Bạn đã là người luôn thích sự sáng tạo, thích môi trường luôn đổi mới khiến cho đầu óc bạn luôn phải tư duy để phù hợp với trend, bạn liền vào một công ty truyền thông để làm việc.
Bạn tha hồ có thể đưa ra những sáng kiến mà bạn cho là hay ho, ai cũng phải chú ý lắng nghe. Thế nhưng, làm sao phải bám theo trend, có phải theo trend thì độ viral nhanh hơn, người ta thích hơn và có chạy ads thì cũng rẻ hơn.
Thế nhưng, là nhân viên bạn sẽ phải làm quen về những khái niệm cơ bản của các thuật ngữ thường được sử dụng khi làm việc tại một Agency Marketing nói chung và Performance Media nói riêng, vì sao vậy?
CÁC KHÁI NIỆM CPD, CPM & CPC
– CPD – Cost Per Duration – là hình thức tính chi phí quảng cáo dựa trên thời gian đăng quảng cáo (Ngày/Tuần/Tháng). Hiện nay, hình thức này không còn phổ biến ở các công ty quảng cáo trực tuyến tại nước ngoài, nhưng vẫn còn tồn tại nhiều ở Việt Nam.
– CPM – Cost Per Mile (Thousand Impressions) – Là hình thức tính chi phí dựa trên 1.000 lần hiển thị của quảng cáo.
Ưu điểm: loại quảng cáo này đơn giản, dễ sử dụng và dễ kiếm tiền. Loại quảng cáo này hầu như đều có thể đặt trên mọi loại blog và website.
Nhược điểm: do là một hình thức trả tiền theo số lần hiển thị, vì vậy nếu blog hay website của bạn có ít người xem và số lượng page view không nhiều thì bạn sẽ không thu về số tiền như mong muốn đâu nhé.
– CPC – Cost Per Click – là hình thức tính chi phí quảng cáo dựa trên mỗi nhấp chuột vào quảng cáo. CPC đang là mô hình tính giá phổ biến nhất trong quảng cáo trực tuyến.
Ưu điểm: dễ tham gia. Cho dù là một site mới thành lập hay đã lâu năm, bạn đều có thể tham gia hệ thống quảng cáo này. Khi đó, thu nhập của bạn không còn phụ thuộc vào số lượng người xem nữa, mà nó sẽ phụ thuộc vào số click.
Có thể website của bạn có ít người xem hơn website khác, nhưng bạn biết tối ưu hóa quảng cáo để được người đọc click nhiều hơn thì thu nhập của bạn sẽ cao hơn. Do nó đòi hỏi bạn phải bỏ ra nhiều công sức hơn nên nó cũng giúp bạn kiếm được nhiều tiền hơn.
Nhược điểm: phải có click mới có tiền. Bạn chỉ có thể tối ưu hóa nội dung cũng như quảng cáo, còn bạn kiếm được bao nhiêu tiền thì bạn không thể quyết định được. Người đọc sẽ quyết định bạn kiếm được bao nhiêu tiền.
Ở đây, bạn hoàn toàn bị phụ thuộc vào người đọc, do vậy có thể nói đây là hình thức quảng cáo không mang lại thu nhập ổn định như CPM.
– CPA (Cost Per Action) – đây là loại quảng cáo có yêu cầu cao nhất trong các hình thức, thế nhưng bạn kiếm được nhiều tiền nhất nếu như chạy tốt chiến dịch.
Một CPA được tính khi 1 người dùng click vào quảng cáo (tương tác) và thực hiện một hoặc chuỗi các hành động tiếp theo sau cú click đó. Các hành động này sẽ do nhà quảng cáo quy định. Ví dụ như lượt đăng ký làm thành viên, đăng ký nhận email (CPL – Cost Per Lead), tải và cài đặt ứng dụng (CPI – Cost Per Install), đặt đơn hàng (CPO – Cost Per Order), mua sản phẩm hoặc dịch vụ mà nhà quảng cáo chào bán (CPS – Cost Per Sale).
Ưu điểm: chắc chắn và kiếm được nhiều tiền nhất nếu khách click vào và làm theo yêu cầu, điều mà tất cả các quảng cáo trực tuyến mong muốn.
Nhược điểm: khó thực hiện nhất.
Không phải người đọc nào cũng chấp nhận thực hiện các hành động mà nhà quảng cáo mong muốn, đặt ra. Họ có thể chỉ click vào quảng cáo, đọc các thông tin, nhưng không thực hiện “action” nào cả.
– CLICK THROUGH RATE (CTR) viết tắt của tỷ lệ nhấp chuột trên số lần hiển thị. Đơn giản nó chính là phần trăm khách truy cập nhấp vào quảng cáo trực tuyến.
Trong bất kỳ hình thức quảng cáo trực tuyến nào như Google Adwords, Facebook Ads, thì tỷ lệ này cực kỳ quan trọng, nó thể hiện rằng quảng cáo của bạn có hấp dẫn hay không. CTR càng cao thì giá tiền bạn phải trả càng thấp.
Thường thì mức CTR tốt nếu trung bình đạt từ 2% trở lên. Nếu đạt 1% thì cũng được, nhưng dưới mức 1% thì đó là dấu hiệu cho biết bạn cần đầu tư nhiều hơn cho quảng cáo của mình.
Tuy nhiên cũng tùy tính chất, đặc thù từng ngành, vị trí hiển thị mà mức CTR cũng sẽ khác nhau. Ví dụ như những ngành mạnh về hình ảnh như Du lịch, Thời trang thì CTR thường cao ngất ngưỡng, CTR bảng tin email cũng thường cao hơn thông điệp quảng cáo và thông điệp giao dịch.
