là tôi rất khó chịu khi nhìn thấy cái bảng “Phòng X quang”. Tôi khó chịu vì cái chữ X quang này phạm đến 2 lỗi. Một là lỗi về ngữ pháp và một lỗi về kiến thức khoa học. Về ngữ pháp, “quang” là tiếng chính, “X” là tiếng bổ nghĩa. Đặt tiếng bổ nghĩa trước tiếng chính thì đích thị sử dụng văn phạm Hán – Việt rồi. Mà muốn dùng lối văn phạm này thì cả 2 chữ đều phải là tiếng Hán – Việt. Ở đây “X” là một mẫu tự Latin thì sai quá đi rồi. Về khoa học, “quang’ (光) có nghĩa là “sáng”, ở đây chỉ tia sáng. Tia sáng là tia kích thích được tế bào thị giác để tạo ra ấn tượng sáng. Trong chuỗi sóng điện từ, các tia này chỉ chiếm một khoảng rất nhỏ bé với độ dài sóng từ 400 nano mét đến gần 800 nano mét mà thôi. Trong khi đó, tia X (với độ dài sóng từ 0.1 đến 10 nano mét) cách tia sáng khá xa, không kích thích được tế bào thị giác thì chắc chắn không phải là tia sáng rồi. Cho nên dùng chữ QUANG cho tia X là sai be bét về vật lý sơ đẳng của lớp 12 trung học. Tôi chẳng hiểu ông “đại giáo sư tiến sĩ” nào đã bày ra cái tên “X QUANG” đó. Tại sao không dùng chữ “TIA X” như ở miền Nam trước đây, vừa hay, vừa đúng, vừa đại chúng, vừa thuần túy Việt Nam. Không lẽ người ta muốn dùng chữ “X QUANG” để chứng tỏ ta đây biết “nói chữ” hay sao?
* BÊ TÔNG HÓA: “Bê tông” là từ phụ, “hóa” là từ chính. Đây cũng là văn phạm Hán – Việt. Để thành lập từ kép thì cả 2 từ đơn đều phải tiếng Hán – Việt. Ở đây “bê tông” lại là tiếng Pháp (béton) phiên âm ra, do đó nói “bê tông hóa” là sai. Ngoài ra, nghĩa cũng sai vì từ “bê tông hóa” được dùng phải được hiểu là con đường đã được biến hóa thành một khối bê tông. Vì vậy, không nên nói “bê tông hóa” mà nói một cách bình thường: “tráng bê tông con đường”, vừa đúng lại vừa dễ hiểu. Còn một lô HÓA rất bậy bạ trong sách vở báo chí, trong chương trình truyền thanh, truyền hình như: “nghèo hóa”, “giàu hóa”, “no hóa”, “đói hóa”, “khôn hóa”, “dại hóa”, “xã hội hóa”,… Việt Nam có hơn 24.000 tiến sĩ, số lượng nhất nhì thế giới, trong đó có ngôn ngữ học và nhiều hàm giáo sư, phó giáo sư không biết họ đang làm việc gì? Rất nhiều công trình khoa học cải cách tiếng Việt quá tốn kém thời gian và tiền bạc của mọi người nhưng tội nghiệp cho ngôn ngữ Việt Nam!
* NỮ NHÀ BÁO: Tôi còn nhớ, trong chiến tranh Iraq, sau khi lính Mỹ bắn nhầm nhân viên tình báo của Ý bảo vệ người nữ phóng viên vừa được bọn bắt cóc trả tự do, các đài truyền hình ở Việt Nam loan tin nhiều lần và nhắc đi nhắc lại nhóm từ nữ nhà báo. Thực là quá tệ! Nhà báo là tiếng Nôm nên phải dùng văn phạm xuôi và phải nói “nhà báo nữ” Còn muốn dùng văn phạm ngược thì phải dùng 3 từ Hán – Việt: “nữ phóng viên” hay “nữ ký giả”. Ban biên tập các đài truyền hình không biết điều này sao?
