VÌ SAO ĐANG TRÀN LAN THÔNG TIN “NGƯỜI VIỆT UỐNG BIA SÀI GÒN TRẢ NỢ NGƯỜI THÁI”?

Hơn một tuần nay bài viết bắt nguồn từ báo Vietnamnet và nhanh chóng sau đó Dân Trí, Báo Mới, và hàng loạt các báo online khác đã share (chia sẻ) rầm rộ lại thông tin này.

Ngay khi thông tin được đưa ra, chỉ vài người tại Sabeco khi được hỏi nhận xét, cái title bài báo hơi quá, khiến người đọc lo ngại. Còn lại, nhiều người đọc thấy lạ và ngạc nhiên, rằng ủa tại sao Việt Nam đang thiếu tiền nên thoái vốn tại doanh nghiệp này để có một khoản vốn, giờ người Việt lại phải trả nợ.

Nhà tỷ phú Thái đã làm gì qua việc vay vốn mua Sabeco mà xảy ra nhiều hệ lụy đến thế…

NGƯỜI VIỆT UỐNG BIA SÀI GÒN ĐỂ TRẢ NỢ CHO TỶ PHÚ THÁI LAN, CHUYỆN CÓ THỂ LÀ THỰC

Bài báo có cái title “Vay 5 tỷ USD mua Sabeco: Người Việt uống bia Sài Gòn trả nợ cho tỷ phú Thái” đã làm dư luận chú ý.

Trong bài báo này, ngay khi mở đầu đã nói khá rõ, “Người Thái đã thâu tóm Sabeco với khoản vay 5 tỷ USD nhưng khoản lợi nhuận hàng năm từ Sabeco chỉ đủ để trả lãi. Vậy tỷ phú Thái sẽ “vắt kiệt” Sabeco như thế nào cho khoản vay tỷ USD này?”.

Bởi vì, để mua Sabeco, tỷ phú người Thái đã phải “Vay tiền để thâu tóm”. Ồ lá la, khi đó có một số nhà đầu tư trong nước tham gia vào thương vụ đấu giá mua cổ phần thoái vốn, nhưng giá cổ phiếu trước đó đã được đội lái đẩy lên hơn 300.000 đồng/cổ phiếu (trong khi định giá chỉ hơn 180.000 đồng), phía các cổ đông trong nước phải thoái lui.

Thực tế, Công ty TNHH Vietnam Beverage đã mua hơn 343,6 triệu cổ phiếu SAB (tương ứng 53,6% vốn) với với mức giá 320.000 đồng/cổ phiếu, bằng với mức giá khởi điểm từ cổ đông nhà nước. Các đánh giá chung đều cho rằng, Vietnam Beverage thành lập năm 2017, được xem là công ty “bình phong” cho Thai Beverage (ThaiBev) trong thương vụ thâu tóm Sabeco.

Nếu một mình nhà đầu tư Thái thì rõ ràng là không thể hoàn tất thương vụ này. Thế nên, một anh “thầy bói” bỗng xuất hiện, đăng ký mua một ít, với giá đặc cao hơn nhà đầu tư Thái. Hai người là đấu giá được rồi, vụ mua bán được tiến hành, sau đó người thái đã trả tiền đúng thời hạn để làm chủ Sabeco trong khi anh “thầy bói” kia im lặng không trả tiền sau khi trúng thầu, quá hạn coi như bị hủy. Một kịch bản khá hoàn hảo được tư vấn bởi một bậc thầy cao thủ.

Bài báo này viết tiếp: “Mới đây, người Thái đã chính thức bước chân vào Hội đồng quản trị (HĐQT) và ban lãnh đạo của Tổng Công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), nắm giữ những cương vị quan trọng như Chủ tịch HĐQT, Giám đốc bán hàng và tài chính…”.

Thông tin trong bài báo chỉ rõ rằng, điều đáng chú ý là khoản tiền mua lại này không phải là tiền vốn tự có của chủ đầu tư Thái mà được tài trợ từ các nhà băng từ Thái Lan và Singapore, với thời hạn 2 năm.

Thực tế qua tìm hiểu, báo cáo về cổ phiếu của ThaiBev mới đây ghi nhận khoản vay 100 tỷ Baht và 1,95 tỷ USD. Tổng giá trị ước khoảng gần 5 tỷ USD, trong khi các điều khoản vay không được nói rõ.

