Tác giả ‘Bóng đè’ Ðỗ Hoàng Diệu đã tiết chế “sex” trong truyện mới “Lưng Rồng”

Vốn yêu thích Đỗ Hoàng Diệu từ “Bóng đè” nổi đình đình nổi đám từ chục năm trước, thường xuyên theo dõi chị trên Facebook cá nhân để thấy cuộc sống riêng tư của chị ở nước ngoài với người chồng ngoại quốc và hai đứa con đẹp như mơ, cũng như quá trình thai nghén và viết những tác phẩm mới, nên khá vui mừng khi chị thông báo đã hoàn thành cuốn sách mới, Lưng Rồng (NXB Hội Nhà văn)…

Trong tác phẩm mới này, Ðỗ Hoàng Diệu vừa trình làng một số truyện ngắn mới. Cuốn sách lập tức được chào đón nồng nhiệt và lại gây tranh cãi, có phần gay gắt trên văn đàn. Những từ khóa “táo bạo”, “ma mị”, “đậm tính dục”, “sắc sảo”… lặp đi lặp lại trong những review cả khen lẫn chê.

NỮ NHÀ VĂN ĐỖ HOÀNG DIỆU VÀ NHỮNG TÁC PHẨM CÓ SỐ PHẬN LONG ĐONG…

Vào ngày 16/10/2018, trên FB Đỗ Hoàng Diệu viết: “Hai năm trước, tôi nhận được đề nghị tái bản Bóng Đè. Tất nhiên tôi muốn in lại, nhưng không phải toàn bộ tập Bóng Đè. Nên mùa thu năm nay, Nhã Nam cho ra mắt Lưng Rồng (Bóng Đè và những truyện mới).

Xin một lần nữa, gửi lời cảm ơn đến cố nhà văn Đà Linh – “ông chủ” Nxb Đà Nẵng, người đã mạo hiểm cấp phép cho Bóng Đè 13 năm trước để rồi nhận về bao rắc rối. Cảm ơn ông Dương Thắng, chủ nhà sách Kiến Thức đã nâng chiếc bóng khỏi ngăn kéo, trao tay người đọc.

Lần này, để ra được Lưng Rồng, quả không ít gian nan. Xin cảm ơn Nxb Hội nhà văn, đặc biệt là biên tập viên Tạ Duy Anh – nhà văn Lao Ta lừng danh. Không có anh, rồng vẫn mắc cạn bên bờ sông Cả. Xin cảm ơn Công ty Nhã Nam, với sự cẩn thận, cần mẫn và tinh nhạy của biên tập viên xinh đẹp Nguyen Hoang Dieu Thuy. Vai trò của cô tối quan trọng.

Và đặc biệt hơn cả là nhà văn – “giáo sĩ” Trần Vũ. Có thể nói, anh chính là người thầy văn chương của tôi. Nếu mười mấy năm trước, anh không tiếp nhận văn bản Tình Chuột rồi góp ý, sau đó hối thúc tôi viết tiếp, tôi sẽ vẫn tiếp tục giấu “linh hồn của một người viết truyện” (cách anh gọi tôi) trong tấm danh thiếp luật gia.

Riêng về truyện Lưng Rồng mà mọi người đang “xôn xao”, nhiều bạn đọc thích nó hơn Bóng Đè. Không biết thế nào, nhưng tôi đã chuẩn bị 11 năm để viết nó, viết 38 trang. Viết đã xong, giờ trao đến độc giả, giờ cuộc đời của nó do độc giả định đoạt. Còn tôi, lại tỷ mẩn chuẩn bị đồ nghề để xăm những con rồng khác.

Các bạn có thể dễ dàng mua Lưng Rồng ở các hiệu sách Nhã Nam, Phương Nam, Fahasa, Đinh Lễ, Nguyễn Văn Bình… hoặc mua online trên các trang Tiki, Nhanam, Fahasa, Phuongnam, Sachkhaitam… Giá tương đương 3 cây bắp cải”.

Đến ngày 30/10/2018, Đỗ Hoàng Diệu đã mời mọi người tham gia sự kiện giới thiệu cuốc sách. Cô viết: “Trân trọng kính mời quý vị tới dự buổi tọa đàm về Lưng Rồng vào tuần tới. Sự có mặt của quý vị là niềm hạnh phúc của tôi. Diễn giả sẽ nói rất ít. Không gian dành cho quý vị. Thời gian dành cho các câu hỏi, thắc mắc của quý vị” Sự kiện này dự kiến tổ chức vào ngày 7/11/2018 tại số 8 Tràng Thi (Hà Nội).