* TRIỀU CƯỜNG: Từ lâu rồi, tôi thấy xuất hiện rất thường xuyên hai từ “triều cường” khi người ta nói đến thủy triều trên sông… Hai chữ này có thể thay đổi vị trí trước sau và có hai ý nghĩa khác nhau. “Cường triều” (強 潮) gồm tính từ đứng trước danh từ thì tương đương với một danh từ và có nghĩa là “con nước lớn” (haute marée). “Triều cường” (潮 強) thì lại là một mệnh đề gồm một danh từ “triều” và một động từ “cường” và có nghĩa là “con nước đang lớn lên” (la marée monte). Lúc nào cũng dùng chữ “triều cường” thì có thể sai hơn phân nửa trường hợp rồi. Nhưng tại sao không nói “con nước lớn” (danh từ) và “con nước đang lên’ (mệnh đề) vừa đúng lại vừa phù hợp với trình độ và thói quen của đại chúng.
* HẠT NHÂN: Đây là từ vật lý học chỉ các hiện tượng xảy ra bên trong cái lõi hay cái nhân của nguyên tử. Miền Nam trước đây gọi là “hạch tâm”. “Hạch” (核) là “cái hạt”, “tâm” (心) là “cái lõi hay cái nhân bên trong”. “Hạch tâm” là “cái nhân của hạt”. Đó là từ ghép theo văn phạm Hán – Việt vì cả 2 từ đều là Hán – Việt. Bây giờ người ta chuyển sang dùng 2 từ Nôm thì phải theo văn phạm Nôm và phải gọi là “nhân của hạt” hay “nhân hạt”, cũng như bên ngoài gọi “vỏ hạt” chứ không thể gọi là “hạt vỏ” được. Gọi “phản ứng hạt nhân”, là sai với văn phạm rồi. Cần phải sửa lại: “phản ứng nhân hạt mới đúng”. Tuy nhiên, theo tôi, nên giữ từ phản ứng “hạch tâm” thì hay hơn nhiều. Từ này không phải là từ của giới bình dân nên cứ giữ tiếng Hán – Việt, không cần chuyển sang tiếng Nôm.
* TẶC: Từ Hán – Việt này đang được dùng một cách rất bậy bạ và rất thường xuyên như bọn: tôm tặc, vàng tặc, cà phê tặc, cát tặc, cẩu tặc, tin tặc… để chỉ những tên ăn trộm. Dùng như thế là phạm vào 2 điều sai. Thứ nhất là sai về ngữ pháp: một từ đơn thuần Việt không thể ghép với một từ đơn Hán – Việt để thành một từ kép. Thứ hai là sai về nghĩa: “tặc” (賊) có nghĩa là “ăn cướp”; “đạo” (盜) mới có nghĩa là “ăn trộm”, thí dụ “đạo văn” (盜文) là “ăn trộm văn của người khác”. Tại sao người ta không nói một cách giản dị và đúng là: bọn trộm tôm, trộm vàng, trộm cà phê, trộm cát, trộm chó, trộm tin… Cũng cần nói thêm về một từ đang được nhiều báo đem dùng. Đó là từ “đinh tặc” để chỉ bọn rải đinh trên đường phố. “Đinh” là một từ có gốc Hán – Việt (釘) nhưng đã được Việt hóa hoàn toàn rồi nên ghép với từ “tặc” thì không ổn. Vả lại, nói “đinh tặc” là sai nghĩa vì từ đó có nghĩa là “bọn ăn cướp đinh”; thôi bỏ từ đó đi và nên nói một cách giản dị là “bọn rải đinh” thì hơn.
