YÊU NƯỚC THEO CÁCH CỦA ÔNG “NĂM KHOA”

Bạn bè doanh nhân vẫn thường gọi ông Đỗ Hoàng Hải một cách thân mật là anh “Năm Khoa”, tên bí danh của ông từ thời hoạt động cách mạng. Từng là Trưởng ban kinh tế Đảng TP.HCM, đại biểu quốc hội khóa 9 từ 1993-1997… nhưng ông đã “treo ấn từ quan”, bước sang gầy dựng FIDECO từ 1989 khi Thành ủy, UBND TP.HCM cho thí điểm mô hình này.

Ông Đỗ Hoàng Hải với sản phẩm nấm lim xanh

Là Chủ tịch Hội đồng quản trị, người sáng lập FIDECO, công ty cổ phần đầu tiên của TP HCM, sau gần 30 năm biến FIDECO thành một tập đoàn kinh tế hùng mạnh, hoàn tất cuộc chuyển giao thế hệ, ông Năm Khoa lại khởi nghiệp lần thứ hai ở tuổi 70 với vai trò Chủ tịch sáng lập Viện nghiên cứu bảo tồn và phát triển dược liệu Sài Gòn (SMI), hướng đến việc trồng và chế biến dược liệu có lợi cho sức khỏe, bởi theo ông, đó là cách yêu nước thiết thực nhất của riêng mình

Vì sao ở tuổi 70, ông không chọn “vui thú điền viên” mà lại dấn thân vào một lãnh địa hoàn toàn mới là trồng và chế biến dược liệu?

Khởi nghiệp với FIDECO, từ đó đến giờ vẫn là hoạt động theo lộ trình ngày càng phát triển, tôi đã hoàn tất cuộc chuyển giao thế hệ, nhưng dường như sự nghiệp của những người làm cách mạng không bao giờ dừng lại.

Ở thời điểm này, nỗi buồn về thế sự trong tôi vẫn còn đau đáu, đất đai bị tàn phá, tiền bạc trong ngân hàng bị rút ruột, chúng ta không biết định hướng yêu nước cho giới trẻ thế nào nữa…

Chọn con đường làm lãnh đạo trong guồng máy nhà nước thì tôi không thích, mà chửi đổng thì không phải là tôi, làm giàu cũng không phải mục đích của mình…

Nhưng nếu không làm gì thì tôi rất mắc cỡ. Tôi chọn một con đường khác để yêu nước, đó là làm ra những sản phẩm có ích cho xã hội, mang sức khỏe đến cho con người.

Một lý do nữa về cá nhân, tôi bị ung thư gan rất nặng do ngày xưa bị tra tấn ở chuồng cọp quá lâu.

Lên Măng Đen trồng sâm, làm đông trùng hạ thảo, nghiên cứu ra dòng sản phẩm thực phẩm chức năng điều chế từ tổ yến, từ sâm trồng ở khu du lịch Măng Đen… để tự chữa bệnh cho mình, và sau đó là cho mọi người.

Tại TP.CM tôi còn có phòng thí nghiệm nhỏ để cho ra đời sản phẩm mẫu, lấy đó làm nguyên liệu để cho ra dòng sản phẩm chức năng.

Vì sao ông chọn Măng Đen, một vùng đất hoang sơ để làm hậu cứ vững chắc cho chương trình của mình?

Cách đây mười mấy năm, khi còn là Trưởng ban kinh tế Đảng thành ủy TP.HCM, một lần gặp gỡ bí thư tỉnh ủy Tây Nguyên, ông nói: “Tỉnh tôi nghèo quá anh Năm, anh có nghiên cứu gì để đầu tư cho tỉnh nghèo miền núi không?”.

Bỏ thời gian nghiên cứu, tôi thấy Măng Đen là vùng hoang sơ, với 138 ngàn héc ta rừng tự nhiên, 8 ngàn héc ta rừng thông, đẹp huyền ảo như Đà Lạt cách đây 100 năm, nhưng rộng hơn nhiều, chỉ có điều nằm trên đỉnh Trường Sơn xa xôi, cách TP.HCM 700 cây số nếu đi đường bộ.

