Chủ tịch TTC Đặng Văn Thành: “Nếu ai hỏi tôi kiếp sau làm gì, tôi vẫn làm doanh nhân”

“Đỉnh cao của một doanh nhân phải là một nhà quản trị giỏi. Nếu ai hỏi tôi kiếp sau làm gì, tôi vẫn làm doanh nhân…”, ông Thành nói.

Gần 40 năm thăng trầm của đời doanh nhân, ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch tập đoàn Thành Thành Công (TTC) đã thẳng thắn chia sẻ mọi bí quyết kinh doanh và quản trị của mình với bạn bè doanh nhân thành đạt tầm cỡ quốc gia trong Câu lạc bộ Thương hiệu Việt (VBC) như ông Trần Bá Dương – Chủ tịch Thaco; ông Trần Quý Thanh – Chủ tịch Tân Hiệp Phát; ông Đỗ Duy Thái – Chủ tịch Thép Việt; ông Thái Tuấn Chí – Chủ tịch Dệt Thái Tuấn…

Gần đây, ông Thành đã chấp bút đúc kết những kinh nghiệm của mình thành lý luận, với 12 nguyên tắc quản trị của doanh nghiệp, như 12 kim chỉ nam cơ bản có thể áp dụng với bất cứ quy mô nhỏ hay lớn nào, để phấn đấu trở thành thương hiệu mạnh, tiếp cận được với thị trường vốn, tự tin hơn trong lãnh đạo doanh nghiệp.

5 GIÁ TRỊ CỐT LÕI CỦA CHỨC PHẬN MỘT DOANH NHÂN

Xuất thân không phải từ một gia đình kinh doanh, bố là một đông y sĩ, nhà có 6 anh em, nhưng không biết có gen gì đột biến, ông Đặng Văn Thành rất đam mê kinh doanh. Nói về nghệ thuật quản trị và thuật dùng người, ông say sưa như thể một vị giáo sư tài ba trên giảng đường đại học. Bằng kinh nghiệm của người đi trước, những trải nghiệm thực tiễn đầy thú vị đã khiến cho mỗi bài học ông đưa ra vừa mang tính lý luận, vừa phổ quát, được diễn giải rất gần gũi khiến cho từng doanh nghiệp có thể áp dụng ngay vào cuộc sống hàng ngày.

Có một lịch sử kinh doanh dày dạn trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, 6 năm trước ông đảm nhận vị trí cao nhất của Sacombank do chính mình sáng lập, một trong những ngân hàng tư nhân tiên phong trong thời kỳ đổi mới. Lúc ông nhận trách nhiệm nặng nề này, Sacombank chỉ có 200 ngàn USD Mỹ. Khi ông rời khỏi Sacombank, ngân sách Sacombank đã đạt hơn 7 tỷ USD, năm 2012 lãi 4 ngàn tỷ, dự báo 2015 lãi trên cấp số nhân, với quy mô 417 chi nhánh, 9 công ty, quy mô hoạt động trên ba quốc gia, Việt Nam, Lào, Campuchia.

Sự cố tuột Sacombank vào tay người khác đã khiến ông lao tâm khổ tứ rất nhiều, vì đây là đứa con tinh thần mà ông đã dồn vào đó tình yêu và tâm lực. Trong cái rủi có cái may, trở lại điều hành công ty gia đình TTC, chỉ trong một thời gian ngắn, ông đã tạo được cuộc bứt phá ngoạn mục cho TTC trong 5 lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế với những slogan rất ấn tượng: “Nông nghiệp là nền tảng, bất động sản là mái ấm, du lịch là xu hướng, năng lượng là nhu cầu, giáo dục là tương lai”.

