Tôi (Nguyễn Hoàng Diệu Thúy) đọc Đỗ Hoàng Diệu ngay từ lúc chị xuất hiện trên Hợp lưu. Khi ấy tôi có một chiếc máy tính kết nối internet và một cái máy in bên cạnh để in ra những gì mình thích. (Đội ơn internet do u trả tiền và máy in cũng do u trả tiền nốt).
Đỗ Hoàng Diệu xuất hiện lần đầu trên báo chí hải ngoại Hợp lưu vào năm 2004 với truyện ngắn Tình chuột. Tiếp theo đó Đỗ Hoàng Diệu đã đăng trên Hợp Lưu Những sợi tóc màu tang lễ, Cô gái điếm và năm người đàn ông, Bóng đè, Vu quy, Dòng sông hủi.
Năm 2005 khi tập truyện đầu tiên của Đỗ Hoàng Diệu được in trong nước mang tên “Bóng đè” gồm 8 truyện ngắn, thì chỉ thấy xuất hiện Bóng đè, Vu quy, Dòng sông hủi, còn lại là các truyện khác. Và quả tình là các truyện khác đó bây giờ đã bị lãng quên.
Trong tập truyện ngắn Lưng Rồng lần này, chúng ta sẽ thấy lại Bóng đè, Vu quy, Dòng sông hủi; sẽ có Tình chuột, Những sợi tóc màu tang lễ, Cổ thụ (đổi tên và sửa chữa từ Cô gái điếm và năm người đàn ông) – tuy đã xuất hiện trên Hợp lưu nhưng đây là lần đầu in trong nước; và các truyện được viết mới hoàn toàn gồm: Lưng rồng, Lửa đạo, Linh hồn, Mộng du.
Xin nói thêm là Nhã Nam hiếm khi in lại sách của tác giả nào chưa… chết (!), điều này nghe thì kinh nhưng đúng, bởi hầu hết các sách tái bản của Nhã Nam đều trong khoảng nửa đầu thế 20 trở về trước.
Cho nên muốn in lại Bóng đè chúng tôi đã đề nghị Đỗ Hoàng Diệu viết thêm một số truyện để để cuốn sách mang tinh thần mới mẻ và vì thế mới có Lưng rồng ngày hôm nay, một tập truyện ngắn mà tôi cho là có chất lượng tương đối đồng đều.
*
Hẳn nhiều người còn nhớ sự xuất hiện gây kinh ngạc của tập truyện “Bóng đè” (Nxb Đà Nẵng, 2005) mười mấy năm về trước. Một vụ nổ giữa văn đàn. Khen chê khắp các mặt báo. Phố sách Đinh Lễ tràn ngập bản in lậu. Và cái tên Đỗ Hoàng Diệu nổi tiếng với tốc độ tên lửa bất chấp hồi đó chưa có fb viral như bây giờ.
Yếu tố được nhắc đến, được kháo nhau, được truyền tai, được tung hứng đầu tiên và trước nhất trong Bóng đè, tất nhiên, là sex, mặc dù nó chỉ tập trung ở ba truyện như đã nói bên trên, nhưng thế cũng là quá đủ cho người ta rào rào tìm mua khiến Bóng đè cháy hàng.
Trước Đỗ Hoàng Diệu có lẽ chưa ai viết sex theo kiểu trần trụi và bạo liệt như thế, nó khiến cho nhiều nhà “đạo đức” không chịu được, trong khi những nhà không… đạo đức lắm như ông Châu Diên (đôi khi ông còn nhận mình là Trâu Điên) thì lại nói “Đây là cuốn sách mà tôi kính trọng”.
Nhiều người nói Đỗ Hoàng Diệu dùng sex để câu khách. Thì sao? Chẳng có gì là xấu hay sai ở đây. Vấn đề là dùng thế nào, có câu được hay không. Sex là con dao hai lưỡi, ranh giới giữa dung tục và nghệ thuật đôi khi chỉ sơ sẩy là “xong đời”. Nếu cứ sex là câu khách thì người ta đã ào đi viết sex cả rồi. Đỗ Hoàng Diệu sở dĩ đứng được là vì thông qua sex đã đặt ra những vấn đề lớn về đàn bà, về đàn ông, về xã hội và lịch sử.
Xuất sắc nhất trong các truyện ngắn của Đỗ Hoàng Diệu trước đây là “Bóng đè” và “Vu quy”. Giờ đây sánh ngang được với hai truyện ấy là “Lưng Rồng”, truyện ngắn mới viết.
“Lưng Rồng” kể chuyện một cô gái muốn xăm hình lên lưng như một món quà thiêng liêng dành tặng người chồng đang chiến đấu phương xa. Nhưng bất chấp nguyện vọng của cô, lão thầy xăm tuyệt nghệ người Tàu hành nghề ở phố cổ đã xăm lên toàn bộ tấm lưng cô một con hắc long hung dữ.
