Nhìn lại vụ án Minh Phụng – Epco và việc thi hành án tử hình Tăng Minh Phụng & Phạm Nhật Hồng

Trên báo Người Lao động, bài được lên ngày 12-07-2003 – 00:00, đưa tin: (NLĐ)- Sáng 11-7, tại pháp trường Long Bình, quận 9 -TPHCM, Hội đồng Thi hành án TAND TPHCM do thẩm phán Phạm Doãn Hiếu làm chủ tịch đã thực hiện quyết định thi hành án tử hình đối với hai bị án Tăng Minh Phụng và Phạm Nhật Hồng. Ngay từ 6 giờ sáng, hàng ngàn người dân đã có mặt tại đây để chứng kiến việc thi hành án công khai.

Tại trại giam Chí Hòa, từ 4 giờ sáng, đội hành quyết đã làm các thủ tục như tống đạt quyết định thi hành án tử hình đối với hai bị án nói trên; cho Tăng Minh Phụng và Phạm Nhật Hồng nói lời sau cùng, ăn bữa ăn sau cùng (gồm một đùi gà, một bánh bao, một ly cà phê sữa), cho viết thư gửi về gia đình, giám định dấu vân tay để xác định phù hợp với dấu trong hồ sơ.

Gần 7 giờ sáng, hai bị án Phụng, Hồng được đưa ra pháp trường. Các thủ tục tại đây được tiến hành như tất cả những vụ thi hành khác: Chủ tịch Hội đồng Thi hành án đọc quyết định không kháng nghị bản án của VKSND Tối cao và TAND Tối cao; quyết định bác đơn ân xá của Chủ tịch nước; quyết định của tòa án về việc đưa Tăng Minh Phụng và Phạm Nhật Hồng ra xử bắn; tóm tắt hành vi phạm tội của hai bị án.

Đại diện trại giam Chí Hòa báo cáo việc dẫn giải phạm nhân, Công an quận 9 báo cáo việc bảo vệ pháp trường, 13 người trong đội hành quyết báo cáo việc chuẩn bị thực hiện lệnh bắn… Gần 8 giờ sáng việc thi hành án đã hoàn tất.

Tăng Minh Phụng (tự Bảy Phụng), sinh năm 1957, nguyên giám đốc “tập đoàn” Minh Phụng, tạm trú tại đường Lạc Long Quân, P.5, Q.11, TPHCM và Phạm Nhật Hồng, sinh năm 1943, nguyên phó giám đốc Ngân hàng Công thương chi nhánh TPHCM, tạm trú tại đường Lý Tự Trọng, P.Bến Thành, Q.1, cùng bị tuyên án tử hình về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản XHCN” theo bản án hình sự phúc thẩm số 05/HSPT ngày 12-1-2000 của Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TPHCM.

Đây là hai bị án có liên quan trong vụ án kinh tế với mức độ tham nhũng lớn nhất từ trước đến nay, bị VKSND TPHCM phát hiện và khởi tố ngày 24-3-1997 với 77 bị can.

Theo đó, Phạm Nhật Hồng bắt đầu quen biết với Tăng Minh Phụng từ năm 1994, đã chỉ đạo cho nhân viên ký duyệt cho Phụng 46 hợp đồng vay có giá trị 694 tỉ đồng và 14 hợp đồng bảo lãnh trị giá 226 tỉ đồng. Thủ đoạn được Hồng và Phụng sử dụng là: Tài sản thế chấp trong các hợp đồng này là hàng hóa không có thật hoặc đã bán hết; bất động sản thì được nâng giá trị lên nhiều lần để vay hàng ngàn tỉ đồng của ngân hàng. Tổng giá trị mà Tăng Minh Phụng – Phạm Nhật Hồng – Liên Khui Thìn – Nguyễn Ngọc Bích chiếm đoạt lên đến 3.547,2 tỉ đồng và 25,4 triệu USD.

Sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, Phạm Nhật Hồng và Tăng Minh Phụng đã kháng cáo và làm đơn xin Chủ tịch nước ân xá. Ngày 22-4 –2003, Chủ tịch nước đã có quyết định bác đơn ân xá. Ngày 26-5-2003, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an có công văn đề nghị hoãn thi hành án đối với Phạm Nhật Hồng vì đang có liên quan trong vụ án Châu Ngọc Giao và một vụ đang tạm đình chỉ, chờ ý kiến liên ngành Trung ương.

