Nghiệt ngã nghề Agency được bật mí qua cái chết vì kiệt sức của một nhân viên dựng phim

Với nghề có vẻ bóng bẩy và hào quang này, nhiều người yêu thích vì có thể được sống trong một không gian sáng tạo và được làm điều mình yêu thích. Chúng tôi, những nhân viên của Bảo Nam Media cũng vậy, có những lúc quên mình, đau ốm ho sù sụ mà việc đang làm cũng không thể bỏ qua, nó là công việc của tập thể.

Chưa kể, để chăm sóc Fanpage của các khách hàng thì còn phải thường xuyên thức khuya vào canh để không cho đối thủ comment quấy phá…

Thế mà hôm qua, đọc trên nick của bạn Kim Nguyen, một người đang làm truyền thông, biểu thị sự tức giận trước một stt của giám đốc một Agency lớn nhân việc một nhân viên của công ty vì deadline mà làm đến kiệt sức và chết. Người giám đốc này viết với giọng khá lành lạnh, giải thích đó là yêu cầu của nghề, vì tiền, khó làm khác được.

Khi chúng tôi vào, stt này đả có vài ngàn tương tác và comment thì quá nhiều, trong đó nhiều người vào mắng mỏ chì chiết, đến nay chủ nhân của stt đã phải hạ xuống.

Thế những những già an hem trong nghề phản ứng thì phải nói rằng cần có những suy nghĩ, hành động để chống việc bóc lột sức sáng tạo, bóc lột sức lao động trong nghề.

Kim Nguyen viết: “Kinh khủng”

Chuyện là có một bạn nhân viên dựng phim đột tử vì làm quá sức.

Thế nhưng khi đọc stt từ sếp bạn ấy thật sự ứa gan.

Đúng kiểu sếp muốn nhân viên làm việc chuyên nghiệp như Tây còn tư tưởng của sếp thì như… Tàu.

Sếp cứ cố nhận job, bắt nhân viên tăng ca, ép dồn deadline mà bất chấp sức khỏe của nhân viên.

Rồi khi xảy ra chuyện buồn, sếp chốt một câu rất vô trách nhiệm, tất cả lỗi thuộc về sự khó tính của đối tác. Sếp vô tội.

Team leader là gì, chính là người phải biết bảo vệ thành viên trong team của mình.

Team leader phải biết cân đo đong đếm năng lực của team để phân phối công việc cho phù hợp, đưa 1 deadline hợp lý. Và team leader bản lĩnh là biết từ chối với những điều phi lý từ boss hay đối tác mà có sự thỏa thuận lại cho hợp lý với team.

Để nhân viên dưới mình làm việc đến chết mà còn có thể viết stt nên cao tinh thần yêu nghề chiến đấu cống hiến các kiểu. Thật giả tạo và nước mắt cá sấu…. Giận điên người.

Mình đã từng tâm niệm trong lòng, trong đời cần nên chọn 3 việc đúng:

– chọn nghề nghiệp đúng

– chọn chồng/vợ đúng

– chọn thầy/sếp đúng

Rất tiếc cho bạn ấy đã có một người sếp quá tệ…”

Còn Khải Đơn, một người là truyền thông nổi tiếng và cũng là một hot Fbker viết: “Chết vì làm việc chắc vinh quang lắm?”

Tối qua tôi đọc được một đoạn viết của một bạn sếp, viết về người dưới quyền bạn qua đời vì làm việc quá sức trong một dự án kéo dài liên tục không nghỉ. Những cụm từ như “vào sinh ra tử”, “nghề”, “nghiệp” liên tục được dùng đến – để thấy cái chết có phần… có lý.

Đầu tiên, nghề làm agency không phải nghề đi lính. Ngay cả với nghề làm lính chiến trường – khi người lính tử nạn, người sếp có lương tâm cũng biết đó là điều nhục cho mình. Vì quyết định của mình mà lính thiệt mạng. Nhưng chiến trường thì khác agency. Ông sếp không “bao thầu” được cái chết ở chiến trường. Đạn bom cũng chẳng chừa thằng con nào tính đếm.

