Tản mạn Covid, Vaccine và Du lịch

1 – Nga công bố Vaccine covid-19. Nhiều người Việt vui mừng. Số khác nghi ngờ. Thậm chí dè bỉu.

Là một người Việt, có mối thâm tình với nước Nga, tôi mừng cho người dân Nga, và chính phủ Nga. Công bố Vaccine Covid-19, dù với bất kỳ mục đích nào, kết quả hay hệ quả thế nào, chỉ cần 50-60 ngày nữa, mọi điều sẽ sáng tỏ dần với nước Nga và người dân Nga. Chí ít, tới lúc này, người dân Nga cũng có được phần nào sự bình tâm và tin vào sự đổi thay.

Người Nga vẫn là một trong số rất ít những dân tộc đi đầu trong các cuộc chinh phục của loài người trong các lĩnh vực vũ trụ, hạt nhân, nguyên tử, và y học. Người Nga có cơ sở để tin vào khả năng và thành tựu của mình.

Ở đất nước tôi, mọi người vẫn đang sống trong lo âu. Cá nhân tôi cũng chẳng chắc chắn bao lâu nữa thì vaccine chống covid mới đến được Việt Nam… Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump ngày 5/8 vừa rồi thông báo sẽ chi 1 tỷ USD đặt hàng với Johnson & Johnson cho 100 triệu liều Vaccine, hy vọng sẽ ra mắt trước ngày bầu cử tổng thống Mỹ 3/11 (cũng là mục đích chính trị! Sao không phải là 8/10 hay 8/11). Tiếp đó là 600 triệu liều cho đến tháng 12 đủ cho hơn 300 triệu người dân Mỹ.

Việt Nam mình dân số cũng gần 1/3 dân số Mỹ. Vậy rồi, khi nào và có bao nhiêu người Việt mình sẽ được tiếp cận với vaccine? Có bao nhiêu người Việt mình có khả năng mua được Vaccine?

2 – Từ nay đến lúc tiếp cận được Vaccine sẽ còn bao nhiêu người Việt mắc Covid-19 sẽ lên đường theo tổ tiên? Có lẽ Covid – 19 chỉ là giọt nước tràn ly, dấu chấm hết sớm cho một chu trình sinh-lão-bệnh-tử. Trước khi bị Covid – 19 tấn công, những nạn nhân của Covid – 19 đã phải chống chọi với đủ những căn bệnh hiểm nghèo do điều kiện sống hoặc quá thiếu thốn, hoặc quá dư thừa: tiểu đường, huyết áp, tim mạch…

Sự phát triển khoa học kỹ thuật hai thập kỷ gần đây đã giúp cho y học có sự tiến bộ vượt bậc trong việc kéo dài tuổi thọ của con người. Mặt khác đây cũng là một nghịch lý. Những người nghèo lại càng nghèo thêm. Một người bệnh nghèo kéo theo cả một gia đình nghèo thêm nữa trong cuộc chiến giành giật sự sống. Những nhà sản xuất, kinh doanh thuốc, thiết bị y tế… càng giàu thêm!

Ngày hôm qua, tôi đọc thấy có một bệnh nhân nữ qua đời vì Covid – 19. Cầu mong chị an nghỉ. Chị mới có 33 tuổi. Cuộc đời đoản mệnh vì chị mắc phải căn bệnh nhà giàu đái tháo đường type 3. Trở về với cát bụi âu có khi cũng là một sự giải thoát gánh nặng kinh tế cho những người thân trong gia đình chị…

Covid -19 cho đến ngày hôm nay, tôi có suy nghĩ là nó đang hiện diện ở khắp mọi nơi. Nó như một con vi trùng có ở sẵn trên cơ thể mỗi con người, chỉ chờ cơ thể ta kém sức đề kháng là nó nhảy lên chiếm lĩnh, kiểm soát và tầm diệt. Có nhiều người đã nhiễm Covid – 19 được cách ly và được chữa khỏi. Cũng có rất nhiều người đã nhiễm, tự cách ly, tự chữa và tự khỏi. Có lẽ nào miễn dịch tập nhiễm cũng là một cách thức.

Có những thói quen mới được hình thành từ khi Covid -19 được phát hiện: trong cách ăn, mặc, giao tiếp, vệ sinh các nhân, lối sống. Và cũng chẳng có gì đảm bảo rằng sau Covid-19 sẽ không có Covid – 20, 21…

3 – Chiều hôm qua. Bay về Sài Gòn, tôi chứng kiến một sân bay Cam Ranh vắng tanh vắng teo đối nghịch hoàn toàn so với một tuần trước đấy. Người Việt mình nhiều điều thái quá. Những nỗ lực giải cứu du lịch bằng cổ vũ du lịch nội địa đã làm thay đổi một Nha Trang theo chiều hướng tiêu cực hơn nhiều so với thời mà khách du lịch Nga và Tàu chiếm phần đông.

Tôi chỉ là người quan sát, suy ngẫm và tự rút ra cách hành xử cho cá nhân mình. Tôi đã, đang và sẽ không bao giờ cổ vũ cho du lịch nội địa một cách rẻ tiền, tiêu dùng hoang phí và phá vỡ đi sự bền vững của phát triển du lịch.

Hãy xây dựng và phát triển một ngành du lịch với xu hướng bền vững và có trách nhiệm. Còn khách du lịch có thể là người Việt, người Nga, người Trung Quốc… và bất kỳ ai chấp nhận và đi theo xu hướng tiêu dùng ấy.

ĐẶNG HIẾU