Ngành nhựa Việt Nam trong tương lai

Sáng ngày 25/10, Hiệp hội Nhựa Việt Nam đã tổ chức Đại hội nhiệm kỳ VII để bầu ra Ban chấp hành (BCH) cũng như tổng kết hoạt động trong nhiệm kỳ VI vừa qua đồng thời đưa ra phương hướng hoạt động trong thời gian sắp tới.

Tham dự đại hội có sự hiện diện của BCH Hiệp hội Nhựa Việt Nam, đại biểu, các doanh nghiệp thuộc ngành là các hội viên và toàn thể khách mời…

Tình hình ngành nhựa Việt Nam hiện nay

Ngoài nhu cầu tiêu thụ trong nước, các phẩm của ngành nhựa Việt Nam hiện đang có mặt tại hơn 160 quốc gia trên thế giới với kim ngạch xuất khẩu sản phẩm Nhựa năm 2022 ước đạt 5,5 tỷ USD, tăng trưởng 11,4% so với năm 2021 và chiếm 1,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam năm 2022. Quy mô ngành nhựa năm 2022 ước tính đạt trên 25  tỷ USD, trong đó chiếm tỷ trọng lớn nhất là hai mảng nhựa bao bì và mảng nhựa xây dựng.

Theo số liệu của tổng cục thống kê, ngành nhựa hiện tại có khoảng hơn 4,000 doanh nghiệp đang hoạt động, phần lớn là các doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm đến 90% với hơn 250,000 lao động. Lượng tiêu thụ chất dẻo trên đầu người khoảng 62kg/người.

Giai đoạn từ 1990 đến 2022, tỷ lệ tiêu thụ chất dẻo bình quân đầu người của Việt Nam tăng trưởng trung bình 10,2%/năm. Trong đó các doanh nghiệp sản xuất trong mảng nhựa bao bì chiếm tỷ trọng lớn nhất với 38%. Tiếp theo là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nhựa gia dụng và nhựa xây dựng chiếm lần lượt 30% và 24% trong cơ cấu ngành nhựa Việt Nam. Cơ cấu nhựa kỹ thuật chiếm tỷ trọng 9%.

Các hội viên tiến hành bỏ phiếu bầu cử BCH nhiệm kỳ mới

Ngành nhựa Việt Nam được ví như ngành gia công vì phần lớn phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu từ 70 – 80% trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, năng lực sản xuất nguyên liệu nhựa của ngành đang được cải thiện rõ rệt và được kỳ vọng trong thời gian tới có thể đáp ứng được khoảng 30 – 40% nhu cầu trong nước đối với 02 loại nguyên liệu chính là PE và PP.

Những triển vọng về ngành nhựa Việt Nam                     

Phát biểu tại Đại hội, ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam, cho biết về phương hướng hoạt động của Hiệp hội trong nhiệm kỳ giai đoạn 2023 – 2028: “Một trong những nhiệm vụ quan trọng của BCH nhiệm kỳ mới là kêu gọi hội viên mới tham gia, duy trì và giữ vững số lượng hội viên cũ để hoạt động Hội ngày càng vững mạnh hơn.

Ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam phát biểu tại đại hội

Xây dựng đội ngũ chuyên gia đào tạo đến từ các nhóm ngành sản phẩm nhựa để hỗ trợ công tác đào tạo cho các doanh nghiệp trong ngành. Xây dựng các tiêu chí, tiêu chuẩn cho các sản phẩm nhựa, hạt nhựa tái sinh tạo cơ sở để thúc đẩy ngành nhựa tái sinh phát triển, nhằm tránh gia tăng nhập khẩu các sản phẩm mà Việt Nam có thể đáp ứng được.

Xây dựng chiến lược phát triển cho ngành Nhựa giai đoạn 2023 – 2030 để giúp các Doanh nghiệp có định hướng phát triển ngành và đầu tư bài bản. Xây dựng và triển khai các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước để các Doanh nghiệp có cơ hội giao lưu và quảng bá sản phẩm đến các quốc gia trên thế giới” – ông Lam nhấn mạnh.

BCH Hiệp hội Nhựa Việt Nam nhiệm kỳ VII (2023 – 2028)

Kỳ vọng lớn nhất của ngành nhựa Việt Nam hiện nay là những hiệp định thương mại mà đặc biệt là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA). Sau khi EVFTA đi vào hiệu lực, thuế quan của hầu hết các sản phẩm nhựa xuất khẩu vào thị trường EU được gỡ bỏ. Đây là một lợi thế lớn để gia tăng sản lượng sản phẩm nhựa xuất khẩu của ngành nhựa Việt Nam với một thị trường quan trọng là EU.

Trong 5 năm tới, ngành nhựa Thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng được đánh giá là còn nhiều thách thức phải đối mặt nhưng đồng thời cũng có những cơ hội phát triển. Với xu hướng chung của thế giới về phát triển kinh tế tuần hoàn, vì vậy công tác, hoạt động về thu gom, tái chế sẽ được đẩy mạnh.

Ngành tái chế nhựa Việt Nam – điểm sáng và những thách thức

Về vấn đề tái chế, đại diện công ty DUYTAN Recycling phát biểu tại cuộc họp: “Hiện nay, DUYTAN Recycling là doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam ứng dụng công nghệ tái chế “Bottle-to-Bottle” (chai ra chai) từ Cộng hòa Áo. Cơ chế hoạt động là sử dụng chai nhựa cũ tái chế thành các hạt nhựa để làm nguyên liệu sản xuất thành phẩm mới”.

Sau 9 tháng đầu năm 2023, công ty đã thu gom và tái chế được 16.500 tấn rác thải nhựa, tương đương 1,27 tỷ chai nhựa, năng lực xử lý hiện tại có thể lên tới 60.000 tấn/năm.

Đại biểu, khách mời chụp hình lưu niệm

Nói về những thách thức trong ngành, đại diện công ty cũng cho biết Việt Nam phải đối mặt với ba vấn đề lớn nhất hiện nay: thách thức về phân loại khi rác tại nguồn chưa được phân loại triệt để, các hoạt động thu gom rác chỉ mang tính tự phát là nhiều. Thách thức về kỹ thuật xử lý rác tái chế khi chưa có công nghệ phù hợp cũng là điểm cần lưu tâm.

Bà Huỳnh Thị Mỹ, Tổng Thư ký Hiệp hội Nhựa Việt Nam đưa ra nhận định: “Thiết kế sinh thái là một điểm sáng của ngành nhựa. Các doanh nghiệp nhựa tại Việt Nam cũng nghiên cứu sản xuất hạt nhựa từ các phế phẩm trong nông nghiệp: bã trấu, vỏ mía,… để chế tạo hạt nhựa sinh học từ đó tạo ra các sản phẩm nhựa một lần thân thiện môi trường”.

Bà Huỳnh Thị Mỹ, Tổng Thư ký Hiệp hội Nhựa Việt Nam phát biểu

Bà cũng cho biết thêm, việc lựa chọn vật liệu thân thiện môi trường để sản xuất đồng thời tạo ra các thành phẩm dễ dàng xử lý, tái chế là điều mà các doanh nghiệp cần lưu tâm và ưu tiên.

Như vậy có thể thấy, với bối cảnh bước vào giai đoạn đổi mới về kinh tế chung của thế giới, ngành nhựa tại Việt Nam trong tương lai cũng cần có những bước tiến phù hợp với xu thế, đặc biệt về vấn đề phát triển bền vững.

Một số hình ảnh khác:

Hải Ngọc