Ước tính cần 130 nghìn tỷ đồng cho dự án hồ nước ngọt Đồng bằng sông Cửu Long

Ngày 30-6, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Hội Khoa học kinh tế và quản lý  (HASEM) tổ chức hội thảo Nước ngọt cho đồng bằng sông Cửu Long.

Hội thảo khoa học về nước ngọt cho đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thu hút gần 100 nhà khoa học, các chuyên gia môi trường quan tâm tham dự, với mong muốn có những đóng góp hữu ích cho nhu cầu bức xúc, thiết thực về nước ngọt cho khu vực này.

Trình bày tại hội thảo, TS. Võ Văn Hải – Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ miền Nam (Trường Bồi dưỡng cán bộ Tài chính – Bộ Tài chính) cho biết, ĐBSCL là một bộ phận của châu thổ sông Mekong thuộc Việt Nam có diện tích 4 triệu ha. ĐBSCL có vị trí rất quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, là chìa khóa chính trong chiến lược an ninh lương thực quốc gia.

Với tiềm năng nông nghiệp và thủy sản to lớn, trong những năm qua, ĐBSCL luôn đóng góp khoảng 53% tổng sản lượng lương thực, 65% tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng và 70% trái cây của cả nước. Tuy nhiên, ĐBSCL cũng luôn khan hiếm nguồn nước ngọt.

TS. Võ Văn Hải trình bày các phương án xây 2 hồ chứa nước ngọt cho vùng Đồng bằng Sông Cửu Long

Chế độ thủy văn ở ĐBSCL chịu sự tác động trực tiếp của dòng chảy thượng nguồn, chế độ triều biển Đông, biển Tây và các chế độ mưa trên đồng bằng. Vùng ĐBSCL phụ thuộc vào hơn 80% tổng lượng nước ngọt hàng năm từ thượng nguồn sông Mekong đổ về. Những năm gần đây, có nhiều dấu hiệu cho thấy chất lượng nước ở ĐBSCL đang bị suy thoái khi có những thay đổi của dòng chảy theo mùa.

Ngoài ra chất lượng nước của thượng nguồn sông Mekong có chất lượng tốt nhưng giá trị ô nhiễm có xu hướng gia tăng. ĐBSCL đang đối mặt với hạn chế nguồn nước do các đập thủy điện ở thượng nguồn, kéo theo đó là ô nhiễm nguồn nước ngày một gia tăng và biến đổi khí hậu ngày một khốc liệt (nước biển dâng, nhánh sông lớn bị nước biển xâm nhập mặn) gây tổn hại nghiêm trọng đến nông nghiệp và tác động xấu đến môi trường.

GS TS Nguyễn Văn Phước – Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật TPHCM

Từ thực tế nguồn nước ngọt cho ĐBSCL ngày càng eo hẹp, các nhà khoa học cho rằng việc xây dựng các công trình thủy lợi, nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước, phục vụ phát triển bền vững cho vùng là rất cần thiết, nhưng những nghiên cứu về vấn đề này hiện vẫn chưa tổng thể, chưa thuyết phục và chưa có dự án nào giải quyết “nạn thiếu nước xâm nhập mặn” như mong đợi của người dân ĐBSCL cũng như chính quyền các cấp.

Khách mời, đại biểu tại hội thảo

Do đó, các nhà khoa học đã cùng nghiên cứu và có phương án đề xuất giải pháp thích hợp để góp phần vào việc xây dựng phát triển ĐBSCL bền vững, với dự án “Nước ngọt cho ĐBSCL”. Đó là phương án xây hồ chứa nước để chủ đổng điều tiết, kiểm soát lượng nước, giảm thiểu đến mức thấp nhất những tác động tiêu cực đến đời sống dân sinh khu vực.

Theo đó, có hai khu vực để xây hồ là “Vườn quốc gia Tràm Chim” – Tam Nông – Đồng Tháp với 3 phương án có chi phí từ 30 nghìn đến 60 nghìn tỷ đồng; Khu bảo tồn “Lung Ngọc Hoàng” – Phụng Hiệp – Hậu Giang với 3 phương án có chi phí từ 18 nghìn tỷ đồng đến 68 nghìn tỷ đồng.

Hội thảo thu hút các nhà khoa học, các chuyên gia môi trường quan tâm tham dự

TS. Võ Văn Hải nhận định, ĐBSCL ở cuối nguồn dòng Mekong, nên cần phải xây dựng những hồ chứa nước ngọt đủ lớn, để điều tiết lưu lượng nước ngọt đáp ứng được nhu cầu cho toàn vùng, chứ không phải xây dựng những hồ chứa nước nhỏ tràn lan như hiện nay, vừa tốn kém ngân sách đất đai nhưng hiệu quả không cao; đồng thời hy vọng “Dự án xây dựng hồ chứa nước ngọt cho ĐBSCL” sẽ được các nhà khoa học, quan tâm góp ý để dự án có thể trở thành một kênh tham khảo hữu ích của các cấp chính quyền