Đến ngày mùng 6/11/2018 nữ nhà văn đã có thông báo trên FB: “Thông báo đặc biệt. Thưa quý độc giả. Buổi tọa đàm “Lưng Rồng và những thân phận bóng đè” mà Công ty cổ phần văn hóa và truyền thông Nhã Nam dự định tổ chức vào ngày 7/11/2018 sẽ không thể diễn ra vì những lý do đặc biệt.

Xin lỗi quý vị, nhất là những người ở xa đã lên kế hoạch đến tham dự. Điều đáng tiếc nhất cho tôi là không được gặp mặt và nghe độc giả của mình bày tỏ cảm xúc.

Lý do đặc biệt? Chúng nằm trong sách Lưng Rồng, và đâu đó trong những hình xăm đầu cá sấu. Các bạn hãy đọc để tìm nguyên do cho riêng mình.

Một lần nữa xin thành thật xin lỗi.

Tôi không muốn ai đó chiều mai đến số 8 Tràng Thi và ngậm ngùi ra về. Lưng Rồng không phải Ngựa hoang và tôi không phải Tuấn Hưng.

ps: Anh chị nào muốn có chữ ký vào Lưng Rồng, inbox cho Diệu nhé”.

Rõ ràng đến giờ phát này, những tác phẩm của nhà văn Đỗ Hoàng Diệu, từ “Bóng đè” đến “Lưng Rồng” đề có số phận “long đong” đối với các nhà quản lý văn hóa.

BÁO TIỀN PHONG NHẬN ĐỊNH – YẾU TỐ “SEX” ĐÃ ĐƯỢC TIẾT CHẾ TRONG “LƯNG RỒNG’ SO VỚI “BÓNG ĐÈ”

Kể từ “Bóng đè”, bẵng đi hơn chục năm mới thấy chị viết truyện ngắn, sau khi đã viết hai cuốn tiểu thuyết. Chị cảm thấy không ổn với tiểu thuyết hay truyện ngắn mới đem lại “men” cho chị?

Tôi vẫn cảm thấy thoải mái hơn, dễ hơn khi viết tiểu thuyết vì truyện nào của tôi cũng dài hơn một truyện ngắn thông thường và tôi khó tiết chế cảm xúc. Nhưng ý tưởng truyện “Lưng rồng” đã có cách đây 11 năm, nhiều lần tôi đã định viết nhưng lại thôi, cảm thấy chưa đủ sức, chưa đến lúc.

Đến đầu năm nay thì quyết định phải viết nó ra, không thể không viết. Tôi đã kết thúc nó trong một căn phòng khách sạn sang trọng ở thủ đô Washington DC, đối diện Nhà Trắng, vừa rình xem Trump vừa để tên thầy xăm kể chuyện.

11 năm trước, cảm hứng “Lưng rồng” đến với chị trong tình huống nào?

Tôi đọc một bài trên báo An ninh thế giới nói về việc xăm mình của người Việt cổ. Họ kể rằng, ngày xưa, ngư dân thường xăm con cá sấu lên lưng, tay, để cá sấu không ăn thịt. Khi đó tôi đã nghĩ đến việc viết một câu chuyện về xăm. Tôi ghi chép những ý tưởng này ra một cuốn sổ ô ly, mang theo sang Mỹ.

Đến đầu năm nay, ở bang Ohio nơi tôi sống, rất nhiều người xăm. Chồng tôi không ủng hộ việc đó. Anh tiêm vào đầu hai đứa con những câu chuyện kinh dị về xăm, gợi tôi nhớ lại ý tưởng của mình. Mà cũng có thể vì cuộc sống của tôi đã đi vào quỹ đạo, thoải mái hơn. Mỗi ngày tôi có khoảng thời gian rảnh cho riêng mình, để xem phim hoặc viết. Đã đến lúc thử sức với rồng…

Chị có bị những áp lực của “Bóng đè” khi viết “Lưng rồng”?

Nói thật là không có áp lực nào của “Bóng đè”, không mảy may. Nhưng viết được hơn nửa, tôi đã yêu nó.

