Hôm qua, đồng loạt các báo đưa tin Bộ Công an đã tiến hành khởi tố vụ án liên quan đến cựu tử tù Liên Khui Thìn. Từ đơn tố cáo của ông Liên Khui Thìn, nguyên giám đốc công ty TNHH EPCO, Bộ Công an đã tiến hành xác minh và ra quyết định khởi tố vụ án hình sự để điều tra về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại công ty TNHH EPCO (TPHCM) và một số đơn vị liên quan.
Nhiều người còn nhớ, vào năm 2009 khi vừa ra tù, ông Liên Khui Thìn đã có đơn tố cáo và đòi lại tài sản bị bỏ sót trong vụ án xử ông. Thế nhưng dư luận chỉ rộn lên một thời gian rồi chìm vào lãng quên. Hiện nay ông Liên Khui Thìn đang kinh doanh nhiều ngành hàng, trong đó có những sản phẩm nông nghiệp Organic khá nổi tiếng.
Khởi tố vụ án vi phạm qui định quản lý và sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát tại Công ty TNHH EPCO – AN KHÁNH -HỒNG LONG
Trong ngày hôm qua, các thông tin đều cho biết, ngày 29-6, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Bộ Công an đã có văn bản số 55/TB-CSKT-P10 gửi Viện Kiểm sát tối cao (Vụ 3) thông báo kết quả giải quyết nguồn tin về tội phạm. Theo đó, Cơ quan CSĐT Bộ Công an (CSKT) nhận được đơn của ông Liên Khui Thìn tố cáo các cá nhân lợi dụng thời gian ông Thìn chấp hành án phạt tù chiếm đoạt tài sản của công ty TNHH EPCO, công ty TNHH An Khánh và công ty TNHH Hồng Long.
Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã tiến hành kiểm tra, xác minh. Cụ thể, cơ quan CSĐT đã có quyết định phân công giải quyết tố giác, tin báo tội phạm và tiến hành điều tra, xác minh theo quy định. Từ kết quả điều tra xác minh ban đầu, ngày 16-4-2021, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự số 25/QĐ-CSKT-P10 để điều tra về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại công ty TNHH EPCO (TPHCM) và một số đơn vị có liên quan”.
Theo đơn tố cáo của ông Liên Khui Thìn (68 tuổi, thường trú tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) gửi Bộ Công an và lãnh đạo Đảng, Nhà nước, công ty EPCO và các doanh nghiệp do ông bỏ vốn thành lập và điều hành như Công ty TNHH TM Hồng Long, Công ty TNHH TM An Khánh, Công ty TNHH Hồng Long – Nha Trang… phát triển mạnh, có doanh số hàng trăm triệu đô la Mỹ mỗi năm với khoảng 15 nghìn lao động.
Năm 1997, khi vụ án EPCO – Minh Phụng nổ ra, tài sản của ông Liên Khui Thìn trong công ty EPCO và các công ty do ông bỏ vốn thành lập là rất lớn. Tuy nhiên, do một số tài sản chưa hoàn thiện pháp lý về quyền sử dụng hoặc sở hữu nhà nên toà án không chấp nhận đưa vào cân đối nợ trong vụ án. Một số cá nhân đã lợi dụng điều này để chiếm đoạt tài sản.
Ông Liên Khui Thìn được đặc xá vào ngày 2/9/2009 với phần trách nhiệm dân sự còn phải liên đới bồi thường là 481 tỷ đồng (trong tổng số 1.051 tỷ đồng, ông đã thi hành được 569 tỷ từ tháng 3-1997 đến 2-9-2009). Theo ông Thìn, bản án vụ EPCO-Minh Phụng có hiệu lực đã 21 năm (từ ngày 11-2000) và từ lúc ông được đặc xá đến nay đã gần 12 năm, việc thi hành án vẫn không thể hoàn thành.
Nhà báo Huy Thịnh, đã viết trên báo Tiền Phong, cho biết trong quá trình tố tụng của vụ án, cá nhân ông Thìn đã khai báo phần tài sản và vốn góp cổ phần của ông trong các công ty. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, một số cơ quan tố tụng đã bỏ sót hoặc áp dụng cách tính toán không thực tế khiến cho một khối lượng tài sản giá trị lớn đã bị mất đi.