Tiếp đó, ngày 27-5-2003, Công an TPHCM lại có công văn thông báo ý kiến chỉ đạo của Trung tướng Lê Thế Tiệm, Thứ trưởng Bộ Công an, về việc đề nghị thi hành án đối với hai bị án này vì Bộ Công an đã làm rõ các vấn đề có liên quan đến Phụng, Hồng.

Tăng Minh Phụng (1957 – 2003), là một doanh nhân người Việt gốc Hoa. Ông nguyên là Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc Công ty TNHH Minh Phụng và là Phó Giám đốc Công ty TNHH EPCO. Ông được biết đến nhiều nhất vì vụ án Vụ án EPCO – Minh Phụng với các cáo buộc về các tội lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa, cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng. Ông bị tuyên án tử hình và thi hành án bằng hình thức xử bắn.

Nhà báo Vũ Cao đã có một loạt bài khá dài về vụ án này vào năm 2010, sau khi Liên Khui Thìn – Giám đốc tập đoàn Epco, được ra tù và Vũ Cao đã trực tiếp trò chuyện với Liên Khui Thìn. Liên Khui Thìn cũng bị tuyên án tử hình nhưng sau đó được giảm án.

Nói đến Công ty Epco thì phải nói đến Công ty Minh Phụng. Và nói đến Tăng Minh Phụng thì không thể không nói đến Liên Khui Thìn, bởi lẽ cả hai công ty lẫn cả hai người đứng đầu hai công ty ấy, có sự quan hệ mật thiết về mặt làm ăn, lại có cùng chung một kết cục – và chỉ khác nhau ở chỗ người thì đã chết, người trở lại với đời.

  1. Hạnh phúc đâu phải chỉ là sự có mặt trong những dịp tang ma hiếu hỉ và rồi lúc vào tù, Liên Khui Thìn mới nhận ra điều này. Sau khi bị bắt khoảng 3 tháng, Liên Khui Thìn chủ động đề nghị với cán bộ điều tra, cho mình được viết đơn, gửi tòa án xin… ly dị vợ.

Ông nhớ lại: “Nguyên nhân tôi muốn ly dị là vì tôi đã xác định được tội trạng của tôi. Tôi không muốn vợ tôi phải chờ đợi mỏi mòn và nhất là không vì tôi mà ảnh hưởng đến con đường thăng tiến trong sự nghiệp”. Tuy nhiên, các cán bộ điều tra đã động viên, an ủi Thìn nên ý định này, tạm thời lắng xuống.

Thế nhưng lúc ra tòa, rồi nhận án tử hình, một lần nữa Liên Khui Thìn lại viết đơn ly dị vợ và lần này ông không hỏi ý kiến ai. Suốt một tuần lễ, ông tự đấu tranh với chính bản thân mình, viết rồi lại xé, xé rồi lại viết.

Ông kể: “Lý do chính mà tôi quyết tâm ly dị, vì tôi không muốn vợ tôi mang tiếng là vợ của một tử tù”. Cuối cùng, một buổi sáng, Liên Khui Thìn xin gặp cán bộ quản giáo khu buồng giam, đưa đơn. Đến trưa, Ban Giám thị xuống gặp ông, hỏi ông nghĩ kỹ chưa? Ông gật đầu và trong thâm tâm, từ lúc ấy ông tự coi mình là người… không vợ!

Chuyện Liên Khui Thìn từ buồng giam án tử hình gửi đơn xin ly dị vợ chẳng mấy chốc đã tạo ra nhiều bàn tán. Có người cho rằng việc ly dị chỉ là động tác giả, nhằm tẩu tán tài sản, có người lại quả quyết phía chủ động ly dị là vợ ông Liên Khui Thìn vì bà không chịu được những lời đàm tiếu.

Tẩu tán tài sản thì chắc là không bởi lẽ như chúng tôi đã kể, trong suốt quá trình điều tra, và tại hai phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm, chẳng có chứng cứ nào chứng tỏ Liên Khui Thìn có của chìm, của nổi. Thêm nữa, khi vụ án Minh Phụng – Epco nổ ra, đã có hàng trăm bài báo viết về Tăng Minh Phụng, Liên Khui Thìn, nhưng không hề có một bài nào nói rằng Tăng Minh Phụng, Liên Khui Thìn là những người lấy tiền ăn chơi trác tráng như những “giám đốc” đã phải vào nhà đá trước đó.

