Cơ hội nào cho Việt Nam trong cuộc đua sản xuất chip bán dẫn toàn cầu

Ngày 22/9, Hội công nghệ vi mạch bán dẫn TP.HCM (HSIA) đã phối hợp cùng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM tổ chức Hội thảo “Thực trạng và giải pháp trong đào tạo nhân lực và nghiên cứu triển khai lĩnh vực Vi mạch bán dẫn Việt Nam tầm nhìn 2045”.

Hội thảo được thực hiện bởi Hội công nghệ vi mạch bán dẫn TP.HCM (HSIA) đã phối hợp cùng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM cùng các đơn vị phối hợp: Hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam, Tập đoàn TTC và Công ty Synopsys Việt Nam.

Tham dự hội thảo có sự góp mặt của: Giáo sư Tiến sĩ Đặng Lương Mô – Chủ tịch Danh dự Hội Công nghệ Vi mạch bán dẫn TP.HCM, Thạc sĩ Nguyễn Anh Tuấn – Chủ tịch Hội Công nghệ Vi mạch bán dẫn TPHCM , Phó Giáo sư – Tiến sĩ Trần Lê Quan – Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học tự nhiên TPHCM, Ông Nguyễn Phúc Vinh – Giám đốc kỹ thuật Synopsys Việt Nam, ông Trần Long – Trưởng VPĐD phía Nam/ Trung ương Hội Phát triển hợp tác Kinh tế Việt Nam ASEAN +3,… cùng các vị đại biểu, quý thầy cô.

Toàn cảnh buổi hội thảo.

Hội thảo là cơ hội để các chuyên gia bàn luận những vấn đề còn tồn tại, nêu nên những sáng kiến để có những hướng đi chính xác cho ngành vi mạch bán dẫn.

Tình hình ngành vi mạch bán dẫn hiện nay tại Việt Nam

Vi mạch đã được Chính phủ xác định là một trong chín sản phẩm quốc gia. Việc chú trọng để phát triển các sản phẩm của ngành công nghiệp vi mạch là phương thức quan trọng để chuyển hóa các thành tựu khoa học và công nghệ thành hàng hóa thương mại có giá trị gia tăng cao.

Hiện tại, vi mạch bán dẫn được xem là hạt nhân của ngành công nghiệp điện tử, đóng vai trò cốt lõi trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Tại TP.HCM, ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn được định hướng trở thành ngành kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao, làm nền tảng cho sự phát triển chung và thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của thành phố.

Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội đang rộng mở cho ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng thì vẫn còn những thách thức lớn phải đối mặt, đặc biệt là vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực nghiêm trọng.

Thạc sĩ Nguyễn Anh Tuấn – Chủ tịch Hội Công nghệ Vi mạch bán dẫn TP.HCM.

Hiểu được những khó khăn vẫn còn tồn tại đó, Hội công nghệ vi mạch bán dẫn TP.HCM (HSIA) đã phối hợp cùng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM tổ chức Hội thảo “Thực trạng và giải pháp trong đào tạo nhân lực và nghiên cứu triển khai lĩnh vực Vi mạch bán dẫn Việt Nam tầm nhìn 2045”.

Hội thảo được tổ chức với mục tiêu nhằm đánh giá tình hình nghiên cứu, đào tạo và nhu cầu nhân lực về vi mạch bán dẫn hiện nay của Việt Nam đồng thời là cơ hội để các doanh nghiệp, chuyên gia trong lĩnh vực cùng trao đổi, đề xuất cập nhật chương trình đào tạo vi mạch bán dẫn theo nhu cầu xã hội.

Cơ hội nào cho Việt Nam trong cuộc đua sản xuất chip bán dẫn toàn cầu                             

Theo định hướng chung, Việt Nam, Singapore, Malaysia, Philippines và Thái Lan là các nước trong ASEAN được đánh giá là dẫn đầu trong lĩnh vực nghiên cứu phát triển và thiết kế vi mạch. Malaysia và Singapore là những nước đi đầu trong khu vực về sản xuất tấm wafer và thiết bị. Malaysia, Philippines, Thái Lan, Việt Nam và Indonesia dẫn đầu về sản xuất phụ trợ, trong khi Singapore và Thái Lan dẫn đầu về phần mềm kỹ thuật.

Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Lương Mô đưa ra nhận định: “Tuy Việt Nam bắt đầu ngành bán dẫn từ sớm, cũng có các cơ hội để phát triển nhưng đều chưa thể bứt phá. Hiện tại là một cơ hội lớn nữa đang tới, chúng ta cần biết nắm bắt khi mà cả nhà nước và người dân đều quan tâm tới vi mạch bán dẫn”.

Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Lương Mô phát biểu tại hội thảo.

“Ở thời điểm hiện tại, muốn phát triển với tốc độ nhanh chóng, đòi hỏi các nhà đào tạo chuyên môn, nhà nghiên cứu cần nhìn nhận trực diện vào thực tế, tìm ra các phương án, giải pháp để các nhà đầu tư có thể hỗ trợ”, ông Trần Long chia sẻ.

Ông Trần Long – Trưởng VPĐD phía Nam/ Trung ương Hội Phát triển hợp tác Kinh tế Việt Nam ASEAN +3 đưa ra nhận định.

Trước ý kiến về việc cho rằng Việt Nam cần cái thiện chất lượng cho sinh viên, anh Vinh Nguyễn cũng đưa ra những quan điểm:

“Nguồn nhân lực của Việt Nam hiện nay được dự báo đang phát triển theo hướng ổn định số lượng. Nhưng tiếng anh và kỹ năng mềm trong quá trình làm việc cũng là vấn đề cần chú trọng trong quá trình đào tạo. Hiện tại, Synopsys Việt Nam cũng đang nhanh chóng phối hợp cùng các trường học để đưa ra các phương án, kế hoạch, chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế. Như vậy, Việt Nam sẽ tăng chất lượng nguồn nhân lực”.

Ông Nguyễn Phúc Vinh – Giám đốc kỹ thuật Synopsys Việt Nam.

Cũng trong dịp này, các đơn vị tham gia ký thỏa thuận hợp tác về việc xây dựng Phòng Thí nghiệm công nghệ bán dẫn và nano quang tử; tăng cường thu hút nhân lực trình độ cao tốt nghiệp từ nước ngoài đúng chuyên môn.

Trước cơ hội mới này, các nhà đầu tư muốn được đóng một vào trò thúc đẩy phát triển ngành Vi mạch bán dẫn tại Việt Nam. Kết nối để đưa các doanh nghiệp của các nước vào Việt Nam tìm hiểu và đầu tư, đưa nhân lực của ngành đến các nước học hỏi, thực tập, trau dồi tay nghề, nhằm quay trở về Việt Nam phục vụ phát triển.

Các đơn vị ký kết hợp tác cùng phát triển.

Có thể thấy, vi mạch bán dẫn tại Việt Nam hiện nay vừa là cơ hội cũng là thách thức lớn, đây là thời điểm vàng để Việt Nam bứt phá và phát triển nhưng cũng đòi hỏi các nhà lãnh đạo, chuyên môn, chuyên gia cần có những hướng đi, sáng kiến giải quyết về vấn đề nhân lực.

Hải Quỳnh