NHỮNG SAI LẦM TRONG TRUYỀN THÔNG CÓ THỂ KHIẾN DOANH NGHIỆP “ TRẢ GIÁ ĐẮT”

Một trong những yếu tố để doanh nghiệp có thể phát triển vững vàng chính là truyền thông xã hội. Tuy nhiên, nếu truyền thông sai cách, doanh nghiệp sẽ phải lãnh chịu những hậu quả không mong muốn.

Dưới đây là 5 sai lầm “tiền tỷ” trong truyền thông xã hội mà doanh nghiệp cần tránh ngay.

CHƯA NGHIÊN CỨU ĐÃ NGHĨ VỀ GIẢI PHÁP

Sai lầm cơ bản và phổ biến nhất là khi bắt đầu xây dựng một chiến dịch truyền thông, doanh nghiệp thường nghĩ ngay đến giải pháp.

Nhiều kế hoạch truyền thông vẫn được lập trong khi chưa tiến hành bất kỳ một cuộc nghiên cứu đối thủ, thị trường nào cho tử tế. Hoặc nếu có cũng chỉ là ngồi văn phòng rồi tìm kiếm trên Google những thông tin thật, ảo lẫn lộn mà thiếu đi các số liệu thực tế, các phương pháp khoa học và hệ thống để có thể đánh giá thực chất vấn đề.

Việc đưa ra các giải pháp một cách vội vàng mà không dựa trên nghiên cứu sẽ dẫn đến hậu quả là sai mục tiêu. Điều này sẽ khiến doanh nghiệp bị hao tổn nghiêm trọng về tài chính và nhân lực để nhận về những kết quả không đáng là bao.

KHÔNG ĐÁP ỨNG NHU CẦU CỦA KHÁCH HÀNG

Để nhận được sự hưởng ứng từ những người hâm mộ, đầu tiên bạn hãy mang đến những giá trị thực sự cho họ. Hầu hết mọi người khi đến với truyền thông xã hội đều muốn tìm kiếm thông tin hữu ích, giúp họ giải trí hoặc xử lý các vấn đề đang mắc phải.

Đã có nhiều doanh nghiệp nhận thấy rằng truyền thông xã hội chính là một phần tất yếu tạo nên thành công trong tiếp thị nhưng họ chỉ trích có một phần ngân sách nào đó cho truyền thông xã hội và còn quên xây dựng một kế hoạch tạo ra doanh thu từ khoản đầu tư ấy. Kết quả là họ đã tốn nhiều công sức và tiền của mà chẳng được ai nhòm ngó đến và uy tín của họ cũng bị hủy hoại dần.

Hãy lưu ý rằng hầu hết người sử dụng truyền thông xã hội mua hàng của các doanh nghiệp không phải bao giờ cũng theo gợi ý của lực lượng người hâm mộ trên Facebook hay người theo dõi trên Twitter. Nếu sử dụng Google Analytics, bạn hãy cố gắng đo lường tỷ lệ hoán đổi để dò xem mạng xã hội đóng vai trò ra sao trong một chu kỳ chào hàng của bạn. Không nên đồng nhất mạng xã hội với việc bán hàng.

KHÔNG ĐO LƯỜNG ĐƯỢC NHỮNG GÌ THẬT SỰ Ý NGHĨA

Có nhiều công cụ làm thước đo sự quan tâm của người xem đến trang web của các doanh nghiệp trên mạng xã hội, song chúng lại không trực tiếp liên quan đến con số lợi nhuận sau cùng.

Nhiều doanh nghiệp có thể nói vanh vách về khách hàng của họ: từ độ tuổi, khu vực, mức thu nhập,  trình độ học vấn… qua những thống kê định lượng trên các Fanpage Facebook. Nhưng khách hàng không phải là những con số vô cảm. Họ là những con người cụ thể với những sở thích, nhu cầu mang tính cá nhân và riêng biệt. Nếu không hiểu điều này, doanh nghiệp sẽ không nắm được lượng khách hàng của mình đến đâu.

Phân tích mạng xã hội chính là cách theo dõi mức độ thành công của các nỗ lực tiếp thị trên truyền thông xã hội, mà điều quan trọng là phải xác định được những chỉ báo cụ thể về kết quả của hoạt động doanh nghiệp trên một nền tảng thường xuyên và ổn định. Chẳng hạn, số lượng cú click “Like” trên Facebook không phải là một chỉ báo kết quả chính xác vì có thể có đến cả triệu người thích nhưng không ai trong số đó nói về bạn.

