Khi về Việt Nam tôi hay phải đối diện với những câu hỏi xoay quanh người bạn đời của tôi chứ không phải là những gì thuộc về chính tôi. Rất nhiều người muốn biết chồng tôi làm nghề gì, gia cảnh ra làm sao, khả năng tài chính đến đâu…
Và khi tôi trả lời một vài câu về anh ấy đủ để không bị chê là né tránh nói về cuộc sống riêng, tôi lại gặp một vấn đề khác: hầu như mọi phụ nữ đều thốt lên câu ”Chồng như thế thì SM còn đi làm để làm gì? Cứ ở nhà chồng nuôi rồi sinh con, chăm sóc gia đình không sướng hơn à?”
Hóa ra cho đến tận thời điểm này của thế kỷ 21, cái suy nghĩ lấy chồng để lấy chỗ nương dựa, lấy chồng để cho ấm cái thân hoặc có mục đích rõ ràng hơn nữa là lấy chồng để đổi đời, để thoát nghèo vẫn còn là những suy nghĩ thường trực trong rất nhiều chị em phụ nữ, kể cả những phụ nữ sống ở thành thị, có trình độ học vấn nhất định.
Điều này lý giải cho tôi hiểu vì sao rất nhiều chị em không cho việc phải chú tâm vào học hành hay phấn đấu để trở thành một người có nghề nghiệp độc lập là mục đích sống, là điều nhất thiết phải làm trong suốt cuộc đời mình. Họ chỉ chăm chăm kiếm tìm những chốn nương thân. Họ nghĩ cứ lấy chồng rồi giao phó cả cuộc đời mình cho người đàn ông ấy là xong ”sứ mạng”. Họ nói thẳng ra rằng đàn bà, xét cho cùng, còn mong điều gì hơn nữa ngoài mong hai chữ ”yên thân” như thế?
Thực tế thì sao? Liệu các chị có được ”yên thân” như các chị mong muốn?
Tôi, vốn bị coi là … ”tây quá” trong quan điểm và cách nghĩ. Tôi không tìm kiếm cho riêng mình một người chồng cho có, để không mang tiếng là gái ế. Tôi cũng không kết hôn để rồi sau đó người đàn ông của tôi phải có trách nhiệm nuôi tôi, bao bọc tôi về kinh tế và…cả được quyền dạy dỗ uốn nắn tôi như con anh ấy vậy!
Tôi được cho ăn học và dạy dỗ để trở thành người phụ nữ hiểu biết ở mức độ nhiều nhất trong khả năng của tôi. Chính là sự hiểu biết-tôi nghĩ vậy- sẽ quy định sự yêu quý và tôn trọng của người bạn đời dành cho mình chứ không phải là nhan sắc hay tuổi trẻ. Thời gian trôi đi nhanh lắm, không ai có thể mãi trẻ trung nõn nà. Sắc đẹp cũng là thứ bị thời gian tàn nhẫn bào mòn đi không thương tiếc. Vì lẽ đó nếu chỉ ỷ vào nhan sắc và độ tươi tắn rạng ngời thì việc bị ”truất ngôi” bởi một nhan sắc non tơ khác là điều khó tránh khỏi. Nếu người đàn bà ù lỳ, thụ động đầy cam chịu giao phó cuộc đời mình vào tay người khác, thì cũng đừng trách người đàn ông ấy sao bạc bẽo, thô bạo hay nhiều điều tương tự khác nữa.
Tôi luôn thích câu nói này: ”Không một ai có thể làm cho bạn cảm thấy mình thấp kém nếu không có sự đồng ý của bạn”.
Phải. Bạn thụ động buông xuôi thì đừng trách người điều khiển. Bạn chỉ chăm chăm muốn tiêu tiền của người khác mà lơi lỏng trách nhiệm làm vợ làm mẹ thì đừng kêu trời lên rằng sao bạn chỉ là số không tròn trĩnh trong mắt chồng!
Vậy cách thức nào khiến bạn sẽ không bao giờ trở nên thấp kém trong mắt người khác, kể cả trong mắt của người chồng hay người yêu của mình?