“Tôi là người phải thi hành án nhưng lại không có quyền thi hành án, bị tước quyền dân sự đối với tài sản và cổ phần tại các công ty, làm cho việc thi hành án đến nay vẫn chưa xong. Phần lớn các tài sản đó hiện nay đã bị lọt vào tay các cá nhân và nhóm lợi ích. Nhiều cá nhân là cán bộ trong bộ máy nhà nước đã chiếm đoạt tài sản của tôi và tài sản thi hành án của nhà nước”, ông Thìn cho hay.
Theo ông Liên Khui Thìn, khối tài sản trên bị chiếm đoạt dưới nhiều hình thức. Chẳng hạn tài sản thế chấp một số Ngân hàng thương mại (NH). Khi các NH nhận thế chấp tài sản thì việc định giá rất thấp. Khi thu giữ và bán cho các đối tượng sân sau thì theo giá rẻ và không qua đấu giá, sau đó được chuyển nhượng với giá gấp hàng chục lần.
Đơn cử như nhà kho A375-A376 Võ Văn Ngân (TP Thủ Đức), giá thị trường hiện nay khoảng 2000 tỷ – 4000 tỷ đồng nhưng NH bán 60 tỷ đồng; Khu Công nghiệp Đồng An – Bình Dương, giá thị trường khoảng 500 tỷ – 1000 tỷ đồng được bán với giá 46 tỷ đồng;…
Nhiều khu đất trị giá hàng trăm tỷ đồng của ông Liên Khui Thìn ở quận 2 (cũ) bị chiếm đoạt, không thể thi hành án.
Bên cạnh đó, các tài sản cá nhân vốn là các khoản đầu tư vào các dự án ở quận 2, quận 9 cũ trị giá hàng nghìn tỷ đồng bị “hô biến” thành tài sản tư nhân. Ngoài ra, tài sản trong các công ty do ông góp vốn thành lập nhưng bị chiếm đoạt công ty dẫn đến mất hết tài sản. Cụ thể: Công ty EPCO (ông Thìn góp 12,5% vốn); Công ty TNHH TM Tây Sơn (50%), Công ty TNHH TM Hồng Long (75%)…
Đơn tố cáo của ông Thìn cho biết trong thời gian bị giam giữ, ông có ủy quyền cho một cá nhân thay mặt ông quản lý điều hành công ty H.L. Cá nhân này đã cấu kết với một số cán bộ biến chất để chiếm đoạt tài sản và toàn bộ công ty. Trước tình cảnh đó, ông nhờ người em ruột là Liên Khui Dương đi thu thập tài liệu, chứng cứ để làm đơn tố cáo các hành vi vi phạm pháp luật.
Hậu quả là ông Liên Khui Dương sau đó bị công an bắt, di lý vào TPHCM giam giữ hơn 1 năm vì… chậm nộp khoản thuế 25 triệu đồng cho Chi cục Thuế TP Nha Trang, dù cơ quan thuế chưa có văn bản nhắc nhở và xử phạt hành chính…
“Dương bị suy kiệt thì mới được thả ra, sau khoảng 1 năm thì chết. Kết luận và kiến nghị của Thanh tra Bộ Tư pháp về việc khởi tố điều tra các các nhân và nhóm lợi ích vi phạm pháp luật cũng bị lãng quên”, ông Thìn cho hay.
Hành trình Liên Khui Thì quyết tâm đòi lại tài sản EPCo của mình
Nhiều người cũng đã biết, khi ông Liên Khui Thìn ra tù nhờ ân xá vào đợt 2/9/2009, ông đã ngay lập tức tiến hành việc khiếu kiện đòi lại tài sản của mình. Trên báo Công an nhân dân còn lưu lại nhiều bài viết liên quan. Thế nhưng, vào thời điểm đó, mọi việc đã chưa được biết đến rốt ráo.
Lần giở lại, trong một bài của nhà báo Đỗ Hưng cho thấy vụ án đó được mô tả khá kỹ. Bài 1mang tên Liên Khui Thìn “đòi” lại EPCO – được xuất bản lúc 17:00 ngày 09/11/2009.
Nhà báo Đỗ Hưng viết “Một trong những nhân vật trung tâm là Liên Khui Thìn của vụ án Minh Phụng – EPCO vừa được “phóng thích” khỏi trại giam nhờ cải tạo tốt. Ngay sau khi ra tù, Liên Khui Thìn đã đệ đơn lên Tòa án TP.HCM yêu cầu phục hồi quyền được quản lý và điều hành Công ty EPCO xưa kia. Cũng bởi, cho đến nay vẫn còn đó ít nhiều tài sản có giá trị của Công ty EPCO mà ông Nguyễn Lộc Ri, tạm quyền giám đốc luôn muốn thanh lý sớm”.
