Sau vụ Bibica tố Mondelez Kinh Đô “mượn tay che trời”: doanh nghiệp Việt cần biết bảo vệ thương hiệu của mình

Doanh nghiệp ngành bánh kẹo mỗi năm chỉ trông chờ vào dịp Tết Trung thu và Tết Nguyên đán để bán hàng và tạo doanh thu chủ yếu. Mọi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp ngành nghề này được tập trung vốn và các nguồn lực cho hai mùa bán hàng này.

Do vậy, nhìn lại mùa Trung thu vừa qua, vụ việc Bibica bị đối thủ tố xâm phạm nhãn hiệu ngay mùa tiêu thụ cao điểm là Tết Trung thu được giới kinh doanh đánh giá là “đòn độc” trên thương trường. Qua câu chuyện này, các doanh nghiệp Việt cần chú ý để không bị “chơi”, bảo vệ thương hiệu của mình.

Thời buổi cạnh tranh giữa các doanh nghiệp cùng ngành nghề hiện nay rất khốc liệt, chủ yếu trên lĩnh vực thương hiệu, doanh nghiệp nào xây dựng thương hiệu tốt mới cạnh tranh được. Bởi vì, đến nay các công nghệ sản xuất dạng công nghiệp thì không còn phải là bí mật gì, máy móc thiết bị bán như nhau, công thức sản xuất như nhau, nguyên phụ liệu dễ dàng mua hay nhập khẩu. Sản phẩm cho ra chất lượng hay mẫu mã tương đương nhau khi trình độ công nghệ và sản xuất hai doanh nghiệp cạnh tranh ngang nhau.

Bánh kẹo, kem, bia… cho thấy rõ điều này. Và thương hiệu nào có tiếng nhất thì giá cao ngất ngưởng, doanh nghiệp khác mới khởi nghiệp thì chật vật bán dù giá thấp có khi đến… một nửa.

Bibica là một thương hiệu lớn trên thị trường bánh kẹo nên bị cạnh tranh cao. Nhiều người còn nhớ, vào ngày  26/9, BigC Thăng Long thông báo ngừng bán bánh trung thu Bibica, sau đợt kiểm tra của Đội Quản lý Thị trường (QLTT) số 17. Đội QLTT số 17 cho rằng, sản phẩm bánh trung thu của Bibica có dấu hiệu xâm phạm bản quyền nhãn hiệu của Mondelez Kinh Đô, do chữ “Phúc” trên bánh của Bibica giống với chữ  “Thu” trên bánh của Mondelez Kinh Đô.

Cùng ngày, toàn bộ hệ thống BigC trên toàn quốc đã ngừng bán bánh trung thu của Bibica. Tuy nhiên, trước yêu cầu của phía Bibica thì ngày hôm sau (27/9), hệ thống BigC đã cho bán lại, trừ BigC Thăng Long.

Ông Trương Phú Chiến – Chủ tịch Bibica cho biết, do có đầy đủ các giấy tờ cần thiết (giấy chứng nhận quyền sở hữu trí tuệ, quyền tác giả với thiết kế chữ Phúc và hình liên quan), Đội QLTT đã trả lại hàng hóa cho Bibica. Dù vậy, QLTT không lập biên bản làm việc và từ chối yêu cầu của Bibica về cung cấp đơn tố cáo của Mondelez Kinh Đô.

Chính điều này khiến nhiều người nghĩ rằng, Mondelez Kinh Đô đã mượn tay QLTT “làm khó” Bibica. Cho nên có thể thấy, vụ việc vừa qua của Bibica xác định đúng sai phải dựa vào bằng chứng, việc này Bibica cũng đã làm rồi. Nếu có đủ bằng chứng và thiệt hại, Bibica có thể khởi kiện và đòi bồi thường với đơn vị tố mình và ngay cả cơ quan thực hiện việc kiểm tra.