Cuộc xăm đau đớn, cô gái vừa muốn từ bỏ, lại vừa thèm khát lẫn quy phục. Lão thầy xăm giảm đau cho cô bằng cách cho cô nằm lên người gã học trò trẻ trai của lão. Cô gái yêu và tôn thờ chồng, nhưng nhục dục vẫn bùng cháy trước cơ thể đàn ông thanh xuân. Theo một cách nào đó, cô gái làm trỗi dậy bản năng đế vương và độc chiếm trong lão thầy xăm để rồi khi hoàn tất hình xăm rồng cũng là lúc lão tặng cô cái chết.
Truyện có cái tứ lạ, vừa “điêu” nhưng lại vừa chân thực. Đỗ Hoàng Diệu vẫn lối hành văn cầu kỳ, câu chữ dồn dập đuổi bắt theo xúc cảm dẫn dụ người đọc vào trong không gian u tối bí ẩn của phòng xăm, với lão thầy xăm quái gở cùng cô gái mạnh mẽ nhưng ngây thơ, nồng nhiệt mà cả tin.
Nhân vật chính trong các truyện ngắn của Đỗ Hoàng Diệu hầu hết đều là nữ với bản năng giống cái mãnh liệt. Họ không có tham vọng, lý tưởng cao siêu gì, hoặc nói cách khác tham vọng, lý tưởng của họ chính là người đàn ông mà họ yêu, một thực thể gần gũi nhất, rõ nét nhất và tưởng chừng như dễ nắm bắt nhất. Họ sống với bản năng mạnh mẽ đó – khát khao dục tình, khát khao làm mẹ, cố gắng khước từ áp lực lịch sử và xã hội, áp lực về dòng giống, áp lực về danh dự gia đình, các định kiến xã hội và gánh nặng lịch sử.
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên từng nhận xét: “Truyện ngắn Đỗ Hoàng Diệu gần như chủ yếu viết về phụ nữ và dục tính. Phụ nữ trong quan hệ với dục tính, nhưng quan trọng hơn, phụ nữ và dục tính trong quan hệ với xã hội và lịch sử.”
Những người phụ nữ loay hoay đi tìm tình yêu, một thứ tình yêu thuần khiết giản dị, như Vy (Tình chuột), Dực (Những sợi tóc màu tang lễ), cô gái (Linh hồn), nhưng thế giới đàn ông quanh co luôn đem lại những đáp án khác hẳn, khi là giả trá, khi là lợi dụng, khi là chiếm đoạt. Đến khi họ tìm được một tình yêu thực sự, một người đàn ông nhận ra giá trị của họ, thì lúc ấy một rừng những rào cản dựng lên.
Trong truyện “Vu quy” có một chi tiết nhỏ nhưng làm tôi rất nhớ.
“Căn phòng ngủ ngăn nắp của anh lộn tung những mê cuồng. Mê cuồng chứng giám nỗi mất mát và bắt đầu sự hồi sinh. Hồi sinh một người đàn bà thực thụ (…) Tôi ngửi thấy da thịt anh, da thịt người đàn ông đượm rát mùi phù sa sông Hồng. Thứ mùi mà mỗi lần nước rút, cùng lũ bạn chạy xuyên qua bãi ngô đồng, tôi vẫn thấy nó dậy nực cánh mũi. Cánh tay anh choàng qua tôi nặng trịch, lười biếng.
– Em khát nước.
Giọng tôi căng tràn, khô, bỏng. Tôi những tưởng anh sẽ chạy đi mang ngay nước đến cho tôi. Nhưng không.
– Em vào trong tủ lạnh lấy luôn nước cho anh đi.
Tự nhiên nước mắt chảy ướt đầm môi má tôi. Tôi nghĩ mình ảo tưởng bởi những cuốn tiểu thuyết. Thực tế đàn ông không ai hầu hạ đàn bà, chỉ có đàn bà phải chiều chuộng đàn ông. Tôi vừa mới trở thành đàn bà, tôi phải xứng đáng với điều đó”.
Chi tiết rất tinh tế này phần nào làm tôi nhớ đến chiếc khăn lau bàn mà giáo sư văn hóa đã ném lên bụng người đàn bà cho cô lau mình sau khi kết thúc cuộc ái ân của họ – trong truyện “Tự” của Y Ban.
Nó chất chứa trong đấy tất cả những tủi hờn, ê chề, cam chịu nhưng lại xen lẫn nỗi sung sướng của kẻ được ban phát. Từ trong quá khứ và lịch sử đàn bà Á Đông là luôn ở trong vị trí này: mang trên đầu “cả một quá khứ phi phàm”, bị đè nén vì “một thứ tội tổ tông”, và từ trong tâm tưởng luôn nghĩ mình là nô lệ.