Theo ý kiến của cá nhân tôi, chỉ có mỗi một cách nhưng cách này đòi hỏi thời gian cũng như sự say mê và bền bỉ, ấy là cách tự trang bị cho mình những kiến thức để trở thành người đàn bà hiểu biết.
Không có cách gì khác ngoài việc phải học ăn học nói, học để hiểu biết quyền lợi của mình để không bị ai xâm phạm. Học để hiểu trách nhiệm của mình đối với xã hội mà mình là một thành viên cũng như trách nhiệm của một người con, người vợ, người mẹ trong gia đình nhỏ của mình.
Không ít phụ nữ tôi gặp rất hạn chế trong việc trình bày những suy nghĩ, chính kiến của mình ra thành câu nói. Các chị không có kiến thức, không biết cách lập luận để tự bảo vệ mình. Khi ”gặp chuyện” các chị chỉ biết than khóc cho phần số của mình hẩm hiu hay mê muội đi van nài các đấng thánh thần trừng trị giúp mình người đã gây nên cho cuộc đời các chị nên nông nỗi…
Không ít chị gửi tâm sự đầy vơi với tôi trong inbox nhưng khi đọc tôi cũng thấy rối mù lên vì không hiểu thực chất vấn đề các chị muốn chia sẻ là gì. Tức là kỹ năng trình bày một vấn đề thiết thực, sát sườn với mình bằng câu chữ cũng là một vấn đề các chị cần phải rèn luyện thêm.
Tôi cũng biết những phụ nữ không quan tâm đến gì khác ngoài thời trang và tự chụp ảnh khoe mình trên facebook. Các chị nói các chị không quan tâm đến “chính chị chính em”, ông nào làm Thủ tướng với các chị cũng thế vì các chị còn phải lo cho nồi cơm nhà mình.
Cứ cho đấy là quyền của cá nhân các chị không ai được phép góp ý, nhưng giá như các chị hiểu, quan tâm đến mọi mặt của cuộc sống xã hội, thấy mình là một phần của cuộc sống còn nhiều điều đáng sống này cũng thú vị lắm chứ?
Từ xưa đến nay, giá trị của tri thức bao giờ cũng được trân trọng đặt ở thứ bậc cao. Người phụ nữ ngoài việc biết chăm chút dung nhan của mình còn biết làm giàu có thêm sự hiểu biết trí tuệ càng được người đời vì nể và qúy trọng.
Học để có trong tay một cái nghề, theo thời gian, tinh thông với nghề nghiệp ấy, có thu nhập bởi lao động chân chính, chính là điều kiện tiên quyết để khiến chị em tự tin và độc lập. Phụ thuộc vào kinh tế, kể cả phụ thuộc vào chồng mình cũng là điều không nên để xảy ra với bất kỳ phụ nữ nào. Từ chuyện quốc gia đại sự đến số phận của một cá nhân, phụ thuộc kinh tế, tất mất đi sự độc lập tự do của mình. Đây chưa bao giờ là chuyện chỉ nói cho vui cả!
Xin phép trở lại đôi chút chuyện cá nhân để kết thúc bài viết này. Ấy là tôi luôn tự hào tôi cùng chồng tôi bền bỉ gây dựng “cơ đồ” và cần mẫn “xây tổ”. Thời gian chúng tôi bên nhau, cả với tư cách là người yêu lẫn tư cách là vợ chồng tuy chưa là dài so với nhiều cặp đôi khác, nhưng với chúng tôi cũng đã đủ để nói lên nhiều điều.
Là một phụ nữ có nghề nghiệp, hoàn toàn sống được bằng nghề nghiệp ấy, cả hai chúng tôi đều lèo lái con thuyền gia đình chứ không chỉ riêng một mình ai. Và tôi thấy ổn, tôi cảm thấy hạnh phúc vì sự chung tay bình đẳng ấy.
Chưa bao giờ tôi là một người đàn bà đanh đá nanh nọc trong gia đình của mình để lấn lướt chồng con. Tôi cũng không hề hèn kém bé mọn để bị lãng quên hay ngừng được yêu qúy và trân trọng.
Được như vậy, tất cả những ai biết tôi đều hiểu là do tôi không phải là một bông hoa không hương, không sắc. Tôi có thể tự hào nói về mình như vậy!
Saomai Pham