Những khúc mắc sau một bản án
Theo nhá báo này mô tả, khi ông tìm đến một người có thể được Liên Khui Thìn xem là một người bạn và cũng có thể là ân nhân trong suốt quá trình tham gia tố tụng tại những phiên tòa. Đó là Tiến sĩ Luật học Phan Trung Hoài, Trưởng Văn phòng Luật sư, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (V.I.C.A).
Với những gì đề cập tới trong Cáo trạng và hồ sơ của vụ án Minh Phụng – EPCO mà báo này thu thập được từ những năm 90 thế kỷ trước, thì Liên Khui Thìn hiện thân như một tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Cái ngày mà tòa tuyên án, chắc đến giờ, Liên Khui Thìn vẫn chưa tin mình đã thoát được án tử hình.
Theo cáo buộc của Viện Kiểm sát (VKS), tính chất nguy hiểm của Liên Khui Thìn gói gọn trong hành vi “câu kết với Tăng Minh Phụng, Phạm Nhật Hồng, Nguyễn Ngọc Bích và các cá nhân khác để thực hiện hàng loạt các thủ đoạn gian dối thông qua việc sử dụng pháp nhân Epco, cũng như một số công ty khác lập các hợp đồng vay vốn, xin bảo lãnh mở L/C, lập các hợp đồng mua bán hàng hóa với các chứng từ hóa đơn giả mạo, nâng giá tài sản nhằm rút tiền, chiếm đoạt tài sản của Nhà nước…”.
Theo kết luận của VKS tại phiên tòa lúc bấy giờ, Liên Khui Thìn đã phạm vào tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa” theo điều 134 Bộ Luật Hình sự 1985. Theo quan điểm bào chữa cho bị cáo Liên Khui Thìn tại tòa của Luật sư Phan Trung Hoài, thì việc đánh giá pháp nhân của Công ty EPCO là cả một vấn đề “hỗn độn” về mặt pháp lý khi xác định: “Thực chất Công ty EPCO là doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp tư nhân?”.
Theo luật sư này thì: “Tôi vẫn còn nhớ như in cái ngày ngồi trên giảng đường, trong mọi bài giảng có liên quan, một nữ giảng viên thường hay liên hệ đến vấn đề giải thể, sáp nhập công ty… đều liên hệ đến vụ án Tăng Minh Phụng – EPCO vào trong bài giảng nhằm tăng thêm sinh động và hứng thú cho sinh viên.
Mà quả thật quá trình hoàn thiện luật công ty, luật doanh nghiệp của Việt Nam từ thập niên 90 đến nay qua 3 cột mốc và có nhiều thay đổi. Đáng chú ý, năm 1990, Quốc hội thông qua Luật Công ty quy định về công ty TNHH và công ty cổ phần. Năm 1999, Luật Doanh nghiệp tiếp tục được thông qua nhằm quy định về công ty TNHH, công ty cổ phần, công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân. Đến năm 2005, Luật Doanh nghiệp một lần nữa được thông qua gần như hoàn thiện hơn cho các doanh nghiệp và mọi thành phần kinh tế.
Theo điều 2, Luật Công ty năm 1990 có quy định, công ty TNHH và công ty cổ phần là doanh nghiệp trong đó các thành viên cùng góp vốn, cùng chia nhau lợi nhuận, cùng chịu lỗ tương ứng với phần góp vốn và chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi phần vốn của mình góp vào.
Vụ việc được diễn giải rõ ràng rằng, tiền thân của EPCO đi lên từ tổ hợp chế biến mực khô cung ứng xuất khẩu Phương Nam, thành lập năm 1982. Từ những bước thăng trầm của cuộc sống, năm 1984 chuyển thành Xí nghiệp hợp danh Chế biến hải sản quận 3. Thời điểm này, UBND quận 3 góp vốn 700.000 đồng. Năm 1986, nền kinh tế bắt đầu mở cửa, công ty TNHH được hình thành, tổng số vốn của UBND quận 3 là 70.000USD, chiếm 52%. Và, năm 1989, Công ty liên doanh được thành lập với số vốn UBND quận 3 hơn 3,1 tỉ đồng, chiếm 51,8%.