Về du lịch, cơ hội đất nước chuyển từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường đã giúp TTC đón đầu được thị trường vốn, dành nguồn ngân sách lớn tham gia chương trình cổ phần hóa của chính phủ, để đầu tư du lịch theo mô hình khép kín khác biệt với nhiều doanh nghiệp cùng ngành, vừa có những không gian thiên nhiên rộng lớn như Thung lũng tình yêu, Tà Cú, vừa có khách sạn cao cấp và trung cấp phục vụ đủ mọi phân khúc du lịch, lữ hành.

TTC cũng đầu tư khép kín từ mẫu giáo đến cao đẳng, đại học, với chiến lược dài hơi từ này đến 2025, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục phụ vụ từ nông thôn đến thành thị.

Về mía đường, TTC đang đầu tư 9 nhà máy và vùng nguyên liệu 62 ngàn hecta đất vừa là chủ sở hữu, vừa đầu tư cho nông dân, chiếm khoảng gần 50% thị phần trong nước về đường với thương hiệu nổi tiếng như Đường Boutbon Tây Ninh, Đường Biên Hòa, Đường Ninh Hòa, Đường Phan Rang, Đường Nước Trong, Đường La Ngà…

Về năng lượng, TTC dành hết ngân sách, nhân lực và tài lực cho năng lượng sạch, sản xuất điện sinh khối từ bã mía 153 MW. Cây mía, cây dừa đã được TTC tận dụng hết từ chính phẩm đến phụ phẩm, tạo ra những sản phẩm mang tính cạnh tranh cao trong xu hướng trở lại với sản phẩm sạch, oganic. 4 năm trước TTC đã chuẩn bị rất kỹ cho đầu tư điện mặt trời và điện gió, sở hữu 13 nhà máy thủy điện, và đang chuẩn bị làm điện gas cùng với đối tác nước ngoài.

“Năng lượng sạch như điện gió, điện mặt trời là lợi thế của Việt Nam, nhưng 10 năm về trước chúng ta chưa tiệm cận được vì chi phí đầu tư còn cao, nhưng gần đầy đã giảm 45 % chi phí. Với điều kiện bờ biển dài khoảng 3600 km, cơ hội rất lớn, nhưng thách thức là đường tải. Điện mặt trời chỉ có 5,5 giờ/ngày, điện gió cũng khoảng 7 giờ/ngày. Hai loại điện này cộng lại chưa ổn định, phải sử dụng điện than nhưng thách thức rất lớn vì ô nhiễm. Có thể thay thế bằng điện gas… Tôi cũng vừa gặp gỡ cựu ngoại trưởng Mỹ John Kerry ở Hà Nội, đặt vấn đề với chính phủ đầu tư đường tải điện song song 500 kv, giải quyết thách thức lớn nhất về truyền tải điện hiện nay”, ông Thành cho biết.

Về đầu tư bất động sản Sacomreal là đơn vị hạt nhân. TTC đang chuẩn bị sáp nhập hàng loạt các doanh nghiệp có liên qan đến bất động sản về một đầu mối thành Tổng công ty địa ốc TTC Land, với ba KCN lớn nhất ở Trảng Bàng, Phú Quốc.

“Tôi vừa ra Phú Quốc, đối diện ngay với nạn kẹt xe. Cơn bão vừa hết, rau muống 100 ngàn/kg, khoai 160 ngàn/kg. Tôi gặp ngay lãnh đạo Phú Quốc, đặt vấn đề an ninh lương thực. Nói đến an ninh lương thực phải có kho tàng, cảng. TTC sẽ đầu tư hệ thống kho lạnh, đến quý 2 năm 2019 sẽ hoàn thành cho Phú Quốc. Ngoài ra chúng tôi còn có hệ thống kho rất lớn ở TP HCM để làm logistics…

Quản lý 5 lĩnh vực với quy mô đa ngành, vốn điều lệ của TTC hiện nay khoảng 18 ngàn tỷ đồng… nhưng tôi vẫn có thời gian chơi golf được. Chung quy là chúng ta biết sắp xếp thời gian. Tôi muốn minh chứng là chúng ta đừng đổ thừa cho thời gian để bỏ qua điều gì đó cần thiết trong cuộc sống của mình”, ông Thành chia sẻ.