Còn vô số những từ sai khác cùng nguyên nhân trên đây như:
– “Lớp trưởng”, phải sửa lại “trưởng lớp”
– “Nhóm trưởng, phải sửa là “trưởng nhóm”
– “Siêu rẻ”, phải sửa lại “rất rẻ”
– “Siêu bền”, phải sửa lại “rất bền”
– “Vi sóng”, phải sửa lại “vi ba hay “sóng ngắn”
– Vân vân…
- Dùng từ vô nghĩa
* Bệnh viện DA LIỄU: Lần đầu tiên, thấy bảng chữ này, thú thật tôi không hiểu là cái gì. Sau hỏi người bạn bác sĩ mới biết đó là “nhà thương chữa bịnh ngoài da và bệnh hoa liễu”. Trời đất! “Da” là từ thuần Việt. “Hoa liễu” là từ Hán – Việt, sao lại nhập chung một cách kỳ cục như thế. Xét về nguồn gốc, chữ Hán “hoa liễu” (花柳) có nghĩa là “ổ điếm’ chứ không phải là một bịnh. Về sau, người ta dùng nhóm từ kép “bịnh hoa liễu” để chỉ cái bịnh lây qua đường tình dục cho những người hay lui tới các “hoa liễu”. Dùng riêng chữ “hoa liễu” cho một bịnh đã là sai rồi. Bỏ luôn chữ “hoa”, chỉ còn chữ “liễu” thôi thì càng tệ hơn nữa. Riêng chữ “liễu” 柳 thì có nghĩa là “cây liễu”. “Bệnh viện da liễu” tức là “bệnh viện chuyên chữa cho bịnh ở da của cây liễu” !!!
* ĐẠI TRÀ: Tôi nhớ sau năm 1975, một người bạn dạy sử địa kể rằng, lần đầu tiên đọc sách giáo khoa từ miền Bắc đưa vào gặp câu: “Cây chè được trồng đại trà ở vùng này”. Anh ta hơi hoảng vì dạy sử địa bao năm mà bây giờ không hiểu “đại trà” là gì. “Đại” là “lớn”, còn “trà” là gì? Anh về lật nhiều tự điển kể cả tự điển Hán – Việt ra tra thì chẳng thấy chữ “đại trà” ở đâu cả. Hỏi thăm mãi anh mới rõ “trồng đại trà” là “trồng rộng rãi khắp nơi”. Có lẽ ai đó có vai vế đã không biết nhưng tự kiêu nổi hứng bịa ra từ vô nghĩa để thay thế từ dễ hiểu và có sẵn gọi là “đổi mới” rồi những người khác bắt chước theo hiệu ứng bầy đàn rất tai hại, một việc sai nhưng nhiều người làm có thể trở thành đúng, một hành động đúng nhưng ít người làm có thể trở thành sai. Ngôn ngữ mà biến chuyển lung tung như thế thì cũng thật đáng buồn.
* SỰ CỐ: Lại một từ vô nghĩa nữa nhưng đang được dùng một cách rộng rãi để chỉ một sự rắc rối vừa mới xảy ra. Trong tiếng tiếng Hán – Việt có từ kép “cố sự” (故事) có nghĩa là “chuyện cũ”, chứ làm gì có từ “sự cố”. Cái nghĩa mà hiện nay người ta gán cho từ vô nghĩa đó thực là lạ lùng, không thể chấp nhận được.
* HOÀN CẢNH: Trong một bài báo, người ta viết: “Cô ấy sống hoàn cảnh lắm”. Đố các bạn biết người ta muốn nói gì? Xin thưa, muốn nói “Cô ấy đang sống trong hoàn cảnh bi thảm”!!! Các bạn có chịu nổi với cách viết văn như thế đó không?
* ĐÔI CÔNG: Kể từ giải túc cầu thế giới tại Nam Phi, đài truyền hình ở Việt Nam bịa ra một từ mới, đó là từ “đôi công” và rất thường được lặp đi lặp lại. Theo dõi nhiều trận, tôi mới hiểu ý của các ông trời đó muốn nói: 2 đội chơi “đôi công” nghĩa là cả 2 đội đều chơi tấn công. “Đôi” là “một cặp” (tiếng Nôm), “công” là “tấn công” (tiếng Hán – Việt). Vậy “đôi công” là một từ bậy bạ do người kém hiểu biết bịa ra mà hiệu quả rõ ràng là làm xấu đi ngôn ngữ của dân tộc mình. Có người nghĩ rằng, cứ bịa ra những từ mới, những phương pháp mới là làm giàu cho ngôn ngữ. Quan niệm như thế thì trời cũng phải sợ; muốn làm giàu vật chất thì nên kiếm được thực sự nhiều tiền chứ không phải cứ nhét vào tủ các thứ giấy tờ bậy bạ; muốn làm giàu cho ngôn ngữ, tiếng nói và chữ viết phải trong sáng rõ nghĩa và khoa học chứ không phải nhân danh tiến sĩ, giáo sư đua nhau cải tiến, cải cách nhảm nhí bịa ra chữ nghĩa bậy bạ rối loạn thêm. Thích làm sang mà không học chỉ ăn theo nói leo, nhầm lẫn các từ Hán – Việt và bóp méo cấu trúc Tiếng Việt mà gọi là làm giàu ngôn ngữ sao được.
