Mấy hôm nay, người Sài Gòn ngạc nhiên bàn luận xôn sao quanh vụ một doanh nghiệp đăng ký kinh doanh mà vốn điều lệ hơn 500.000 tỷ đồng, tức tương đương 21,7 tỷ đồng, cam kết nộp tiền mặt.
Năm ngoái cũng đã có doanh nghiệp đăng ký thành lập công ty có vốn 6,3 tỷ USD, khiến cả xã hội nháo nhào. Thế nhưng, một trong ba người thành lập công ty này cho hay, người đi đăng ký say rượu nên viết nhầm số. Sau đó vài tháng công ty này đóng cửa.
Sở Kế hoạch Đầu tư TPHCM cho rằng, trong tình hình dịch bệnh hiện nay, mọi người đang cực kỳ bận rộn để khắc phục hậu quả thì việc một doanh nghiệp đăng ký vốn điều lệ lên tới hơn 500.000 tỷ đồng để đùa giỡn pháp luật là rất vô ý thức, nên cần thiết phải báo cáo Bộ Công an và Công an TPHCM để xác minh, xử lý theo quy định.
CEO công ty có vốn hơn 21,7 tỷ USD ở nhà cấp 4 và đang bán hàng online
Ngày 1/6, Sở Kế hoạch Đầu tư TPHCM cho biết, đã báo cáo Bộ Công an và Công an TPHCM, sau khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký chứng nhận kinh doanh của một số cá nhân tại hàng loạt doanh nghiệp, với tổng số vốn điều lệ lên đến 525.100 tỷ đồng chỉ trong một thời gian ngắn.
Theo đó, chỉ tính riêng ba hồ sơ đăng ký chứng nhận doanh nghiệp tại TP.HCM, gồm Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Công nghệ Tự động Toàn Cầu, Công ty CP Tập đoàn Kinh doanh Tự động Toàn Cầu, Công ty CP Tập đoàn Công cụ Tự động Toàn Cầu đã có số vốn đăng ký lên đến 525.100 tỷ đồng, đều do Nguyễn Vũ Quốc Anh (SN 1986) đứng tên đại diện pháp luật cho cả ba doanh nghiệp thành lập. Sở hữu số cổ phần tại ba doanh nghiệp nói trên của ông Anh lên đến 500.076 tỷ đồng.
Hôm nay, nhiều báo đến tìm hiểu thì mới chưng hửng khi trụ sở doanh nghiệp là một căn nhà cấp bốn. Người đại diện pháp luật, ông Nguyễn Vũ Quốc Anh khẳng định đã cân nhắc rất kỹ trước khi đi đăng ký vốn điều lệ, đồng thời cho rằng 500.000 tỷ đồng “là bình thường, thật ra còn ít” so với giá trị công ty.
Trao đổi qua điện thoại với Zing, ông Nguyễn Vũ Quốc Anh nói: “Số tiền này với tụi tôi cũng chẳng là gì. Câu chuyện của tôi là người thật việc thật, không có như mấy người đăng ký vốn ảo đâu”. Ông Nguyễn Vũ Quốc Anh sinh năm 1986, là Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Công nghệ Tự động Toàn cầu (Auto Investment Group).
Tìm đến nhà riêng của ông Nguyễn Vũ Quốc Anh trong một con đường nhỏ, tại căn nhà cấp 4 số 109 đường số 3 phường Phước Bình, TP.Thủ Đức, cũng là địa chỉ đăng ký kinh doanh của pháp nhân GAT Group và E-commerce Headhunter Việt Nam do doanh nhân này đứng tên, nơi đây đang được dùng để bán sản phẩm thực phẩm chức năng và trang sức như túi xách, giày dép.
Hàng xóm xung quanh cho biết, ngôi nhà này của cha mẹ ông Nguyễn Vũ Quốc Anh. Mấy tháng nay ông Nguyễn Vũ Quốc Anh về mở công ty bán các loại mặt hàng trên, tuy nhiên bán online là chủ yếu.
Một nhân viên tại công ty cho hay, doanh nghiệp sẽ tổ chức họp báo trực tuyến giải đáp mọi thông tin vào ngày 16/6. “Chúng tôi cũng chưa muốn công khai vì chưa hoàn thiện sản phẩm nhưng do thông tin doanh nghiệp bị lộ sớm”, nhân viên này chia sẻ.