Đề cập đến điều quan trọng nhất trong điều hành doanh nghiệp là phải ý thức được vai trò, sứ mạng của một doanh nhân, ông Thành nói: “Kinh doanh là sứ mệnh, không phải là quyền lợi. Đầu năm 2019, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đều thể hiện sự quan tâm và đánh giá cao sự đóng góp của thành phần kinh tế tư nhân. Khác với cổ phần, vai trò đóng góp tích cực của đội ngũ doanh nghiệp tư nhân đồng nghĩa với việc tạo ra 5 giá trị:

Thứ nhất là tạo giá trị gia tăng cho xã hội qua cân bằng cán cân thương mại, như nhập siêu, xuất siêu. Nhập thiết bị máy móc cho sản xuất, để sản xuất ra những sản phẩm cho xã hội góp phần giảm thiểu cán cân thương mại bị lệch. Tổng thống Trump ngay khi nhậm chức đã tiến hành cấu trúc ngay lại cán cân thương mại. Chúng ta cũng phải làm ngay điều này. Trực tiếp xuất khẩu hay xuất khẩu tại chỗ, tạo sự cân bằng cho cán cân thương mại.

Thứ hai là tạo giá trị gia tăng cho khách hàng, để tạo năng lực cạnh tranh. Kinh tế thị trường tạo cơ hội cho tất cả và không nhường nhịn một ai đâu, chết cũng nhiều, chết lâm sàng cũng có, đó là quy luật. Đã là doanh nghiệp, phải đối diện điều đó mới “đã”.

Ông Đặng Văn Thành và chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn

NHỮNG NGUYÊN TẮC CƠ BẢN TRONG QUẢN TRỊ DOANH NGHIỆP

Đưa ra 12 nguyên tắc quan trọng đối với quản trị doanh nghiệp, ông Thành nhấn mạnh nguyên tắc đầu tiên là “Thiết lập HĐQT tạo ra giá trị gia tăng”.

“Để có được một HĐQT chuẩn mực, cần kiểm soát trách nhiệm và điều hành chuyên nghiệp, điều hành bằng trí óc, dẫn dắt bằng con tim. Gần đây vai trò kiểm soát bắt đầu được đề cao và truy cứu trách nhiệm liên quan đến pháp luật khi có sự cố xảy ra. Trước đây vai trò này cũng có mặt trong HĐQT, nhưng chỉ là ‘có bông có hoa thôi”. Anh là đại diện tư pháp, phải có trách nhiệm chứ. Gần đây vai trò này đã bắt đầu có án rồi, tôi cho là công bằng. Kinh doanh trên mô hình quản lý cấp cao, có quản trị viên độc lập, quản trị viên điều hành…

Một cá nhân không nên đồng thời vừa làm chủ tịch và tổng giám đốc. Quy mô nhỏ thì được, nhưng lớn thì không nên. Ngành ngân hàng thì hoàn toàn không được, vì dễ tập quyền, rủi ro lắm. Cần có bản phân công rõ ràng giữa bộ máy lập pháp và hành pháp, để không dẫm chân lên nhau, không khéo chúng ta sẽ thành “siêu” tổng giám đốc, “siêu” chủ tịch. Điều này cũng thường xảy ra. Chức năng chủ tịch rồi thì đừng tham gia điều hành trực tiếp ngoài vai trò nhạc trưởng. Tôi hiện nay chỉ phụ trách về nhân sự, đào tạo, thi đua khen thưởng. Tôi thường nói với anh em: “Anh đứng ngoài giám sát hỗ trợ, để các em làm tốt vai trò thủ lĩnh của mình. Em làm đi có gì khó anh gỡ cho, vì nếu anh làm có gì khó ai gỡ? Người nhìn bên ngoài bao giờ cũng sáng hơn”. Ở quy mô lớn nên né điều hành cụ thể, nhìn không có quyền nhưng thực sự có quyền”, ông Thành khuyến cáo.

