“Chúng ta cùng nhau chung sức đồng lòng, xây dựng đội ngũ những người làm báo nhạy về chính trị, nhạy bén về kinh tế, sâu sắc về khoa học – công nghệ (KH-CN), nhân văn, chuyên nghiệp, hiện đại, vì nhân dân phục vụ, tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì lợi ích của nhân dân”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh như vậy sáng nay, 13/6, khi làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam và lãnh đạo các cơ quan báo chí, nhân kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2023).
Cùng dự buổi làm việc có Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng; Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà; Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh; cùng lãnh đạo Ban Tuyên giáo T.Ư; lãnh đạo các bộ, ngành và lãnh đạo các cơ quan báo chí.
Người làm báo luôn đồng hành với sự nghiệp cách mạng của Đảng
Báo cáo trước Thủ tướng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh cho biết, các thế hệ lãnh đạo và hội viên Hội Nhà báo Việt Nam cùng những người làm báo cả nước đã luôn đoàn kết, chủ động sáng tạo, nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, không ngừng lớn mạnh, luôn đồng hành, gắn bó với sự nghiệp cách mạng của Đảng, đất nước và dân tộc, góp phần quan trọng vào thắng lợi của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh
Sau 73 năm thành lập, đến nay Hội Nhà báo Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh mẽ, hoạt động có nhiều chuyển biến tích cực, đi vào chiều sâu, với nhiều sự kiện nổi bật, khẳng định được vai trò, vị trí của một tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp của những người làm báo Việt Nam trong đời sống xã hội. Hội Nhà báo Việt Nam hiện có 24.242 hội viên, sinh hoạt tại 63 hội nhà báo tỉnh, thành phố, 20 liên chi hội, 218 chi hội trực thuộc.
Để bảo vệ quyền lợi chính đáng và hợp pháp của hội viên, người làm báo, ông Lê Quốc Minh cho biết, T.Ư Hội và hội nhà báo các địa phương sẽ quan tâm hơn nữa đến vấn đề này; có hình thức khen thưởng, động viên kịp thời đối với các đơn vị, cá nhân xuất sắc, nhất là các tổ chức, hội viên trực tiếp hoạt động ở các địa bàn khó khăn, vùng sâu vùng xa; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh người làm báo vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp.
Với vai trò là nơi tập hợp, đoàn kết những người làm báo, ông Minh chia sẻ: Hội Nhà báo Việt Nam tiếp tục đồng hành cùng các cơ quan báo chí tăng cường ứng dụng mạnh mẽ CNTT, chuyển đổi số trong hoạt động báo chí; xây dựng mô hình tòa soạn hội tụ, tích hợp đa phương tiện, truyền dẫn đa nền tảng, trở thành những cơ quan báo chí đa phương tiện mạnh. Hội cũng sẽ đào tạo, đào tạo lại cho hội viên, nhà báo, phóng viên về kỹ năng làm báo trong kỷ nguyên số, ứng dụng công nghệ mới trong hoạt động báo chí”.
Tạo mọi điều kiện để báo chí cống hiến nhiều hơn
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng cho biết muốn lắng nghe ý kiến chia sẻ của những người làm báo, qua đó để làm sao tăng cường và đổi mới quản lý nhà nước với báo chí; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi, điều kiện tốt nhất có thể để báo chí, đội ngũ những người làm báo hoàn thành tốt nhiệm vụ, đóng góp và cống hiến nhiều hơn nữa cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi gặp mặt
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng đánh giá cao và nhiệt liệt biểu dương nỗ lực, thành tích, kết quả, sự cống hiến của Hội Nhà báo Việt Nam và những người làm báo trên cả nước, góp phần quan trọng vào thành tích chung, để đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.
Trong thời gian tới, Thủ tướng đề nghị Hội Nhà báo Việt Nam đẩy mạnh hoạt động tập hợp lực lượng, xây dựng đội ngũ những người làm báo, chú trọng bồi dưỡng phẩm chất chính trị, tư tưởng, rèn luyện bản lĩnh, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn cho hội viên để “phụng sự tổ quốc”, “phụng sự nhân dân”, “phụng sự giai cấp và nhân loại” như lời Bác Hồ kính yêu từng căn dặn.
“Chúng ta cùng nhau chung sức đồng lòng, xây dựng đội ngũ những người làm báo nhạy về chính trị, nhạy bén về kinh tế, sâu sắc về KH-CN, nhân văn, chuyên nghiệp, hiện đại, vì nhân dân phục vụ, tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì lợi ích của nhân dân”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Người đứng đầu Chính phủ đề nghị báo chí tập trung phát hiện những vấn đề nóng, nhạy cảm, mới xuất hiện, các nút thắt, điểm nghẽn đang được dư luận quan tâm, đi vào những vấn đề khó, phức tạp trong nước và quốc tế. Phản ánh sinh động, khách quan, đa chiều, toàn diện, khoa học, sâu sắc và có giải pháp cho từng vấn đề.