* XÂY DỰNG: “Anh Hai tôi quyết định xây dựng với người yêu của mình”. Các bạn đừng tưởng rằng 2 người quyết định đi xây nhà để ở nhé. Không, 2 người quyết định làm đám cưới đó. Viết văn như thế thì hết chỗ để phê bình rồi.
- Dùng sai nghĩa từ thuần Việt
* NGƯỠNG: Người ít học cũng biết “ngưỡng” là một giới hạn rất xác định, một gạch ngang rõ nét, và bước qua vạch ngang đó thì mọi việc sẽ thay đổi một cách căn bản. Thí dụ, “ngưỡng cửa” là một đường ngang, bên trong là phòng, bên ngoài là sân hay mái hiên chứ không còn là phòng nữa. Một thí dụ khác: khi lượng glucose trong máu tăng lên và vượt qua ngưỡng 1% thì đường thoát ra ngoài theo nước tiểu, còn dưới cái ngưỡng đó thì không hề gì. “Ngưỡng” có nghĩa rõ ràng như thế và học sinh nào cũng biết. Thế mà mỗi đêm, trong mục dự báo thời tiết, xướng ngôn viên cứ lải nhải: “nhiệt độ đạt ngưỡng từ 32 độ đến 35 độ”. Nghe chịu hết nổi. Tôi không trách người xướng ngôn vì bản tin không phải do người xướng ngôn viết mà do các đấng đại trí thức trong ban biên tập viết nên.
* KIÊU NGẠO: Có người nhờ tôi giải thích một câu nói trong sách báo nào đó: “Thằng A hay kiêu ngạo người khác”. Tôi không giải thích được vì không rõ câu này có nghĩa: “thằng A thường tỏ ra kiêu căng với người khác”, hay là “thằng A thường chế nhạo người khác”. Chắc chắn cả 2 cách giải thích đều không ổn vì dùng từ “kiêu ngạo” như thế là sai rồi thì không thể có cách nào giải thích câu nói cho đúng được.
* TRAO ĐỔI: Từ này có nghĩa là “đưa qua đưa lại các vật với nhau”. Ngày nay người ta lại dùng từ này một cách sai lầm để thay thế cho từ bàn bạc hay thảo luận. Thí dụ: “Để thực hiện chỉ thị, tôi đã trao đổi với đồng chí chủ tịch”.
- Dùng từ thiếu chính xác
* CHẤT LƯỢNG. “Chất” (質) là “cái khối chứa bên trong một vật” (matière,) “lượng” (量) là “tính chất của cái gì có thể cân đo đếm được” (quantité). Vậy “chất lượng” hay “khối lượng” là cái chất bên trong của một vật có thể đo lường được (masse). Thí dụ: “khối lượng hay chất lượng của một vật là 1 kilo gramme”. Thế mà ngày nay người ta dùng từ “chất lượng” để chỉ cái tính tốt, xấu của một vật, không thể đo đếm được (qualité). Thí dụ: “Chất lượng của nước giải khát này kém lắm, uống không ngon mà còn có hại cho sức khỏe nữa”.
* CẢM GIÁC: “Cảm giác” (感覺) là sự nhận biết của cơ thể do ngoại giới tác động vào các giác quan của cơ thể. Thí dụ: “Gió về khuya gây cảm giác lạnh. Tiếng đàn gây cảm giác êm đềm”. Ngày nay, người ta thường dùng từ “cảm giác” thay cho từ “cảm nghĩ”. Thí dụ: “Với tình hình này, anh có cảm giác thế nào?”. Thực là sai một cách trầm trọng.
* THỐNG NHẤT: “Thống nhất” (統一) là “làm biến mất tình trạng chia rẽ