Tôi yêu nó hơn “Bóng đè”. Trần Vũ đọc, góp ý với tôi một vài chỗ, và nói luôn nó lại sẽ là một quả bom. Tôi nói đùa chả biết bom gì, chắc bom xịt.

Để không chủ quan, tôi gửi nó cho nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, nhà nghiên cứu Nguyệt Cầm, dịch giả Đặng Xuân Thảo đọc. Những người đó đều gật gù công nhận, nên tôi nghĩ chắc là “được” thật.

Điều gì ở “Lưng rồng” hơn “Bóng đè”, theo chị?

Sau “Bóng đè”, trong quá trình viết và sửa, tôi tự ý thức phải khắc phục những thứ chưa hài lòng ở “Bóng đè” như văn chương câu cú, cách diễn đạt, ý tưởng. Ví dụ mọi người nói trong “Bóng đè” nhiều sex quá, đến “Lưng rồng” tôi đã tiết chế hơn, ít nhất không có động từ mạnh.

Nhưng vẫn đầy nhục cảm?

Câu chuyện diễn ra như thế, nó phải có những tâm trạng đấy, hành động đấy.

Đã có những phản hồi của độc giả rằng truyện của chị ám chỉ nhiều, quá táo bạo về mặt tư tưởng… Chị nghĩ sao về những nhận xét này?

Đây là một vấn đề. Mọi người đọc nó, và chăm chăm vào ám chỉ. Họ áp đặt việc đọc theo kiểu mà họ nghĩ. Họ không đọc một cách bình tĩnh và thưởng thức nó như là một câu chuyện bình thường.

Một cô gái đi xăm một con rồng làm quà tặng chồng, và người chồng có hành tung bí ẩn. Trong quá trình xăm, người thợ xăm dùng một cậu học việc trẻ làm thuốc giảm đau… Thế thôi!

Sau hơn mười năm, truyện ngắn của chị dường như lại chịu chung số phận của “Bóng đè”, chia rẽ độc giả làm hai cực, khen và chê đều hết lời?

Tôi không ngại các bình luận. Tự bản thân tôi biết, những thứ tôi viết không bao giờ được yêu thích hoàn toàn. Nhưng việc đó bình thường. Mỗi người sẽ có một cách hiểu, cách cảm khác nhau, đôi khi nó khác ý tưởng của tác giả.

Như gần đây một độc giả lên facebook đánh giá truyện của tôi đề cao vấn đề nữ quyền. Bạn ấy bảo: một câu chuyện của chị hơn bao nhiêu cuộc vận động về nữ quyền, bình đẳng này nọ. Mỗi người có kiểu đọc, kiểu hiểu khác nhau. Thế nào cũng có cái hay riêng.

Trước đây khi viết xong “Bóng đè” chị nói là rất mệt. Bây giờ cảm giác sau khi hoàn thành “Lưng rồng” của chị là gì?

Tôi bị ám ảnh. Nhưng vẫn viết tương đối dễ dàng. Trước đây tôi nói một câu mà mọi người rất phản ứng: viết văn là một cuộc chơi, giờ vẫn thế. Tôi viết không phải vì tiền. Nếu vì tiền, tôi sẽ viết tản văn, sách kỹ năng làm dâu mẹ chồng Mỹ hoặc người giàu ở Mỹ sống thế nào… Tôi có đầy tư liệu về những chuyện như thế. Nhưng tôi không thích.

Có nhà phê bình nhận xét Đỗ Hoàng Diệu là “ca” hiếm trong văn học Việt Nam đương đại dựng nên cả một thế giới huyền hoặc, ma mị với những câu chuyện cực kỳ lạ lùng. Chị có đồng ý với nhận xét này?

Tôi không thấy “Lưng rồng” quái dị. Đối với tôi, nó có thật. Nhân vật bước ra, đi lại, nằm xuống trong căn phòng xăm rõ mồn một.

Rất nhiều độc giả hỏi tôi trong đầu có những gì mà ý tưởng kỳ quái như thế? Tôi bảo là cuộc sống của tôi rất bình thường, không có biểu hiện gì là tôi bị điên cả. Mọi người xung quanh cũng không thấy tôi bị điên lắm đâu (Cười).

Nghe nói chị còn một số bản thảo đang chờ ra mắt?

