Sáng nay, nhiều người bày tỏ sự thương nhớ đối với nhà văn – nhà báo Lê Văn Nghĩa. Ai cũng nhớ về những tác phẩm dí dỏm của anh Hai Cù Nèo, đến tờ Tuổi Trẻ Cười, đến những tác phẩm với giọng văm hóm hỉnh của anh.
Hiếm có một nhà văn – nhà báo tài hoa được mọi người yêu thích, được những cây bút nổi tiếng kính trọng. Chúng tôi đăng lại một số cảm xúc của những người bạn anh.
Nhà báo Nguyễn Công Khế
Đi rồi hả Nghĩa?!
Hơn vài tháng trước đây, nghe sức khỏe bạn không còn tốt nữa. Anh Nguyễn Khắc Nhượng, bạn hay ngồi nhâm nhi với Nghĩa, chắc vì biết tôi thân thiết với Nghĩa lâu rồi, nên điện thoại bảo: Lê văn Nghĩa có vẻ xuống sức nhiều, ông coi ghé thăm chút.
Mình liền nhắn tin để hẹn ghé thăm. Nghĩa bảo: Đang bị ung thư di căn, mổ lại, còn yếu. Để phục hồi lại, mình nhắn tin rồi ghé thăm.
Thế rồi dịch giã tới, không thể gặp nhau được. Chiều nay, trong Group sinh hoạt nội bộ của MTG, anh em nói hình như Nghĩa trở nặng, gia đình muốn đưa về nhà. Khuya nay thức giấc, bật điện thoại ra, tin Nghĩa mất hiện lên rất nhiều trên FB bạn bè. Lòng buồn vô kể.
Nhớ những ngày sống ở Chí Hòa, nhóm SVHS chơi chung cùng với Cam, Thọ, Hoè, Bửu Chỉ, Lê Văn Nuôi… Sau 1975, vẫn chơi với nhau thân thiết. Nhớ lúc bắt đầu ra tờ TN đầu tiên vào cuối 1985, mời Nghĩa viết bài cộng tác, hắn cười: không biết mày sẽ ra được mấy số? Sau khi TN trưởng thành, lớn mạnh, gặp nhau, Nghĩa cười, luôn nhắc lại chuyện đó.
Nhớ nhất,là lúc ở Khu bệnh xá mới (AD) Chí Hòa, ăn uống khổ cực, mình, Nghĩa, anh Đoàn Khắc Xuyên lén trốn từ khu AD qua khu AH, nơi dành cho tù đặc biệt (khu giam dân biểu Trần Ngọc Châu, LS Nguyễn Long, ứng cử viên Tổng thống Trương Đình Du, Trần Ngọc Hiền…) làm mấy chai bia và một đĩa phá lấu của tù nhân dân sự người Tàu, ngon vô cùng, khi về lại khu AD, mấy tay trật tự gườm gườm. Tụi mình mặc kệ, lủi đi. Mình nhớ, đó là bữa ăn được uống chai bia ngon nhất trong đời, mà mình không bao giờ quên.
Lúc đó, mình và Nghĩa luôn bàn về chuyện viết lách cho tương lai khi ra tù. Hồi đó, Nghĩa thích nối gót hai nhà văn Nam Bộ rặt, là Sơn Nam và Bình Nguyên Lộc…
Suốt mấy chục năm làm báo với nhau, mình và Nghĩa vẫn giữ một quan hệ bạn bè, nhất là khi hoạ sỹ Bửu Chỉ còn sống, mấy anh em Cam, Thọ từ Đà Nẵng, Huế vào, đều tụ tập, gặp gỡ như lúc còn tuổi 19-20 thưở nào.
Nghĩa ra đi thảnh thơi. Chỉ tiếc là đám tang bạn đúng vào lúc Sài Gòn thực hiện giãn cách nghiêm ngặt vì COVID, không thể tiễn đưa bạn đi. Thật buồn!