Nguyên tắc thứ 2 mà ông Thành lưu ý là “Đưa ra quyết định có trách nhiệm và đúng nguyên tắc, tạo lập tầm nhìn và sứ mệnh, định rõ chiến lược phát triển từ 5 năm đến 10 năm”, và định hướng thời điểm nào sẽ lên sàn niêm yết chính thức. Nên xây dựng chiến lược từ cái đã có, đang có và sẽ có.

“Cứ mạnh dạn định chiến lược để con tàu đi đúng hướng, đừng ngại. Điều hành thông qua lịch làm việc tuần, giao ban tháng, sơ kết từ dưới lên công ty mẹ…Điều chỉnh tăng giảm theo khách quan, đặt ra mục tiêu có định lượng là phương pháp khoa học. Vì chúng ta không tư duy nhiệm kỳ mà làm việc suốt đời với nhau, phải có tư duy định kỳ để anh em làm việc với mình khách quan hơn.

Trước đây, năm tài chính đều tập trung vào một ngày 31/12, vì đầu mối duy nhất chỉ có một ông chủ là nhà nước. Với quy mô đa ngành, đa sở hữu, cùng chọn ngày cuối năm cập rập lắm. Cách đây 10 năm, tôi đã đề xuất với Bộ Tài chính là năm tài chính để tùy từng ngành chọn, ví dụ như ngành giáo dục chọn tháng 6, vì đó là thời điểm gối đầu mùa nhập học năm sau. Không nhất thiết chọn 31/12, nên để từng doanh nghiệp chọn năm tài chính phù hợp nhất, giúp xã hội cân bằng. Tổng kết thì từ trên xuống, bảo vệ trước nội bộ mình, đại hội đồng cổ đông, sau đó mới giao xuống cho các đơn vị thành viên. Nhưng sơ kết thì từ dưới lên.

Nguyên tắc thứ ba mà ông Thành luôn coi trọng là công tác gìn giữ hiền tài, tái cấu trúc liên tục.

“Nhân tài có thể thuê được, nhưng hiền tài phải tự đào tạo, xây dựng từ từ. Tái cấu trúc là công việc thường xuyên của một tổ chức trong quá trình hình thành và phát triển. Nhìn nhận để tái cấu trúc thời điểm thích hợp, đừng ngại khi cái áo đã quá chật, phải tái cầu trúc cả mô hình tổ chức, chiến lược phát triển…

Từ khởi nghiệp đang bị lạm dụng nhiều, làm quá các em sinh viên mất phương hướng, rút cục chúng ta chỉ có thầy mà không có thợ. Con đường tốt nhất cho những người trẻ theo tôi nên làm thuê để trải nghiệm, rút kinh nghiệm trong quá trình tích lũy từ thành nhân tới thành tài trước, đừng nóng vội. Thiên thời địa lợi nhân hòa, nếu muốn mưu sinh ngay, vì chén cơm manh áo dễ manh động, thủ đoạn… Nhiều doanh nhân lỗi lạc đã từng phải trải qua bao thăng trầm để đạt được đỉnh cao đó. Đây là bài học xương máu.

Còn mưu sinh gián tiếp, hòa quyện và doanh nghiệp đó, có trách nhiệm bảo vệ đồng hành với nó, từ từ lên trưởng phòng, tổng giám đốc… đừng vội vàng mở ra tiệm này tiệm nọ, nếu dễ dàng vậy chẳng ai đi làm thợ đâu.

