Vụ lừa đảo Alibaba bị phanh phui gần đây cùng áp dụng mô hình của siêu lừa Chales Ponzi khiến người ta không khỏi bất ngờ: Lý do nào khiến mô hình đầu cơ “cổ lỗ sĩ” này còn tồn tại đến hôm nay, mặc những sự phi lý của nó. Nhân vụ Alibaba sử dụng mô hình này lừa đảo và bị bắt, hãy tìm hiểu mô hình Ponzi là gì?
Ham tiền, có chí tiến thủ, và “máu” liều
Chales Ponzi không hề sinh ra trong một gia đình nghèo khó, nhưng ông đã tự lập từ bé. 21 tuổi, Ponzi quyết tâm khăn gói từ Ý sang Mỹ với quyết tâm đổi đời chỉ bằng 2,5 USD trong túi. Thậm chí ông khi đó còn chẳng biết nói tiếng Anh.
“Tôi đã đến đất nước này với 2,5 USD tiền mặt và 1 triệu đô la Mỹ hy vọng, và những hy vọng đó không bao giờ rời bỏ tôi”, Chales nói sau này.
Tuy nhiên, ông lại rất có năng khiếu về các vấn đề tài chính, nhất là những mánh khóe “lách luật”.
Sau một thời gian làm việc vặt để kiếm sống, ông được làm công việc giao dịch viên tại Zarossi Bank – bước đầu tiên trên con đường trở thành “Siêu lừa đảo Ponzi”.
Zarossi Bank được thành lập bởi Zarossi, chuyên chiêu mộ những khoản đầu tư của người nhập cư từ Ý đến Canada với lãi suất cao gấp đôi thị trường. Thế nhưng làm gì có chuyện một ngân hàng tư nhân có thể huy động với mức lãi suất ấy nếu chỉ làm ăn thông thường.
Ponzi đã học được cách lấy tiền của người sau trả cho người trước từ chính “thầy” Zarossi. Công bằng mà nói, Zarossi mới là người phát minh ra mô hình Ponzi. Tuy nhiên, chính Ponzi mới là người áp dụng nó thành công nhất và khiến nhiều đời sau nhớ tới.
Từ gã đầu cơ tài ba đến tên lừa đảo
Sau chiến tranh thế giới I, Hoa Kỳ là nước duy nhất có giá trị tiền tệ ổn định so với vàng, trong khi các nước châu Âu khác thì tiền tệ mất giá rất nhiều do in tiền để chi tiêu quân sự.
Tỷ giá hối đoái lúc này không phổ biến, do vậy việc chuyển tiền qua lại giữa các quốc gia được thực hiện thông qua Phiếu hồi đáp quốc tế (IRC). Như là một phương tiện gửi tiền ra nước ngoài, IRC cho phép người nhận mua tem và gửi thư hồi đáp xuyên quốc gia.
Theo đó, trên lý thuyết, IRC mua ở ngoài nước Mỹ, sử dụng đồng tiền châu Âu khác có thể đổi ra nhiều tiền mặt hơn tại Mỹ: Một người mua phiếu IRC ở Tây Ban Nha, có thể bán ra ở Hoa Kỳ với lợi nhuận khoảng 10%.
Ponzi đã nhận ra cơ hội này và vay tiền từ các cộng sự kinh doanh. Ông gửi cho các “mối” ở Ý với hướng dẫn để mua phiếu IRC và chuyển chúng cho ông ở Boston.
Ông thuyết phục mọi người bằng cách khẳng định có mạng lưới đại lý khắp châu Âu, sẽ thực hiện mua hàng loạt phiếu IRC thay mình. Còn tại Mỹ, ông khẳng định đã làm việc để đảm bảo bán được số phiếu giảm giá ấy thành tiền mặt. Không chỉ thế, Ponzi còn tạo dựng niềm tin cho những khách hàng của mình bằng vẻ ngoài lịch lãm, luôn bận rộn với công việc và gặp “đối tác” hoặc khách hàng quan trọng.
Khẳng định kế hoạch đầu tư thu lại 50% tiền lãi trong 90 ngày (thậm chí 45 ngày) này của mình rất khả thi, Ponzi hứa rằng với mỗi nhà đầu tư mới được giới thiệu, các nhà đầu tư cũ sẽ thu lợi được 10% hoa hồng.
