Nga, Trung Quốc và Ấn Độ chạy đua để phát triển vaccine Covid-19, nhưng các tiêu chuẩn quốc tế không phải lúc nào cũng được làm theo.
Khi Alexander Ginzburg tự tiêm vào người vaccine do ông phát triển bốn tháng trước, ông thậm chí còn chưa bắt đầu thử nghiệm thứ này trên khỉ.
Đến hiện tại, Ginzburg, một nhà vi sinh vật học và là giám đốc của Viện Gamaleya ở Moscow, nói rằng ông vẫn cảm thấy rất ổn. Một trăm nhân viên của viện cũng đồng ý tiêm chủng. Và tất cả vẫn đang khỏe mạnh.
Ông Ginzburg là một trong những nhà nghiên cứu vaccine tái tổ hợp để chống lại Covid-19. Nhà khoa học 68 tuổi này không quan tâm lắm đến rủi ro của việc tiêm một chất vẫn đang được nghiên cứu.
“Tôi muốn bảo vệ bản thân và nhân viên của mình”, ông Ginzburg nói, đồng thời khẳng định rằng vaccine của ông vừa an toàn vừa hiệu quả.
Bộ Y tế Nga vừa phê duyệt vaccine Covid-19 đầu tiên trên thế giới và hôm 11/8, Tổng thống Nga Vladimir Putin tiết lộ 1 trong 2 con gái ông đã được tiêm ngừa vaccine này.
Vaccine Covid-19 này sẽ được sản xuất tại 2 cơ sở gồm Viện Gamaleya và công ty dược Binnopharm, Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko cho biết.
Tuy nhiên, Nga không đơn độc. Đây chỉ là một trong nhiều ví dụ cho thấy cuộc chạy đua tìm vaccine Covid-19 đang tiếp tục tăng tốc, một phần vì các quốc gia như Nga và Trung Quốc, theo bài viết của tờ Der Spiegel (Đức).
Đột phá trong nghiên cứu nghĩa là Moscow và Bắc Kinh sẽ có thể bảo vệ người dân của họ nhanh hơn và mở cửa lại nền kinh tế sớm hơn. Vaccine không chỉ đại diện cho một bước tiến trong cuộc chiến chống lại virus, vaccine còn là quyền lực, uy tín và tiền bạc vì thế giới sẽ giành giật để mua chúng.
Quản lý lỏng lẻo
Việc đưa vào sử dụng một loại vaccine chưa được nghiên cứu xong có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Chandrakant Lahariya, một nhà dịch tễ học đến từ Ấn Độ, nói các chính trị gia phải nhận thức được rằng việc phát triển vaccine nhanh chóng không phải là thách thức duy nhất của họ.
Họ cũng phải thuyết phục dân chúng rằng vaccine đó an toàn. Tác dụng phụ muộn có thể dẫn đến tình trạng “niềm tin sụp đổ không chỉ với vaccine này mà còn với tất cả vaccine khác được phát triển trên toàn thế giới”.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các phòng thí nghiệm ở 12 quốc gia đã phát triển được 27 loại vaccine và chúng đang được thử nghiệm lâm sàng. Những vaccine này được phát triển bởi nhóm nghiên cứu ở Anh, Nhật Bản, Đức, Hàn Quốc và Mỹ. Nhưng các viện nghiên cứu ở Trung Quốc, Ấn Độ và Nga – ba thị trường mới nổi đầy tham vọng có các cơ quan quản lý lỏng lẻo hơn nơi khác – cũng đã bắt đầu quá trình đánh giá lâm sàng.
Với hơn 897.000 ca nhiễm Covid-19, Nga hiện là quốc gia có số ca nhiễm nhiều thứ tư thế giới. Chính phủ nước này cho biết hơn 20 quốc gia từ châu Á, châu Mỹ Latinh, châu Phi và Trung Đông đã bày tỏ sự quan tâm đến vaccine của Nga, và nước này được đặt mua 1 tỷ liều vaccine.
Tuy nhiên, một số nhà khoa học, như ông Vasily Vlassov của Trường Kinh tế Cao cấp ở Moscow, đang cảnh báo về sự vui mừng quá sớm và chỉ trích chính phủ đã hạ thấp các rào cản pháp lý.
Moscow dự định bắt đầu sản xuất hàng loạt vaccine này vào tháng 9 hoặc tháng 10 mặc dù nghiên cứu lâm sàng thậm chí vẫn chưa chuyển sang giai đoạn 3. “Nga đang vi phạm các quy tắc được quốc tế chấp nhận”, ông Vlassov nói.
Theo hướng dẫn về vaccine của WHO, mọi chất mới phải được thử nghiệm trong phòng thí nghiệm và trên động vật trước khi được sử dụng trên con người. Trong giai đoạn 1 của nghiên cứu lâm sàng, có rất ít đối tượng thử nghiệm được tiêm ngừa. Sang giai đoạn 2, con số này sẽ tăng lên hàng chục hoặc vài trăm người. Đến giai đoạn 3, hàng chục nghìn người sẽ tham gia thử nghiệm.
Đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới ngày 12/8 cho biết sẽ chỉ xác nhận an toàn cho vaccine Sputnik V của Nga sau khi vaccine này trải qua quy trình đánh giá dữ liệu an toàn và hiệu quả.