Cũng cần phải nói thêm là trước đây, một vài nhà báo có “quan hệ tốt” với Liên Khui Thìn, Tăng Minh Phụng thì sau khi cả hai bị bắt, đã viết bài “đánh” không tiếc tay, cốt để chứng minh rằng mình không hề có “quan hệ” gì với Tăng Minh Phụng, với Liên Khui Thìn. Riêng hai người vợ của ông, nhiều năm khi ông đã vào tù, vẫn sống một cuộc sống bình thường, chứ không xênh xang ngựa, xe, biệt thự, như một số những cô “chân dài”, vợ hờ hoặc nhân tình nhân ngãi của một số đại gia.

Liên Khui Thìn nói: “Sau phiên tòa phúc thẩm, và khi tòa vẫn y án tử hình, tôi thấy tôi đã làm đúng khi “trả lại tự do” cho vợ tôi. Mặc dù buồn, nhưng tôi không ân hận hoặc áy náy bởi lẽ khi đó, mạng sống tôi chỉ còn tính từng ngày”.

Liên Khui Thìn ngừng nói, nét mặt ông như chìm vào một cõi xa xăm nào đó. Tôn trọng nỗi niềm riêng tư của ông, tôi cũng im lặng. Lát sau, khi ông kể tiếp, tôi mới biết lúc đó ông nghĩ về căn buồng giam dành cho phạm nhân mang án tử hình. Căn buồng rộng 3m, dài 4m, nơi mà ông đã sống, đã ăn, đã ngủ, đã nghĩ về cuộc đời mình trong ngót nghét 1.500 ngày…

  1. Nói đến Công ty Epco thì phải nói đến Công ty Minh Phụng. Và nói đến Tăng Minh Phụng thì không thể không nói đến Liên Khui Thìn, bởi lẽ cả hai công ty lẫn cả hai người đứng đầu hai công ty ấy, có sự quan hệ mật thiết về mặt làm ăn, lại có cùng chung một kết cục – và chỉ khác nhau ở chỗ người thì đã chết, người trở lại với đời.

Lần đầu tiên, Liên Khui Thìn gặp Tăng Minh Phụng là khoảng đầu năm 1995, tại trụ sở Công ty Epco. Lúc ấy, Minh Phụng đang cần gấp một số ngoại tệ để thanh toán cho nước ngoài, trong lúc Epco xuất, nhập khẩu trực tiếp nên thường xuyên có lượng ngoại tệ lớn. Thìn kể: “Trước đó, nhân viên Công ty Epco và Công ty Minh Phụng đã có quan hệ giao dịch, mua bán đồng đôla Mỹ, nên khi nghe bộ phận thường trực báo có anh Minh Phụng đến, tôi mời lên ngay”.

Ấn tượng đầu tiên của Liên Khui Thìn với Tăng Minh Phụng, là: “Một người có  khuôn mặt phúc hậu, dễ mến, nói năng nhỏ nhẹ nhưng lưu loát, ăn mặc rất giản dị dù đang làm chủ một công ty may với gần 10 nghìn công nhân…”.

Thời điểm ấy, sản phẩm của Công ty may Minh Phụng hầu như làm chủ thị trường Đông Âu, Liên Xô (cũ) và những ai ở các quốc gia đó, mà được Công ty Minh Phụng chọn làm đại lý, đều thắng lớn.

Thìn kể tiếp: “Vừa ngồi xuống ghế, anh Minh Phụng đã xin phép tôi để anh vừa… ăn sáng, vừa bàn công việc”. Nói dứt lời, Minh Phụng móc trong chiếc túi nhỏ cầm tay ra một ổ bánh mỳ thịt. Không thể tưởng tượng một “đại gia” tầm cỡ như Minh Phụng, mà lại ăn uống đạm bạc đến thế!

Chưa hết, vẫn theo lời kể của Liên Khui Thìn, thì: “Có lần, tôi sang Công ty Minh Phụng. Hai anh em say sưa bàn bạc, thảo luận mãi, khi nhìn đồng hồ thì đã gần 1 giờ chiều. Anh Phụng hỏi tôi ăn trưa không. Thấy tôi gật đầu, Minh Phụng gọi một nhân viên, nhờ xuống dưới nhà, mua lên 2 dĩa… bánh cuốn!”.

