Ông Lê Quốc Vinh – Chủ tịch Công ty Le Bros, mới có một stt rất hay trong group Quản trị và Khởi nghiệp, liên quan đến vấn đề xu hướng mới trong Marketing hiện đại.
Vấn đề này cũng được công ty ông tổ chức hội thảo cùng trường Đại Học RMIT mới đây, xây dựng thương hiệu mang giá trị nhân văn…
Nhiều thương hiệu lớn đang dẫn đầu cả nước đã nắm bắt được xu hướng này, đã thực sự tiếp cận được công nghệ mới và chuyển đổi để thương hiệu của họ như một thực thể sống, tương tác với khách hàng là con người, mà hai bên cảm nhận được giá trọ mang lại, tôn trọng lẫn nhau.
Bia Saigon, một thương hiệu lớn trong nước đang làm điều này. Một thương hiệu bia – dù muốn hay không thì người ta vẫn luôn mặc định, chất cồn là không tốt cho sức khỏe. Do vậy, bất cứ một chiến dịch nào thúc đẩy việc bán hàng chẳng hạn, nếu làm không khéo thì người ta sẽ suy diễn bán cho cố chất cồn để đầu độc con người.
Thế nhưng, với những thông điệp nhân ái (làm từ thiện, đưa 1.000 người thợ về quê ăn tết dịp tết Kỷ Hợi… ) hay các giá trị văn hóa như các chương trình Ca nhạc đỉnh cao… đều mang lại những cảm xúc tích cực.
Xu hướng các thương hiệu phải xây dựng được cảm xúc CON NGƯỜI VÌ CON NGƯỜI (H2H), có những giá trị nhân văn yêu quê hương, đất nước, yêu cuộc sống, bảo vệ môi trường, giữ gìn các giá trị truyền thống tốt đẹp, đang đồi hỏi các team marketing ngày càng chuyên nghiệp và sáng tạo, có trái tim nhạy cảm để làm tốt nhất việc này.
Chúng tôi xin giới thiệu bài viết của anh Lê Quốc Vinh, một bậc thầy về marketing tại Việt Nam.
———-
Ngày nay, dường như marketing và truyền thông đang trở lại giá trị nguyên bản như xưa kia, thời mà chúng ta có thể gọi là “buổi hồng hoang” của marketing và truyền thông…
Cái khác chăng ngày hôm nay, đó là nhờ công nghệ, nhờ những giải pháp truyền thông mới, mà mối quan hệ CON NGƯỜI – với – CON NGƯỜI đó được nhân rộng hơn rất nhiều lần.
KHI CON NGƯỜI LÀ TRUNG TÂM
Đã có một thời, người ta chào bán, trao đổi cho nhau những sản phẩm thiết yếu mà người này sản xuất dư thừa, còn người kia lại cần có nó.
Rồi đến giai đoạn công nghiệp hoá, thương hiệu trở thành ông hoàng, áp đặt phương thức truyền thông đến khách hàng, thông qua các phương tiện quảng cáo ồ ạt, tác động đến tâm lý và nhận thức của đối tượng mục tiêu.
Thương trường trở thành chiến trường, nơi mà các thương hiệu cạnh tranh nhau quyết liệt để giành giật ảnh hưởng lên các phân khúc khách hàng.
Nhưng, một vài năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp đã kịp nhận ra rằng, các thông điệp mang tính con người đang tạo ra các tác động cộng hưởng lên đối tượng mục tiêu. Do vậy, các thương hiệu chuyển dịch từ vị thế đòi hỏi được tôn trọng sang xây dựng các mối quan hệ thân thiện với khách hàng.
Trong mối quan hệ đó, thương hiệu hôm nay cần được coi như một con người, mà ở đó tồn tại mọi đặc trưng nhân bản của nó, như là sự thiếu hoàn thiện, khả năng thấu cảm và khả năng xây dựng các mối quan hệ cá nhân bền vững…
Nhiều người cho rằng, năm 2018 là bình minh của một kỷ nguyên mới trong marketing và truyền thông, kỷ nguyên kết nối con người với con người (H2H).
Ở nơi đó, mỗi thương hiệu tồn tại như một con người, với đầy đủ những tính cách, ưu nhược điểm, những khiếm khuyết và cả những hoài bão lớn lao và trọng trách mang tính nhân văn.