Nhưng nghề agency không có bom đạn, không có chất độc hóa học, cũng chẳng có đấu súng bất tử giữa núi rừng. Về cơ bản, đó là một nghề nghiệp bình thường – thậm chí có phần ít nguy cơ chết người hơn như các nghề khoan, hàn, xây dựng…

Nhưng bạn bè tôi, những ai đã làm agency đủ lâu, đều coi đó như một cái nghề bề ngoài thì đầy cảm hứng, sáng tạo, long lanh, bên trong thì ức chế ngập tràn (ức chế đó thể hiện rõ trong những Fanpage chửi sếp, chửi account, chửi khách hàng, chửi kế toán) đầy trên Facebook. Công việc đó thật kỳ lạ, sau tất cả những thảo luận, gật đầu, luôn luôn là sự đổi ý, vì này, vì kia, deadline thay đổi. Cả bộ máy chạy cuồng lên như điên loạn theo những quyết định kỳ quái của account, khách hàng, của sếp bên khách hàng.

“Em ơi, sếp chị ghét idea này lắm, đổi đi em.”, “Em ơi, số 1 trong visual sao to quá, chị thấy không ưng mắt”, “em ơi, em viết sao cho vừa giống thanh niên trẻ chịu chơi vừa có học thức như dân văn phòng giúp chị nha.”, “em ơi, giờ mình đổi visual, tối nay em gửi gấp dùm chị được không?” … Những đối thoại thường thường vậy bạn bè tôi có thể kể ra hàng ngàn cái mỗi tuần, mỗi tháng. Nó cứ thế đẩy công việc lên tận cùng của vội vã, căng thẳng, hằn học. Từ công việc, cuối cùng mọi bên nhìn nhau như thể chỉ muốn cưỡi lên cổ nhau ngồi – dù bên ngoài vẫn đàng hoàng tử tế hợp tác vì dự án chung.

Những người mới vô nghề thường chịu làm tới 12 giờ đêm, xong 4 giờ sáng bật dậy họp (vì sếp ngồi nước khác muốn họp cùng cả team). Hay cả team đang đi du lịch thì… chui vô quán Starbucks ngồi làm cho xong bài nộp khách hàng – dẹp luôn kỳ nghỉ. Người mới vô nghề agency nghe vậy thấy nghề sang lắm, ngầu lắm, sáng tạo dữ lắm, điều khiển xu hướng xã hội, làm đẹp làm giàu tinh thần cho cuộc sống.

Nhưng có một thứ mà có vẻ rất nhiều văn phòng lờ đi: đó là overtime và sức khỏe của nhân viên. Tôi còn nhớ mấy má shark tank còn mạnh mồm lên mạng nói người trẻ đi làm mà muốn về đúng giờ là không cầu thị, không tuyển!!!!

Khái niệm “quyền của người lao động” cũng xa lạ với nhiều agency. Nhân viên không bao giờ đặt câu hỏi nếu họ phải làm overtime (có khi overtime này lên đến 4-5 tiếng/ngày và xảy ra khoảng 3 -4 lần/tuần trong thời gian dự án). Các bạn làm agency luôn coi việc bật điện thoại 24/24 là nghĩa vụ (và đứa nào muốn sau giờ làm việc tắt điện thoại thì đứa đó đáng bị dị nghị hoặc khó chịu).

Những trao đổi công việc dẫn tới thay đổi vào giờ chót hay thay đổi quan trọng thường được quyết định chóng vánh: sếp muốn – và cả đám cắm đầu làm lại từ đầu – không giải thích gì thêm, cũng không tính toán gì đến workload của cả đội làm việc.