Doanh nhân Đỗ Long
Nhà văn Lê Văn Nghĩa ra đi quá nhanh, dù trong suốt nhiều năm anh đeo đẳng bệnh tật trên người, và bởi anh còn dở dang nhiều việc chưa xong, trong đó có quyển truyện mà tôi đặt hàng anh từ năm 2018.
Cách đây một tuần, người con của anh có thông tin anh đã trở về nhà sau nhiều tuần nằm viện. Tôi biết sẽ chẳng thể gọi trực tiếp nói chuyện anh được rồi, và cũng chính lúc ấy tôi cũng đang thật đau lòng khi chịu cái tang đứa em mất mà cũng không thể an táng, phải gửi cửa Phật. Và tôi chỉ cầu mong đạt đỉnh dịch, để TP trở lại CT 15, rồi được đi thăm anh. Nhưng tất cả chào thua bởi dịch ngày càng hoành hành, đến khi nghe anh mất là siết chặt thêm đi lại, chỉ còn biết nghe tin từ người thân để rõ rằng anh không phải lo dịch họa nữa.
1982-1986 là những năm tháng ở con hẻm 196 Phạm Văn Chí (Quận 6), hầu như ngày nào tôi cũng gặp anh, thời hai đứa thích ăn sáng xe hủ tiếu mì “Bà Phón” thật ra cũng chỉ vì con gái lớn của bà hút hồn đám con trai. Và tôi cũng lạ anh có đẹp trai gì so với mấy đứa kia đâu, thế mà được lòng cô ấy, ăn đồng giá nhưng thịt nhiều hơn, lại có khi được ăn thiếu, cả tuần mới trả.
Nhiều năm sau đó không gặp lại anh, vì tôi đi dạy học xa, và sau lên tuốt Lý Chiêu Hoàng (Quận 6) làm việc, anh thì cũng trôi về báo TT, tới giữa năm 90 gì đó, hai đứa đụng đầu nhau trong một quán cơm thố Tàu ở chợ cũ Sài Gòn và mới biết từng đi ngang nhau hằng tuần ở đường Huỳnh Thúc Kháng, chỉ vì cùng mê đĩa nhạc.
2000 trở lại đây, thường xuyên gọi, tối cuối tuần ra quán cũng nhiều, trừ lúc nào nhiều độ thì tạt vào tí chạy. Người giữ lời, hẹn mà không tới, xin lỗi trước, xin lỗi sau.. Sách nào mới xuất bản là tôi có một.
Tôi biết anh không giấu bệnh với tôi, tôi cũng giới thiệu nhiều bác sĩ từ Taiwan và vài vị đông y sĩ cho anh, tôi biết anh điều chỉnh sinh hoạt, bớt thứ rượu độ cao, bỏ hút thuốc, ăn chọn lọc, giữ nhịp thời gian không xả láng như trước. Và anh miệt mài làm việc một cách lạ kỳ để trong một năm xuất bản 2-3 đầu sách, chưa kể viết báo, và còn định nhiều thứ nữa ông trời đâu có biết.
Tháng 7 này tôi có nhiều thứ để buồn, và hôm nay anh lại giã từ gia đình, người thân, bạn bè để buồn thêm buồn, không chối cãi hoặc tự an ủi, mà phải đón nhận nó để rồi khi nguôi ngoai tôi lại nhớ anh, người bạn cùng quê một thời Quận 6
dolong 2021/07/25
Nhà văn Tạ Duy Anh
Thôi, bạn già ra đi thanh thản nhé!
Hiếm có người nào chăm sóc cộng tác viên chu đáo, lịch sự và thật lòng như Lê Văn Nghĩa. Mặc dù ông hơn tuổi tôi khá nhiều, nhưng chúng tôi luôn coi nhau là bạn bè. Tôi gọi ông là bạn già, còn ông gọi tôi là “Lão”. Tờ Tuổi trẻ cười do ông làm thư kí tòa soạn, kiêm chân giữ chuyên mục nhiều năm, từng là hiện tượng của báo chí nước nhà.