Thủ tướng mong muốn báo chí phải đi đầu trong phát hiện, biểu dương những nhân tố mới, người tốt, việc tốt, lấy cái đẹp dẹp cái xấu, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực, tạo động lực, truyền cảm hứng, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng, xã hội. Đẩy mạnh đấu tranh bảo vệ chân lý, lẽ phải, người lương thiện; chống lại những suy nghĩ và hành động sai trái, nhất là tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống; phản bác thông tin xuyên tạc, xấu độc, sai sự thật; tích cực tham gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Thủ tướng lưu ý: “Tuyệt đối không để trống, không nhường mặt trận nóng bỏng này cho các thế lực thù địch, chống phá trên mọi lĩnh vực truyền thông, nhất là truyền thông số, mạng xã hội”.
Thủ tướng chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo các cơ quan báo chí
Thủ tướng đề nghị cần đẩy mạnh chuyển đổi số báo chí gắn với kinh tế số và kinh tế báo chí truyền thông; tăng cường ứng dụng trí tuệ nhân tạo và các công nghệ mới vào hoạt động báo chí, truyền thông. Bám sát các xu hướng tất yếu trong báo chí, truyền thông thế giới để đổi mới và làm tốt vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội.
Tại cuộc làm việc, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ TT-TT trong năm 2023 chủ trì, phối hợp với các cơ quan rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan tới hoạt động báo chí như: Nghị định 60 về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, một số thông tư của các bộ; tiếp tục rà soát, điều chỉnh quy hoạch báo chí hợp lý, hiệu quả hơn; triển khai các giải pháp bảo đảm hạ tầng số, đào tạo nhân lực; hoàn thiện cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ với báo chí… phù hợp với nhu cầu phát triển của báo chí và điều kiện, hoàn cảnh đất nước.
Cần quyết sách để vực dậy hệ thống báo chí chính thống
Là 1 trong 6 cơ quan báo chí được đại diện phát biểu tại buổi làm việc, nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng biên tập Báo Thanh Niên đã báo cáo với Thủ tướng về những sáng tạo trong hoạt động công tác và giữ vững thương hiệu Báo Thanh Niên trong thời gian qua.
Nhà báo Ngọc Toàn cho biết, bên cạnh bám sát tôn chỉ mục đích của mình, Báo Thanh Niên còn nỗ lực trong tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các quyết sách của Chính phủ.
Báo Thanh Niên đã đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số trong các mặt hoạt động, nhất là trong công tác nội dung. Báo điện tử và kênh truyền hình, các trang mạng xã hội của báo đã có sự tăng trưởng vượt bậc trong 2 năm qua. Đặc biệt kênh YouTube của Báo Thanh Niên đã đạt cột mốc 5 triệu lượt người đăng ký theo dõi, tiếp tục giữ vững vị trí kênh tin tức số 1 của một tờ báo tại Việt Nam.
Nhà báo Ngọc Toàn – Tổng biên tập Báo Thanh Niên, báo cáo Thủ tướng về những sáng tạo trong hoạt động công tác, xây dựng thương hiệu Báo Thanh Niên
Không chỉ dừng ở việc tuyên truyền chính sách, Báo Thanh Niên còn thể hiện trách nhiệm với cộng đồng bằng việc khởi xướng chương trình “Cùng con đi tiếp cuộc đời”, nhằm bảo trợ trẻ mồ côi do đại dịch Covid-19. Tổng kinh phí vận động trong gần 2 năm để hỗ trợ 350 trẻ mồ côi đến năm 18 tuổi là 50 tỉ đồng. Đồng thời, báo cũng có sáng kiến phối hợp với T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam và Liên đoàn Bóng đá Việt Nam tổ chức Giải bóng đá thanh niên – sinh viên Việt Nam lần đầu tiên, đưa giải đấu vào hệ thống thi đấu quốc gia, quy tụ các đội bóng của các trường ĐH-CĐ mạnh nhất trong toàn quốc tham gia.
Từ thực tế cho thấy việc chuyển đổi số và phát triển đa nền tảng đặt ra nhiều vấn đề, thách thức đối với các cơ quan báo chí, nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn bày tỏ: “Đa phần các cơ quan báo chí Việt Nam chưa có đủ nguồn lực để thực hiện chuyển đổi số như mong muốn. Ở đây rất cần quyết sách của Đảng, Nhà nước để vực dậy hệ thống báo chí chính thống, không phải chỉ thông qua việc hỗ trợ tài chính mà cần những cơ chế về mô hình quản lý, chính sách đầu tư và khuyến khích liên kết kinh tế… Được như vậy, các cơ quan báo chí mới vượt qua được giai đoạn khó khăn kinh tế hiện nay, từng bước lấy lại “thị phần” thông tin trước mạng xã hội”.
Bên cạnh đó, Tổng biên tập Báo Thanh Niên kiến nghị: “Các cơ quan quản lý Nhà nước cần hoàn thiện cơ chế chính sách, các quy định của pháp luật nhằm tạo hành lang pháp lý thông thoáng, hoạt động kinh tế báo chí khởi sắc trở lại thì khi đó việc chuyển đổi số và phát triển đa nền tảng sẽ được chủ động thực hiện với các bước đi và hình thức phù hợp cho từng cơ quan báo chí. Điều này cũng sẽ rất tương thích với nhiệm vụ xây dựng các mô hình liên kết giữa cơ quan báo chí tự chủ tài chính với doanh nghiệp công nghệ số”.
Theo Thanh Niên