Nếu bạn còn trẻ, đây là lúc để bạn xác định rõ mình đi làm (chứ không phải đi chết). Mình làm nhân viên, chứ không phải xách súng đi diệt khủng bố. Mình là người lao động, chứ không phải osin hầu hạ chủ nhân 24/24. Ngoài giờ làm việc (phần được trả tiền), có thể bạn còn có dự án riêng, có việc chăm sóc gia đình, có ấp ủ học môn thể thao nào đó, có hẹn hò với cô gái mình yêu. Ngoài công việc, bạn còn có cả cuộc đời.

Cuộc đời không thể mua được bằng cách trả lương cho bạn 8 triệu, 10 triệu, 25 triệu, 30 triệu… và nâng quan điểm giờ làm việc thành đạo đức, phẩm giá, tư cách và nhất là sinh mạng.

Nghề agency hấp dẫn vì nó sáng tạo ra những sản phẩm mới mẻ, đẹp và làm cuộc sống thêm giá trị. Bạn sẽ trở thành một trong những người tạo ra sản phẩm ca ngợi cuộc sống, sản phẩm, tiêu dùng. Vậy cuộc sống còn giá trị gì nếu bạn chết trên bàn làm việc vì nó? Vậy sản phẩm là cái quái gì mà bạn phải hi sinh giờ đưa người thân đi khám bệnh, hi sinh giờ ăn tối cùng con nhỏ, hi sinh toàn bộ cuộc sống cá nhân tới 12 giờ đêm, 2 giờ sáng để mang tiếng làm agency ngầu lắm?

Bạn nghĩ thử coi, nghề nghiệp của mình đẹp và đáng trân trọng vậy, làm sao để môi trường làm việc đó lành mạnh và coi trọng sức khỏe, tinh thần từng cá thể sáng tạo hơn – hay là cứ mạnh mồm với “vào sinh ra tử” nghe cho … sang, cho ngầu???”

Minh Dự viết: Làm việc để sống chứ không phải sống để làm việc.

Mà sống thì phải KHỎE và VUI.

Mình tự rút ra chân lý đó cho chính bản thân sau khoảng 5 năm ăn nằm với môi trường làm việc kiểu agency và các công ty truyền thông.

Khi mình quyết định bước chân ra khỏi môi trường đó, những người quen biết đều thấy bất ngờ. Những thứ lấp lánh mà mình cho mọi người thấy khiến ai cũng nghĩ rằng đây là một công việc tuyệt vời và thực sự phù hợp với mình.

Nhưng chỉ bản thân mình mới thấy mình không ổn.

Đó là triền miên những tháng ngày đi làm không có cuối tuần, không có ngày nghỉ lễ, tết đúng nghĩa. Là liên tiếp những ngày làm việc từ 9h đến 1-2h sáng, ăn không đúng bữa thậm chí quên luôn cả ăn.

Đó là những hôm nước mắt mình chảy dài không ngưng lại được khi ngồi trước monitor, không phải vì xúc động trước những cảnh quay, không phải vì yếu đuối hay tủi thân mà do mắt quá mỏi sau hơn 15 tiếng phải làm việc liên tục.

Đó là những đêm ngủ không ngon giấc và mơ thấy chi tiết từng hạng mục công việc y như thật. Hồi soạn bộ câu hỏi cho mấy gameshow Q&A, mình đã soạn câu hỏi ngay cả khi đang ngủ. Khi đó, đầu óc mình chưa lúc nào thực sự được nghỉ ngơi. Suy nghĩ chuyện này chưa xong đã phải nghĩ đến chuyện khác.

Đó là những lần mình trở nên cáu gắt vô cớ với người thân, khó khăn với bạn bè. Mình trở nên xấu tính kinh khủng khiếp và giống như một người đa nhân cách.

Cho đến khi sức khỏe của mình lên tiếng, tinh thần của mình lên tiếng thì mình biết rằng mình là một đứa rất kém cỏi, khả năng chịu đựng kém, thể trạng cũng kém luôn. Và mình từ bỏ luôn.