Đến năm 1992, Công ty EPCO được thành lập với số vốn điều lệ 5 tỉ đồng Việt Nam, gồm 5 thành viên sáng lập: Nguyễn Tấn Phúc (Chủ tịch HĐQT), Liên Khui Thìn (Phó chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc), Huỳnh Đức Phúc, Lê Phước Bốn và Huỳnh Minh Đức. Theo đó, UBND có 52% phần hùn và do Nguyễn Tấn Phúc làm đại diện UBND, 4 thành viên còn lại, mỗi thành viên góp 12%. Tuy nhiên, qua hai phiên sơ thẩm và phúc thẩm, VKS kết luận Công ty EPCO không phải là một doanh nghiệp nhà nước mà chỉ lợi dụng danh nghĩa nhà nước để hoạt động kinh doanh.
Vào tháng 10/1994, ông Tăng Minh Phụng mua lại 36,15% cổ phần EPCO. Tháng 12/1994, Ngân hàng Ngoại thương mua 25% cổ phần của EPCO, trong đó mua của UBND quận 3 là 12% và mua của ông Tăng Minh Phụng là 13%. Tuy nhiên, tỉ lệ cổ phần của Nhà nước chiếm tỉ trọng vốn 64,8% cho phép chi phối toàn bộ hoạt động của công ty. Vấn đề đặt ra là xem xét cách thức và mô hình hoạt động của Công ty EPCO trên phương diện pháp lý nào? Chắc hẳn Liên Khui Thìn một trong những nhân vật chính của vụ án Minh Phụng – EPCO vẫn tiếp tục còn nhiều tranh luận.
Ở đây quan điểm của người viết bài, nhà báo này nói rõ không dám kết luận ai sai, ai đúng trong quá khứ của vụ án.
Khi thấy quyền lợi hợp pháp bị xâm hại, có quyền kiện!
Trong đợt đặc xá vào dịp Quốc khánh 2/9 (năm 2009), Liên Khui Thìn chính thức được ra tù do cải tạo tốt và kết thúc cuộc sống hơn 9 năm trong trại giam.
Ngay sau khi khôi phục quyền công dân, Liên Khui Thìn đâm đơn lên Tòa án TP HCM đòi lại quyền được quản lý và điều hành Công ty TNHH kinh doanh XNK, chế biến nông hải sản, Du lịch, Khách sạn quận 3 (gọi tắt là EPCO). Hiện tại, ông Nguyễn Lộc Ri vẫn đang là người đại diện pháp lý đương nhiệm của Công ty EPCO. Vụ kiện này đã được Tòa án TP HCM chính thức thụ lý đơn của ông Liên Khui Thìn.
Nhận xét của nhà báo Đỗ Hưng là, lý lẽ xung quanh vụ kiện, phải chăng ông Liên Khui Thìn nghĩ rằng trước đây mình đã từng góp vốn và cũng là Giám đốc, kiêm Phó chủ tịch HĐQT của Công ty EPCO.
Lật lại hồ sơ vụ án, chắc hẳn chúng ta không quên được ở chính thời điểm năm 1997, ông Liên Khui Thìn đã bị cơ quan chức năng ra lệnh bắt tạm giam trong vụ trọng án kinh tế EPCO – Minh Phụng một thời gây xôn xao dư luận.
Thời kỳ này, ông Nguyễn Tấn Phúc, Chủ tịch HĐQT, đại diện góp vốn cho UBND quận 3 cũng bị bắt tạm giam với ông Liên Khui Thìn. Chính lúc này, một Công ty EPCO như “rắn mất đầu”, khi nảy sinh đến các vấn đề pháp lý, không có người đại diện làm pháp nhân nên UBND quận 3 cử ông Nguyễn Lộc Ri giữ chức này cho đến nay. Vì thế, khi vừa bước ra khỏi song sắt, ông Liên Khui Thìn liền yêu cầu HĐQT Công ty EPCO nhóm họp bất thường nhằm xác định lại tư cách pháp lý thành viên của mình.
Nhà báo Đỗ Hưng đã ghi nhận ý kiến của Thạc sĩ Trần Huỳnh Thanh Nghị, Trưởng bộ môn Luật Kinh tế Trường đại học Kinh tế TP HCM, cho biết: “Tính pháp lý của vấn đề Liên Khui Thìn kiện đòi quyền quản lý Công ty EPCO là quyền của công dân. Theo quan điểm của tôi thì vụ kiện của Liên Khui Thìn có vấn đề gì đó không phù hợp với quy tắc pháp luật”.
