Quản trị kinh doanh (hay Làm giàu không khó – Trời ơi là trời)

BNmedia – Trên FB Lê Hoàng hôm nay có một post rất hay về tinh thần làm giàu, khát vọng khởi nghiệp của dân Việt, hay nói đúng ta là của thanh niên Việt.

Với một tinh thần khởi nghiệp đang dâng cao, nơi đâu cũng nói về khởi nghiệp, các cấp chính quyền thì cam kết để người dân khởi nghiệp làm giàu thuận lợi, xã hội thì khìn khìn các lớp dạy làm giàu, trên mạng xã hội thì các group khởi nghiệp đông người tham gia bàn luận rôm rả…

Thế nhưng, không mấy ai nói chuyện làm thơ, khuyến khích làm thợ giỏi, tôn vinh thợ giỏi…

Và hiệu quả, nguồn nhân lực hạng trung, được đào tạo bài bản bằng 4 năm đại học, ra trường vẫn ngơ ngác tìm cách làm giàu chứ nhất quyết không làm nhân viên. Chuyện gì đang xảy ra với một đất nước như thế này.

———

Chuyện của Lê Hoàng viết:

“Chả hiểu tại sao, hễ cứ gặp mười cô sinh viên ở Sài Gòn, hỏi thăm xem cô ấy đang học gì thì Lê Hoàng phải được ít nhất 7-8 cô nói mình đang học “Quản trị kinh doanh”. Nghe mới sang trọng, to lớn và vĩ đại làm sao.

Nhưng thú thực, khi nhìn kỹ đa số các cô như thế, chả cần dụi mắt, tôi cũng kinh hoàng khi thấy họ chả có một chút “quản trị” nào dù bé bằng con muỗi ở hình thức và nội dung: Thân thể gầy gò, mặt mũi ngơ ngác, quần áo xộc xệch, văn hóa sơ sài, coi những MV tấu hài trên mạng là đỉnh cao trí tuệ.

Nói một cách thẳng thắn, những con người ấy còn chưa biết “quản trị” cái thân mình, chứ đừng nói các cơ sở kinh doanh.

Vậy tại sao lại cắm đầu ghi tên vào học? Để rồi sau khi tốt nghiệp, tìm được một chân bán hàng trong siêu thị cũng đã là đỉnh cao? Mà chả phải kinh doanh đâu, bất cứ lĩnh vực gì trong xã hội hiện nay cũng có vô vàn những lớp học mở ra với điều kiện duy nhất khi vào học là phải ngu ngốc và…có tiền học phí!

Âm nhạc có các lò luyện ca, sân khấu có các lớp kịch, khai giảng liên tiếp, Điện Ảnh có các trung tâm đào tạo, khiêu vũ, thể thao cũng chả kém gì. Bùng nổ học hành trong tất cả các lĩnh vực luôn có vẻ là tốt nếu nhìn từ bên ngoài.

Nhưng nhìn bên trong, đó chỉ là bùng nổ kiếm tiền trên sự nhẹ dạ của trẻ con (17-18 tuổi của Việt Nam cũng y như trẻ con!).

Tôi đã thấy một đống các thiếu nữ ngơ ngác ghi tên vào lớp “Người dẫn chương trình truyền hình” của một nhà văn hóa cứ khai giảng liên miên.

Tôi đã thấy cả đống các thiếu nữ vừa l.ù.n, vừa bé, vừa quê đóng mấy triệu bạc cho một trung tâm kịch, sau đó được chầu chực cả ngày để đóng một vai quần chúng xuất hiện trong năm phút, nhận 50 ngàn đồng.

Còn biết bao những cuộc “ném tiền” như thế nữa. Những đồng tiền mà cha mẹ ở quê đôi khi phải bán cả một vườn trái cây hay một đàn gà đông đúc mới đủ.