Mặc dù ông đưa tôi vào diện cộng tác viên thân thiết của tờ báo, nhưng mỗi năm tôi chỉ gửi cho ông không quá ba bài. Tuy thế, trong nhiều năm liền, tháng nào tôi cũng được nhận tiền cộng tác viên. Có lần tôi dọa ông là nếu cứ gửi nữa, tôi sẽ mang vào tận tòa soạn để trả. Đáp lại, ông cười xuề xòa: “Cứ sài đi, vài tách cà phê mời ông để ông tỉnh táo, có đáng gì”. Và hầu như năm nào cũng thế, cứ gần tết ta là ông lại bay từ Sài Gòn ra chỉ để ăn bữa tất niên với vài người, trong đó luôn có tôi.
Tôi vốn ít giao du, kể cả với người trong giới. Vì thế, cũng đã vài lần vào Sài Gòn, nhưng hầu như tôi đi và về trong im lặng. Chỉ một lần duy nhất tôi gọi cho bạn bè và đó là Lê Văn Nghĩa. Lập tức ông phóng xe máy đến khách sạn đón tôi. Hôm ấy ông đưa tôi đến khá nhiều ngóc ngách của hòn ngọc Viễn đông một thời mà ông thấy tôi cần phải biết. Tại mỗi địa điểm, ông lại đóng vai người hướng dẫn du lịch, say sưa giới thiệu với tôi từng li từng tí. Chẳng hạn, khi qua một quán café, ông gần như reo lên khoe chỗ đó từng là nơi nhà thơ này, nhà thơ kia, tài tử nọ… thường ghé mỗi sáng.
Điểm cuối cùng ông đưa tôi đến, cũng là để kết thúc hành trình, đó là khu Chợ Lớn. Ông luôn sợ tôi không cảm nhận hết nét đặc sắc, đa dạng và hào sảng của văn hóa Sài Gòn, nên liên tục dừng xe để giảng giải.
Hôm đó ông đãi tôi bữa tối bằng lẩu cá kèo, tại một quán mà ông bảo là ngon nhất Sài Thành. Cũng là lần đầu tiên tôi được thưởng thức món này. Nhìn chủ quán dốc tuột cả chậu cá còn đang sống vào cái lẩu nước sôi ùng ục, hình như tôi có hơi nhíu mày. Lập tức ông giải thích tại sao lẩu cá kèo phải ăn như vậy. Tiện thể ông nói về tính phóng khoáng, mạnh mẽ của người phương Nam. Và thêm: “Ngon lắm bạn nha, ăn đi rồi biết”.
Tôi ít thấy ai yêu Sài Gòn như ông.
Khi ông về hưu, chúng tôi vẫn giữ liên hệ với nhau. Thỉnh thoảng ông nhắn vào điện thoại của tôi: “Lão khỏe không? Viết dữ hà”. Tôi cũng hỏi thăm ông vài câu. Rồi ông thả cái mặt cười…
Tiếc nhất là mới đây ông ra Hà Nội dự hội nghị gì đó. Tôi muốn tự mình lái xe đưa ông đi bất cứ địa danh nào mà ông chọn, trong vòng bán kính 200 km. Nhưng hôm đó ông đã trót hẹn đi với Nhà xuất bản Kim Đồng. Hôm sau tôi có việc bên ngoài Hà Nội, chiều về gọi thì ông đang trên đường ra sân bay. Hôm nay thì ông đã phiêu du về cõi Phật, chưa kịp nghe tôi nhận xét cuốn sách mà ông biên soạn, nói về các nhà văn miền Nam trước năm 1975, với rất nhiều chuyện thú vị.
Thôi, bạn già hiền hậu và hài hước của tôi đi thanh thản nhé. Tôi sẽ còn rất nhớ bạn.
Buồn nhất là từ nay tiếng cười sẽ ít đi một chút.