Thước đo đáng giá hơn là tỉ lệ gắn kết (bao gồm cả số người nói về bạn và số người ưa thích). Nếu biết kết hợp tỷ lệ ấy với mức độ truy cập vào trang web, bạn có thể xác định được tỷ lệ hoán đổi người xem thành khách hàng thật sự.

ĐỀ CAO VAI TRÒ CỦA CÁ NHÂN TRONG QUẢN LÝ TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI

Một cá nhân có thể có nhiều kinh nghiệm sử dụng mạng xã hội nhưng việc quản lý hình ảnh của một doanh nghiệp trên truyền thông xã hội lại là vấn đề hoàn toàn khác.

Do đó, bạn nên có người phụ giúp về phân tích dữ liệu để theo dõi và sàng lọc những kết quả thu được. Người ấy phải hiểu rõ thị trường và biết cách gắn kết với mọi người thông qua nhiều hình thức truyền thông khác nhau, biết kết nối những điểm mấu chốt lại với nhau.

BỎ QUÊN HẬU CHƯƠNG TRÌNH

Một sai lầm phổ biến khác trong cách làm truyền thông là chuẩn bị một loạt bài cho một loạt báo, và bài lên báo là coi như xong việc.

Nhiều chiến dịch truyền thông không thể đo đếm được hiệu quả thật, mà chỉ là các báo cáo dạng press clipping, hoặc số view, số like trên mạng, cộng với vài ba nhận xét gọi là “hay và đẹp”.

Rất nhiều chiến dịch truyền thông đang được thực hiện theo kiểu đầu voi đuôi chuột. Ban đầu thì rầm rộ, hoành tráng, nhưng khi kết thúc thì nhiều khi không trống không kèn. Trong sự thừa mứa của thông tin trên báo, trong những dòng chảy timeline trên facebook đang trôi với tốc độ chóng mặt, thì khi chiến dịch đóng lại, hình ảnh của thương hiệu cũng sẽ trôi luôn khỏi trí nhớ người tiêu dùng.

HƯỚNG GIẢI QUYẾT HIỆU QUẢ

Giải pháp bắt nguồn từ tình hình thực tế. Nếu muốn đề ra giải pháp xử lý, chúng ta cần nghiên cứu mọi vấn đề có thể phát sinh từ thị trường, từ đối thủ cạnh tranh và từ công chúng truyền thông. Việc nghiên cứu này là một quá trình lâu dài, không thể tiến hành sơ sài. Không nên chỉ dựa quá nhiều vào thông tin trên mạng hoặc tài liệu thứ cấp mà tự chúng ta phải nắm lấy thông tin, từ đó mới có thể cho ra những giải pháp thiết thực.

Hãy đảm bảo các bài viết đều thể hiện hình ảnh truyền thông thương hiệu và thông điệp muốn truyền tải. Những bài viết mang tính hài hước cùng hình ảnh đẹp sẽ thu hút người đọc, tuy nhiên thông tin cần đảm bảo chính xác. Có thể xây dựng từng chủ đề riêng và triển khai thành loạt bài. Sử dụng các nguồn thông tin phong phú, trực quan sinh động từ hình ảnh, video, âm nhạc cho đến những bài viết phân tích chuyên sâu nếu cần thiết.

Khi tiến hành truyền thông, chúng ta phải hiểu khách hàng cần gì. Không nên đánh đồng tất cả các đối tượng khách hàng thành một nhóm, vì mỗi khách hàng đều có định hướng riêng để tiếp nhận truyền thông và sản phẩm. Báo chí và những trang mạng xã hội chỉ phần nào giúp doanh nghiệp thu hút sự chú ý của khách hàng đối với thương hiệu. Nếu muốn tìm những chỉ báo chính xác nhất, chúng ta phải thường xuyên có các cuộc khảo sát và điều tra trong thực tế.

Cuối cùng, truyền thông không phải là một nhiệm vụ nhất thời mà một cá nhân có thể hoàn thành tốt mà nó là cả một quá trình toàn diện và lâu dài. Trong quá trình ấy, cần có sự phối hợp của mỗi thành viên trong doanh nghiệp. Cách tốt nhất là phân chia từng mảng riêng cho mỗi cá nhân rồi sau đó tổng kết những điểm quan trọng lại với nhau để cùng có phương án hiệu quả hơn.

THANH TỊNH (TỔNG HỢP)