Chị CEO Nguyễn Phương Hằng tối thứ ba, 25/5/2021, khi livestream trên mạng xã hội Facebook, ngoài chuyện cứ tự nhận mình đẹp, mình giàu và đem thằng con 10 tuổi lên tham gia show, thì những điều chị nói cũng là có ý nghĩa xã hội nhất định.
Có một hiện tượng chị bóc mẽ hổm rày rất đáng được quan tâm: nghệ sĩ nổi tiếng quảng cáo láo sản phẩm, lãnh thù lao và gây hại cho cộng đồng.
Chị nhắc đi nhắc lại tên nghệ sĩ Quyền Linh 2 lần, và thay vì nhiếc mắng thì khen là anh này tử tế, biết xin lỗi sớm. Còn những người đã gây “tội ác” vẫn phớt lờ thì sao, chưa nghe chị nói. Làm gì với quảng cáo láo của họ và vô số quảng cáo bậy bạ đang tràn lan trên thị trường?
Tôi có một bài thuốc hiệu nghiệm. Là mọi sản phẩm phải tự đặt mình dưới sự quản lý công khai của xã hội bằng cách công khai “Tiêu chuẩn” mà mình sản xuất và ứng dụng, thực hành. Rất hiệu nghiệm.
Khi in tên tiêu chuẩn trên bao bì, là đặt mình dưới sự soi xét của cả xã hội. Ở các nước Âu Mỹ, người ta quen đọc kỹ thông tin sản phẩm và hiểu ý nghĩa các tiêu chuẩn được nêu trên nhãn. Mà không rõ thì gúc – gồ, chẳng khó khăn gì hết.
Cái chính là họ biết cái quyền rất lớn của họ khi bỏ đồng tiền liền khúc ruột mua sản phẩm: họ phải kiểm tra xem nhà sản xuất cam kết cái gì, đáng mua không và sau một lần đầu sử dụng, đáng mua lập lại không, hay… đăng báo cho kẻ dối trá sập tiệm luôn?
Khi người tiêu dùng thực hiện đầy đủ quyền của mình thì lập tức, tiêu chuẩn trở thành vũ khí của họ và cũng là rào cản kỹ thuật cho tất cả sản phẩm lưu hành trên thị trường. Với hàng nhập càng dễ xử. Chỉ cần nói có căn cứ và thực tế là cơ quan quản lý xuất nhập khẩu cấm nhập liền ấy mà.
Nên Việt Nam chúng ta khi đang sống trong nền kinh tế mở hết cỡ như hiện nay, mà nhà sản xuất chưa hiểu và áp dụng nghiêm túc tiêu chuẩn trong sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng còn chưa biết vai trò, ý nghiã của tiêu chuẩn thì… thiệt thòi đành chịu chứ biết sao.
Nhiều doanh nghiệp và cả bà con nông dân nói với tôi: Giấy chứng nhận tiêu chuẩn giờ như một thứ thủ tục, phải kiếm tờ giấy để cho hàng nó đi thôi. Mà kiếm tờ giấy thì sao cho nhanh và ít tốn tiền là được. Rồi đến khi xuất hàng, bị trả lại vì… chứng nhận tiêu chuẩn giả thì mới biết đá biết vàng.
Đó là chưa kể nhiều khi chính nhà sản xuất in tiêu chuẩn trên nhãn, trên website hay trên báo chí mà trật lất (đây nói đến trường hợp vô tình chứ không phải cố ý), điều này đang rất thường xảy ra mà từ nhà sản xuất đến nhà phân phối và cả người tiêu dùng đều không biết sai thì thật là tai họa.
Ví dụ, nhiều doanh nghiệp khoe là có tiêu chuẩn FDA là sai, không có tiêu chuẩn nào là FDA hết. Hay in hình logo GlobalGAP trên nhãn sản phẩm cũng là sai, vì qui định của tổ chức tiêu chuẩn này là cấm in logo trên nhãn sản phẩm, chỉ in dãy chữ là số hiệu (GGN) để ai biết thì vào trang web của tổ chức mà truy xuất nguồn gốc thôi.
Hoặc nhà báo còn viết, nông dân nói gắng lấy được tiêu chuẩn VietGAP để xuất hàng ra thế giới, cũng sai, vì đây là tiêu chuẩn chỉ dùng cho thị trường nội địa.
Vậy hiểu và áp dụng tiêu chuẩn thế nào cho đúng?
“Tôi vẫn nhớ rõ tên ông dù đã 3 năm rồi không gặp. Bảy Hiệp. Khi đọc một bài về một vườn xoài ở Đồng Tháp dám “bảo hành” kiểu nông dân là tôi liên tưởng ngay tới ông. Hồi đó ông nói, trồng xoài hướng hữu cơ có 5 cái lợi: sức khỏe cho đất, cho cây, cho người sản xuất, người tiêu dùng và khỏe cho công đồng. Nhưng trước hết, tôi phải làm vậy vì tôi… sợ chết”.
Nói kiểu nông dân Nam Bộ là vậy, thực ra đó là cách giải thích vì sao ông nghiêm ngặt đi theo hướng ứng dụng tiêu chuẩn hữu cơ.
Tôi rất lý thú khi nói chuyện với các chuyên gia đang đi xây dựng tiêu chuẩn cho các HTX nông nghiệp. Họ phải trau giồi cách diễn đạt sao cho nông dân hiểu và đồng tình về mục đích, vai trò, sức mạnh của tiêu chuẩn trong sản xuất – kinh doanh, cạnh tranh – phát triển; đặc điểm từng loại tiêu chuẩn, đối tượng áp dụng cho từng loại.