Một số ngành đặc thù buộc phải quảng cáo từ độ tuổi 18 trở lên thì CTR thấp, do đây là độ tuổi đã trưởng thành nên họ click vào đọc thông điệp quảng cáo là chính, ít tương tác. Những ngày nhạy cảm lại càng ít hơn vì họ không muốn lộ thân phận của mình, dễ bị đánh giá hình ảnh cá nhân.
– CONVERSION RATE (CR) – Tỷ lệ chuyển đổi. Nếu chỉ chăm chăm vào CTR thôi thì phần lớn phù hợp với các plan Branding, người ta dễ nhận biết độ nhận diện thương hiệu và click vào xem hoặc đọc content để hiểu và có cảm xúc với nhãn hàng. Còn trong kinh doanh thì vẫn chưa đủ, bạn cần một hành động, môt lợi ích cụ thể, tức là sẽ trao đổi và đặt hàng. Nhiều doanh nghiệp đang chú trọng tới chỉ số Conversion Rate này.
CR thể hiện phần trăm khách truy cập vào trang web hoàn thành hành động mà bạn mong muốn. Đó có thể là comment, đơn hàng, điền form thông tin, đăng ký vào một bản tin, cài đặt một ứng dụng hay gọi điện thoại tùy vào mục tiêu chạy quảng cáo của bạn.
CẦN CHỐNG CLICK ẢO
Làm digital marketing, một khái niệm mà bạn cần biết dù không thích nó: FRAUD Click – Click ảo. Vậy Click là gì?
Có khá nhiều tên gọi hiện tượng này, Click Fraud hay Fraud Click. Click ảo, là một kiểu gian lận xuất hiện trong loại hình quảng cáo trực tuyến với phương thức trả tiền theo CPC (click vào quảng cáo). Khi đó, một mã tự động hay một chương trình máy tính mô phỏng một người sử dụng hợp pháp nhấn chuột vào thông tin quảng cáo, với mục đích là tạo phí tổn click mà không có sự quan tâm thực sự đối với thông tin quảng cáo.
Khi chạy quảng cáo gặp 2 loại click ảo thường thấy:
Click do vô ý: Thường bắt nguồn từ trẻ con, người ít sử dụng tin học, họ click do vô ý hoặc click đúp vào quảng cáo (thường được xem là click vô hiệu hay click không hợp lệ).
Click do cố ý: Để kiếm lợi, người kinh doanh đăng quảng cáo (chủ blog, diễn đàn hay trang web nhỏ) có thể bảo nhân viên, thành viên của mình click vào các quảng cáo nhằm kiếm lợi. Một trường hợp khác cũng có thể gặp là đối thủ cạnh tranh click nhiều lần vào quảng cáo của đối thủ mình, nhằm giảm hiệu quả và tăng chi phí quảng cáo cho đối thủ của mình.
Đôi khi có thể chính các nhà cung cấp quảng cáo click vào quảng cáo của khách hàng nhằm tăng doanh thu, điều này dễ xảy ra với các mạng quảng cáo nhỏ lẻ, ít trang web dẫn đến số liệu hạn chế và họ phải tự nhấp để làm ‘đẹp’ số liệu để báo cáo cho khách hàng.
Gian lận quảng cáo trong quảng cáo trực tuyến là một vấn đề lớn và quan trọng để các Advertisers, Publishers và Ad Network phải đối mặt và giải quyết. Để có thể giải quyết tốt vấn đề này đòi hỏi phải có sự hợp tác giữa các bên.
PERFORMANCE MARKETING LÀ GÌ?
Performance marketing (hay còn gọi là affiliate marketing) là chiến thuật quảng cáo online mới mẻ đầy thú vị, giúp các Publisher thu được lợi nhuận qua việc đem về đầu mối kinh doanh (lead).
Trong mô hình này, Publisher sẽ đăng quảng cáo chứa đường link dẫn đến website của Advertiser trên trang web của họ mà không thu phí trước. Khi có người click vào quảng cáo của Advertiser và đăng ký làm thành viên (hoặc để lại thông tin), thì một lead sẽ được hình thành. Lead này sẽ tự động gửi đến Advertiser để theo dõi hoạt động kinh doanh và chuyển đổi trong một cơ sở dữ liệu CRM. Cứ mỗi lead như vậy, Publisher sẽ nhận được hoa hồng theo thỏa thuận trước. Advertiser sẽ chỉ trả chi phí khi thu được hành động họ mong muốn (như mua hàng, đăng ký làm thành viên).
Trong Performance Marketing, Publisher là người kiểm soát việc quảng cáo nào sẽ được đăng, đăng ở đâu và khi nào. Vì vậy, các Advertiser phải cạnh tranh giành sự chú ý của Publisher bằng việc đề xuất hoa hồng hấp dẫn và cung cấp các quảng cáo lôi cuốn người tiêu dùng.
Nói tóm lại, Performance Marketing là một phương pháp hiệu quả giúp Advertiser tối ưu ngân sách marketing cho việc tạo lead, trên một mạng lưới Publisher rộng lớn mà không phải trả phí trước như một chiến dịch truyền thông thông thường. Với Publisher, đây là một nguồn thu lợi nhuận liên tục gia tăng và tương thích với mô hình kinh doanh quảng cáo của họ.
V.M.H tổng hợp