Đồng thời, tỷ phú người Thái Lan, ông Charoen Sirivadhanabhakdi, đang làm Chủ tịch ThaiBev và tập đoàn này cũng đang mạnh tay tăng tỷ lệ sở hữu tại Vinamilk, hiện đã mở room ngoại lên đến 100%.

Cụ thể là tính đến cuối tháng 5, F&N (công ty tại Singapore nhưng ThaiBev có tỷ lệ sở hữu cao) đã nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần của Vinamilk lên 17,31%, tương ứng với 251,2 triệu cổ phiếu VNM. F&N mới đây tiếp tục đăng ký mua 14,5 triệu cổ phiếu VNM trong thời gian từ 6/6 đến 5/7 theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh nhằm nâng tỷ lệ sở hữu lên 18,3%.

Tham vọng sở hữu cổ phần chi phối của tỷ phú Thái tại Vinamilk có thể thấy rõ, nhưng để mua chi phối lên tới 51%, người Thái sẽ phải chi thêm gần 4 tỷ USD để mua thêm 489 triệu cổ phiếu của Vinamilk với mức giá đang giao dịch hiện tại là 180.000 đồng/cổ phiếu.

Các chuyên gia đều cho rằng, với số tiền như vậy, việc đi vay thêm vốn để mua Vinamilk là có khả năng xảy ra, tương tự thương vụ thâu tóm Sabeco.

Vấn đề được các chuyên gia kinh tế đặt ra là, khi mạnh tay vay vốn để thâu tóm các doanh nghiệp nước giải khát có thị phần lớn ở Việt Nam, tỷ phú Thái sẽ toan tính trả nợ như thế nào?

BÁN BIA ĐỂ TRẢ NỢ HAY CÒN GÌ GÌ NỮA…

Ngay khi mua xong Sabeco, ThaiBev lập tức có khoản lợi nhuận sau thuế chưa phân phối 5.824 tỷ đồng, khoản lợi nhuận trong mấy năm gần đây.

Năm ngoái, Bộ Tài chính cũng “đòi” Sabeco phải nộp vào ngân sách số tiền 2.495 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối từ trước năm 2016, là thời điểm mà ThaiBev chưa vào, nằm trong cái gói lợi nhuận chưa phân phối kia. Kết quả cuối cùng của việc xử lý số tiền nói trên chưa được tiết lộ.

Sabeco lãi gần 5000 tỷ đồng/năm không đủ trả lãi vay của nhà đầu tư Thái

Bài báo này phân tích khá rõ ràng, với giả định lãi vay 5%/năm, thì mỗi năm ThaiBev dự kiến trả 240 triệu USD tiền lãi, tương đương với hơn 5.280 tỷ đồng. Báo cáo tài chính năm 2017 của Sabeco cho biết lợi nhuận sau thuế của cổ đông mẹ năm 2017 là 4.711 tỷ đồng. Như thế có thể thấy, lợi nhuận Sabeco làm ra chưa đủ để trả nợ lãi vay của ThaiBev trong thương vụ này.

Chưa tính đến những lo ngại thường thấy khác về việc chuyển giá giữa 2 công ty mẹ con, điều đáng nói là thông thường ở những thương vụ vay vốn để mua cổ phần, các ông chủ mới sẽ phải “vắt” doanh nghiệp mình sở hữu để xoay dòng tiền trả lãi và nợ gốc.

Theo các chuyên gia, sau khi chiếm quyền kiểm soát các công ty mục tiêu, các nhà đầu tư sẽ dùng nhiều cách thức để trả nợ hay chuyển nợ. Thực tế là các khoản nợ khó lòng gán vào trực tiếp vào nội bảng kế toán của Sabeco, nhưng có nhiều cách để tái cấu trúc khoản nợ đã vay. Bài báo này cho rằng, chẳng hạn như phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, ESOP hay phát hành trái phiếu chuyển đổi.

Những ưu điểm Sabeco đang có

Nhưng cũng không phải ngẫu nhiên mà người Thái chấp nhận trả giá cao cho Sabeco. Ngoài những khoản vay nợ để mua lại cổ phần, Sacbeco còn có những điểm đặc biệt hấp dẫn khác.

THỨ NHẤT: nhiều chuyên gia nhận định là hệ thống phân phối mà Sabeco đang sở hữu là một tài sản lớn.

