Hôm nay tôi xin kể với bạn một câu chuyện đặc biệt mà tôi đã giữ bao năm qua. Một bước ngoặt, một khúc cua lớn trong cuộc đời tôi. Bước ngoặt lớn, khúc cua thình lình đã đưa tôi từ bỏ mũ áo của một tiến sĩ đang làm cho Renault, tập đoàn hàng đầu về xe hơi tại Pháp và thế giới.
Những ngày bế tắc…
Thú thực, cho đến tận bây giờ nếu hỏi tôi cuộc sống mơ ước của tôi là như thế nào? Tôi vẫn sẽ trả lời: “Đó là một cuộc sống giản dị, gần thiên nhiên. Sáng đón mặt trời lên, chiều ngắm hoàng hôn xuống, ngày ngày gõ đầu mấy đứa trẻ.” Tôi vốn thích một cuộc sống thành bình như thế nên đã thi vào Đại học Sư phạm Hà Nội.
Sau bao nhiêu năm, cuộc sống mong ước của tôi vẫn luôn như thế. Từ bé chưa khi nào tôi có mong ước trở thành doanh nhân. Thậm chí tôi còn theo chủ nghĩa sống tối giản, đã từng bài trừ lối sống chạy theo đồng tiền. Lúc 26 tuổi, tôi còn có ý muốn đi tu để học sâu về thiền.
Thế nhưng không phải mình cứ buông bỏ hết những vật chất, biết tìm vui thú với điền viên thì cuộc sống sẽ cho mình được nghỉ ngơi an tĩnh sống đời mình ước mơ. Tôi còn nhớ rõ năm 2011 ấy, tôi vừa ký hợp đồng đi làm, có công việc ổn định, lương cao ở Renault được hơn một tháng thì ở nhà em gái báo tin chấn động. Nhà tôi ở Việt Nam làm ăn phá sản để lại khoản nợ quá lớn…. đến gần 1 triệu đô.
Thực sự lúc đầu tôi cũng không thể tin vào tai mình. Số tiền quá lớn với bất kỳ ai! Tôi nhẩm tính, dù với mức lương cao của quản lý dự án ở một hãng xe lớn, tôi có đi làm hết đời cũng không thể trả hết số tiền nợ. Lúc ấy tôi thực sự bế tắc, thực sự không biết phải làm thế nào. Các em tôi cũng khóc ướt gối mỗi đêm vì bất lực. Cả nhà lúc ấy chỉ biết trông chờ duy nhất vào tôi, là người tạm gọi là khá giả và ổn định nhất. Bởi lúc ấy tôi đang làm quản lý dự án cho hãng xe Renault, là người có công việc lương cao và ổn định nhất.
Bế tắc là vậy, con đường thăng tiến ở Renault cũng đi vào ngõ cụt. Đi làm một thời gian thì công ty bỗng chuyển hướng chiến lược vì thị trường đi xuống, xe điện làm ra không bán được như kỳ vọng. Đội của tôi bị cắt gần hết các dự án. Suốt gần hai năm, tôi không có việc trong công ty, tương lai mù mịt vì ngành của mình bị cắt giảm. Tôi lê thân đi về mỗi ngày mệt mỏi vì không học hỏi được thêm kiến thức mới, cảm thấy thời gian trôi qua vô ích mà cũng chẳng thấy tương lai phía trước.
Lúc ấy tôi thực sự bế tắc trong việc tìm định hướng tương lai, áp lực về việc kiếm tiền để giúp đỡ gia đình. Tôi cứ sống trong sự bế tắc đó, mệt mỏi đó trong suốt bốn năm mà không tìm được hướng đi nào cho mình.
Khi còn đang loay hoay bế tắc thì năm 2014, em Nguyễn Hữu Tân đến Grenoble thăm tôi. Tân kể có người bà con sống ở Grenoble đã gần 30 năm, lâu không gặp nên muốn đến thăm. Tôi đưa Tân đến thăm cô Trà, một người Việt đã định cư ở Grenoble Pháp 30 năm và cô đang kinh doanh nhà hàng. Cô ngỏ ý muốn nhượng lại quán vì cô tuổi cao và muốn nghỉ hưu. Quán khá đông khách và có doanh thu ổn định. Cô Trà muốn nhượng lại quán cho tôi nhưng phải đúng giá thị trường là 150.000€.