Hiểu còn khó – Nói chi thực hành
Chỉ nói về tiêu chuẩn, nói sao cho đúng đã khó vậy rồi, giờ thuyết phục nông dân chấp nhận và thực hành cho đúng, chuyện khó hơn nhiều.
Cách nói của anh Bảy Hiệp cũng không khác cách nói của anh Lê Văn Hùng, Giám đốc HTX Nhãn an toàn An Hòa, cũng ở Đồng Tháp. “Tôi làm xong tiêu chuẩn LocalGAP, tự tin là hàng mình luôn đảm bảo tiêu chuẩn, giữ vững chất lượng. Bây giờ, tôi bán cho ai là tôi chọn, chứ không ngồi cầu trời cho thương lái tới rồi giá nào cũng bán. Hiện nay, bà con trong HTX đang đòi làm tiếp tiêu chuẩn LocalGAP cho các diện tích mới.”
Có một thứ bảo đảm cam kết như đinh đóng cột. Đó chính là tiêu chuẩn. Khi nông dân Việt Nam hiểu, mình có tiêu chuẩn là mình có sức mạnh thì họ cố gắng tuân thủ, cũng “trầy vi tróc vảy” chứ đâu dễ gì nhưng không thay đổi thì chỉ có đi xuống. Thật vậy, có tiêu chuẩn, điều đó làm cho anh Bảy Hiệp và Lê Văn Hùng có sức mạnh thực sự.
Thực trạng chung của nông sản Việt Nam hiện nay là: luôn bị nghi ngờ là có “dư lượng”, có chất cấm, chất lượng trồi sụt và khó truy xuất nguồn gốc .
Với nông sản tươi thì tiêu chuẩn GlobalGAP (là tiêu chuẩn do các nhà bán lẻ châu Âu lập ra), đang thịnh hành nhất thế giới, cũng là loại rất cần cho nông sản Việt.
Tuần qua, tôi có được tham gia khóa đào tạo suốt 4 ngày về tiêu chuẩn GlobalGAP và LocalGAP, mới thấy mọi sự không dễ như “ăn cơm sườn”. Nhất là khi nông dân Việt Nam đã từ rất lâu, quen với sự dễ dãi về tiêu chuẩn, chất lượng trong giao thương tiểu ngạch nhiều năm với Trung Quốc. Nông dân nay đã quen chấp nhận thương lái, chịu ép một chút cũng cho qua, để chỉ tập trung việc thuận tay nhất là sản xuất mà thôi.
Nông dân Việt nay đã biết và đang thực hành VietGAP. Nhưng VietGAP không thể dùng cho xuất khẩu. Mà việc làm chứng nhận GlobalGAP thì chi phí cao và thời gian khá dài, các qui định và yêu cầu đầu tư rất ngặt nghèo.
Vì vậy Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao đã cùng với tổ chức GlobalGAP soạn ra một tiêu chuẩn bước đệm (trung chuyển) là LocalGAP để các HTX nông nghiệp, doanh nghiệp nông nghiệp, có thể lảm quen với tiêu chuẩn quốc tế và bước những bước đầu tiên vào thị trường thế giới.
Đứng trước cửa sinh tử – có một vũ khí mới: LOCALGAP
VietGAP (Vietnamese Good Agricultural Practices) là các quy định về thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho nông sản gồm những nguyên tắc, trình tự, thủ tục hướng dẫn với hơn 70 tiêu chí.
Trong khi đó, tiêu chuẩn LocalGAP được xây dựng và vận hành bởi Tổ chức chứng nhận quốc tế GlobalGAP. Tổng số tiêu chí của LocalGAP là 128 tiêu chí.
Những doanh nghiệp đã đăng ký và được đánh giá LocalGAP đều cung cấp mã định danh (số LGN) gồm 13 chữ số, và các đơn vị thu mua, khách hàng có thể tìm kiếm thông tin về doanh nghiệp để xem xét mua hàng thông qua số LGN này.
Mặt khác, các nông trại có thể đưa số LGN này cho khách hàng để truy xuất toàn bộ chuỗi sản xuất các mặt hàng của trang trại mình.
Tôi đọc các qui định cần tuân thủ của LocalGAP cấp độ cơ bản cũng đã thấy khó. Quá trình thực hành sẽ có muôn vàn khó khăn: thói quen không thuận lợi (chỉ ghi nhật ký thôi đã “mệt mỏi” rồi huống chi các qui định về sử dụng phân, thuốc… càng khó); rồi còn các đòi hỏi đầu tư, dù tối thiểu, các thiết bị vật dụng về hạ tầng tốn kém, tuân thủ các qui định nghiêm ngặt trong từng bước canh tác… sẽ rất cần có sự giải thích, động viên và nhắc nhở kịp thời.
Ở Đồng bằng sông Cửu Long, nay đã có những nông dân lớn tuổi tay còn thô ráp vì quần quật quanh năm trong vườn mà biết “bấm bấm, lướt lướt, quẹt quẹt smartphone”. Nhưng họ chỉ là một khâu trong 10 khâu trên chuỗi giá trị nông nghiệp được số hóa nên rất cần nhà nước hết sức quan tâm, đồng hành, để cho người nông dân có điều kiện học nhanh, áp dụng nhanh hơn mà vững bước vào thị trường thế giới.
Vũ Kim Hạnh (Chủ tịch Hội Hàng Việt Nam Chất lượng cao)
(Bài này có đăng đầy đủ ở ấn phẩm mới tháng 5 Tạp chí Thế Giới Hội Nhập)