Có tài mà chức có thời thì ngồi ngáp ruồi. Có thời không có tài chỉ như trúng số. Có cả hai mà không có đức thì không được lâu. Mất tiền chưa mất gì hết. Tôi khuyên doanh nhân trẻ lưu ý, mất tình yêu mới mất phân nửa, mất uy tín mất tất cả. Bảy mươi phần trăm mất uy tín đo lường bằng tiền. Luẩn quẩn như con gà mắc tóc vậy đó. Tôi từng thấy có người xuất khẩu hột vịt bọc trái cóc, xuất khẩu tôm nhét đinh vào… làm ăn gian dối vậy chỉ có chết”, ông Thành chia sẻ.

Đề cập đến vai trò lãnh đạo, ông Thành chia sẻ bí quyết đào tạo các cán bộ thuộc quyền: “Lãnh đạo địa phương phải là đại sứ thương hiệu. Người lãnh đạo giỏi phải có tố chất kinh doanh, quản lý, người thầy, hạt nhân của những người tài, kết tinh được những con người đứng xung quanh mình. Chúng ta tính lương lao động bằng tháng, còn nước ngoài tính lương bằng giờ, nạn lãn công rất lớn với Việt Nam. Có thêm vấn nạn nữa là cán bộ làm việc 50%, không động não, không tham gia bất cứ sáng kiến gì hết, sáng vác ô đi tối vác về, trỗi dậy lòng nhân nhỏ làm gánh nặng cho tổ chức, cho gia đình họ nữa. Họ mềm như bông gòn, khó phát hiện lắm. Còn loại cán bộ vô tư, ở trên ngọn ai dụ là bay, ở dưới gốc thì làm thúi rễ. Phải làm giàu cho tổ chức, trong đó có mình, không thể thấy của là rinh cho riêng mình. Tôi chính là người đưa ra khái niệm doanh nghiệp không có tuổi thọ, doanh nhân có tuổi thọ, và rủi ro của mọi rủi ro là con người, con người là tài sản vô giá của doanh nghiệp nhưng không phải là tài sản của chúng ta. Phải có chính sách, chế độ con người mới đi theo mình”.

TTC còn có một chính sách độc đáo là giám đốc lưu động, luân chuyển để giảm bệnh ngôi sao và mỗi năm “buộc” cán bộ phải nghỉ phép 15 ngay đi chơi hoàn toàn để tái tạo sức lao động.

“Doanh nhân phải khẩu vị được rủi ro, nhưng không chấp nhận mọi rủi ro. Chính sách giám đốc lưu động TTC đã làm được, nhờ minh bạch, làm cho con người hoàn thiện hơn, cảnh tỉnh hơn, giảm bệnh ngôi sao. Nghỉ phép 15 ngày, đi chơi không được tới cơ quan, có người khác từ trên xuống làm chứ không lấy phó lên. Người thứ ba đánh giá khách quan hơn, góp ý với nhau làm tốt hơn, giảm thiểu bệnh ngôi sao.

Nhiệm kỳ 4 năm cũng áp dụng rất nghiêm khắc, anh có thể chỉ định người nào làm phó lên thay. Phương pháp “soi gương” này giúp cán bộ thấy rõ “không có mợ thì chợ vẫn đông, vừa tạo sự đồng cảm của người phó lên làm trưởng, và chuẩn bị cho công tác kế thừa…

Nhấn mạnh nguyên tắc 5 “Đảm bảo tính thống nhất trong báo cáo tài chính”, ông Thành cho biết HĐQT cần thành lập ủy ban kiểm toán, có ít nhất 3 thành viên (nên độc lập, có khả năng đôc hiểu, phân tích tốt báo cáo tài chính, hiểu rõ văn hóa và ngành nghề công ty hoạt động. Chủ tịch HĐQT không nên giữ chức dnah này. Công ty kiểm toán có vai trò xác lập tính chính xác và khách quan.