Dù chẳng có đồng vốn nào, nhưng đang bế tắc nên tôi nghĩ, tại sao không thử chuyển hướng và trình bày thành thật với cô Trà? Tôi ngỏ ý muốn mua lại quán của cô để ra kinh doanh riêng với mong muốn kiếm tiền giúp bố mẹ trả nợ và cũng để thay đổi công việc ở Renault mà tôi đã chán ngấy. Nhưng tôi không có một đồng vốn và cũng chẳng có chút kinh nghiệm kinh doanh thì phải làm thế nào, bắt đầu từ đâu? Trong đầu tôi lúc ấy thật nhiều câu hỏi không có câu trả lời.
Cô Trà nói sẽ tìm ngân hàng và giúp tôi thuyết phục ngân hàng cho tôi vay vốn bằng cách ở lại cùng làm để đào tạo tôi. Tuy nhiên chẳng ngân hàng nào chịu cho tôi vay với lý do tôi chưa bao giờ nấu bếp và cũng chẳng có tài sản bảo lãnh cho khoản vay của mình. Vay mãi không được, tôi đành nói cô để cho người khác vậy. Cô bảo để cô suy nghĩ.
Vài ngày sau cô Trà gọi lại. Cô nói thấy tôi cũng tử tế nên sẽ bán lại quán cho tôi trả góp theo hợp đồng credit-vendeur (một loại hợp đồng mà người mua sẽ trả nợ mỗi tháng theo lãi suất ngân hàng cho người bán). Tôi vay mượn bạn bè cùng với toàn bộ tiền tiết kiệm của mình để trả trước 20.000€ cho cô Trà. Phần còn lại trả cô Trà hàng tháng theo lãi suất ngân hàng.
Đúng ngày 05/07/2015, tôi chính thức rời Renault, cởi bỏ bộ veste, giày da, xếp lại tấm bằng tiến sĩ để trở thành anh bán nem trong một tiệm ăn nhỏ, cũ kỹ tại thành phố Grenoble. Lúc ấy tôi chưa hình dung được là con đường này sẽ gặp nhiều chông gai và khoảnh khắc khó khăn đến mức nào.
Từ bàn tay chỉ quen cầm bút, làm việc trong phòng nghiên cứu, văn phòng máy lạnh chuyển qua làm nhà hàng với zéro kinh nghiệm, tôi phải bắt đầu lại từ hai bàn tay trắng theo đúng mọi nghĩa. Trong tay tôi không một đồng vốn, tôi chưa từng học nấu bếp, tôi cũng chưa từng có kinh nghiệm kinh doanh, marketing hay gì trước đó.
Tôi đã phải học cách gọt cà rốt, cắt tỉa, bào, xay, thái, lắc chảo, cuốn nem, chiên nem, dọn dẹp, lau nhà vệ sinh… Tóm lại, tôi học làm mọi thứ, làm mọi việc có thể để vận hành một quán ăn. Mà phải học làm một cách chuyên nghiệp, nhanh, chuẩn và đẹp mắt. Mọi công việc phải cân chỉnh trong đúng thời gian giới hạn để mọi thứ sẵn sàng phục vụ thực khách khi mở cửa lúc 11:30.
Dao nhà hàng rất sắc, tôi không nhớ tay tôi đã ứa máu bao lần nữa nhưng tôi luôn cảm thấy tràn đầy năng lượng của sự hy vọng, đặc biệt là được dấn thân học hỏi những điều mới. Tôi như được thoả cơn khát của một người luôn khát khao học hỏi, trải nghiệm và khám phá vốn đã bị cầm tù bởi sự ngồi không trong cái vỏ hào nhoáng của một tiến sĩ làm việc ở Renault.
Ra kinh doanh được 2 tháng, thì Tony ra đời, vừa chăm vợ, chăm em bé, vừa lo kinh doanh một mình, biết bao khó khăn và thử thách, nhưng tôi như được bung hết con người mình. Trong tâm trí tôi không một lời than oán về số phận hay hoàn cảnh. Tôi đã thực sự nhập tâm vào con người mới, vào vai mới mà số phận trao cho mình. Suốt bao nhiều năm, dù bao khó khăn, thử thách chưa bao giờ tôi nghĩ đến hai chữ bỏ cuộc, dù rất nhiều chông gai, nhọc nhằn phía trước nhưng tôi vẫn thấy một tương lai.