Có thể, ông Liên Khui Thìn căn cứ vào Luật Doanh nghiệp sửa đổi được Quốc hội thông qua vào năm 2005 và Nghị định 139 của Thủ tướng Chính phủ để đòi lại những gì đã mất. Đó là quyền quản lý và điều hành Công ty EPCO.
Cũng nói qua một chút, thời đó chức vụ Giám đốc và kiêm Phó chủ tịch HĐQT của Công ty EPCO xuất phát từ chỉ đạo trực tiếp của UBND quận 3 do hoạt động theo cơ chế Luật công ty được Quốc hội thông qua năm 1990. Và, nếu quả thật theo nhận định của giới nghiên cứu luật cũng như vụ án EPCO – Minh Phụng, nhiều khả năng, khi Liên Khui Thìn bị bắt tạm giam, rất có thể, HĐQT chưa có cuộc họp “truất phế” chức vụ Giám đốc, kiêm Phó chủ tịch HĐQT của Liên Khui Thìn.
Còn ghi nhận của Luật sư Nguyễn Văn Hậu cũng cho rằng, quyền khởi kiện là quyền của Liên Khui Thìn khi ông ta có đầy đủ quyền công dân và nhờ tòa án bảo vệ quyền lợi của mình một cách hợp pháp. Tuy nhiên, đòi thành công quyền quản lý hay không lại là quyết định ở nơi tòa án
Viết tiếp bài “Liên Khui Thìn “đòi” lại EPCO”: Sau một vụ án là một vụ kiện?
Vào lúc 08:50 18/11/2009, bài thứ hai với nội dung trên được xuất bản. Những vấn đề nên ra tại bài đầu tiên đã được nhà báo Đỗ Hưng triển khai tiếp.
Đó là, khoát án tử hình, sau đó được ân xá và ra tù, Liên Khui Thìn đòi lại quyền quản lý và điều hành công ty Epco. Có ý kiến cho rằng, việc “đòi” quyền điều hành Epco nhiều khả năng không đạt được kết quả. Tuy nhiên về tư cách thành viên của công ty Epco, Liên Khui Thìn vẫn có thể được phục hồi.
Theo nguồn tin “bên lề”, thời điểm này ông Liên Khui Thìn vẫn còn 12,5% vốn cổ phần trong công ty. Và nếu quả thực vấn đề này chính xác 100% thì chuyện ông Liên Khui Thìn đòi xác nhận tư cách thành viên và quyền điều hành Epco là hoàn toàn có căn cứ.
Tuy nhiên, để làm thấu đáo vấn đề này, theo luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Giám đốc Công ty luật Giải phóng, cho biết nếu xét về tư cách thành viên, ông Liên Khui Thìn có đầy đủ cơ sở để đòi khôi phục tư cách thành viên của công ty mình. Vì theo điều 13 Luật Doanh nghiệp 2005, trước khi bị kết án, bản thân ông Thìn có đầy đủ quyền và nghĩa vụ với tư cách thành viên của Công ty Epco.
Khi bị phạt tù, tất nhiên, quyền công dân của ông mất và bản thân ông bị “tạm hoãn” tư cách thành viên của EPCO, nay ông Liên Khui Thìn được tự do, tư cách thành viên phải được khôi phục là điều tất yếu.
Tuy nhiên, cũng cần xem xét rằng, việc tranh chấp quyền thành viên giữa ông Liên Khui Thìn và ông Nguyễn Lộc Ri thực sự sẽ “ngã ngũ” khi xác định được giá trị còn lại của công ty. Và, bản thân ông Liên Khui Thìn phải chứng minh được rằng 12,5% cổ phần vốn của mình thực sự còn thì tư cách thành viên của ông Thìn vẫn còn.
Hoặc, phía ông Nguyễn Lộc Ri đưa ra được những bằng chứng cụ thể về việc 12,5% cổ phần vốn của ông Liên Khui Thìn đã thi hành án hết thì lẽ dĩ nhiên, tư cách thành viên của ông Liên Khui Thìn với EPCO cũng chấm dứt.
