Taliban có thể lú nhưng đã có chú nó khôn!

Từ lâu, cái tên Taliban không gây được thiện cảm với ai bởi những thành tích bất hảo trong quá khứ. Từ chuyện chứa chấp Binladen, trùm khủng bố khét tiếng, kiểm soát đường dây buôn ma túy có số má ở Trung Á, đến chuyện ngược đãi phụ nữ…

Rồi bỗng dưng cách đây gần tháng, người ta thấy một trong những nhà lãnh đạo cao cấp của Talinban đến thăm Trung Quốc.

Dẫu cuộc thăm viếng không có nghi thức quốc gia nhưng tại Thiên Tân, phái đoàn Taliban do Mullah Baradar Akhund – trưởng văn phòng chính trị của Taliban tại Qatar, dẫn đầu đã được Ngoại trưởng Trung Quốc – Vương Nghị, tiếp đón trọng thị. Sau những cuộc hội đàm với 9 đại biểu Taliban hôm 28/7, ông Vương Nghị ra tuyên bố khẳng định Taliban có vai trò quan trọng trong quá trình hòa bình, hòa giải, và tái thiết tại Afghanistan.

Những lời vàng ngọc của ngoại trưởng họ Vương của á quân thế giới như là một chứng chỉ để Taliban có thể hội nhập với thế giới, ít nhất là với các đồng minh thân cận của Trung Quốc.

Một câu hỏi đặt ra là, liệu Taliban đã thay đổi như thế nào kể từ thời kỳ cuối cùng bị áp bức – từ năm 1996, cho đến khi bị các lực lượng do Mỹ lật đổ vào năm 2001? Trước khi bị lật đổ, Taliban từng nắm quyền kiểm soát 5 năm kể từ khi lực lượng này chiếm được Kabul và treo cổ cựu tổng thống Mohammad Najibullah sau khi tra tấn và kéo lê ông này đằng sau một chiếc xe tải trên đường phố Kabul. Taliban đã thay đổi như thế nào và thế giới văn minh có thể mong đợi điều gì?

Taliban của năm 2021 đang ở vị thế kinh tế mạnh mẽ hơn nhiều so với khi nó nổi lên như một trong một số phe nhóm chiến đấu trong cuộc nội chiến vào năm 1994.

Trái ngược với tổ chức còn tương đối mới, thiếu kinh nghiệm từ phía bắc Pakistan – chủ yếu được tài trợ từ Ả Rập Xê-út – Taliban đã cai trị hầu hết nhưng không phải toàn bộ Afghanistan trong những năm 90. Taliban ngày nay đã duy trì sự kiểm soát tài chính sâu rộng ở nước này và được hưởng một số thành tựu kinh tế để tài trợ cho các hoạt động của phiến quân.

Taliban đã duy trì một cuộc nổi dậy lâu dài trên khắp đất nước kể từ khi nó sụp đổ vào năm 2001, với một mạng lưới tài chính phức tạp và hệ thống thuế để tài trợ cho các hoạt động – bao gồm cả việc chiếm giữ các đồn biên phòng quan trọng gần đây mà chính phủ đã thu về hàng triệu USD mỗi năm.

Nội chiến kéo dài, nạn tham nhũng khiến Afghanistan trở thành nước “đội sổ” trong bảng xếp hạng kinh tế, chỉ có sáu quốc gia có GDP bình quân đầu người thấp hơn Afghanistan. Trái ngược với khu vực kiểm soát của Chính phủ, Taliban vẫn phát triển khá tốt về kinh tế.

Điều này khiến người ta liên tưởng đến miền Bắc Việt Nam, trong những năm chiến tranh, nền kinh tế miền Bắc Việt Nam dẫu còn thấp kém nhưng đã có những bước cải thiện liên tục, hơn thế là rất hiếm có hiện tượng tham nhũng khiến người dân có niềm tin vào Chính phủ.

Afghanistan là nước giàu tài nguyên thiên nhiên và nhiều địa điểm khai thác đang nằm dưới sự kiểm soát của Taliban, nơi các ông chủ bị tống tiền một cách hợp pháp.

Một nguồn thu không thể bỏ qua là Taliban đã kiểm soát hầu hết các đường dây buôn bán ma túy, các phòng thí nghiệm, nơi thuốc phiện được chuyển hóa thành heroin… Đây là mục tiêu chính cho các chiến dịch ném bom của Mỹ.

Là cường quốc số 2 mới trỗi dậy, Trung Quốc quá dày dạn kinh nghiệm trong việc chuyển đổi một nền kinh tế lạc hậu, bị cô lập với bên ngoài đến việc hội nhập với khu vực và thế giới. Không chỉ giúp đỡ Taliban về mặt vật chất, những kinh nghiệm của Trung Quốc cũng được chia sẻ cho đàn em sau nhiều năm lầm lạc.