Hơn một năm sau, ngân hàng thấy tôi quản lý tốt, tăng doanh thu hơn 30%, doanh nghiệp có lời nên đã cho tôi vay toàn bộ số tiền để trả cho cô Trà. Tôi chuyển khoản nợ của cô vào thành nợ ngân hàng để cô yên tâm, tôi cũng cảm thấy thoải mái và chuyên nghiệp hơn.
Đến với Obobun
Dù ra kinh doanh với gánh nợ trên vai, nhưng tôi chưa bao giờ có ý nghĩ sẽ kiếm tiền bằng mọi giá. Tôi vẫn luôn muốn kiếm những đồng tiền chính đáng và chuyên nghiệp.
Lúc ấy nhà hàng cô Trà để lại có khách ổn định nhưng đã xuống cấp, cũ kỹ do đã khai thác hơn 30 năm. Dù không có kiến thức và chưa biết phải bắt đầu từ đâu nhưng trong đầu tôi luôn đau đáu làm sao để nhà hàng mình trở nên chuyên nghiệp, làm sao để hình ảnh của ẩm thực Việt Nam được nâng tầm và biết đến rộng khắp nước Pháp.
Để nắm được toàn bộ hoạt động vận hành của quán, ngày nào tôi cũng bắt đầu dậy từ 6h sáng đi chợ mua nguyên liệu về chế biến món ăn, làm liên tục và bán hàng, dọn dẹp quán đến 22h đêm mới đóng cửa về nhà. Buổi trưa hết khách thì tranh thủ ăn bát cơm chiên. Cứ như vậy ròng rã hơn một năm trời cho đến khi tôi nắm được toàn bộ công việc, cho đến khi quán dần đi vào ổn định.
Rồi tôi phải học những kỹ thuật cơ bản về bán hàng, làm sao có được sự kết nối và ủng hộ, yêu mến từ khách hàng. Rồi kỹ năng quản lý nhân sự, làm sao tuyển đúng người, đúng việc, đúng thời điểm? Làm sao để cân bằng giữa sự chuyên nghiệp, kỷ luật mà vẫn giữ được sự nhân văn, hòa khí trong một đội ngũ với đủ màu da, văn hóa, tính cách khác biệt?
Có những lúc tôi cảm thấy áp lực, nội tâm bị giằng xé vì phải cân bằng giữa mong muốn tạo ra một môi trường làm việc ấm áp, thân tình và khát vọng duy trì một chất lượng và dịch vụ cao. Sau bao hiểu lầm, thất bại trong quản lý nhân sự. Bài học tôi nhận ra là bí quyết nằm ở sự thành thật và giao tiếp chân thành, thẳng thắn và minh bạch với đội ngũ của mình. Đặc biệt việc mang đến sự hỗ trợ phù hợp với nhu cầu của mỗi nhân viên thực sự rất quan trọng.
Hai nhân viên đầu tiên tôi tuyển, dù doanh thu còn thấp, tôi vẫn quyết tâm khai báo lương đầy đủ. Không giữ tiền mặt ra ngoài để trốn thuế. Luôn đảm bảo sự minh bạch trong hoạt động tài chính.
Dù quán của cô Trà đã có lượng khách từ trước giúp tôi có ngay doanh thu, nhưng tôi gặp phải vấn đề là nhà hàng thường vắng khách vào mùa hè, do quán chật và nóng. Lúc ấy các em nhân viên không có việc để làm. Thông thường, các quán sẽ tinh giảm nhân viên hoặc giảm giờ để tiết kiệm chi phí lương. Riêng tôi lúc ấy thì tự áy náy khi phải làm như vậy. Tôi luôn đau đáu nghĩ làm sao giúp nhân viên của mình có việc.
Tình cờ làm sao, một lần tôi qua quán Obobun cách đó khoảng 100m ăn trưa sau giờ bán hàng. Trong lúc vắng khách, Long, là cậu chủ của Obobun ra than thở với tôi rằng cậu cảm thấy kiệt sức vì quán đông khách quá, không thể quản lý nổi và đang muốn bán. Dù chẳng có tiền nhưng tôi cứ hỏi đại “Cậu có bán không để tôi mua”. Lúc ấy tôi cũng chưa có suy nghĩ nghiệm túc.
