Lăng Hoàng Gia là một trong hai mươi di tích lịch sử cấp quốc gia trên vùng đất Tiền Giang trù phú miền Tây Nam Bộ, tọa lạc tại gò Sơn Quy thuộc ấp Lăng Hoàng Gia, xã Long Hưng, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang.
Khu di tích này cách trung tâm Sài Gòn 52 km về hướng chính Nam theo Quốc lộ 50, qua huyện Bình Chánh, huyện Cần Giuộc, huyện Cần Đước và cầu Mỹ Lợi, băng qua sông Vàm Cỏ sang đất Tiền Giang.
Con đường nhỏ dẫn vào đền thờ và Lăng Hoàng Gia
Lăng Hoàng Gia được xây dựng vào năm 1826 dưới thời vua Minh Mạng, là quần thể bao gồm khu lăng mộ an táng Đức Quốc Công Phạm Đăng Hưng cùng những người quá cố thuộc dòng họ Phạm Đăng nổi tiếng ở vùng đất Gò Công và đền thờ uy nghiêm thờ cụ và các cụ tổ được xây dựng vào năm 1888. Cụ Phạm Đăng Hưng là ông ngoại của vua Tự Đức và là thân phụ của Thái Hậu Từ Dũ, tức nhạc phụ của vua Thiệu Trị.
Khu lăng mộ được xây dựng trong nhiều năm trên mảnh đất gò rộng gần 3.000 mét vuông, đúng theo phong cách kiến trúc dành cho lăng tẩm hoàng thân quốc thích lúc bấy giờ, nên dân chúng gọi là Lăng Hoàng Gia. Khu lăng mộ có diện tích hơn 800m², trong đó, mộ của cụ Phạm Đăng Hưng ở vị trí trung tâm của kiến trúc hình bát giác mang hình dáng của chiếc mũ triều phục. Bốn trụ thấp cách điệu hình búp sen. Phía dưới là hình tượng ngũ lân tượng trưng cho ngũ tước: Công, Hầu, Bá, Tử, Nam, được tạo tác khá độc đáo.
Phía trước lăng mộ được dựng hai tấm bia trang trọng có mái che lợp ngói:
Tấm bia phía bên phải mộ được làm bằng đá cẩm thạch trắng (đá Ngũ Hành Sơn ở Đà Nẵng) có khắc văn bia do cụ Phan Thanh Giản soạn năm 1858.
Từ Bắc vào Nam, nhiều đời chở đức.
Sinh bậc yếu nhân, ôn cung phép tắc.
Kiến thức bao la, luận bàn sâu sắc.
Thiên phận đã cao, học hành càng chắc.
Nhạc thần sinh xuông, Mão tú chứa tinh.
Đưa rồng vinh phượng, phúc nước tốt lành
Gói mây tụ hơp, nhật nguyệt quang minh.
Dẹp tan tăm tối, đem lại thái bình.
….
Tấm bia phía bên trái mộ bằng đá hoa cương do vua Thành Thái cho dựng vào năm 1899. Nội dung văn bia này được khắc giống như tấm bia trước.
Đền thờ bề thế và trang nghiêm, mang phong cách kiến trúc cung đình
Cách khu mộ 50m phía bên trái, sau cổng tam quan vững chãi là ngôi đền thờ bề thế năm gian, hai chái, cất theo kiến trúc cung đình được chống đỡ bằng mười trụ cột ở chính giữa, xếp thành hai hàng song song như mười ngón tay khổng lồ chắc chắn. Cột, kèo, rui, mè đều được thiết kế độc đáo, trang trí sắc sảo và dựng vững chắc bởi các loại gỗ quý. Giữa đền thờ, có bàn thờ bằng gỗ sơn son thiếp vàng được chạm trỗ rất tinh vi và nghệ thuật. Đền được kiến tạo năm 1888 thời vua Thành thái và được trùng tu vào năm 1921 thời vua Khải Định.
Phần thờ tự bên trong đền gồm năm phần:
– Gian giữa là bàn thờ Đức Quốc Công Phạm Đăng Hưng.
– Gian tả (trái) thờ Phước An Hầu Phạm Đăng Long, cha của Phạm Đăng Hưng.
– Gian tả ngoài thờ Mỹ Khá tử Phạm Đăng Tiên, ông cố Phạm Đăng Hưng.
– Gian hữu thờ Bình Thạnh Bá Phạm Đăng Danh, ông nội Phạm Đăng Hưng.
– Gian hữu ngoài thờ Thiềm Sư Phủ Phạm Đăng Khoa, ông sơ Phạm Đăng Hưng.
Vào ngày 02 tháng 12 năm 1992, Lăng Hoàng Gia được Bộ Văn hóa-Thông tin công nhận di tích cấp Quốc gia.
Dòng họ Phạm đã sinh sống lâu đời và nổi tiếng giàu sang, phú quý ở đất Gò Công. Tiền hiền là cụ Phạm Đăng Khoa, người khai hoang, lập nghiệp trên vùng đất này. Cụ Phạm Đăng Hưng là hậu duệ đời thứ tư của dòng họ. Cụ sinh năm 1764 tại Gò Rùa (nay là Gò Sơn Quy, nơi được xây dựng lăng mộ và điện thờ cụ sau khi tạ thế), là người thông minh, ham học. Năm 1784, cụ thi đỗ tam trường, tuy không cao nhưng là người hiền tài, đức độ, khi ra làm quan được bổ nhiệm đến chức Lễ Bộ Thượng Thư. Cụ Phạm Đăng Hưng tạ thế năm 1825, ngay sau đó, được đưa về quê an táng. Năm 1849, cụ được vua Tư Đức truy phong tước “Đức Quốc Công”.