Cô gái trong Vu quy bị buộc phải lấy một xác ướp. Đây là lời giải thích của bố cô: “Không phải trò đùa. Mà số phận con ạ. Cả dân tộc này không đùa”. Hóa ra để được sống tận độ với bản chất đàn bà trong xã hội quyền huynh thế phụ cùng những gánh nặng tổ tông không bao giờ là điều dễ dàng.
Và do đó không chỉ cô gái trong truyện ngắn Bóng đè, mà tất cả những người phụ nữ của Đỗ Hoàng Diệu thực chất đều bị bóng đè theo cách này hay cách khác. Họ không được sống như là chính họ, họ không thỏa mãn, họ vùng vẫy bằng nhiều cách khác nhau: chạy trốn, ngoại tình, tự hủy hoại bản thân hoặc bị hủy hoại… Truyện ngắn Đỗ Hoàng Diệu mang màu sắc nữ quyền rõ rệt.
Nhưng bên cạnh yếu tố nữ quyền, ở một tầng nấc sâu hơn nữa, là sự suy ngẫm, soi chiếu, cật vấn các vấn đề xã hội, dân tộc và lịch sử khác. Lấy dục tính để nói những thông điệp này đã là táo bạo, và lại còn nói được một cách cuốn hút, ấn tượng, bằng lối viết hoa mỹ và cấu trúc luôn được đẩy căng đến cao trào, rõ ràng Đỗ Hoàng Diệu đã giải bài toán này khá cao tay. Đỗ Hoàng Diệu đã đẩy đi xa hơn và rộng hơn điều mà Nguyễn Huy Thiệp từng nói trong truyện ngắn Vàng lửa. (Lỗi thuộc về ai, lỗi thuộc về những vì sao, hay chung quy chỉ tại vua Hùng? :()
Trong những truyện mới viết tôi cũng thích “Linh hồn” kể về những đàn ông sống với linh hồn vay mượn, vì nó được viết chặt chẽ, sắc nét, tương đối khác giọng với những truyện khác, cho dù ý tưởng không quá mới mẻ. “Lửa đạo” và “Mộng du” thì tôi không cảm nhận được rõ ràng cho lắm.
*
Không phải ai cũng thích được văn chương Đỗ Hoàng Diệu:
“Chỉ cảm thấy toàn bộ tôi đang hóa nham thạch. Nham thạch chảy thành suối, đổ thác trên gập ghềnh đàn bà. Tôi ép sát chàng trai hơn nữa, ngửi hít mạnh hơn, muốn hòa tan mình trong hồ. Thoạt đầu, tấm đệm sống căng cứng, run rẩy chống đỡ dòng nham thạch bao vây, tràn ngập bốn bề. Nhưng tích tắc sau, chính nó tự nứt vô vàn khe, nở ra vô vàn kim châm hút lấy hút để dòng nham thạch. Khuôn mặt đẫm ướt của tôi ngắc ngoải trên vồng ngực đẫm ướt có quả tim đang loạn xạ tìm cách chế ngự nổ bùng.” (Lưng Rồng).
Việc dùng quá nhiều động từ, tính từ mạnh và cả những từ tự tạo đầy tính tượng thanh tượng hình (đu đượi, mề mệt, oặn ẹo, hứng háo, vung vấp, ơn ởn, nhoài nhã, căng rửng…) chen chúc trong một câu văn khiến nhiều người bị cuốn theo đến hụt hơi, nhưng cũng có người cho rằng nó bị sến, ướt át, làm dáng, thiếu tiết chế. Khẩu vị mỗi người, đành vậy. Nhưng theo tôi thì chính sự thiếu tiết chế ấy, sự rậm rạp miên man của câu chữ ấy mới làm Đỗ Hoàng Diệu khác người.
Điều tôi cảm thấy đáng tiếc là Đỗ Hoàng Diệu viết không được nhiều. Phải chăng cuộc sống ở một xứ sở khác đã cách ly chị khỏi nguồn chất liệu bộn bề của xã hội Việt Nam cùng cái tinh thần cuồn cuộn của nó. Nhưng thôi, thế là đáng quý lắm rồi. Bao nhiêu người tràng giang đại hải câu từ mà đều đã để gió cuốn đi.
—
P/S trữ tình ngoại đề: Phương pháp giảm đau cởi đồ nằm lên người trai đẹp độc đáo quá. Mình không thích xăm trổ tí nào nhưng mà ở đâu có phương pháp này thì chắc cũng phải cân nhắc cái he he. — cùng với Đỗ Hoàng Diệu.