Tại sao Măng Đen không được khai thác đem lại nguồn lực kinh tế?

Vì nơi đây cả thời Pháp và Mỹ đều chọn là căn cứ để khống chế Tây Nguyên.

Những trận đánh ác liệt giữa Việt Minh và Pháp đã diễn ra ở đây, những chiến tích cho Măng Đen đã ghi vào lịch sử.

Đến thời Mỹ cũng là căn cứ để khống chế Tây Nguyên với hai sân bay được biệt lập bởi hai đèo…

Hiện nay, đứng về kinh tế, quốc phòng, Măng Đen vẫn là vị trí chiến lược.

Măng Đen nghĩa là “vùng đất rộng bằng phẳng”, với hơn 20 ngàn người thuộc mười mấy dân tộc khác nhau, dân cư thưa thớt.

Chính phủ đã thấy tầm quan trọng của Măng Đen, và đưa vào khu du lịch sinh thái quốc gia, đầu tư đường xá đầy đủ và đẹp.

Hồi tôi đi khảo sát còn phải dùng xe xích, giờ đường xá vô tận làng dân tộc.

Có rất nhiều dự án của các nước Nhật, Hàn Quốc, Úc…

Vừa rồi Vingroup lên bồi thường, triển khai 500 hecta, trước mắt làm rau xứ lạnh, trong tương lai sẽ làm quy mô giống như Phú Quốc, vì có tiềm lực…

Được mệnh danh là “Đà Lạt nguyên thủy” với rất nhiều lợi thế về khí hậu, không khí trong lành… cách đây mấy năm ông đã triển khai dự án khách sạn du lịch, vì sao ông lại chuyển hướng sang trồng dược liệu?

Từ khi bắt đầu nghiên cứu cách đây 11 năm, tôi đã thành lập công ty Sài Gòn Măng Đen để triển khai dự án đầu tiên về du lịch.

Hiện nay, công ty thu hút khá nhiều nhà đầu tư của TP.HCM, triển khai nhiều dự án, trước hết là dự án 4 khách sạn du lịch, 1 nhà hàng, còn những dự án khác lần lượt sẽ được triển khai.

Theo hướng phát triển, ngày càng có nhiều du khách đến thưởng ngoạn không khí trong lành của đại ngàn, nhiều nhà nghỉ được mọc lên.

Nhưng trong quá trình đó, tôi nhìn thấy tiềm năng khác chưa được khai thác của Măng Đen, đó là trồng dược liệu, vì rất nhiều cây dược liệu ở đây đã bị khai thác cạn kiệt.

Không khí xứ lạnh rất phù hợp nghiên cứu và trồng dược liệu.

Tôi đã thành công với dự án đông trùng hạ thảo trên sườn núi cao.

So với các nơi khác, nếu chu kỳ thu hoạch từ ngày đưa vô phòng lạnh nuôi đến thu hoạch khoảng 3,5 tháng, ở Măng Đen chỉ cần 3 tháng, mà chất lượng và trọng lượng vượt trội nhờ không khí lạnh quanh năm

Đeo đuổi thứ hai của ông là họ sâm?

Nói về sâm, nhiều nước trên thế giới có, như sâm Hàn Quốc, người ta gọi người Hàn là “củ sâm”, vì sản lượng rất lớn, chất saponin (dược liệu của tinh chất sâm) Hàn khoảng chừng 1.718% trên trọng lượng, còn sâm Mỹ chỉ dưới 10%.

Sâm Ngọc Linh nằm trên đỉnh Ngọc Linh ở độ cao 2.500-3.000 mét, có hàm lượng saponin đứng nhất thế giới, chiếm 3.738% trên trọng lượng.