Ông Jasarevic cho biết quy trình đánh giá của WHO dựa trên thông tin thu thập được qua thử nghiệm lâm sàng. Đại diện WHO khẳng định tốc độ phát triển nhanh của một số loại vaccine là điều đáng khích lệ và hy vọng những loại vaccine này sẽ được chứng minh là an toàn và hiệu quả.
Số tiền bồi thường gây bất ngờ
Người tham gia thử nghiệm vaccine phải tự nguyện. Đối tượng thử nghiệm thường nhận được tiền bồi thường, nhưng không nhiều. Ngoài ra, tất cả dữ liệu liên quan đến thử nghiệm phải được công khai để các cơ quan chính phủ và các nhà khoa học khác có thể đánh giá.
Cho đến nay, hầu như không có bất kỳ dữ liệu khoa học nào về vaccine của Nga được công bố. Trong khi đó, chỉ có 76 đối tượng thử nghiệm tham gia giai đoạn 1 và 2 của thử nghiệm, một nửa trong số đó là quân nhân trong quân đội. Một nửa còn lại là dân thường và được nhận khoảng 1.350 USD, số tiền gấp 3 lần mức lương trung bình hàng tháng ở Nga.
Nhưng không chỉ ở Nga, vài người ở Ấn Độ cũng thể hiện sự thiếu kiên nhẫn. Ấn Độ là nhà sản xuất vaccine lớn nhất trên thế giới, mặc dù hầu hết vaccine đều được phát triển ở nơi khác.
Thủ tướng Narendra Modi muốn thay đổi tình trạng này. Ít nhất 7 công ty dược phẩm của Ấn Độ đang nghiên cứu vaccine Covid-19, trong đó công ty Bharat Biotech đã đạt được nhiều tiến bộ nhất. Họ đã đặt tên cho vaccine của mình là Covaxin.
Đầu tháng 6, một bức thư của giám đốc Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Ấn Độ (ICMR) bị rò rỉ. Bức thư nói rằng đối tượng thử nghiệm phải được tiêm Covaxin “trễ nhất là ngày 7/7” với mục tiêu đưa vaccine này ra công chúng trước ngày 15/8, Ngày Độc lập của Ấn Độ.
Viện Hàn lâm Khoa học Ấn Độ nhanh chóng tuyên bố mốc thời gian này là “không khả thi” và “không hợp lý”. Bharat Biotech sau đó lưu ý rằng sẽ mất ít nhất 5 tháng nữa để vaccine được phê duyệt và ICMR buộc phải rút lại chỉ thị.
Tuy nhiên, quốc gia đang có lợi thế trong cuộc chạy đua vaccine không phải là Ấn Độ mà là Trung Quốc. Ba trong số 6 vaccine Covid-19 đang được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 trên thế giới được phát triển bởi các nhà khoa học Trung Quốc. Ba vaccine còn lại là của công ty Anh-Thụy Điển AstraZeneca, công ty Biontech của Đức và công ty Moderna của Mỹ.
Tuy nhiên, người Trung Quốc đang gặp phải một vấn đề mà các quốc gia khác rất muốn mắc phải: họ không có đủ ca nhiễm virus.
Hiệu quả của vaccine chỉ có thể thực sự được kiểm tra ở những nơi mà đối tượng thử nghiệm phải đối mặt với nguy cơ nhiễm bệnh. Tuy nhiên, nhờ các biện pháp ngăn chặn và giám sát nghiêm ngặt, virus về cơ bản đã bị tiêu diệt tại Trung Quốc.
Vì vậy, công ty Sinopharm của Trung Quốc đang tiến hành thử nghiệm giai đoạn 3 ở UAE, trong khi công ty Sinovac hướng đến Brazil.
“Gián điệp” vaccine
Mặc dù Trung Quốc đang đi trước các nước khác trong việc phát triển vaccine, nước này dường như đã nhờ cơ quan tình báo giúp đỡ. Vào tháng 7, Bộ Tư pháp Mỹ đã truy tố hai tin tặc Trung Quốc. Hai người này bị cáo buộc tìm kiếm điểm yếu trong hệ thống máy tính của công ty công nghệ sinh học và các công ty đang tiến hành nghiên cứu vaccine Covid-19 khác. Hai người này được cho là đã hoạt động dưới sự bảo trợ của một sĩ quan trong Bộ Quốc An Trung Quốc.
Công ty công nghệ sinh học Moderna xác nhận đã được FBI thông báo về âm mưu gián điệp. Chính quyền Tổng thống Donald Trump đặt nhiều hy vọng vào công ty có trụ sở tại Massachusetts này và đã cung cấp cho dự án phát triển vaccine của họ gần 1 tỷ USD.
Công ty đã bắt đầu thử nghiệm giai đoạn 3 vào cuối tháng 1 và trở thành công ty dược phẩm đầu tiên ở Mỹ làm điều này.
Một trong ba học viện mà Moderna đang hợp tác là Đại học Y khoa Baylor ở Houston, Texas. Văn phòng báo chí của trường này nói rằng họ không biết liệu các tin tặc Trung Quốc có nhắm vào Baylor hay không. Nhưng điều này sẽ không gây ngạc nhiên.
Các quan chức Mỹ đang điều tra về hành vi gián điệp y tế của Trung Quốc ở khu vực Houston. Theo Der Spiegel, đó là một trong những lý do khiến chính quyền ông Trump ra lệnh đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc tại đây vào cuối tháng 7.
Theo Zing