Cùng đi ra Vũng Tàu coi đất, dọc đường Tăng Minh Phụng bảo tài xế ghé vào một quán bún bò bên lề đường, rồi cả Phụng lẫn Thìn và tài xế, mỗi người một tô và một ly trà đá. Cách hành xử này hoàn toàn không phải là lập dị, cũng không cố tình “diễn tuồng” để đánh bóng cá nhân, mà nó là bản chất của những người ngay từ lúc hàn vi, đã phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt mới kiếm được đồng tiền.

Dần dà, Tăng Minh Phụng và Liên Khui Thìn thân nhau. Trong các buổi tiệc tùng, theo lời Liên Khui Thìn thì chưa bao giờ ông nhìn thấy Tăng Minh Phụng say sưa bia rượu – hay nói chính xác hơn là vì lịch sự, Tăng Minh Phụng chỉ nâng lên – rồi để xuống. Cà phê, thuốc lá cũng thế, còn quan hệ… gái gú thì cả Thìn lẫn Phụng, đều như những ông “thầy tu”.

Chả thế, mà hồi diễn ra phiên tòa sơ thẩm, giữa giờ nghỉ giải lao, tôi hỏi chị Thương – vợ Tăng Minh Phụng, rằng: “Suốt thời gian sống chung với chị, ổng có bồ bịch trai gái gì không?”. Chị Thương lắc đầu: “Làm gì! Niềm vui duy nhất của anh ấy chỉ là con cái. Công ty có cả nghìn công nhân, trong đó nhiều cô rất xinh nhưng ảnh chẳng hề có điều tiếng. Đi ra ngoài cũng vậy, chưa ai rủ ảnh vào được quán bia ôm”.

Liên Khui Thìn kể: “Tôi thì thỉnh thoảng cũng uống được một ly bia hoặc một ly rượu chát, còn anh Phụng tuyệt đối không”. Tôi hỏi: “Có khi nào anh và anh Phụng đi chơi riêng với nhau không?”. Liên Khui Thìn trả lời: “Có chứ. Hai anh em thường chọn một quán vắng, gọi vài món thức ăn bình thường với hai chai nước suối. Những lần đó, ngoài việc bàn bạc về các hợp đồng đã ký và sẽ ký, hoặc mua bán, xuất nhập khẩu, trao đổi hàng hóa, tôi và anh Phụng còn trao đổi về tình hình kinh tế thế giới, bổ sung cho nhau những kinh nghiệm làm ăn”.

Và một trong những kinh nghiệm làm ăn, là cả Minh Phụng lẫn Liên Khui Thìn bắt đầu cho ra đời thêm nhiều những “công ty con” mà theo lời Liên Khui Thìn, thì “để chia sẻ rủi ro và để tăng hạn mức tín dụng”.

Chia sẻ rủi ro thì dễ nhìn thấy: Nếu công ty con này chuyên kinh doanh phân bón, mà lỗ – nhưng công ty con kia mua bán sắt thép xây dựng – lại lời, thì khoản lỗ sẽ được bên này bù đắp cho bên kia để không công ty con nào phá sản hay chết yểu.

Riêng chuyện tăng hạn mức tín dụng lại có nguồn cơn của nó: Năm 1996, khu vực châu Á bước vào cuộc suy thoái kinh tế. Không thoát ra khỏi quỹ đạo chung, cả Công ty Epco lẫn Công ty Minh Phụng đều gặp khó khăn về xuất, nhập khẩu mà nguyên nhân chính là nếu trước đó, các đối tác nước ngoài khi bán hàng cho Liên Khui Thìn, Tăng Minh Phụng, đều đồng ý thời hạn trả chậm là 1 năm – thậm chí có những lô hàng họ cho trả chậm trong 2 năm, thì từ năm 1996 trở đi, hạn trả nợ cho mỗi lô hàng nhập khẩu chỉ còn 3 tháng hoặc 6 tháng, dẫn đến việc Minh Phụng, Epco trước xuất, nhập vài triệu USD/tháng, thì nay chỉ còn là vài trăm nghìn USD.

Chưa hết, cũng thời điểm đó, các ngân hàng vì sợ rủi ro nên đã ra chủ trương, ấn định lại hạn mức cho vay không quá 10% trên tổng vốn của doanh nghiệp. Cả hai yếu tố ấy tác động rất mạnh đến Tăng Minh Phụng và Liên Khui Thìn.