Trong tay tôi có hai tiểu thuyết, một hoàn thành một dở dang. Nhưng bản thảo có thể trình làng được và sớm nhất là “Những câu chuyện kỳ lạ của Đỗ Hoàng Diệu”. Nó không hẳn là truyện ngắn, không phải tản văn, nửa ghi chép, nửa hư cấu… là thứ mà tôi nghĩ ra, thứ Đỗ Hoàng Diệu.

Vâng, xin cảm ơn chị!

“Rất nhiều độc giả hỏi tôi trong đầu có những gì mà ý tưởng kỳ quái như thế? Tôi bảo là cuộc sống của tôi rất bình thường, không có biểu hiện gì là tôi bị điên cả. Mọi người xung quanh cũng không thấy tôi bị điên lắm đâu (Cười)” (Đỗ Hoàng Diệu).

“Sau “Bóng đè”, trong quá trình viết và sửa, tôi tự ý thức phải khắc phục những thứ chưa hài lòng ở “Bóng đè” như văn chương câu cú, cách diễn đạt, ý tưởng. Ví dụ mọi người nói trong “Bóng đè” nhiều sex quá, đến “Lưng rồng” tôi đã tiết chế hơn, ít nhất không có động từ mạnh” (Đỗ Hoàng Diệu).

REVIEW ĐẦU TIÊN CỦA HANH TRAN TRÊN TIKI – ĐỖ HOÀNG DIỆU ĐÃ TRỞ LẠI…

 

Trên fb Đỗ Hoàng Diệu cũng ghi nhận ngay khi cuốn sách ra thì review đầu tiên khá gây ấn tượng với chị. Chị viết: “Đây là review đầu tiên về Lưng Rồng, ngay hôm sách bày bán, từ Hanh Tran – một người đọc “khó tính” nhất thế gian: “Đỗ Hoàng Diệu đã trở lại. Sự nghiệp của một nhà văn, theo tôi, nó nằm ở, sự trở lại. Sự trở lại như khi kết thúc một câu, xuống dòng trở lại bên lề để viết tiếp. Người ta viết không thể không xuống dòng. Xuống dòng chỉ là để sang trang. Và Đỗ Hoàng Diệu trong Lưng Rồng đã đến lúc.

Đỗ Hoàng Diệu đã trở lại

Vì người ta có thể thấy cái Bóng vẫn đang Đè lên cái tên của chị, nhưng nếu Lam Vỹ chưa đủ để vượt ra khỏi nó, thì Lưng Rồng đã đủ sức nặng để nâng Đỗ Hoàng Diệu thoát khỏi cái bóng đó. Và đã đến lúc, Đỗ Hoàng Diệu thoát ra khỏi để không còn bị Bóng Đè nữa. Giờ chị đã cưỡi trên Lưng Rồng.

Người đọc vẫn có thể gặp lại những thủ pháp nghệ thuật cũ. Thủ pháp của Đỗ Hoàng Diệu tôi gọi là “đuổi hình bắt bóng”, viết vậy cho có vẻ xuôi tai một chút, vì chị đã làm được điều mà không phải nhà văn nào cũng làm được đó là chơi đùa với cái bóng.

Truyện của Đỗ Hoàng Diệu theo tôi không có hiện thực. Những con chữ in trên trang giấy chỉ là cái bóng của hiện thực được chị đuổi bắt. Sự nghiệp văn chương của Đỗ Hoàng Diệu là đi tìm cái bóng ấy, nó đủ mọi hình thù, kích thước, những cái bóng xám tối của hiện thực in bóng lên trang sách, cho nên, con chữ chỉ là cái bóng “vô thể”, còn thực thể không phải là những gì độc giả đọc được mà là những gì họ nhận ra.

Tôi chưa đọc xong Lưng Rồng nhưng tôi đã thấy Đỗ Hoàng Diệu trở lại, không vượt ra khỏi cái bóng của chính mình, vì cái bóng ấy vẫn luôn theo chị, nhưng nó đã bước gần tới chủ thể. Để bây giờ, độc giả không còn phải hoài nghi nữa. Chị là nhà văn Đỗ Hoàng Diệu.”

Sách vẫn đang bán khắp nơi, đặc biệt trên Tiki giao hàng chỉ trong vòng 2 tiếng (hết trích).