Không ngờ mấy hôm sau, Long gọi cho tôi để bàn việc bán quán thật. Lúc ấy, tôi mới nghĩ nghiêm túc về việc mua Obobun có thể sẽ giúp tôi có thêm việc cho các bạn nhân viên ở quán cũ. Vì Obobun rất đông khách mùa hè. Vậy là tôi ra ngân hàng làm hồ sơ vay để mua lại Obobun. May mắn làm sao, nhờ tôi minh bạch tài chính mà có báo cáo tốt. Ngân hành biết rõ cả hai quán và thấy được sự cộng hưởng nên đã cho tôi vay vốn 100% mà không cần thế chấp. Nhân duyên tôi đến với Obobun là như vậy đấy.
Khi tiếp quản Obobun năm 2017, tôi vẫn làm việc với cùng một tâm thế. Tôi luôn muốn cải thiện hình ảnh ẩm thực Việt ở nước ngoài, lấy chất lượng làm đầu. Nhưng thách thức của các món Việt ở nước ngoài là luôn bị cạnh tranh bằng giá rẻ. Món Việt phải rẻ là hình ảnh đã đóng đinh trong tâm trí khách hàng ở nước ngoài. Vì vậy thách thức lớn với tôi lúc ấy là làm sao có thể phục vụ món Bo Bun chất lượng cao với giá cả phù hợp với số đông?
Tôi đã làm mới lại quán, tăng giá hơn so với mặt bằng chung của những nhà hàng Việt, nhưng cũng không thể tăng cao quá. Tôi còn nhớ những đêm dài phân tích chi phí, tìm kiếm nhà cung cấp chất lượng, đàm phán nhập liệu và tối ưu hóa quy trình sản xuất để tối ưu chi phí. Có những lúc tôi cảm thấy nản lòng, tự hỏi liệu tôi có thể tạo ra một món ăn phù hợp với phương châm chất lượng cao mà vẫn giữ được giá dễ tiếp cận với mọi người hay không?
Thách thức nữa là làm sao đảm bảo chất lượng món ăn luôn ổn định mỗi ngày trong suốt nhiều năm và khi mở rộng chuỗi? Vì số lượng nhân viên mỗi ngày một đông hơn, việc đảm bảo món ăn luôn có khẩu vị ổn định là cả một thách thức lớn, vì chỉ cần điều chỉnh lửa khác nhau, cho nguyên liệu này sau nguyên liệu khác là vị món ăn đã khác.
Đã có những lúc khó khăn vì triển khai nhưng nhân viên mỗi quán làm mỗi kiểu, cũng có lúc tôi nghi ngờ bản thân và nghĩ đến việc từ bỏ ý định phát triển chuỗi. Nhưng mỗi lần như vậy, tôi lại nhìn ra những tiềm năng lớn và cơ hội một lần ẩm thực Việt được lên sân chơi chuyên nghiệp. Cơ hội để Bo Bun trở thành một món quốc tế hoá như Burger, Pizza, Sushi. Những mục tiêu này lại tiếp thêm năng lượng cho tôi đứng lên, sửa chữa và tiếp tục hành trình.
Cứ mỗi lần nghĩ đến một ngày Bo Bún trở thành một món quốc tế, được đứng riêng trong bảng xếp hạng thị trường với Burger, Pizza, Sushi vì có một thị trường riêng, chứ không phải bị gộp chung Thai/Việt/Chiness như hiện nay thì tôi lại thấy mình được thêm năng lượng. Nếu tôi có thể tiếp tay để làm điều đó, tôi tin tôi đã làm được một việc ý nghĩa cho quê hương và cả cộng đồng.
Con đường dài ở phía trước
Vạn sự khởi đầu nan. Khi bắt đầu mọi thứ luôn khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua, đôi khi khiến chúng ta bầm dập, nghi ngờ chính bản thân. Nhưng khi ta thực sự tâm huyết, đặt trọn niềm tin thì đó là niềm vui, niềm vui được trải nghiệm, niềm vui được rèn luyện để tiến bộ vượt lên chính mình mỗi ngày. Sau bao nỗ lực không ngừng nghỉ, mọi việc cũng dần thuận lợi và phát triển theo hướng tốt đẹp hơn.
