Bỏ túi bộ câu hỏi chuẩn cho bệnh nhân ung thư dành hỏi bác sĩ khi đi điều trị

Ung thư là căn bệnh mà bạn sẽ phải đồng hành lâu dài cùng các nhân viên y tế, từ khi chẩn đoán tới lúc điều trị và sau đó là điều dưỡng phục hồi sức khỏe.

Người hiểu rõ căn bệnh của bạn nhất, về mặt y học từ chẩn đoán tới điều trị là các nhân viên y tế, đặc biệt là bác sĩ phụ trách. Để nắm rõ căn bệnh để đối mặt và điều trị, hãy cho nhân viên y tế biết nguyện vọng, những thắc mắc của bạn và tạo dựng mối quan hệ tin tưởng với họ. Xây dựng mối quan hệ tin tưởng với nhân viên y tế rất quan trọng.

Hãy nói ra những suy nghĩ của bạn cho nhân viên y tế biết

Xây dựng mối quan hệ tin tưởng với nhân viên y tế giúp tăng hiệu quả cho việc điều trị

Bạn hãy thẳng thắn nói với các nhân viên y tế về tình trạng của bạn, sự bất an hoặc những điều bạn chưa hiểu. Ví dụ: Bạn đau ở đâu, cảm thấy không ổn ở đâu, lo lắng ra sao,…vì những triệu chứng chủ quan như vậy chỉ có bạn là người rõ nhất. Việc nói lên cảm nhận của bạn và quá trình tương tác với nhân viên y tế sẽ giúp xây dựng mối quan hệ bền vững.

Hãy tổng hợp những câu hỏi mà bạn thắc mắc trước khi đi khám vì nó sẽ giúp bạn giao tiếp với bác sĩ tốt hơn. Trong quá trình thăm khám, hãy ghi lại những điều bác sĩ đã nói và cả những điều bạn đã hỏi và hiểu. Đừng để sự bất an và những thắc mắc không được giải quyết. Hãy nói ra những điều bạn hiểu về căn bệnh và xác nhận lại với bác sĩ vì điều này rất quan trọng.

Nếu bạn thấy sợ phải nghe giải thích một mình, hãy đi khám cùng gia đình hoặc bạn thân.

Nếu bạn không thể hỏi bác sĩ phụ trách một cách trôi chảy, hoặc bác sĩ có vẻ không hiểu câu hỏi của bạn, hãy thử thảo luận với điều dưỡng hoặc nhân viên y tế khác.

Ngoài ra, bạn cũng có thể yêu cầu “ý kiến thứ hai” (second opinion) – tức là hỏi ý kiến của một bác sĩ khác về phương thức chăm sóc và điều trị của mình. Khi đó, bạn nên nói cho bác sĩ phụ trách về nguyện vọng này để có giấy giới thiệu và các dữ liệu xét nghiệm liên quan.

Những vấn đề bạn có thể muốn hỏi bác sĩ phụ trách

Câu hỏi về chẩn đoán:

– Tôi bị bệnh ung thư gì, loại gì?

– Loại ung thư này có phân loại hay đặc tính nào nên biết thêm không?

– Vị trí chính xác của khối u?

– Bệnh ung thư đang ở giai đoạn nào? Điều đó có nghĩa là gì?

– Loại ung thư này có di truyền không? Người thân trong gia đình có nguy cơ mắc bệnh này không?

– Tiên lượng bệnh của tôi như thế nào? Liệu tôi có thể hồi phục hoàn toàn sau khi điều trị hay không?

– Tôi có thể tìm thêm thông tin về bệnh ung thư này ở đâu?

Câu hỏi về các triệu chứng bệnh:

– Những triệu chứng phổ biến của loại ung thư này và giai đoạn này là gì?

– Các triệu chứng sẽ thay đổi như thế nào trong hoặc sau khi điều trị?

– Có những cách nào để giảm bớt các triệu chứng này?

– Có những cách nào để phòng ngừa các triệu chứng này?

– Có hoạt động nào có thể làm triệu chứng tệ hơn?

