Theo các báo đưa tin, ngày 7/12/2018, Tập đoàn viễn thông Huawei của Trung Quốc đã bổ nhiệm Chủ tịch Liang Hua (Lương Hoa) làm quyền Giám đốc Tài chính (CFO), thay bà Meng Wanzhou (Mạnh Vãn Chu) vừa bị bắt giữ tại Canada.
Trước đó ngày 6/12, Bộ Tư pháp Canada thông báo nhà chức trách nước này đã bắt giữ bà Meng Wanzhou – Phó Chủ tịch kiêm CFO của Huawei vào ngày 1/12 tại thành phố Vancouver.
Bà Meng đang phải đối mặt với nguy cơ bị dẫn độ sang Mỹ với cáo buộc vi phạm các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Iran. Hiện, tòa án Canada đang xem xét bảo lãnh tại ngoại cho bà Meng Wanzhou trong ngày 7/12.
Giới chuyên gia nhận định vụ việc trên sẽ khiến chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp khó khăn hơn khi giải quyết mâu thuẫn vốn ngày càng gay gắt với Trung Quốc.
Trước mắt, vụ việc có thể làm gia tăng hoài nghi về lệnh “đình chiến thương mại” mà lãnh đạo hai nước Mỹ – Trung đã đạt được vào cuối tuần trước tại Buenos Aires (Argentina).
ĐIỀU GÌ ẨN ĐẰNG SAU VỤ BẮT GIỮ
Truyền thông Mỹ cho biết, giới chức nước này đang điều tra Huawei – một trong những tập đoàn sản xuất thiết bị mạng viễn thông lớn nhất thế giới với cáo buộc tập đoàn này đã vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ.
Báo cáo đăng tải trên tờ New York Times cho biết, Bộ Thương mại và Bộ Tài chính Mỹ đã kiện Huawei vì nghi ngờ tập đoàn này vi phạm các biện pháp trừng phạt của Mỹ với Iran và Triều Tiên.
Trước đó, các nghị sỹ Mỹ nhiều lần cáo buộc Huawei là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Mỹ với lý do công nghệ của tập đoàn có thể được sử dụng để phục vụ hoạt động do thám của chính phủ Trung Quốc.
Phản ứng trước vụ bắt giữ, Thượng nghị sỹ Mỹ Ben Sasse cho rằng, Trung Quốc đang thực hiện những hành vi gây tổn hại lợi ích an ninh quốc gia Mỹ “thông qua các tổ chức tư nhân”.
TẠI SAO HUAWEI LÀ MỐI LO NGẠI VỚI MỸ VÀ PHƯƠNG TÂY?
Huawei là một trong những nhà cung cấp thiết bị và dịch vụ viễn thông lớn nhất thế giới. Thời gian gần đây, tập đoàn này đã vượt Apple trở thành nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới, sau Samsung.
Chính phủ một số nước phương Tây lo ngại Bắc Kinh sẽ tiếp cận được mạng viễn thông 5G và các mạng thông tin của họ khác nhờ Huawei, qua đó mở rộng hoạt động do thám.
Sự lo ngại về an ninh đã khiến tập đoàn BT Group của Anh gỡ bỏ thiết bị của Huawei ra khỏi mạng cung cấp dịch vụ 3G và 4G và cho biết sẽ áp dụng nguyên tắc này đối với cơ sở hạ tầng viễn thông 5G.
New Zealand đã cấm sử dụng trang thiết bị của Huawei do lo ngại ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, sau khi Australia áp đặt lệnh cấm tương tự đối với tập đoàn này và tập đoàn công nghệ ZTE của Trung Quốc.
Mỹ đã thực hiện nhiều vụ kiện đối với các công ty công nghệ của Trung Quốc với cáo buộc xâm nhập hệ thống an ninh mạng hoặc vi phạm biện pháp trừng phạt đối với Iran.
Hồi đầu năm 2018, Mỹ đã cấm các công ty nước này xuất khẩu trang thiết bị cho ZTE khiến ZTE bị ảnh hưởng nghiêm trọng hay áp đặt biện pháp hạn chế xuất khẩu linh kiện cho công ty sản xuất chip của Trung Quốc Fujian Jinhua.
NHẬT BẢN ĐỀ XUẤT LỆNH CẤM SỬ DỤNG SẢN PHẨM VIỄN THÔNG CỦA HUAWEI VÀ ZTE (TRUNG QUỐC)
Trong một diễn biến mới nhất, Nhật Bản đã đề xuất lệnh cấm các quan chức chính phủ sử dụng các sản phẩm viễn thông của Huawei và ZTE (một tập đoàn viễn thông khác của Trung Quốc) do lo ngại về vấn đề an ninh mạng.
Lệnh cấm trên được đưa ra sau khi Mỹ đề nghị các nước đồng minh tránh sử dụng các sản phẩm của hai tập đoàn trên vì “những sản phẩm này có thể chứa những loại virus thường được dùng để tấn công mạng”.
Theo báo Yomiuri Shimbun và hãng tin Jiji Press của Nhật Bản, chính phủ nước này đã lên kế hoạch sửa đổi các quy định về mua sắm các thiết bị viễn thông nội bộ để loại bỏ các sản phẩm của Huawei và ZTE.
Ngoài ra, các sản phẩm khác được sản xuất trong nước nhưng sử dụng linh kiện do Huawei và ZTE chế tạo cũng bị cấm sử dụng.
Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết nước này hợp tác chặt chẽ với Mỹ để giải quyết những vấn đề liên quan đến an ninh mạng.
BỬU HƯƠNG tổng hợp