Để đảm bảo thực hiện những cam kết quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính, tiến đến đạt mức giảm phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, Việt Nam cần thiết phải xây dựng và thực hiện kế hoạch giảm phát thải trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; phát triển thị trường, định hình các cơ chế quản lý tín chỉ carbon.
Ngày 02/05/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ra chỉ thị tăng cường công tác quản lý tín chỉ carbon nhằm thực hiện những cam kết mà Việt Nam đã ký tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP26) và chương trình Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC). Công tác quản lý phát triển thị trường, định hình các cơ chế quản lý tín chỉ carbon là phương thức thực hiện các cam kết quốc tế này.
Việt Nam là một trong 197 quốc gia tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu và cũng là một trong 40 quốc gia cam kết loại bỏ điện than – nhiên liệu tác động lớn nhất tạo ra hiện tượng biến đổi khí hậu. Mục tiêu này đòi hỏi các nước tham gia phải cắt giảm lượng khí thải carbon dioxide một cách nhanh chóng và bền vững như giảm 45% lượng phát thải carbon dioxide vào năm 2030 so với mức năm 2010 và về “0” vào năm 2050, cùng với cắt giảm sâu phát thải các loại khí nhà kính khác.
Từ nhiều năm qua, nhiều doanh nghiệp Việt Nam, đã tham gia các chương trình, dự án tạo ra và trao đổi tín chỉ carbon trên thị trường thế giới theo tinh thần tự nguyện, với hơn 300 chương trình đăng ký, trong đó một nửa đã được cấp 40,2 triệu tín chỉ và trao đổi trên thị trường carbon thế giới; song trong dư luận xã hội và môi trường truyền thông, hiện chưa có nhiều thông tin đầy đủ, rõ ràng và nhất quán về thị trường tín chỉ carbon.
Tín chỉ carbon là một loại giấy phép cho phép chủ sở hữu được quyền thải carbon dioxide hoặc khí thải nhà kính khác theo một định lượng. Một tín chỉ carbon tương đương với quyền phát thải 1 tấn carbon dioxide hoặc các loại khí nhà kính khác tương đương. Tín chỉ carbon thường được sử dụng trong các chương trình giảm phát thải carbon thông qua giao dịch trên thị trường carbon (hoặc trao đổi, bù trừ tín chỉ) để hỗ trợ các hoạt động bảo vệ môi trường và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.
Theo nội dung chỉ thị, cơ chế quản lý tín chỉ carbon là một hệ thống các quy định về cách tạo ra tín chỉ carbon, quy trình trao đổi, mua bán và bù trừ tín chỉ carbon, cũng như các quy định về việc đảm bảo thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính của quốc gia và phương thức tổ chức triển khai các quy định quản lý. Cơ chế này nền tảng để phát triển thị trường carbon trong nước và tham gia vào thị trường carbon quốc tế.
Để tăng cường công tác quản lý tín chỉ carbon và phát triển thị trường theo những điều Việt Nam đã cam kết khi tham gia (COP26) và (NDC), Thủ tướng Chính phủ đã giao cho lãnh đạo các bộ, ban ngành khẩn trương xây dựng và ban hành kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực cơ quan mình phụ trách, cùng phối hợp tham mưu cho các cấp có thẩm quyền tổ chức đàm phán, ký kết với các đối tác quốc tế về trao đổi, chuyển nhượng tín chỉ carbon và phối hợp với các cơ quan truyền thông – báo chí tuyên truyền về mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, phương thức tạo ra tín chỉ và tham gia, phát triển thị trường tín chỉ carbon;
Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương nghiên cứu, thiết lập hệ thống đăng ký, quản lý các chương trình, các dự án giảm phát thải khí nhà kính quốc gia và phương thức tạo ra, tham gia, phát triển thị trường tín chỉ carbon trong nước và quốc tế,…
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khẩn trương xây dựng cơ sở dữ liệu về thực trạng và tiềm năng hấp thụ carbon từ rừng cấp quốc gia, xây dựng tiêu chuẩn quốc gia về tín chỉ carbon rừng, cơ chế chi trả tín chỉ carbon,…
Bộ Công thương phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành rà soát cơ sở pháp lý, tổng hơp kinh nghiệm thực tiển trong nước và quốc tế về hoạt động quản lý, trao đổi, mua bán tín chỉ carbon và chứng chỉ năng lượng tái tạo, …
Bộ Tài chính cùng phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thiện Đề án phát triển thị trường carbon tại Việt Nam, nghiên cứu kinh nghiệm của các nước về xây dựng, quản lý, vận hành và phát triển thị trường này.
Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với các địa phương, các cơ quan liên quan chỉ đạo các cơ quan báo chí-truyền thông xây dựng và thực hiện các chương trình thông tin về Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP26) và chương trình Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam; phương thức tạo ra, tham gia, phát triển thị trường tín chỉ carbon trong nước và quốc tế,…
…
Chỉ thị tăng cường công tác quản lý phát triển thị trường, định hình các cơ chế quản lý tín chỉ carbon là giải pháp, là phương thức thực hiện các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia ký kết Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP26) và chương trình Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC). Cùng các nước tham gia, Việt Nam có trách nhiệm thực hiện giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường và giảm thiểu hoạt động tạo ra tác nhân biến đổi khí hậu trên tất cả các lĩnh vực kinh tế.
NX