Câu hỏi về điều trị:

– Có những lựa chọn điều trị nào trong trường hợp của tôi?

– Phương pháp điều trị hoặc kết hợp điều trị nào là tốt nhất? Tại sao?

– Mục tiêu của mỗi phương pháp điều trị là gì? Để điều trị đối đầu/loại bỏ bệnh ung thư, giúp tôi cảm thấy tốt hơn, hay cả hai?

– Ai sẽ là thành viên của nhóm điều trị/chăm sóc cho tôi, và nhiệm vụ/công việc của mỗi thành viên là gì?

– Tôi có thể tham gia vào thử nghiệm lâm sàng nào không? Nếu có thì nó được thực hiện ở đâu và tôi có thể tìm thêm thông tin từ đâu?

– Việc điều trị này có thể ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày như thế nào? Liệu tôi có thể tiếp tục làm việc, tập thể dục và sinh hoạt bình thường hay không?

Câu hỏi về tác dụng phụ do điều trị:

– Các tác dụng phụ tiềm ẩn ngắn hạn và dài hạn của mỗi phương pháp điều trị?

– Tôi có thể chuẩn bị những gì để giảm nguy cơ gặp tác dụng phụ?

– Có thể làm gì để xử trí các tác dụng phụ gặp phải?

– Làm thế nào để theo dõi ghi lại các triệu chứng hay tác dụng phụ?

– Nếu một triệu chứng mới xuất hiện hoặc triệu chứng cũ xấu đi, tôi phải làm gì?

– Làm thế nào để giữ cơ thể khỏe mạnh nhất có thể trong quá trình điều trị?

– Việc điều trị sẽ ảnh hưởng đến đời sống tình dục như thế nào?

– Điều trị này có ảnh hưởng đến khả năng mang thai hoặc có con của tôi không? Nếu có, tôi có thể làm gì để duy trì khả năng sinh sản?

– Các tác dụng phụ dài hạn khác liên quan đến điều trị ung thư là gì?

Câu hỏi về sự hỗ trợ:

– Chăm sóc giảm nhẹ có thể cung cấp các loại dịch vụ hỗ trợ gì?

– Có thể giới thiệu cho tôi một chuyên viên chăm sóc giảm nhẹ không?

– Tôi có thể nhận dịch vụ chăm sóc giảm nhẹ ở đâu?

– Có những dịch vụ hỗ trợ nào khác dành cho tôi và gia đình tôi không?

– Nếu tôi lo lắng về việc quản lý chi phí điều trị, tìm kiếm phương tiện di chuyển, hoặc những mối quan tâm thực tế khác, ai có thể giúp tôi?

Câu hỏi cho nhân viên chăm sóc giảm nhẹ:

– Ai sẽ là thành viên trong nhóm chăm sóc giảm nhẹ của tôi? Vai trò của họ là gì?

– Tôi sẽ gặp hay liên lạc với nhóm chăm sóc giảm nhẹ thường xuyên như thế nào?

– Khi nào thì tôi nên liên lạc với nhóm chăm sóc giảm nhẹ, và bằng cách nào?

– Tôi nên liên lạc với ai sau giờ làm việc hoặc trong trường hợp khẩn cấp?

– Nhóm chăm sóc sức khỏe sẽ phối hợp điều trị với bác sĩ ung thư và các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe khác như thế nào?

– Nếu tôi có thắc mắc, tôi nên liên lạc với nhóm chăm sóc giảm nhẹ trước hay với bác sĩ ung thư trước?

Y học cộng đồng là dự án thiện nguyện do nhiều bác sĩ trong và ngoài nước chung tay xây dựng với sự hỗ trợ của nhóm CNTT và hơn 200 cộng tác viên.

Website //yhoccongdong.com/ là nơi tổng hợp và chuyển tải thông tin cơ bản, quan trọng về nhiều loại bệnh, cách điều trị và phòng tránh giúp cộng đồng giữ gìn sức khỏe. Những thông tin này luôn tham khảo tài liệu dành cho bệnh nhân uy tín ở Anh, Nhật, Mỹ để đảm bảo tính xác thực và tính hệ thống.

Theo Soha