“Thị trường tài chính gồm thị trường vốn và thị trường tiền tệ, nhưng trước 2003 chỉ hoạt động 1 cái càng là tiền tệ, tới 2003 thị trường vốn mới ra đời. Đây là kênh huy động vốn quan trọng cho doanh nghiệp, cân bằng hai cái càng. Nếu minh bạch, có tầm nhìn tốt, tiếp nhận thị trường vốn rất dễ dàng.

Ông Thành cũng đưa ra nguyên tắc thông tin kịp thời và đầy đủ. Ban hành quy chế công bố thông tin. Quy định các chức danh được công bố thông tin, quy định nội dung được phép phát ngôn, quy định tính bảo mật thông tin và hạn chế công bố thông tin sớm, có các giải pháp về quản trị và xử lý tính huống rủi ro thông tin. Công nhận các lợi ích hợp pháp các bên liên quan, thiết lập và công bố quy tắc hành xử với các bên liên quan tuân thủ quy định của luật có ảnh hưởng đến kinh doanh của công ty, bảo vệ quyền khách hàng, luật lao động, an toàn và bảo về sức khỏe, ô nhiễm môi trường.

Ông Đặng Văn Thành dành riêng một phần để nói về việc rèn luyện sự tự tin, hoàn thiện bản thân:

“Người lãnh đạo phải thấy mình yếu lĩnh vực nào để nâng cao trình độ chuyên môn, hoàn thiện bản thân bằng một bộ máy, một ê kíp. Đừng ngại, đừng sĩ diện, vì nhân vô thập toàn mà.

Khái niệm đạo đức theo tôi rất cụ thể, đó là trung thành với tổ chức và có hiếu với gia đình. Để tạo sự tự tin, một ngày cần đọc ít nhất 2 tờ báo và một cuốn sách. Tôi thường đọc sách của Nguyễn Hiến Lê hướng dẫn rất kỹ nghệ thuật hùng biện, để truyền lửa đến toàn thể CB CNV. Hùng biện có thể trau dồi được, như học nói trước gương chẳng hạn”.

Hỏi ông động lực nào khiến ông dành thời gian tâm huyết để đúc kết thành ý luận và đi chia sẻ với mọi người không hề giấu diếm điều gì? Ông cười sảng khoái: “Thời tụi tôi có thuận lợi vì nhiều cơ hội, nhưng bây giờ điều kiện các bạn hơn tôi nhiều, nhưng thiếu kinh nghiệm, chính điều đó chạm vào trái tim tôi, khiến tôi dành nhiều thời gian để chia sẻ. Sức khỏe, hạnh phúc, kiến thức không ai cho mình được, để thực hiện 11 nguyên tắc mà tôi đưa ra, trước hết bạn phải có sức khỏe. Nên chọn một môn thể thao phù hợp với sức khỏe và sự yêu thích của mình, hoặc tập thể dục thường xuyên, và dành thời gian sáng sớm để đọc sách. Trước tôi chơi tenis, bây giờ chạy bộ ngày 5 tiếng, mặc áo mưa chạy, cảm giác mồ hôi chảy ròng ròng, đã lắm. Chạy buổi sáng riết rồi nghiền luôn, không uống nước l ạnh, uống nước nóng mới đã… Trên 50 rồi thì bạn nên uống sữa bổ sung canxi 2 giờ trước khi đi ngủ. Tôi áp dụng 2 năm nay rồi, thấy hiệu quả lắm. Giáo sư Võ Tòng Xuân mỗi buổi sáng uống trái chanh. Tôi cũng học theo anh, khi đi khám lại, các chỉ số tốt đến ngạc nhiên. Động tác ngồi xổm mấy chục năm nay mình không làm khiến các dây chằng của mình không hoạt động. Mỗi ngày tôi đứng lên ngồi xuống đúng 20 lần, khiến cho thân hình dẻo dai hơn…”.