Nhưng làm bạn với nó không dễ, vì nó ở trên độ cao quá lớn. Thứ hai bảo vệ vô cùng khó, trộm cắp, sóc và chuột rất thích, ngay khi ra bông đã bị chuột ăn, nên người ta phải thức sáng đêm canh chuột.

Tôi chọn hồng đẳng sâm vì nhiều nơi có, nhưng chất lượng không bằng hồng đẳng sâm Tumơrông của người Xê Đăng, một dân tộc rất sõi về hồng đẳng sâm.

Đây là loại sâm chất lượng tốt nhất Việt Nam, tỷ lệ đường rất cao, rất quý, chỉ ở độ cao 700-800 mét, rất dễ trồng, thời gian thu hoạch ngắn, tối đa hai năm.

Người ta định vị sâm theo số tuổi, vì thời điểm đó lượng saponin không phát triển thêm, đã bão hòa.

Hồng đẳng sâm chỉ có hai năm saponin đạt 24% trọng lượng, rất dễ trồng, sản lượng lớn. Một mẫu cho 10 tấn củ, rất hiệu quả.

Giá thành trung bình 220 ngàn đến 250 ngàn/kg. Nếu làm đúng chuẩn kỹ thuật, một mẫu được 2 tỷ, trừ chi phí 570 triệu đồng, có trên 1 tỷ.

Tôi đã triển khai trên diện tích trồng thử nghiệm và đưa đoàn doanh nghiệp, trang trại lên học cách trồng của Xê Đăng, để chuẩn bị triển khai rộng hơn.

Điệp khúc “được mùa mất giá” đang “hành” nhà nông từ Bắc chí Nam nhiều năm qua, nào vải thiều, dưa hấu, thơm đang mùa chín rộ… ông sẽ giải bài toán này như thế nào?

Mình là người nghiên cứu, hướng dẫn kỹ thuật, chuyển giao nhân rộng mô hình, còn để nông dân và doanh nghiệp tự trồng thôi, sau đó mình sẽ thu mua toàn bộ sản phẩm.

Mình không làm thay nông dân, vì mình có con đường tiêu thụ bằng rất nhiều chế phẩm từ hồng đẳng sâm, nên bao nhiêu cũng thu mua hết.

Đó là hướng đi trong tầm tay, bởi chế phẩm của tôi về hồng đẳng sâm rất lớn.

Trên thực tế hiện nay, cung cầu còn cách biệt rất xa, người ta còn mang sâm từ phía Bắc vào, nên người dân tộc thường khai thác non, chưa đủ tuổi đã bán rồi. Còn mình cam kết với nông dân chất lượng đủ 2 năm mới thu mua.

Còn chuyện “di thực” sâm Hàn Quốc về Việt Nam ông đang nghiên cứ liệu có khả thi?

Tôi đã trực tiếp đi qua những chợ sâm của Hàn Quốc ba lần rồi, họ bán sâm giống như bán rau vậy, số lượng rất lớn, rất đắt, quy ra tiền Việt Nam không dưới 2,5 triệu/kg.

Vừa rồi tôi đến ngôi chợ cách Seun 60km, gần biên giới để mua giống sâm Ginseng (Hồng sâm) Hàn Quốc về để trồng thử nghiệm ở Măng Đen, giờ đã lên mầm rồi.

Làm bạn với nó không đơn giản, mới đang thử nghiệm thôi, hy vọng cuộc di thực này sẽ mang lại kết quả đáng mừng.

Trong câu chuyện này, tôi mong sẽ tổ chức được những hội chợ sâm tại đây, làm thương hiệu cho sâm Măng Đen luôn.

Hiện nay vườn thực nghiệm của tỉnh đã cung cấp giống, doanh nghiệp cũng làm 7 hécta giống, rải rác 7 chủ trang trại khác đang trồng, nhưng sản lượng chưa đáng kể.

Phải mấy năm nữa, lượng sâm Tumơrông mới phát triển.

Để làm việc đó, hiện nay tôi đang triển khai trạm dừng chân của Viện nghiên cứu bảo tồn và phát triển dược liệu Sài Gòn.