Vào thời điểm đó, nhà báo Đỗ Hưng cũng thể hiện cho thấy, sau nhiều lần liên hệ phía Epco để xin cuộc hẹn về vấn đề tranh chấp quyền quản lý giữa ông Liên Khui Thìn và ông Nguyễn Lộc Ri nhưng nhận được sự bất hợp tác. Suốt một thời gian dài, phía công ty đều nại lý do về sự vắng mặt của ông Nguyễn Lộc Ri là: “Bận đi họp trên quận 3”.
Với thiện chí, đem đến cho độc giả một cái nhìn đa chiều về vụ việc mà trước đó, Công ty Epco dưới sự điều hành của ông Nguyễn Lộc Ri phải đối mặt nhiều với “búa rìu dư luận”, nhà báo này quyết định xông vào đại bản doanh của Epco. Hỡi ôi, thật bất ngờ, EPCO ngày xưa “lộng lẫy” bao nhiêu thì nay điêu tàn bấy nhiêu. Có mặt tại Văn phòng công ty ở số 72, đường Lý Thái Tổ, quận 3, TP HCM, nhà báo đã rất ngạc nhiên khi thấy bên dưới là nơi bán phụ tùng xe và sửa xe. Thấy lạ, hỏi chuyện người bảo vệ xác nhận đúng là trụ sở Epco ngay tại đây.
Vào lúc đó, khi nhà báo muốn được gặp đại diện của công ty thì nhận được câu trả lời là: “Đã đi đâu hết và không còn nhân viên nào ở lại công ty”.
Sự ra đi và quay trở lại của ông Liên Khui Thìn để định đoạt Epco cứ như một câu chuyện thần kỳ. Phải, mà có thể bản thân những cá nhân ở trong cuộc chơi về “miếng bánh” EPCO không thể ngờ một kết cục ông Liên Khui Thìn sớm có ngày được ân xá và mãn hạn tù. Bản thân ông Liên Khui Thìn còn “mắc nợ” Nhà nước và ông quyết xác định tư cách thành viên cũng như đòi lại quyền điều hành EPCO một phần nói lên điều này.
Cần một “cán cân công lý” cho “hậu EPCO”
Đỉnh điểm của vụ việc lùm xùm trong vấn đề thi hành án bắt nguồn từ “bộc bạch” của Liên Khui Dương, em ruột ông Liên Khui Thìn, “vén màn bí mật” về ẩn số tài sản của anh mình.
Ắt hẳn, chúng ta đều biết đến Công ty TNHH Hồng Long Nha Trang, có trụ sở tại tỉnh Khánh Hòa. Theo bản án phúc thẩm của Tòa án nhân dân Tối cao thì, số tài sản Nhà nước mà Liên Khui Thìn chiếm đoạt đã chuyển về Nha Trang và thành lập Công ty Hồng Long Nha Trang để cho em ruột của mình là Liên Khui Dương làm giám đốc đầu tư xây dựng nhà máy chế biến hải sản nhiều tỉ đồng chưa ổn định thì bị bắt.
Công ty Hồng Long Nha Trang được thành lập năm 1995 với 4 thành viên góp vốn là ông Liên Khui Thìn, bà Trần Kim Lệ (vợ ông Thìn), ông Nguyễn Xuân Kỳ và ông Đỗ Hữu Cảnh. Thời điểm này, vào tháng 8/2005, ông Liên Khui Thìn đã được ân xá thoát án tử hình và chịu án chung thân. Nghĩa vụ của ông Thìn vẫn phải tiếp tục trả nợ số tiền thi hành án của mình. Tuy vậy, ông Liên Khui Thìn và bà Trần Kim Lệ bị “khai tử” khỏi công ty.
Tiếp đến, hàng loạt những sai phạm trong vấn đề thi hành án lần lượt được phanh phui. Trong quá trình thi hành án, hàng loạt văn bản bất nhất đã làm sai lệch hay cách hiểu “méo mó” của án tuyên quanh “ẩn số” của một mớ tài sản bất động sản béo bở này.
Mà, Lương Vĩnh Phúc, nguyên Trưởng Thi hành án và Bùi Liên Hiệp nguyên chấp hành viên trong khi thi hành công vụ đã có cách hiểu sai lệch vụ án. Để rồi, một người bị đề nghị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và người còn lại là “Lạm quyền khi thi hành công vụ”.
Bản thân ông Nguyễn Xuân Phát, Phó chánh Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân Tối cao lúc bấy giờ đã phải có buổi họp báo với báo, đài về việc 3 công văn lần lượt ra đời nhằm giải thích cho việc thi hành án.