Trước đây có rất nhiều trường hợp cạnh tranh về thương hiệu, trong đó có nhiều vụ là cố tình chơi xấu. Có thể kể đến các vụ điển hình như vụ Con Cưng bán hàng giả, Cơm tấm Kiều Giang không đảm bảo vệ sinh, nước mắm truyền thống có chứa chất gây ung thư… Dù đã ngã ngũ, kết quả xử lý các vụ này hầu như chưa tới nơi tới chốn, nhất là vụ nước mắm truyền thống.

Như vậy, yếu tố để các doanh nghiệp giữ cho mình không bị chơi xấu là đăng ký bản quyền thương hiệu. Thế nhưng, từ thực tế lại cho thấy hiện nay các quy định về quyền sở hữu trí tuệ dường như chưa chặt chẽ, vẫn có kẽ hở để các doanh nghiệp khi rắp tâm có thể chơi xấu nhau.

Luật sở hữu trí tuệ của Việt Nam hiện nay đang tiệm cận với quy định của nhiều nước phát triển trên thế giới. Từ khi đàm phán tham gia vào các hiệp định thương mại tự do toàn cầu, Việt Nam đã sửa luật này cho gần với thế giới. Vài năm gần đây, hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đã được xem xét ở mức vi phạm hình sự, đó là sự tiến bộ đáng kể.

Các chuyên gia cho rằng, quy định xử lý về sở hữu trí tuệ hiện nay khá đầy đủ, chỉ có điều lực lượng thực thi pháp luật về sở hữu trí tuệ hiện còn rất mỏng. Các cơ quan giám sát và xử lý về lĩnh vực này hiện nay gồm Cục Sở hữu Trí tuệ, các Sở Khoa học và Công nghệ và lực lượng quản lý thị trường. Nhân sự của các cơ quan này hiện nay khá ít, phương tiện để xác minh rõ trắng đen cũng còn rất thiếu. Các đơn vị bị thiệt hại cũng ngại kiện tụng với cơ quan nhà nước, chẳng hạn QLTT.

Do vậy, nếu gặp tình trạng  doanh nghiệp mình bị cạnh tranh không lành mạnh, hay chơi xấu, các doanh nghiệp có thể dựa vào yếu tố gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng để khởi kiện. Do yếu tố này dẫn đến gây thiệt hại về lợi nhuận và uy tín của doanh nghiệp, thế nhưng thực tế thiệt hại về lợi nhuận rất khó chứng minh rõ ràng, doanh nghiệp cũng không muốn kiện đòi thủ rất phiền hà. Họ chủ yếu muốn lấy lại uy tín, đó còn là niềm tin của người tiêu dùng, là thị phần trên thị trường.

Hiện nay, tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ nói chung và thương hiệu nói riêng chủ yếu dựa vào phân xử của Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) và tòa án. Quy trình xử lý tốn rất nhiều thời gian. Do đó, cách xử lý phổ biến trước nay vẫn là đơn vị bị vi phạm gởi thư yêu cầu đơn vị vi phạm ngừng tiếp diễn. Hiệu quả của cách làm này khi được khi không.

Làm sao để doanh nghiệp Việt phải làm gì để bảo vệ thương hiệu của mình hiệu quả, nhất là các doanh nghiệp Việt Nam đang hội nhập sau với thế giới. Về điều này, một luật sư cho biết, trước hết, doanh nghiệp cần ý thức bảo vệ thương hiệu của mình, từ logo, kiểu dáng công nghiệp đến nhãn hiệu cụ thể. Nếu không đăng ký thì doanh nghiệp không có cơ sở đòi quyền lợi, cơ quan nhà nước cũng không xử lý được.

Tại TP.HCM, Sở Khoa học và Công nghệ đang có quỹ hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) về đăng ký nhãn hiệu hàng hóa. Doanh nghiệp có thể được hỗ trợ 50-100% chi phí đăng ký, dù phí này không lớn. Dù vậy, rất ít doanh nghiệp chịu tìm hiểu và biết được thông tin này.