Đất Măng Đen rộng bao la, hy vọng một thời gian nữa những trang trại ở Măng Đen sẽ rất nhiều sâm.

Nhìn lại từ khi gầy dựng FIDECO, con người kinh doanh, con người nghiên cứu, và con người… lãng mạn trong ông luôn hòa làm một?

Khởi nghiệp FIDECO làm thủy sản tôi cũng đích thân qua Thái Lan học về đánh cá, nuôi tôm, làm gì cũng đến nơi đến chốn, nghiên cứu tường tận.

Chương trình sâm phải học người Xê Đăng, qua Hàn Quốc mua giống, rồi tự mình phải tổ chức cái chợ.

Nếu không làm hình mẫu thì biết chừng nào ra cái chợ. Tự nghĩ ra, làm luôn, chứ không giao cho lính.

Tôi mơ ước lập Viện Nghiên cứu bảo tồn và phát triển dược liệu Sài Gòn chỉ để nghiên cứu làm thực phẩm chức năng phục vụ sức khỏe và sắc đẹp, vì ai cũng sợ chết và sợ xấu, càng có nhiều tiền càng sợ…

Trạm dừng chân ưu tiên cửa hàng sâm, thường xuyên có sản phẩm sâm tươi, sâm khô, các chế phẩm từ sâm như sâm ngâm mật ong, rượu sâm, sắp tới là kem đánh răng sâm, kẹo sâm, đắp mặt nạ sâm.

Hàn Quốc giàu lên từ Sâm, tại sao Việt Nam không làm sâm, vì nó đem lại sức khỏe, chống lão hóa, da đẹp, tăng cường sức khỏe, đem lại sảng khoái vui tươi cho con người.

Nhưng việc sản xuất đông trùng hạ thảo và nuôi yến của ông dường như không hề đơn giản?

 

Ngay từ khi phát hiện nan y, mình phải nghĩ tìm con đường tự cứu mình.

Tôi bắt đầu nuôi yến cách đây 10 năm, ban đầu thất bại, mất mấy trăm triệu mà yến không về. Tôi cũng tự mình sang Malaysia 1 tuần để học, học phí là… 5.000 USD.

Hiện nay tôi rất rành về yến, đến nhà nào yến không về là tôi biết ngay vì sao, vì sao yến về nhiều, về ít, làm cách nào để chữa trị nó. Hiện tôi có 8 nhà yến từ Bạc Liêu, Gò Công, Phan Rang,…

Xuất xứ từ Tây Tạng trên độ cao 3.000 mét, mùa đông là con sâu, mùa hè biến thành cây cỏ năm dưới mặt đất, thực chất đông trùng hạ thảo là một loại ký sinh có thể chống chọi thời tiết khắc nghiệt nhất, vì vậy trong mình nó có những dưỡng chất rất quý và sức đề kháng rất lớn, mấy chục vi lượng bổ dưỡng cho con người, hơn hẳn cả yến.

Trọng lượng nhỏ nhưng đông trùng hạ thảo vô cùng bổ, hơn hẳn các chất bổ khác. Trên thế giới vô cùng đắt, có người đem từ Tây Tạng về bán cả 1,5 tỷ/kg.

Người Mỹ đã nghiên cứu được công nghệ nuôi trong phòng thí nghiệm, hiện nay người ta truyền nhau công thức nuôi.

Bỏ 1 tỷ mua công thức, cộng 500 triệu làm phòng thí nghiệm, người ta chìa khóa trao tay, chuyển giao công nghệ. Tôi đã làm thành công, và chuyển giao công nghệ cho người khác.

