Miền Nam luôn trong tim Bác – Hội thảo khoa học “Bác Hồ với trí thức Nam bộ” 

Vừa qua, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM phối hợp cùng Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TPHCM tổ chức buổi hội thảo khoa học “Bác Hồ với trí thức Nam bộ” tại trụ sở (224 Điện Biên Phủ, phường 7, quận 3, TPHCM).

Hội thảo có sự hiện diện của: TS Lê Hồng Sơn, Thành ủy viên, Phó Trưởng Ban Thường trực, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM; PGS.TS Phạm Quang Thao, Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; GS.TS Nguyễn Văn Phước, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TPHCM; PGS.TS Nguyễn Thế Nghĩa, Phó Bí thư Đảng đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TPHCM cùng các đại biểu, đại diện Liên hiệp Hội các tỉnh thành, các nhà khoa học…

Quang cảnh hội thảo

Hội thảo chú trọng nghiên cứu, thảo luận về các nội dung xoay quanh vấn đề như: Tình cảm và sự quan tâm đặc biệt của Bác Hồ dành cho trí thức Nam Bộ; Lòng tôn kính, sự ngưỡng mộ và tình cảm đặc biệt của trí thức Nam Bộ với Bác Hồ; Trí thức Nam Bộ học tập và làm theo lời Bác.

PGS.TS Nguyễn Thế Nghĩa, Phó Bí thư Đảng đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TPHCM đã phát biểu tại hội thảo: “Trong lịch sử nhân loại, thật hiếm có một vị Chủ tịch nước, hoặc Tổng thống nước nào lại nặng lòng với nước với dân, chăm lo tới từng giấc ngủ, miếng cơm, tấm áo, học hành, việc làm, đời sống…. cho người dân như Bác Hồ kính yêu của chúng ta.

PGS.TS Nguyễn Thế Nghĩa, Phó Bí thư Đảng đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TPHCM

Bác Hồ kính yêu đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng ta, dân tộc ta và nhân loại tiến bộ. Người là biểu tượng sinh động và cao đẹp nhất của giá trị con người Việt Nam và tinh hoa văn hóa nhân loại. Khi còn sống, Người luôn đấu tranh, dành tình cảm và những gì tốt đẹp nhất cho đồng bào, đồng chí, con cháu, già trẻ, gái trai, miền xuôi, miền ngược. Khi đi xa, Người đã để lại toàn bộ di sản tinh thần vô giá và muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng”.

TS Lê Hồng Sơn, Thành ủy viên, Phó Trưởng Ban Thường trực, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM

Như Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng khái quát: “Hồ Chí Minh cao mà không xa, mới mà không lạ, to lớn mà không làm ra vĩ đại, chói sáng mà không làm ai choáng ngợp, mới gặp lần đầu mà cảm thấy thân thiết từ lâu”.

Trong lịch sử hào hùng của dân tộc, cụ thể trong cuộc Cách mạng tháng Tám và suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Bác Hồ luôn dành tình cảm ấm áp và sự quan tâm đặc biệt đến đồng bào và trí thức Nam Bộ. Người luôn khích lệ, thuyết phục, động viên, vừa giáo dục, rèn luyện, dìu dắt và giao nhiệm vụ; đồng thời, tạo mọi điều kiện thuận lợi để trí thức phát huy được trí tuệ sáng tạo, cống hiến được nhiều nhất và tốt nhất cho dân, cho nước. Đối với đồng bào miền Bắc, Bác luôn căn dặn, nhắc nhở về sự hi sinh anh dũng, chiến đấu chống quân xâm lược của các trí thức, nhân dân miền Nam để góp phần thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà.

PGS.TS Phạm Quang Thao, Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam

Để đáp lại tình cảm của Bác, hàng ngàn trí thức Nam Bộ lúc bấy giờ đã tự nguyện dấn thân vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước để từ đó có những tấm gương tiêu biểu như: GS.VS. Anh hùng lao động Trần Đại Nghĩa, GS.NGND. Anh hùng lao động Trần Văn Giàu, Kỹ sư Nguyễn Ngọc Nhựt, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Nhà trí thức yêu nước Cao Triều Phát,…

GS.TS Nguyễn Văn Phước, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TPHCM, cho biết: “Hội thảo đã phản ánh rõ hơn, đầy đủ và sâu sắc hơn niềm tin, sự quan tâm đặc biệt và lòng hiền từ ấm áp của Bác Hồ dành cho trí thức Nam Bộ. Đồng thời, thể hiện sự tôn kính và lòng biết ơn vô hạn của trí thức Nam Bộ với Bác Hồ kính yêu. Một lần nữa nhấn mạnh quyết tâm sắt đá của đội ngũ trí thức Nam Bộ “học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

GS.TS Nguyễn Văn Phước, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TPHCM

Được biết, hội thảo đã thu hút được sự quan tâm, ghi nhận được hơn 100 đại biểu và các nhà khoa học đến từ Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Nam Bộ tham gia nghiên cứu. Kết quả đã ghi nhận tới 80 bài nghiên cứu được in trong sách kỷ yếu “Bác Hồ với trí thức Nam Bộ”.

Hội thảo “Bác Hồ với trí thức Nam Bộ” không chỉ phân tích đầy đủ, toàn diện và làm sâu sắc hơn tình cảm ấm áp, sự tin tưởng và quan tâm đặc biệt của Bác Hồ dành cho trí thức Nam bộ, không chỉ bày tỏ sự trung thành, lòng tôn kính và biết ơn sâu sắc của trí thức Nam bộ với Bác Hồ kính yêu, mà còn là dịp để chúng ta thể hiện quyết tâm sắt đá “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” góp phần cùng trí thức và nhân dân cả nước lan tỏa giá trị Hồ Chí Minh, xây dựng đất nước ta ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn để thỏa lòng mong ước của Người.

HẢI NGỌC