Khẩu hiệu “doanh nghiệp Việt – sản phẩm Việt” – Quảng cáo mang dấu vết tuyên truyền cũ?

Nguyễn Hà Hùng, một người trong nước vừa gửi cho BBC news một bài viết đưa ra các quan điểm quảng cáo lối tuyên truyền cũ ngày xưa, dạng những khẩu hiệu kêu gọi ủng hộ doanh nghiệp Việt – hàng Việt, điều đó không còn hợp lý khi bước vào thời kỳ hội nhập khá toàn diện của Việt Nam.

Người này nói, loa phường vẫn được sử dụng phổ biến ở Việt Nam. Theo đó, để thu hút sự chú ý, nhiều nơi vẫn thực hiện bằng cách đặt loa ở mặt tiền, phát hết công suất các bản nhạc, trong sự ầm ĩ bát nháo của đường phố, tất nhiên không hiệu quả. Tương tự như thế, hô khẩu hiệu trong một cộng đồng đã bội thực khẩu hiệu là một cách làm thiếu sáng suốt.

Nói điều này bởi gần đây hệ thống truyền thông nhà nước và mạng xã hội nhắc đi nhắc lại nhiều câu, “Nội dung là Vua”- Lotus, “Mãnh liệt tinh thần Việt Nam” – Vinfast, ” Đỉnh cao công nghệ Nhật Bản – Asanzo”, vân vân và vân vân, thật không thể nhớ hết để truyền thông cho sản phẩm của mình.

Một nhận xét khác sắc sảo từ Nguyễn Hà Hùng là, bất kể định danh những câu chữ đó là gì thì các quảng cáo có biểu hiện giống với dạng nội dung (content) tuyên truyền.

Theo định nghĩa, tuyên truyền (propaganda) là một dạng truyền thông mang tính chất thiên vị, kích thích cảm tính, chỉ đề cập một phần thông tin, hay một mặt của vấn đề. Điều này khác với marketing hiện đại lấy khách hàng làm trung tâm, khách hàng và người bán đều được lợi, tuyên truyền là một vũ khí nguy hiểm chỉ giúp cho người tuyên truyền đạt mục đích. Nói nôm na, nó “nhằm thẳng quân thù mà bắn”.

Chẳng hạn mới đây, khi tung bản beta mạng xã hội có vốn đầu tư khủng, khoảng 1.200 tỉ đồng, thì thông điệp truyền thông quảng bá cho mạng này trước khi chính thức khai trương là: Lotus coi “nội dung là vua” và mong có 4 triệu người dùng (user). Còn Vinfast thì gắn với hình ảnh quốc gia, chẳng hạn Thủ tướng đến thăm “kỳ tích ô tô VinFast”

Thế nhưng, mạng xã hội Lotus với khẩu hiệu “Nội dung là vua” đã nhận nhiều ý kiến trái chiều từ người dùng ngay khai khai trương. Rằng không thấy content vua đâu mà đây là mạng dành cho gái gọi và khiêu dâm… do chưa có bộ chặn tốt.

Cần nhớ, các chiến dịch tuyên truyền theo lối cũ thường nhắm đến hầu hết mọi đối tượng, thậm chí toàn dân. Nó không màng giới tính, tuổi tác, vùng miền, trình độ, nghề nghiệp, sở thích, mức thu nhập, thói quen, tình trạng hôn nhân… Tuyên truyền thường có kích thước lớn về nhiều mặt, sử dụng toàn bộ các hình thức, các kênh truyền thông. Mục tiêu của nó là thúc đẩy các hành động bất hợp lý.

Hành động bất hợp lý là gì? Ở đây là các quyết định tham gia, mua hàng không dựa vào lợi ích của hàng hóa, giá cả và chất lượng.

Vì nêu cao tinh thần yêu nước, nên “đắt một tí cũng được”, “hơi kém một tí cũng được”, “so bì thì làm sao nước Việt hùng cường”.

Thế là người mua không quan tâm nhiều đến chất lượng và mức giá. Xúc cảm mạnh làm người mua quên không so sánh với những hàng hóa khác cùng loại.

“Nội dung là Vua” không phải là một triết lý mới, vì Facebook, Twitter đều lấy nội dung là trọng tâm và xoay quanh khách hàng. Hơn nữa, họ đã đi trước cả thập kỷ.

“Nội dung là Vua” không phải là một khái niệm do Lotus tạo ra. Nhưng với doanh nghiệp Việt, người ta mang tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc gắn với sản phẩm để hy vọng “sản phẩm thuần Việt” có khả năng thuyết phục người tiêu dùng trong nước.

Khách hàng khi đó sẽ mua với tinh thần Việt Nam với giá cao và người làm truyền thông vẫn lặp lại thông điệp đó khắp nơi. Người Việt Nam, đặc biệt là người Bắc đã chung sống với tuyên truyền nhiều năm, thấy khẩu hiệu hiện diện khắp mọi nơi, ở cơ quan và nơi công cộng, nó cũng từng xuất hiện trên tường nhiều gia đình. Và dường như, đến nay người Việt Nam đã bão hòa với những khẩu hiệu sáo rỗng, vô lý.

Thời kỳ “tiếng hát át tiếng bom”qua lâu rồi, cách làm truyền thông “không cho chúng nó thoát”như thế chỉ làm khách hàng nghi ngờ và bỏ chạy. Thế nên, hãy quên đi những cách tuyên truyền cũ, đừng bám vứu vào lòng yêu nước khi kêu gọi mua sản phẩm Việt, mà hãy thay thế tuyên truyền quảng cáo bằng thông tin chính xác, đầy đủ, khách quan, minh bạch và trách nhiệm.