Chỉ cần mấy kỹ sư, làm phòng thí nghiệm, mua con giống. Nhưng phải thường xuyên đổi con giống vì nó sẽ yếu dần đi, sản lượng giảm, nên phải nhập liên tục giống khác…

Nếu bây giờ tôi không làm chuyện này thì thần kinh căng thẳng lắm. Phải tìm con đường để giúp đời, giải tỏa tâm tư chứ. Nếu không làm chuyện này, tôi cũng thấy mắc cỡ quá…

Từ Măng Đen, nhìn rộng ra hơn vai trò của Tây Nguyên, ông đánh giá thế nào về “mái nhà của Việt Nam”?

Ông Hải trong phòng thí nghiệm

Làm khách sạn, du lịch chẳng có gì thích thú, sở dĩ tôi mê mệt Măng Đen là nhìn thấy tiềm ẩn của vùng đất này.

Trồng rất nhiều dược liệu sẽ là nguồn lực kinh tế dồi dào cho đất nước.

Nói về lịch sử dân tộc, Đồng bằng sông Cửu Long là vùng đất bồi, nhưng bây giờ không bồi nữa, hạn và mặn tràn ngập do kẻ thù chặn lại, không còn mang phù sa nữa.

Hết mặn đến hạn, hết hạn đến mặn, dù mình nỗ lực cách mấy cũng phải đối phó với hạn, mặn, chưa kể biến đổi khí hậu toàn cầu.

Ngày xưa miền Trung nghèo, giờ miền Nam nghèo xơ nghèo xác.

Mấy hôm rày về quê tôi ở Bến Tre, người dân mở miệng ra là họ nói đi Bình Dương, kinh tế nghèo nàn, đồng ruộng bỏ hoang, người dân không có nguồn thu nào ổn định, tha phương cầu thực.

… Và phép lạ nào đã đến với ông trong mấy năm qua?

Dân chuồng cọp nên tôi mang đủ thứ bệnh, đầu tiên là gút, siêu vi C, huyết áp, tim mạch, tiểu đường, ung thư gan… không thiếu thứ gì, giờ không còn bệnh gì nữa.

Khẩu hiệu của tôi ngày nào cũng là ngày cuối cùng, sống qua đời, chờ qua ngày. Đối với dân chuồng cọp, chết không là gì ghê gớm, sống sót là có lời rồi.

Cây nhà lá vườn đã cứu mình, hai tối ăn một chén yến, hàng ngày uống nước sâm và đông trùng hạ thảo, uống nước lim xanh hàng ngày, đã cắt bỏ túi mật, bỏ nửa lá gan.

Cây nấm mọc trên cây lim của đất Tiên Phước có khả năng khoanh tế bào ung thư lại, đã được bộ Y tế công nhận, nhưng giờ cũng đâu còn.

Tôi phải nghiên cứu, để hiểu nấm lim xanh thực sự là nấm linh chi mọc trên mình cây lim mới có dược tính, muốn có cây lim phải có máy chuyên dùng…

Bỏ hàng trăm triệu để mua giống lim xanh Tiên Phước, mua đầu thừa đuôi thẹo cây lim về, dùng máy chuyên dùng để bào mỏng đánh tơi cây lim như mùn cưa, gieo nấm lên đó, tạo thành nấm lim xanh ở Măng Đen.

Quá kỳ công, đâu có giản đơn. Giờ tôi đi Măng Đen thường xuyên, qua Hàn Quốc để chở sâm về, tóm lại là chưa chết.

Thực thụ người bệnh hy vọng có nấm lim xanh thật, nhưng tiền mất tật mang, xã hội là vậy mà…

Cuộc sống giữa đất trời giúp tôi giải tỏa ức chế với thời cuộc.

Còn trồng lan tứ kiểng chẳng có ý nghĩa gì. Đam mê này giúp ích cho đời, để lại cái gì cho sức khỏe, sắc đẹp cho bạn bè, người thân, bà con mình cũng thấy vui.

Những chai rượu sâm của mình rất quý, mỗi cái tết mua hàng trăm chai để làm rượu tặng bạn bè. Chắc chắn dùng sẽ khỏe ra, nâng đỡ cơ thể con người, sống khỏe, sống đẹp hơn.

Theo bizlive.vn