Vốn 500.000 tỷ đồng là bình thường, thật ra còn ít
Mặc dù trước sự sửng sốt của cả cơ quan quản lý lẩn người dân, ý giải về con số 500.000 tỷ đồng, ông Nguyễn Vũ Quốc Anh cho biết Auto Investment Group là công ty đầu tư vào các startup, trong khi Công ty Cổ phần Tập đoàn Kinh doanh tự động Toàn cầu (GAB Group) vốn 25.000 tỷ chuyên về công nghệ với sản phẩm giúp khách hàng doanh nghiệp chuyển đổi số. Người đàn ông này khẳng định đã cân nhắc rất kỹ trước khi đi đăng ký vốn điều lệ.
“Hiện tại, bên tôi phát triển 1,4-1,6 triệu khách hàng, chủ yếu giúp doanh nghiệp chuyển đổi số. Ví dụ khi phân phối một sản phẩm cho doanh nghiệp lấy giá 1 triệu đồng/tháng, vốn hóa công ty mình đã rất khủng”, ông Nguyễn Vũ Quốc Anh nói với Zingnews.
Câu chuyện trở nên thú vị hơn nữa, trong tình trạng hoàn toàn tỉnh táo, báo giới đã được ông Nguyễn Vũ Quốc Anh thông tin: trước đây ông làm cho các tập đoàn lớn như Central Group, Vingroup, SCI Group, K-Group nên quen biết nhiều. Với mồi quan hệ này và quen biết này, doanh nghiệp của ông không g lo thiếu nguồn vốn từ nước ngoài và vốn huy động từ các ngân hàng trong nước như Vietcombank, Oceanbank, Techcombank; các tập đoàn bất động sản như Novaland, FLC, Hà Đô…
Theo các cơ quan quản lý, chỉ trong vòng 1 tháng qua (từ 27/4 đến 28/5), ông Nguyễn Vũ Quốc Anh đứng ra đăng ký làm Tổng giám đốc và người đại diện theo pháp luật của 5 công ty. Bên cạnh Auto Investment Group, ông còn thành lập thêm GAB Group với vốn 25.000 tỷ đồng, GAT Group vốn 100 tỷ, GLG Group vốn 50 tỷ và E-Commerce Headhunter Việt Nam với vốn 1 tỷ đồng.
Về Auto Investment Group, doanh nghiệp đăng ký ngành nghề kinh doanh chính là lập trình máy vi tính; làm thêm dịch vụ liên quan đến in ấn; bán buôn máy vi tính, thiết bị ngoại vi và phần mềm; sản xuất linh kiện điện tử; bán lẻ đồ điện gia dụng; tư vấn máy vi tính và quản trị hệ thống máy vi tính; xử lý dữ liệu, cho thuê và các hoạt động liên quan.
Đây có phải chiêu trò PR thần sầu – chi phí cực thấp
Nhiều đồn đoán rằng, đây là một chiêu trò PR. Báo Tiền Phong cho biết, trao đổi với luật sư Lê Trung Phát, Đoàn Luật sư TP.HCM, luật sư này cho rằng theo Luật Doanh nghiệp, các cổ đông phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận Đăng ký doanh nghiệp. Sau 90 ngày, nếu doanh nghiệp không góp đủ vốn và không đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ, theo Điều 28 Nghị định 50/2016/NĐ-CP, khi không góp đủ vốn điều lệ như đã đăng ký sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng.
“Việc đăng ký số vốn lớn có thể là chiêu marketing để báo chí vào cuộc viết bài”, ông Phát nói.
Cần nói rõ thêm cụ thể là, tại Khoản 4, Điều 17, Luật Doanh nghiệp 2014 quy định rõ 7 hành vi bị nghiêm cấm, cụ thể: Cấm kê khai không trung thực, không chính xác nội dung hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và nội dung hồ sơ đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp.
Tại Điều 8 Luật này cũng quy định rõ: “Doanh nghiệp chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của thông tin kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và các báo cáo; trường hợp phát hiện thông tin đã kê khai hoặc báo cáo thiếu chính xác, chưa đầy đủ thì phải kịp thời sửa đổi, bổ sung các thông tin đó”.
Theo Nghị định 50, phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng đối với hành vi lập hồ sơ dự án đầu tư không trung thực, không chính xác để được cấp giấy chứng nhận đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư.
Ngoài ra, Khoản 1, Điều 46, Mục 4, của Nghị định 50 cũng quy định rõ: “Trường hợp phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng đối với hành vi không huy động đủ, đúng thời hạn số vốn đã đăng ký”.
Như vậy, với số tiền phạt như trên chưa đáng là bao cho một kế hoạch truyền thông của một doanh nghiệp, do vậy phần đông mọi người đánh giá đây là chiêu PR, đồng thuận với nhận định của vị luật sư trên. Còn không biết, sau khi nhận được báo cáo, nếu bên Công an vào cuộc điều tra thì điều gì sẽ được lộ ra tiếp.