Ông chủ của ThaiBev cũng đầu tư rất nhiều tiền để xây dựng kênh phân phối cho các sản phẩm nước giải khát từ Thái, chẳng hạn như các thương vụ siêu thị Metro, B’Mart, Tập đoàn Phú Thái,… và sắp tới có thể là kênh phân phối của Vinamilk nếu thâu tóm thành công.

Quan sát một thương vụ kinh điển trước đây ThaiBev đã làm với BIA CARLSBERG tại Thái Lan sẽ có thể nhận thấy một toan tính nào đó của nhà đầu tư Thái.

Bài báo nhận định, kinh nghiệm cho thấy việc “chơi” với ThaiBev là không đơn giản. Điển hình là thương vụ liên doanh giữa ThaiBev và hãng bia Carlsberg vào đầu thập niên 90 ở Thái Lan. Theo đó, ThaiBev mua Carlsberg – rồi nhờ vào kinh nghiệm của Carlsberg – đã xây dựng thành công thương hiệu bia cho riêng mình, cạnh tranh trực tiếp với Singha.

Đến năm 2005, hãng bia Carlsberg đến từ Đan Mạch phải trả cho ThaiBev 120 triệu USD để chấm dứt mối quan hệ kinh doanh, sau nhiều năm kiện tụng.

THỨ HAI, Sabeco còn có miếng bánh hấp dẫn khác là đất đai. Hiện Sabeco đang nắm giữ quyền sử dụng 4 mảnh đất vàng và có diện tích lớn.

Đó là, khu đất tại 46 Bến Vân Đồn (diện tích 3.872m2 ở quận 4); khu đất 187 Nguyễn Chí Thanh (17.406m2, quận 5); khu đất 474 Nguyễn Chí Thanh (7.729m2, quận 10); khu đất 18/3B Phan Huy Ích (2.216m2, quận Tân Bình). Đó là chưa kể đến các công ty con và công ty liên kết khác…

Cũng nên nhớ, việc xử lý các tài sản là đất đai cũng quá dễ dàng với ThaiBev, một công ty có nhiều sản phẩm nước giải khát, nhưng ông chủ lại là “ông trùm” trong lĩnh vực bất động sản, bài báo này nhận định.

Sản lượng tiêu thụ năm 2017 của Sabeco khoảng 1,7 tỷ lít bia. Còn người Thái đang yêu cầu trong năm 2018 sản lượng phải tăng nhanh hơn để chiếm 50% thị phần bia trong nước, với dự kiến khoảng 1,8-2 tỷ lít bia. Trong một cuộc gặp với các đại lý bia Sabeco tại GEM CENTER ngay sau khi mua thành công cổ phiếu chi phối Sabeco, ông chủ Thái đã yêu cầu như vậy.

Tất nhiên, một câu hỏi tiếp, những sản phẩm nào của Sabeco sẽ tiếp tục là trụ cột để đạt yêu cầu sản lượng trên và các cam kết sẽ đưa bia 333 và các nhãn bia khác của Sabeco ra thế giới thì thế nào. Đến nay chưa có thông tin cụ thể và chắc là còn chờ sau đại hội cổ đông thường niên 2018 vào ngày 21/7/2018 tới đây.

Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn cho rằng, dù bằng cách nào đi nữa thì Sabeco vẫn là nơi “gánh” những toan tính của người Thái. Người Việt sẽ UỐNG BIA SÀI GÒN để TRẢ NỢ CHO CÁC KHOẢN VAY mà người Thái đã vay để MUA LẠI BIA VIỆT.

CÓ THỂ BẠN KHÔNG TIN NHƯNG NỢ NƯỚC NGOÀI CỦA VIỆT NAM PHÌNH TO SAU KHI NGƯỜI THÁI VAY VỐN QUỐC TẾ MUA BIA VIỆT

Đến đây, dư luận trong nước chắc vẫn thắc mắc, có thật là người Thái vay vốn mua BIA SÀI GÒN và người dân trong nước sẽ uống BIA SÀI GÒN để trả nợ không?