Thìn kể: “Sau khi tính toán, tôi và anh Phụng tìm ra một giải pháp: Đó là thành lập thêm nhiều công ty vệ tinh” (mà sau này ra tòa, nó được gọi là “công ty con”). Thí dụ trước kia, ký kết hợp đồng nhập khẩu một lô hàng, ngân hàng cho vay 1 triệu USD thì bây giờ, chỉ còn là 200 nghìn. Nhưng nếu có nhiều “công ty con”, và mỗi công ty chỉ cần 1 hợp đồng nhập khẩu, thì cả Minh Phụng lẫn Epco đều có thể có được 1 triệu USD.

Tuy nhiên, “chơi dao có ngày đứt tay”, để có được nhiều triệu USD, dần dà cả Tăng Minh Phụng lẫn Liên Khui Thìn đều sử dụng hình thức mua bán lòng vòng, lập hợp đồng mua bán khống, cùng một lô hàng nhưng các “công ty con” mua đi bán lại với nhau. Và bởi vì được một số cán bộ ngân hàng VCB, ICB tiếp tay, nên cứ mỗi hợp đồng mua bán, Công ty Epco, Công ty Minh Phụng lại rút ra được một khoản tiền mà sau này, trước tòa sơ thẩm lẫn phúc thẩm, Hội đồng xét xử đã chứng minh, làm rõ.

Một yếu tố nữa không thể không kể đến: Đó là do ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế, nên giá hàng hóa xuống rất nhanh. Liên Khui Thìn nhớ lại: “Có những lô phân bón, lúc mua là 100USD/tấn chẳng hạn, nhưng khi tàu chở phân còn đang lênh đênh trên biển, chưa cập cảng thì giá thế giới đã xuống 90USD/tấn. Vậy là khi có hàng, tôi buộc lòng phải bán với giá 95USD – dưới giá nhập, để cắt lỗ”.

Hợp đồng này nối tiếp hợp đồng kia, khoản lỗ này nối đuôi khoản lỗ nọ, dẫn đến hơn 1.000 tỉ đồng Epco mất khả năng chi trả trong lúc đất đai, nhà cửa do Epco, Minh Phụng đầu tư thì không bán được do thị trường nhà đất cũng đóng băng. Liên Khui Thìn nói tiếp: “Lúc ấy, tôi đã lờ mờ hình dung ra kết cục, nhưng tôi tin rằng cuộc khủng hoảng kinh tế sẽ sớm kết thúc, và nhà đất lại tiếp tục sôi động…”.

Nhưng ai học được chữ ngờ…

  1. Liên Khui Thìn không học được chữ ngờ, mà cả Tăng Minh Phụng cũng thế. Cho đến nay, vụ án Minh Phụng – Epco vẫn giữ khá nhiều kỷ lục và một trong những kỷ lục này, là giá trị tài sản phải thi hành án.

Theo đó, các bị cáo và các doanh nghiệp thuộc 2 công ty Epco và Minh Phụng phải bồi thường và trả các khoản nợ cho 6 ngân hàng, gồm Ngân hàng Công thương Việt Nam (Incombank), Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Thương mại cổ phần xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), Sài Gòn Công thương Ngân hàng, Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Nam, Ngân hàng Thương mại cổ phần Gia Định, với tổng số tiền gần 6.000 tỉ đồng và 32,6 triệu USD.

Trước ngày Tăng Minh Phụng, Liên Khui Thìn bị bắt, Công ty Minh Phụng có 15 phân xưởng sản xuất gồm 10 phân xưởng may, 1 phân xưởng đồ nhựa gia dụng, 1 phân xưởng dệt, 1 phân xưởng bao bì, 1 phân xưởng thiết kế ngành may và 1 phân xưởng thiết kế mẫu mã đồ nhựa với nhân lực gần 10 nghìn người.

Hồi ấy, phần lớn hàng may mặc được Công ty Minh Phụng xuất sang Liên Xô (cũ) và các nước Đông Âu – và đó cũng là điều mà những năm đầu chuyển từ kinh tế bao cấp sang kinh tế thị trường, mới chỉ có doanh nghiệp tư nhân Minh Phụng, làm được.

Nhà báo: Vũ Cao

https://plo.vn/plo/loi-ke-cua-mot-tu-tu-tang-minh-phung-va-lieu-khui-thin-347945.html