Ôbobun ngày càng có chỗ đứng trong lòng khách hàng. Thật may mắn tôi được khách hàng yêu mến, ủng hộ và gặp được những đồng nghiệp tuyệt vời, tận tâm, biết đồng cảm và chia sẻ với mình về triết lý sống, triết lý kinh doanh. Sau tám năm nhìn lại, ở thời khắc mơ hồ, khó phân định ấy, thật may tôi đã có những nguyên tắc nền tảng dựa trên sự Thành Thật, Thẳng Thắn và Tôn Trọng để làm theo những gì mình tin là đúng dù biết bao rủi ro, thử thách, mất mát đang chờ ở phía trước.
Tôi đã đi trên con đường dài và đầy chông gai, nhưng tôi tin rằng những thách thức mà chúng tôi đã vượt qua đã khiến chúng tôi trở nên mạnh mẽ và quyết tâm hơn. Cũng nhờ những nguyên tắc này mà Ôbobun được hình thành và phát triển đến ngày hôm nay. Tôi biết ơn đội ngũ, khách hàng và tất cả những ban hữu, đối tác đã ủng hộ chúng tôi trong suốt cuộc hành trình này. Nếu không có họ, tôi sẽ không thể vượt qua những khoảnh khắc khó khăn và thực hiện giấc mơ của mình.
Còn một điều sâu sắc nữa mà tôi đã nhận ra khi ngồi nhìn lại sau 8 năm kinh doanh. Thú thực, lúc mới ra kinh doanh, tôi chỉ mong tìm được một hướng đi để kiếm tiền trả nợ cho gia đình. Để các con có thể về thăm ông bà một cách đường hoàng. Thế nhưng, phải đi vào kinh doanh mới hiểu số phận muốn gửi gắm cho tôi điều gì khi đưa tôi vào nghiệp kinh doanh đầy nhọc nhằn, vất vả, chông gai trộn lẫn cả mồ hôi lẫn máu đào.
Suốt 8 năm qua, với bao biến cố trong đời thì tôi đã hiểu mỗi người đều có cái nghiệp của mình. Thay vì than oán và chống lại thì ta hãy chấp nhận và nhận lấy. Chỉ khi ấy ta mới dốc hết sức và làm hết mình. Tôi nhận ra cái nghiệp của tôi gắn với Ẩm thực Việt ở nước ngoài, gắn với Obobun, gắn với đời doanh nhân, gắn với sự kết nối tinh thần người Việt ở nước ngoài. Dù đã cố gắng cân bằng, gìn giữ nhưng số phận, vũ trụ luôn đưa mình đến nơi tôi không ngờ tới. Thôi thì cứ vừa đi, vừa làm vừa lắng nghe ý của bề trên. Chỉ cần giữ tâm thành, thiện ý mà bước đi theo ý ngài.
Tôi thành tâm chúc bạn đọc sẽ tìm thấy con đường, nhân duyên đúng của mình trên con đường khởi nghiệp đầy chông gai nhưng cũng tràn đầy giọt nước mắt hạnh phúc khi trải qua những thăng trầm để trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình.
(Đây cũng là câu chuyện tôi kể trong cuốn sách KHÔNG CÓ SÔNG QUÁ DÀI, viết cùng với 30 đồng tác giả trong cộng đồng CẤY NỀN dưới sự dẫn dắt của thầy Phan Văn Trường.
Kể ra được sự thật này ra, tôi cũng cảm thấy nhẹ lòng hơn. Vì những gì tôi tâm huyết vẫn là thật, nhưng hôm nay tôi nói được phần còn lại của sự thật. Với tôi, được sống thật là cách giúp mình bình an và không phải lo bao biện với ai.
Trước đây tôi chưa tiện kể ra vì không muốn ai phải cám cảnh thay mình vì tôi không thấy khổ và cũng không muốn ảnh hưởng đến tâm trạng gia đình tôi ở thời điểm ấy. Nay cũng đã được hơn 10 năm, mọi người cũng đã sống với sự thật chấp nhận hoàn cảnh để tiến lên từng bước).
Phan Viết Phong