Giờ mình khỏe hơn hồi đó và tính tình cũng đáng yêu hơn.

Trên kênh 14 đã đưa tin: “Một dựng phim trẻ đột tử vì làm việc quá sức, ai nấy giật mình thảng thốt: Giá mà biết tự nói với nhau “Hãy chăm sóc bản thân nhé, về sớm đi, ngủ chút đi”

Câu chuyện đau lòng về D., một BTV dựng phim trẻ của một agency lớn đột tử vì làm việc quá sức, đã khiến rất nhiều người giật mình thảng thốt.

Con gái đạo diễn Đỗ Đức Thành những ngày cuối đời: “Anna thấy có lỗi vì sợ bố mẹ dồn hết tiền chữa bệnh, sẽ không còn tiền nuôi 2 em”

Góc nhìn từ một người từng nằm giữa tâm bão cyber bully: “Đừng chết vì thụ động ăn những gì độc hại người khác đưa!”

“Cô ta là một kẻ điên sao?”: Từ những bình luận chỉ mất 5 giây để gõ cho đến làn sóng ghét bỏ vô cớ gián tiếp giết chết Sulli

Người ta thường bảo: Làm việc trong agency, giới sáng tạo vui lắm. Thời gian thì linh hoạt mà còn được thoả sức thể hiện ý tưởng. Ừa thì cái họ gọi “linh hoạt”: Đó là vào nửa đêm, lúc nhà nhà đi ngủ thì bạn hì hục trên cái laptop gõ từng cái brief, trả lời 1001 cái mail. Rồi cái gọi “thể hiện ý tưởng”: Đó là “Client không thích cái này, em sửa giúp chị tí thôi nha”.

Đồng ý rằng đã làm việc, đã được trả lương thì bạn phải có trách nhiệm và không nên càm ràm. Nhưng cái mà những người đang làm nghề sáng tạo gánh trên vai, thực sự còn hơn những gì ta có thể tưởng tượng.

Và chỉ mới một ngày trước thôi, một film editor (người biên tập – dựng phim) tên Q.D qua đời ở độ tuổi 31. Cả giới agency, sản xuất và những người làm ngành sáng tạo thương tiếc chia buồn, cảm thấy hụt hẫng vô cùng. Có lẽ phần nào họ cảm nhận được chính bản thân mình trong hoàn cảnh đấy. Khi mà những đêm “on set” kéo dài 40 tiếng, khi mà cả việc ngủ thôi cũng thấy tội lỗi vì sợ chậm trễ deadline.

Một dựng phim trẻ đột tử vì làm việc quá sức, ai nấy giật mình thảng thốt: Giá mà biết tự nói với nhau “Hãy chăm sóc bản thân nhé, về sớm đi, ngủ chút đi” – Ảnh 1.

Dưới đây là bài viết được người bạn của D. – đạo diễn Đào Đức Thành chia sẻ trên trang cá nhân:

Tạm biệt em.

Với dân làm film, mọi người hay “đùa” – một cách có cơ sở – với nhau là “chắc 40 tuổi em chết”. Bởi một sự thật là khi làm nghề này, nhất là trong lúc chạy dự án, chạy deadline cho khách hàng, chuyện thức trắng 1-2 đêm, ngủ bờ ngủ bụi 1 tiếng đồng hồ ở chỗ nào đó, thức dậy uống thật nhiều cafe, nước tăng lực để tim đập thật nhanh, rồi đốt thuốc liên tục cho tỉnh táo để còn làm tiếp là chuyện quá bình thường…

Bản thân chính mình cũng đã trải qua những lần đi quay film mấy chục tiếng không ngủ, đôi lúc cảm giác muốn ngất đi trên set, nên trưa hôm nay nghe tin shock ấy, mình không ngạc nhiên. Chỉ quá buồn vì nó đến với một người gần gũi với mình.