Diễn biến của “hậu vụ án EPCO – Minh Phụng” luôn mang nặng mùi “giá trị bất động sản”. Không phải khi được ân xá và ra khỏi tù ông Liên Khui Thìn mới kiện đòi lại quyền quản lý EPCO. Trước đó, giữa ông Liên Khui Thìn và ông Nguyễn Lộc Ri từng đã có nhiều khúc mắc trong vấn đề giải quyết việc thi hành án. Thời điểm tháng 8/2007, khi ông Liên Khui Thìn đang thi hành án, vẫn đâm đơn kiện ông Nguyễn Lộc Ri vì cho rằng, quyền thi hành án của mình bị xâm phạm. Khi ấy, bản thân ông Liên Khui Thìn chưa có “quyền công dân” nên phải ủy quyền cho em ruột của mình là Liên Khui Dương phát đơn kiện.
Mọi người cũng cần nhớ rằng, Công ty EPCO là công ty TNHH có 5 thành viên sáng lập. Thời điểm năm 1997, ông Liên Khui Thìn đã bị cơ quan chức năng ra lệnh bắt tạm giam trong vụ trọng án kinh tế EPCO – Minh Phụng. Đồng thời, ông Nguyễn Tấn Phúc, Chủ tịch HĐQT, đại diện góp vốn cho UBND quận 3 cũng bị bắt tạm giam với ông Liên Khui Thìn.
Sau đó, UBND quận 3 cử ông Nguyễn Lộc Ri giữ chức vụ này cho đến nay.
Việc tuyên bố giải thể, phá sản công ty phải được gửi đến cơ quan đăng ký kinh doanh, tất cả các chủ nợ, người có quyền và lợi ích liên quan kèm theo phương án giải quyết nợ. Như vậy, vấn đề mấu chốt của vấn đề “hậu EPCO – Minh phụng” sẽ còn tiếp diễn khi bản thân Liên Khui Thìn hay Công ty EPCO vẫn còn “thiếu nợ” tiền thi hành án để khắc phục hậu quả.
Và như thế, sau khi xác định được ông Liên Khui Thìn vẫn còn cổ phần trong Công ty Epco thì ông Thìn tiếp tục đi chặng đường thứ 2 là đòi lại quyền quản lý công ty của mình.
Theo bản án xử phúc thẩm của Tòa án nhân dân Tối cao năm 2000, xác định Công ty Epco là công ty TNHH chứ không phải là doanh nghiệp nhà nước.
Luật sư Nguyễn Kiều Hưng cho biết thêm, để xác định xem ông Liên Khui Thìn có giành được quyền quản lý công ty hay không phụ thuộc rất nhiều vào những lá phiếu tín nhiệm của các thành viên khác trong công ty. Khi đó, các thành viên trong Hội đồng thành viên của Công ty EPCO sẽ tổ chức nhóm họp và bầu lại tư cách chủ tịch Hội đồng thành viên và giám đốc công ty theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Lúc này sẽ là yếu tố để xác định được ai là người quản lý EPCO.
Khi bài báo này lên, nhà báo Đỗ Hưng bình luận: “Chúng ta sẽ bắt đầu được xem một cuộc đua tranh giành lại EPCO và cuộc chiến “hậu EPCO” giữa ông Liên Khui Thìn và ông Nguyễn Lộc Ri. Tất nhiên, phần thắng cho bên nào lại do “cán cân công lý” quyết định”.
Và hơn chục năm qua, người em của ông Liên Khui Thìn là Liên Khui Dương bị bắt và di lý từ Nha Trang vào, sau một thời gian giam giữ, đến lúc thả ra ốm rồi chết.
Chặng đường hơn 10 năm ấy, ông Liên Khui Thìn vẫn lặng lẽ phát triển doanh nghiệp của mình vẫn mang tên EPCO và tập trung vào một số lĩnh vực mới. Thế nhưng, ông vẫn không quên món nợ và kiên trì đòi lại tài sản, lật lại rất nhiều vấn đề trong hoạt động quản lý kinh tế và tố tụng dân sự, mà đến bây giờ công an đã có những dấu hiệu hình sự phải khởi tố vụ án.
Sẽ còn nhiều điều phải tranh luận tiếp, nhưng các doanh nhân có thể qua đó rút ra những bài học cho chính mình, bởi những vấn đề này luôn rất thời sự.