Muốn hội nhập với thế giới, Taliban cần phải chú ý đến việc duy trì những thành tựu đã đạt được từ năm 2001, nhờ sự hỗ trợ quốc tế mà chính phủ Afghanistan được tiếp thu kinh nghiệm quản lý đất nước và sự ra đời của hiến pháp tự do hóa vào năm 2004. Một liên minh hỗ trợ quốc tế đã tham gia vào việc phát triển cơ sở hạ tầng và xây dựng lại hệ thống giáo dục, cho phép hàng triệu trẻ em gái đến trường và phụ nữ trẻ tham gia các trường đại học.

Trong những năm 90, Afghanistan bị tàn phá bởi cuộc nội chiến đã chứng kiến các doanh nghiệp thường xuyên bị tổn thương và nguồn vốn chạy trốn khỏi đất nước.

Afghanistan vốn đã nghèo lại càng nghèo hơn, Chính phủ điều hành bộ máy hành chính theo Kinh Qur’an mà không có khung khổ pháp nhân rõ ràng. Điều này khiến người ta liên tưởng đến Việt Nam, một thời Chính phủ điều hành đất nước theo tinh thần nghị quyết.

Taliban muốn tái thiết đất nước thành công phải duy trì viện trợ của phương Tây và đầu tư quốc tế vào cơ sở hạ tầng trước hết phải chứng minh được tính hợp pháp của mình và bày tỏ sự thân thiện với thế giới.

Cộng đồng thế giới ngỡ ngàng trước tuyên bố chiến tranh kết thúc của phát ngôn viên Taliban trong ngày 16/8. Theo đó, Taliban tuyên bố chiến tranh đã kết thúc và kêu gọi hòa bình với cộng đồng quốc tế. Taliban cũng đưa thông điệp không muốn sống cô lập và sẽ sớm làm rõ hình thức nhà nước và chế độ chính trị.

Phiến quân nói sẽ tôn trọng quyền của phụ nữ và các dân tộc thiểu số, cũng như quyền tự do ngôn luận, trong khuôn khổ luật Sharia.

Ts Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện nghiên Cứu chiến lược Bộ Công an, nói: Taliban có thể lú, nhưng nó lú, có thằng chú nó khôn!

Trong chuyến thăm Trung Quốc, Bắc Kinh yêu cầu Taliban cam kết không biến Afghanistan thành căn cứ của các cuộc tấn công khủng bố. Vương Nghị hy vọng rằng Taliban và “Phong trào Hồi giáo Đông Turkistan” (East Turkistan Islamic Party) và các tổ chức khủng bố khác phải hoàn toàn vạch ra ranh giới và trấn áp một cách kiên quyết và hiệu quả …”. Thu nạp thêm được thằng đàn em giang hồ, Bắc Kinh giảm bớt nỗi lo tình hình bất ổn ở Tân Cương.

Đáp lại, Taliban tuyên bố rằng, sẽ không bao giờ cho phép bất kỳ lực lượng nào sử dụng lãnh thổ Afghanistan để làm những việc gây nguy hại đến Trung Quốc, và hy vọng rằng Trung Quốc sẽ đóng một vai trò lớn hơn vào công cuộc tái thiết và phát triển kinh tế của Afghanistan.

Trước khi thăm Trung Quốc, Taliban cũng đã đến thăm Iran và Nga và phát đi thông điệp muốn hội nhập với khu vực và thế giới. Sắp tới, sự công nhận từ nước ngoài có nhiều khả năng đến từ những nước khác, với việc hai “đại ca” là Trung Quốc và Nga đã sẵn sàng công nhận và hợp tác với Taliban thì các nước “đàn em” cũng có thể làm như vậy.

Taliban, từ một lực lượng phiến quân, nay đã là ông chủ của Kabul, với Nga hay Trung Quốc đều có sự khác biệt rất lớn về chính trị, song vì những lợi ích riêng của mỗi nước họ đều có thể ngồi lại bàn chuyện hợp tác trên cơ sở không xung đột lợi ích với bên thứ 3. Sự thực dụng trong những tính toán vì lợi ích quốc gia là lý do để họ ngồi lại với nhau.

Afghanistan, một quốc gia hiếm hoi trong 100 năm qua khiến các cường quốc phải ôm hận khi can thiệp đến xứ này. Thoạt tiên là người Anh, sau đến người Nga, và người Mỹ đều hao người tốn của ở vùng đất cằn cỗi này. Nay đến lượt Trung Quốc, người Hoa có mở ra một kỷ nguyên mới cho Afghanistan không? Chúng ta hãy chờ xem!

Bình luận: Phan Thế Hải