D. là một anh chàng dựng film đã làm việc với mình qua hàng chục dự án, trong suốt hơn 2 năm qua. Có thể nói với T. (Tên công ty – PV), Dũng như một nhân viên cứng, vì hầu hết clip mình làm đều do Dũng dựng, hoặc không thì giúp mình chỉnh sửa lại bản final.

Vì làm full time ở một công ty ban ngày, nên D. thường qua dựng clip với mình vào ban đêm. Có những hôm 2 anh em ăn tối với nhau rồi ngồi dựng đến 3-4 h sáng mới xong việc. Điều mình quý ở D. và làm việc với em qua hầu hết dự án vì đây là một chàng trai rất chăm chỉ, hiền lành và tận tuỵ với công việc. Có thể nói, so với nhiều dựng film ngoài kia, D. không phải là người giỏi nhất, dựng hay nhất, nhưng chắc chắn là người có trách nhiệm và yêu công việc của mình.

Nhưng có lẽ, chính sự tận tuỵ ấy trong suốt một thời gian dài đã lấy đi sức khoẻ của chàng trai vừa mới 31 tuổi. Đôi khi Dũng nhắn tin cho mình lúc 10h sáng là em về đi ngủ chút đã, hơn 1 ngày chưa ngủ rồi. Công việc làm film đòi hỏi sự tập trung kinh khủng, và làm việc suốt hàng chục tiếng đồng hồ như anh em vẫn nói với nhau là “bào” bản thân quá…

Lần cuối gặp D. khi 2 anh em làm job 1 tháng trước đây, thấy D. có khoe bạn gái ở quê, nghe đâu sắp lấy vợ. Hai đứa cứ như đôi chim câu một lát lại gọi facetime cho nhau. Cô gái kia thì còn bật màn hình để nhìn nhau lúc làm việc. Vậy mà mọi thứ xảy ra thật bất ngờ, và còn quá nhiều điều dang dở.

Đôi khi chúng ta chỉ ước là có thể quay lại thời gian 1-2 ngày trước, để nói với nhau rằng “Em chăm sóc lấy bản thân nhé, đừng vì công việc mà quá sức. Về sớm đi, ngủ chút đi!” và như vậy câu chuyện buồn hôm nay đã không xảy ra.

Tạm biệt em nhé D. Mong rằng em sẽ hạnh phúc ở một đời sống mới và biết rằng đã có rất nhiều người đã yêu quý em ở đời sống này.

Lời chia sẻ đạo diễn Đào Đức Thành khiến người đọc vừa xúc động vừa nghèn nghẹn và đâu đó cũng thoáng giật mình. Sống trong guồng quay chật chội deadline, các yêu cầu của cấp trên, tính chất công viêc, nỗ lực muốn đạt được thành công, kiếm tiền thật nhanh – ai mà chẳng từng bỏ quên sức khoẻ của mình. Chúng ta luôn nghĩ: Thôi nốt hôm nay, mai sẽ…

Nhưng nếu ngày mai không bao giờ đến thì sao?

Thì sẽ như câu chuyện của D., của rất nhiều người trẻ qua đời vì làm việc quá sức: Đầy tiếc nuối!

Khi mệt hãy nghỉ. Khi quá sức, hãy yêu cầu được dừng lại để lấy đà làm tiếp. Nếu chúng ta không lên tiếng cho quyền lợi của mình, không ai  đủ tinh ý để nhận ra đâu, bởi ai cũng có những vấn đề và áp lực của họ.

Và tin chắc rằng, sẽ không một ai (sếp, nhà sản xuất, khách hàng…) có thế tàn nhẫn tới mức từ chối lời đề nghị được nghỉ ngơi 1 của bạn theo cách chân thành, hợp lý và đúng lúc cả, chỉ có chính chúng ta mới hay đối xử với sức khoẻ của mình theo cách phũ phàng như vậy.