Một bài báo khác cũng đã phân tích rất rõ và được nhiều báo đưa lại. Trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn (TBKTSG), mới đây đăng lại bài này và bình luận khá rõ ý, vì sao nợ nước ngoài của quốc gia lại tăng nhanh như vậy trong năm 2017? Tại sao trong khi nợ công đang giảm thì nợ nước ngoài lại tăng mạnh trong năm 2017? Trong đó có khoản vay của ThaiBev để mua Sabeco khiến nợ nước ngoài của Việt Nam tăng đột ngột.

Nợ công giảm nhưng nợ nước ngoài lại tăng

Theo quy định của LUẬT QUẢN LÝ NỢ CÔNG thì NỢ NƯỚC NGOÀI CỦA QUỐC GIA tổng các khoản nợ nước ngoài của Chính phủ, nợ vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh và NỢ CỦA DOANH NGHIỆP, tổ chức khác vay nước ngoài theo phương thức TỰ VAY, TỰ TRẢ theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Tác giả bài báo viết: Mới đây, Bộ Tài chính đã công bố thêm số liệu về nợ nước ngoài của quốc gia trong năm 2016-2017 và có dự báo đến cuối năm 2018. Cảm nhận riêng của người viết là hơi “giật mình” nếu chỉ nhìn vào những con số. Bởi lẽ, trong khi nợ công đang có xu hướng giảm thì nợ nước ngoài của quốc gia lại đang tăng rất nhanh và vì nợ nước ngoài có nghĩa là sẽ phải trả bằng ngoại tệ.

Nguy cơ vượt trần

Con số nợ nước ngoài của quốc gia vào cuối năm 2018 như Bộ Tài chính dự báo (49,9% GDP) gần như đã chạm tới trần giới hạn mà Quốc hội cho phép (dưới 50% GDP).

Điều đó đồng nghĩa với việc chỉ một sự biến động dù rất nhỏ cũng sẽ khiến cho giới hạn trên bị phá vỡ.

Trước tiên cũng cần phải nhấn mạnh rằng nợ nước ngoài của quốc gia không phải là một cấu phần, một tập hợp con của nợ công.

Bởi lẽ nợ công sẽ chỉ tính đến các khoản nợ mà Chính phủ vay nước ngoài, còn các khoản nợ mà doanh nghiệp tự vay, tự trả sẽ không phải là nợ công. Do vậy, trong bối cảnh CHÍNH PHỦ ĐANG KIỂM SOÁT TỐT NỢ CÔNG (cả vay trong nước và nước ngoài) thì NỢ NƯỚC NGOÀI TĂNG NHANH là do HOẠT ĐỘNG VAY NỢ CỦA KHU VỰC DOANH NGHIỆP NGOÀI NHÀ NƯỚC.

Theo lý giải của Bộ Tài chính thì có hai nguyên nhân chính khiến cho nợ nước ngoài của quốc gia tăng nhanh trong năm 2017.

Thứ nhất: là do các tổ chức tín dụng (TCTD) đã đẩy mạnh việc vay nước ngoài bằng ngoại tệ với chi phí thấp, sau đó tiến hành hoán đổi sang tiền đồng (SWAP) để tìm kiếm cơ hội kinh doanh do chênh lệch về lãi suất giữa tiền đồng và đô la Mỹ.

Tuy nhiên, tác giả bài báo cho rằng, điều này không phải là nguyên nhân chính.

Thứ hai: Nguyên nhân chính nằm ở lý do thứ hai, đó là theo Bộ Tài chính, nằm ở THƯƠNG VỊ BÁN VỐN CỦA NHÀ NƯỚC trị giá 5 tỉ đô la Mỹ TẠI SABECO diễn ra vào cuối năm 2017.

Theo đó, để có tiền mua cổ phần tại Sabeco, Công ty Vietnam Beverage, một công ty được thành lập theo Luật Doanh nghiệp Việt Nam (doanh nghiệp Việt Nam) đã đi vay tiền ở nước ngoài (vay các ngân hàng của Thái Lan và Singapore thông qua sự bảo lãnh của tập đoàn mẹ là ThaiBev(1)).

Đây là mấu chốt khiến cho nợ nước ngoài của quốc gia tăng từ 44,8% GDP vào năm 2016 lên tới 49% GDP vào cuối năm 2017.

Như vậy, thương vụ bán vốn tại Sabeco dường như đã tạo ra một tiền lệ xấu.

Nhà báo này phân tích: Đó là việc một doanh nghiệp nước ngoài núp bóng (hay lách luật) thông qua một công ty Việt Nam để mua cổ phần chi phối (trên 50%) một doanh nghiệp Việt Nam khác.