Trong 12 nguyên tắc, có cả phần đề cập đến những điều cấm kỵ trong thuật lãnh đạo: “Người có tài thường có tật, tự mãn và tự phụ. Phải luôn ý thức để tự điều chỉnh mình, tự tin nhưng không tự cao. Tránh bảo thủ và cục bộ, tạo dựng e kíp nhưng không bè phái, lợi dụng chức vụ để tư lợi bản thân. Người lãnh đạo đừng bao giờ có tâm lý sợ thuộc cấp giỏi hơn mình, say mê công việc nhưng không say mê quyền lực. Với những công ty tham gia thị trường vốn, phát triển không kiểm soát được hệ lụy kinh khủng lắm, bày ra cho họ ăn họ còn đạp đổ. Tập trung quyền lực cũng nguy hiểm vô cùng, vô tình hợp thức hóa sai phạm của mình. Cái tôi tích cực rất nên, cái tôi tiêu cực nên bỏ”.

Thứ ba là tạo giá trị gia tăng cho nhân viên. Trước đây chúng ta hay nghe cụm từ ‘chảy máu chất xám’. Muốn nhân viên thành tài phải tạo được nơi để họ dụng võ, không chỉ thu nhập đâu, phải có sân chơi để họ thỏa mãn sáng tạo của mình, đó là nhu cầu chính đáng của người lao động. Nhu cầu được làm việc ổn định, có thu nhập tốt, có môi trường thăng tiến tốt… là cốt lõi để ngăn chảy máu chất xám.

Thứ tư, phải tạo giá trị gia tăng cho nhà đầu tư. Mở doanh nghiệp phải có vốn, phải tiếp cận với thị trường tài chính. Muốn thế cần chi phí vốn bằng cổ tức, bằng trái tức( chứng khoán vốn, lãi suất nhà bank… nhưng không dừng ở đó. Nhà đầu tư còn kỳ vọng thị giá. Ai mua cổ tức TTC mấy chục ngàn giờ mấy trăm ngàn, trên mây luôn.

Thứ năm, phải nộp ngân sách Nhà nước, đóng góp cho cộng đồng xã hội.

5 giá trị cốt lõi này, hỡi những doanh nhân, chúng ta phải tự hào, nhưng cũng phải đối diện với nó. Nếu không chịu đối diện với nó, thì không thể nào làm tốt đâu. Nếu không đối diện với 5 chức năng này thì thôi đừng làm doanh nhân. Là bác sĩ, nhà khoa học, giáo sư… chỉ cần phấn đấu trở thành một người thật giỏi về chuyên môn, nhưng là chủ doanh nghiệp, bạn không chỉ phấn đấu trở thành người giỏi, mà còn phải sử dụng cả một bộ máy để hoàn thành 5 sứ mệnh này, vai trò rất nặng nề nhưng thú vị.

Nhân viên của mình nếu trong công việc có buồn bực điều gì bỏ lá đơn xin nghỉ, đơn giản lắm. Doanh nhân thì không có nghỉ được ngày nào đâu, nếu có nghỉ thì … vô trong kia nghỉ! Các bạn hãy lắng đọng một thời gian đi để suy nghĩ về điều tôi vừa nói. Cùng ngồi một con thuyền, cùng ăn một mâm cơm, làm việc trong 1 tổ chức, chén trong sóng còn khua, gia đình nhỏ còn bất đồng, tổ chức bất đồng là chuyện bình thường. Nên tìm cách xử lý và thông cảm với doanh nhân, họ vất vả lắm.

Nền kinh tế không cạnh tranh thì đừng nói gì đến phát triển, một tổ chức không thi đua đừng tiến bộ, một doanh nhân đạt đến sự thượng thừa khi thật thà. Doanh nghiệp phải quản trị trên một mô hình, tùy theo quy mô và điều kiện, chúng ta chọn ra mô hình nào phù hợp. Đỉnh cao của một doanh nhân phải là một nhà quản trị giỏi.

“Nếu ai hỏi tôi kiếp sau làm gì, tôi vẫn làm doanh nhân…”.

Theo Kim Yến – BizLive