Kế đến, khi bị vi phạm, doanh nghiệp nên nhờ các đơn vị pháp lý hỗ trợ từ đầu. Chẳng hạn như Sở Khoa học và Công nghệ hay đội ngũ luật sư kinh tế. Đi đúng chỗ sẽ giúp doanh nghiệp rút ngắn thời gian xử lý và đạt hiệu quả cao nhất. Để càng lâu, thiệt hại sẽ càng lớn. Ngoài việc phải đăng ký sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp nên có quan hệ với các cơ quan nhà nước trong lĩnh vực thương hiệu. Đồng thời, doanh nghiệp cần liên kết với các tổ chức hỗ trợ mình như các hiệp hội doanh nghiệp, các hội ngành nghề cũng như các CLB doanh nghiệp.

Nhìn chung, khi bị vi phạm thương hiệu, điều doanh nghiệp muốn nhất là lấy lại uy tín với người tiêu dùng. Ngoài trợ lực từ các tổ chức hỗ trợ trên, doanh nghiệp cần phải có mối quan hệ tốt và tranh thủ được sự ủng hộ của các cơ quan truyền thông. Sự ủng hộ của họ không chỉ giúp tăng hiệu quả xử lý mà còn góp phần lan tỏa và nâng cao giá trị thương hiệu của doanh nghiệp đó.

Tất nhiên, một yếu tố quan trọng không kém là chủ doanh nghiệp phải biết đề phòng bị xâm phạm từ chính nội bộ của họ. Đây là chuyện không phải hiếm mà còn phổ biến. Chuyện kể là vài năm trước, chủ một doanh nghiệp sản xuất thanh long đang hoàn thiện quy trình để xuất khẩu sang Nhật, thì bị một quản lý cấp cao sao chép mô hình làm trước. Vì họ chưa đăng ký sở hữu trí tuệ đầy đủ nên chịu thiệt hại rất lớn và cũng không thể kiện được.

Trước tình hình hội nhập như kiện nay, các doanh nghiệp cần xem việc sở hữu trí tuệ là tài sản, vì thực tế đây là tài sản vô hình và là tài sản rất lớn của doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp SME.

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, việc tranh chấp thương hiệu giữa các doanh nghiệp trong nước thời gian qua không giảm mà còn nhiều hơn. Nguyên nhân chính là số doanh nghiệp thành lập mới nhiều hơn. Việc vi phạm xảy ra chủ yếu ở các doanh nghiệp SME, các bên tự thỏa thuận mà không nhờ đến cơ quan thực thi pháp luật.

Trường hợp doanh nghiệp Việt vi phạm thương hiệu các đơn vị nước ngoài cũng có. Hầu hết là tự thương lượng lẫn nhau chứ không tố cáo như vụ Mondelez Kinh Đô tố Bibica. Kết quả các vụ tranh chấp này cũng được yêu cầu không công bố.

Trong cuộc chơi này lưu ý, doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam kinh doanh thường thông qua luật sư tìm hiểu kĩ các quy định và đăng ký đầy đủ các quyền sở hữu, khi doanh nghiệp cố ý xâm phạm thì sẽ bị kiện ngay. Thế nhưng, ngược lại là  doanh nghiệp nước ngoài vi phạm đối với doanh nghiệp trong nước cũng khá nhiều nhưng kết quả phía doanh nghiệp Việt Nam không làm gì được cũng rất lớn.

Chẳng hạn các thương hiệu Mì chay Lá Bồ đề của Công ty Thực phẩm Bình Tây và Kẹo dừa Bến Tre của bà Hai Tỏ bị các doanh nghiệp Mỹ vi phạm. Tại Trung Quốc, các thương hiệu Kềm Nghĩa và Vinamit cũng từng bị làm nhái rất nhiều. Việt tranh chấp và đòi lại quyền sở hữu trí tuệ ở nước ngoài tốn nhiều chi phí, do đó khi bị vi phạm ở nước ngoài thì doanh nghiệp Việt rất khó giành phần thắng.