Chính việc lách luật này đã khiến cho khoản tiền 5 tỷ đô la Mỹ ở trên không được ghi nhận là một khoản đầu tư gián tiếp (FII) mà được hạch toán là một khoản nợ của một doanh nghiệp Việt Nam (Vietnam Beverage).

Có lẽ những mâu thuẫn này dường như chưa được các cơ quan quản lý nhà nước tính đến trong phương án bán cổ phần tại Sabeco.

Cần thiết phải có giải pháp để không có ngoại lệ

Với những thông tin ở trên thì nhiều người có cảm nhận chung là tình hình có vẻ chưa đến mức nguy cấp.

Bởi lẽ, bản chất khoản vay 5 tỷ đô la Mỹ của Vietnam Beverage khác hoàn toàn với các khoản vay của các doanh nghiệp trong nước khác. Nếu nhìn nhận một cách khách quan thì khoản vay này nên được ghi nhận là một khoản đầu tư (trực tiếp hoặc gián tiếp) của các nhà đầu tư nước ngoài.

Mặc dù vậy, theo người viết bài này, vẫn cần phải có các giải pháp cụ thể để không có bất kỳ ngoại lệ hay lời giải thích nào mang tính bào chữa nếu tỷ lệ nợ nước ngoài của quốc gia vượt quá 50% GDP.

Một câu hỏi cần được đặt ra lúc này là, nếu tiếp tục có các thương vụ mua bán – sáp nhập (M&A) theo kiểu của SABECO trong thời gian tới thì sao. Liệu chúng ta có từ chối hay không trong bối cảnh Chính phủ đang đẩy mạnh công tác cổ phần hóa, bán cổ phần tại các doanh nghiệp, đặc biệt là kêu gọi sự hợp tác từ các nhà đầu tư nước ngoài?

Theo quy định tại Quyết định 544/QĐ-TTg ngày 20-4-2017 về chương trình quản lý nợ công trung hạn 2016-2018 thì hạn mức vay thương mại nước ngoài (vay ròng) của các doanh nghiệp và TCTD theo hình thức tự vay, tự trả tối đa 5,5 tỷ đô la Mỹ/năm.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho biết nếu áp con số 5,5 tỷ đô la Mỹ cho năm 2018 thì chỉ tiêu nợ nước ngoài của quốc gia có thể lên tới 50,9% GDP, vượt ngưỡng nợ 50% do Quốc hội phê duyệt(2). Do đó, để đảm bảo chỉ tiêu này trong giới hạn cho phép, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt hạn mức vay nước ngoài tối đa chỉ 5 tỷ đô la Mỹ trong năm 2018.

Mặc dù vậy, để có thể kiểm soát được chỉ tiêu này ở mức 49,9% GDP như dự tính thì đòi hỏi các cơ quan quản lý phải tiếp tục có các giải pháp rất căn cơ và chặt chẽ hơn nữa. Theo đó, nếu cần thiết phải yêu cầu các doanh nghiệp, đặc biệt là các tổ chức tín dụng chủ động trả nợ trước hạn để giảm dư nợ vay nước ngoài.

Ngoài ra, có thể tạm dừng có thời hạn các khoản vay ngắn hạn để ưu tiên cho các khoản vay trung và dài hạn… Bởi, nếu không kiểm soát được giới hạn trên thì niềm tin của các tổ chức tài chính quốc tế vào khả năng điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ Việt Nam sẽ sụt giảm.

Khi đó, các Tổ chức tài chính quốc tế sẽ cho rằng, các quy định pháp lý của Việt Nam rất lỏng lẻo và dễ dàng có ngoại lệ. Hệ quả cũng như nguy cơ là các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế (rating agencies) hạ mức tín nhiệm của Việt Nam. Nếu vậy, các khoản vay của Chính phủ cũng như của doanh nghiệp trong tương lai chắc chắn sẽ phải chịu mức lãi suất cao hơn hiện nay.

Nếu không quản lý được tình hình này, mọi nỗ lực của Chính phủ trong giai đoạn vừa qua sẽ không được ghi nhận chỉ vì những thiếu sót nhỏ trong công tác quản lý vốn vay nước ngoài của các doanh nghiệp trong nước.

BAONAMMedia tổng hợp