Mạng xã hội không tạo ra sự đa dạng về quan điểm cá nhân

Một kết quả nghiên cứu tại Mỹ đã phá vỡ niềm tin lâu nay rằng mạng xã hội giúp người ta cởi mở bày tỏ quan điểm cá nhân.

Mạng xã hội bùng nổ trong vài năm qua và đến giữa năm 2013 thu hút khoảng 72% người trưởng thành dùng internet trên khắp thế giới

Nghiên cứu được thực hiện bởi Pew Research Center – Trung tâm nghiên cứu xã hội có tiếng tại Mỹ đặt trụ sở tại thủ đô Washington – với 1.801 người trưởng thành từ ngày 7.8 đến 16.9.2013.

Trong nghiên cứu này, Pew Research tập trung vào một vấn đề duy nhất vốn gây tranh cãi khắp thế giới. Đó là vụ Edward Snowden tiết lộ hàng loạt thông tin mật trong năm 2013 cho thấy Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) nghe và xem lén điện thoại cá nhân của hàng triệu người trên thế giới.

Tại Mỹ, một nghiên cứu trước đây cũng do Pew Research thực hiện cho thấy tỷ lệ chống và ủng hộ hành động của Snowden là gần ngang ngửa. 44% nói rằng việc đó gây hại cho lợi ích công cộng, trong khi 49% tin rằng nó vì quyền lợi chung.

Trong nghiên cứu mới được công bố hôm 26.8, mục tiêu của Pew Research là xác định liệu mạng xã hội như Facebook, Twitter có giúp được những người vốn ngại bộc lộ công khai quan điểm khác biệt của mình về các vấn đề chính trị trở nên mạnh dạn phát biểu hơn không.

Trong thời đại chưa có internet, các nghiên cứu về hành vi con người đều kết luận rằng con người ta có xu hướng không phát biểu quan điểm của mình một cách công khai – có thể với người trong gia đình, bạn bè hoặc đồng nghiệp – nếu họ tin rằng quan điểm của họ thuộc loại “thiểu số”.

Thuật ngữ ngành tâm lý xã hội gọi xu hướng đó là “vòng xoắn im lặng” (spiral of silence).

Người ta kỳ vọng, mạng xã hội, với tư cách là một không gian ảo, có thể phá vỡ cái “vòng xoắn” đó.

Tổng kết của Pew Research Center cho thấy mạng xã hội như Facebook, Twitter không phải là nơi người Mỹ thích bày tỏ quan điểm về chương trình nghe lén của chính phủ. Nghiên cứu của cơ quan này kết luận rằng mạng xã hội không hề giúp người ta thoải mái bày tỏ quan điểm như nhiều người đã nghĩ

Vẫn như cũ!

Thế nhưng, nghiên cứu của Pew Research đã cho kết quả “khá thất vọng”:

Một trong những kết luận “hơi buồn” cho mạng xã hội đó là người ta ít sẵn lòng thảo luận chuyện Snowden – NSA trên mạng hơn là thảo luận trực tiếp.

Có 86% người Mỹ được hỏi cho biết họ sẵn lòng trao đổi trực tiếp với người khác về vấn đề này, nhưng chỉ có 42% nói rằng họ có thể dùng Facebook và Twitter để nêu ý kiến.

Và trong số 14% còn lại không muốn thảo luận mặt đối mặt, chỉ có 0,3% nói rằng họ sẵn lòng dùng mạng xã hội để bày tỏ quan điểm về chuyện này.

Như vậy, “mạng xã hội chẳng hề tạo ra được một môi trường thay thế dành cho những ai không muốn thảo luận chuyện Snowden – NSA”, Pew Research kết luận.

Mặt khác, cả trong khung cảnh đối thoại riêng tư lẫn trên không gian mạng, người ta cũng sẵn lòng thể hiện quan điểm hơn nếu họ tin rằng người nghe, người đọc có cùng quan điểm với họ.

Cụ thể, theo kết quả khảo sát, tại nơi làm việc, những người tin rằng các đồng nghiệp có cùng quan điểm với mình về chuyện Snowden thì khả năng họ tham gia các cuộc thảo luận tại cơ quan về chủ đề này cao hơn 3 lần so với những người cảm thấy ý kiến của mình là khác biệt.

Trên mạng xã hội cũng vậy, những Facebooker cảm nhận rằng “bạn bè” và người theo dõi (followers) họ có quan điểm giống họ trong vụ Snowden thì khả năng họ tham gia thảo luận trên Facebook về vấn đề này cao hơn 2 lần so với người có ý kiến trái với số đông.

Thậm chí tệ hơn

Ngoài ra, nghiên cứu của Pew Research cũng thấy rằng những người thường dùng Facebook và Twitter lại ít chia sẻ ý kiến của mình trong bối cảnh mặt đối mặt.

Và điều này đặc biệt đúng khi trên mạng họ ít nhận được ý kiến đồng tình.

Pew Research cho dẫn chứng, đối với một Facebooker ở mức trung bình (tức lên Facebook mỗi ngày vài lần), khả năng họ tham gia thảo luận với bạn bè khi đi ăn cùng chỉ là 50% so với người không dùng Facebook để nói chuyện Snowden.

Trong trường hợp Facebooker nhận được nhiều ý kiến đồng tình trên mạng về vấn đề này, thì khả năng anh ta tham gia thảo luận trong quán ăn cùng bạn bè có được nâng lên, nhưng vẫn chỉ ở mức 74%.

“Điều này gợi lên giả thuyết rằng “vòng xoắn im lặng” trên mạng gây nhiễm sang cả môi trường giao tiếp trực tiếp, dẫu dữ liệu của chúng tôi chưa thể phản ánh một cách thuyết phục mối quan hệ nhân quả này”, Pew Research nhận định.

Tệ hơn, nếu đặt kỳ vọng mạng xã hội giúp phản ánh sự đa dạng về quan điểm, thì thật ra chính nó có thể tạo hiệu ứng ngược.

Bởi theo Pew Reasearch, những con số ở trên cũng nói lên rằng chính vì nhận thức có được từ mạng xã hội mà những người sử dụng nó càng ngại bày tỏ ý kiến cá nhân bởi họ bị tác động bởi những ý kiến của bạn bè trên mạng.

Theo Thanh Niên