Rồi đi đâu ở Việt Nam cũng gặp các câu lạc bộ “Khởi nghiệp”, các khóa “CEO” học phí đủ loại, để ve vuốt, để nuôi dưỡng một lớp người mơ thành “quản trị” trở thành ông chủ bà chủ, đưa ra các giải pháp sấm sét cho xã hội.

Thực chất, đó là sự tự lừa dối mình, một cách tồn tại “vật vờ” về tâm trí. Họ không có tiền bạc, không có công ty nào để áp dụng những phát minh chói lọi của mình cả.

Rốt cuộc là ở thành phố hiện nay, nhất là Hà Nội và Sài Gòn, sinh ra một lớp người trên dưới ba mươi tuổi, hoặc nằm im chịu chết, hoặc theo đuổi các khóa “khởi nghiệp” hết năm nọ năm kia, coi chính việc học khởi nghiệp là khởi nghiệp, chìm đắm trong những ảo tưởng bất tận của bản thân.

Và khốn khổ hơn nữa là những kẻ đó luôn được truyền thông chính cống bộ đỡ.

Chả lúc nào không thấy báo đưa tin ca ngợi, những Hội nhóm, những Hội thảo, những khóa học về “khởi nghiệp” như thế. Coi đó là con đường hay ho, tiến bộ và chân chính của thanh niên.

Trời ơi là trời.

Lê Hoàng cam đoan để đất nước Việt Nam này tiến lên, chỉ có một cách duy nhất: Những công dân của nó nghiến răng lại, lao động cật lực 8 đến 10 tiếng một ngày, trong mấy chục năm.

Không có danh hiệu gì, không có kiến thức gì, không có thủ đoạn gì có thể thay cho lao động.

Một quốc gia không bao giờ giàu có, không bao giờ lớn mạnh chỉ nhờ lớp trẻ của nó đọc hết các sách làm giàu. Học thuộc lòng hết các tài liệu hướng dẫn quản trị và khởi nghiệp do các nhà khoa học danh giá viết ra.

Cũng như chẳng bao giờ có các nhà văn sinh ra từ các trường dạy viết văn hết. Nhà văn phải sinh ra từ cuộc sống, từ bến tàu, bến xe, vỉa hè, chiến hào hoặc nhà tù.

Dù có đọc hết kịch Shakespeare bạn cũng không trở thành nhà viết kịch. Dù có học thuộc “Những người khốn khổ” bạn cũng không trở thành Victor Hugo.

Một xã hội chỉ có chết nếu như ai đó cũng chăm chăm học lấy vài mánh khóe, vài thủ đoạn để thành công chứ không đổ mồ hôi lao động.

Đáng lẽ phải đổi tên khoa “quản trị kinh doanh” thành khoa “Cầy Cuốc Kinh Doanh” mới đúng thực trạng của xã hội này.

Nếu 100 triệu dân ta có 50 triệu “CEO” thì nước ta có khá lên không? Chắc chắn là không? Nhưng nếu có 50 triệu công nhân lành nghề thì là chuyện khác.

Cho nên, Lê Hoàng đề nghị, phải thay đổi tận gốc. Dẹp tất cả những cái trò ca tụng nhau, nịnh bợ nhau, vỗ lưng nhau khi “khởi nghiệp”. Hãy chỉ thẳng cho mỗi thanh niên biết phải đổ mồ hôi quần quật chứ không phải chỉ đổ thời gian vào các mưu mô biến mình thành ông chủ, bà chủ.

Tự mình không làm ra sản phẩm gì, nhưng lại mơ lãnh đạo đứa khác làm ra sản phẩm là một thực trạng khôi hài, rất thảm hại và rất trớ trêu nhưng người ta đang ào ào đua nhau như thế.

Việt Nam vô địch về các ông, các bà ngồi trong quán cà phê với máy tính xách tay, nhăn nhó cố tìm ra cách làm chủ thiên hạ nhưng không hề biết bữa cơm ngày mai lấy tiền ở đâu!”

LÊ HOÀNG