Lần trả hoa hồng đầu tiên vô cùng đúng hạn, khiến Ponzi nổi danh là “phù thủy” tài chính. Báo chí ca ngợi và đưa tin về Ponzi, nhiều nguồn tin khẳng định ông này đang giữ tài sản lên đến 8,5 triệu USD.
Khoảng 40.000 USD đã bị thu hút sau đó, với hơn 1 triệu USD được đổ vào túi Ponzi trong 1 tuần.
Nhanh nổi nhanh tàn
Khi đang ở đỉnh cao của sự thành công, Ponzi có văn phòng từ Maine đến New Jersey. Ông còn có một biệt thự 12 phòng ở Lexington cao cấp, vài chiếc ô tô (trong đó có một chiếc Limousine được chế tạo riêng), cùng nhiều kim cương và nhiều đồ trang sức cho vợ.
Ponzi cũng mua bất động sản và cho thuê khắp Boston. Ngoài ra, Ponzi còn đầu tư vào cổ phiếu và sở hữu ngân hàng riêng (Hanover Trust).
Tuy nhiên cái kim trong bọc cũng có ngày lòi ra, Ponzi bắt đầu bị nghi ngờ khi một người đàn ông đã đầu tư 1 triệu USD khởi kiện vì không minh bạch tiền hoa hồng. Ponzi và mô hình kinh doanh của mình bị điều tra bởi các cơ quan bưu chính và cơ quan pháp lý.
Tuy nhiên, Ponzi duy trì cái đầu lạnh. Một mặt ông tỏ vẻ hợp tác để điều tra, mặt khác lại vẫn hăng say truyền bá mô hình của mình qua báo chí. “Bí mật của tôi là làm thế nào để rút tiền từ các phiếu giảm giá. Tôi không nói cho ai biết”, ông khẳng định. “Hãy để Hoa Kỳ tìm ra nó, nếu có thể”, Chales Ponzi tuyên bố lời thách thức.
Điều này càng củng cố niềm tin của những nhà đầu tư. Thậm chí cả khi Bưu chính Boston thông báo Ponzi không thể trả hết số tiền mà ông này hứa, hàng nghìn người vẫn đang say sưa nghe lời thuyết trình của Ponzi cùng hy vọng “làm giàu nhanh chóng”.
Tuy nhiên mọi việc kết thúc chỉ vài tháng sau, Bưu chính Boston đã đưa ra một tiết lộ giật gân rằng “phù thủy tài chính” Chales Ponzi thực chất là một cựu tù nhân, đã từng giả mạo séc và còn buôn người từ Ý sang Canada.
Nhiều ngân hàng đã sụp đổ sau khi vụ lừa đảo vỡ lở. Hanover Trust khi bị điều tra chỉ còn có 125 USD tài sản.
Ponzi đã bị bắt vào ngày 12 tháng 8 năm 1920 và bị buộc tội 86 vụ lừa đảo qua con đường bưu chính. Sở hữu khoảng 7 triệu USD, gã đã nhận tội lừa đảo qua thư và sau đó phải ngồi tù 14 năm.
Tuy nhiên, không dừng lại, Ponzi dù vào tù nhưng vẫn không ngừng lừa lọc. Bằng nhiều cách, ông ta được tự do tại ngoại sau nhiều lần xét xử.
Ponzi sau đó trốn đến vùng xa xôi hẻo lánh ở Florida và bắt đầu kinh doanh đất với cái tên giả. Ông ta mua đất và phân lô để bán. Người đăng kí được hứa sẽ trả 30 USD cho mỗi khoản đầu tư 10 USD sau 60 ngày, mức lãi còn ấn tượng hơn so với vụ IRC trước đó.
Tuy nhiên, không tốn nhiều thời gian, Ponzi đã bị bắt. Gã bị truy tố vì vi phạm các đạo luật của Florida liên quan đến sự tin tưởng, bị xét xử và một lần nữa bị kết tội bởi một bồi thẩm đoàn đồng nghiệp.
Ponzi qua đời vào ngày 18 tháng 1 năm 1949 tại Rio de Janeiro, Brazil.
Theo CafeBiz