Điều thú vị là ngày nay, khách hàng của chúng ta, dù vô tình hay hữu ý, đang để lại những dấu chân số của họ trong quá trình giao tiếp trong môi trường kết nối internet. Và như thế, điều này trở thành cơ hội để thông qua công nghệ, chúng ta có thể vẽ nên chân dung của họ một cách tương đối hoàn chỉnh.
Nhờ đó, với học máy và trí tuệ nhân tạo, chúng ta hiểu được những hành vi, thói quen, khát khao và dự đoán được nhu cầu, hành vi của đối tượng truyền thông, cũng giống như chúng ta hiểu về những người thân quen xung quanh mình. Đó là nền tảng cho những mối quan hệ MỘT – MỘT mang tính con người giữa thương hiệu và đối tượng mục tiêu.
Xu hướng marketing và truyền thông kỷ nguyên kết nối CON NGƯỜI VỚI CON NGƯỜI (H2H) lần đầu tiên được thảo luận trong hội thảo chuyên đề: Xây dựng thương hiệu nhân văn, do Đại học RMIT phối hợp với Công ty Le Bros tổ chức tại Hà Nội ngày 19/12.
Theo đó, lượng data khổng lồ đang được các công ty công nghệ thu thập, sẽ được cấu trúc lại để phân tích ra nhu cầu, sở thích, ham muốn, và dự báo được hành vi tiêu dùng của mỗi con người, từ đó gợi ý cho người làm truyền thông các thông điệp phù hợp cũng như các giải pháp tiếp cận hữu hiệu nhất, tác động vào mọi điểm chạm trong hành trình của khách hàng.
Không những thế, người ta tạo ra những công cụ hỗ trợ cho thương hiệu tiếp cận, tương tác với khách hàng, phù hợp với từng tình huống giao tiếp.
Tương tác giữa NGƯỜI VỚI NGƯỜI hoặc kỷ nguyên kết nối CON NGƯỜI VỚI CON NGƯỜI (H2H) là một phần quan trọng trong giao tiếp hàng ngày.
Theo đó, thương hiệu phải chịu trách nhiệm thiết lập các mối quan hệ với từng nhóm, thậm chí là từng cá nhân đối tượng mục tiêu, xây dựng mối quan hệ hợp tác trên cơ sở niềm tin và gắn kết cộng đồng.
BÀI HỌC TỪ CÁC THƯƠNG HIỆU LỚN
Ngày nay, H2H marketing không còn là một sự lựa chọn mà là điều bắt buộc đối với các doanh nghiệp, thậm chí phải trở thành văn hoá trong công ty.
Khi chuyển dịch sang truyền thông marketing H2H, chúng ta sẽ nhận thấy những thay đổi trong cách khách hàng liên quan đến doanh nghiệp của mình. Khách hàng sẽ trở nên gắn kết hơn và háo hức hơn gấp nhiều lần khi tham gia vào mối quan hệ làm ăn kinh doanh, trong khi khách hàng tiềm năng sẽ dễ dàng bị thu hút bởi sự tiếp xúc của con người mà doanh nghiệp cung cấp.
Tuy nhiên, để làm được như vậy, THƯƠNG HIỆU PHẢI BIẾT CÁCH “TRÒ CHUYỆN” như một con người, phải biết thấu cảm với khách hàng với những băn khoăn, trăn trở và mong đợi rất khác biệt, phải biết sẵn sàng đáp ứng nhu cầu và giải quyết các khó khăn của khách hàng, phải biết hoà đồng và chia sẻ cảm xúc, và quan trọng nhất là phải biết động viên khách hàng tham gia vào quá trình sẻ chia các giá trị, sứ mệnh và trọng trách xã hội mà thương hiệu theo đuổi.
Marketing H2H là một khái niệm mới, nhưng đó chính là con đường hiện hữu của Vietnam Airlines, Bia Saigon, Davines và nhiều thương hiệu dẫn đầu ở Việt Nam và trên thế giới.
Bài học của họ, thực ra không quá khó, mà chính là sự quan tâm, chăm sóc và thấu hiểu khách hàng. Muốn đạt được mức độ thấu cảm đó, trước hết doanh nghiệp cần phải có một triết lý hướng vào con người trong hoạt động truyền thông thương hiệu, và phải xây dựng cho mình một đội ngũ những con người am hiểu văn hoá, hiểu biết xu hướng hiện đại, nắm bắt công nghệ marketing mới và khả năng sáng tạo vượt trội dựa trên nền tảng công nghệ đó.
Lê Quốc Vinh – Chủ tịch Công ty Le Bros