“MÃ ĐÁO THÀNH CÔNG” – VÌ SAO NGƯỜI TA CHÚC TỤNG NHƯ THẾ KHI BẮT ĐẦU KHỞI SỰ KINH DOANH

Bạn bắt đầu khởi nghiệp, ngay ngày khai trương bạn bè đến mừng thế nào cũng chúc câu MÃ ĐÁO THÀNH CÔNG. Thậm chí, nhiều người còn tăng những bức tranh, tượng 8 hoặc 10 con ngựa đang phi trong tư thế của những con tuấn mã…

Vì sao người ta quan niệm trong kinh doanh CON NGỰA TƯỢNG TRƯNG CHO MAY MẮN, TÀI LỘC, PHÁT ĐẠT, THĂNG TIẾN… Chắc chắn rằng câu nói “mã đáo thành công” xuất phát từ mong muốn sự nghiệp nhanh chóng phát triển và mang lại hiệu quả cao, tức là doanh nghiệp hoặc doanh nhân đạt thành tựu lớn.

Nhưng, với những người kinh doanh, từ câu nói này và liên hệ với hình tượng con ngựa đã có thể rút ra nhiều bài học kinh doanh. Sưu tầm các ý kiến, có thể cô đọng được 8 BÀI HỌC KINH DOANH TỪ NGỰA mà các doanh nhân có thể khéo léo vận dụng để giúp cho việc kinh doanh trở nên thuận lợi hơn.

LÃNH ĐẠO GIỎI LÀ NGƯỜI BIẾT QUAN TÂM ĐẾN NHÂN VIÊN

Khi quan sát một đàn ngựa chiến chẳng hạn, người ta dễ dàng nhận thấy một đàn ngựa thường được dẫn dắt bởi con ngựa cái. Con NGỰA CÁI ĐẦU ĐÀN sẽ đảm nhận điều hành lãnh thổ và thiết lập trật tự và quy tắc cho cả bầy tuân thủ theo.

Bất cứ con ngựa nào đi ngược lại qui tắc của đàn đều bị trừng trị. Thông thường đàn ngựa sẽ tuân thủ và hỗ trợ lẫn nhau để cùng tồn tại. Một đàn ngựa thuần thì tính trực giác và phối hợp đồng thuận được thể hiện tốt và hiệu quả, trong khi vai trò dẫn dắt của con ngựa đầu đàn vẫn được đánh giá cao hơn.

Cơ chế hoạt động bầy đàn như vậy nếu một doanh nhân áp dụng sẽ thể hiện là quyền lực lãnh đạo cần được sử dụng để quan tâm người khác (bao quát bầy đàn) và cần thiết lập hình mẫu quản trị dựa trên sự quan tâm lẫn nhau để ra sức mạnh đàn kết, cùng phối hợp trong các hoạt động nhằm mang lại kết quả cuối cùng tốt nhất.

Nguyên lý này chính là điều mà chúng ta cần đúc kết: “Một người có tấm lòng nhân đạo trải rộng tới mọi người dưới quyền, đáng tin cậy, công bằng sẽ giành được sự trung thành và tín nhiệm. Nếu họ coi mọi người như người thân trong gia đình, người đó là lãnh đạo đẳng cấp thế giới, là người không thể bị chống lại.”

KHẢ NĂNG QUAN SÁT NHANH NHẠY ĐỂ CÓ THÁI ĐỘ THÍCH HỢP

Khi quan sát, người ta cho rằng LOÀI NGỰA CÓ 17 VẺ BIỂU HIỆN CẢM XÚC thể hiện trên khuôn mặt khác nhau, người chủ cần quan sát tinh tường những biểu cảm này để có thái độ ứng xử tốt thì ngựa mới trợ thành ngựa hay, mới đáp ứng được yêu cầu của chủ nhân.

Câu chuyện của người huấn luyện hay nuôi ngựa chính là cần quan sát sự thay đổi chậm rãi trong biểu cảm khuôn mặt của con ngựa để có đối sách đúng, không nên ép nó quá vì khả năng sẽ thất bại. Quá trình huấn luyện này cũng giống như rèn luyện nhân viên, mỗi ngày bền bỉ quan sát từng nhân viên, truyền đạt kinh nghiệm và giao việc cho họ đúng năng lực sẽ mang lại hiệu quả tốt làm hài lòng cả nhà quản lý và nhân viên.

NHÀ QUẢN LÝ GIỎI chính là người có khả năng quan sát nhanh nhạy để nắm bắt được trạng thái cảm xúc của ĐỐI TÁC hay NHÂN VIÊN CẤP DƯỚI mà điều chỉnh cách giao tiếp, CHUYỂN HƯỚNG NỘI DUNG ĐÀM PHÁN hay NỘI DUNG TRAO ĐỔI VỚI NHÂN VIÊN theo chiều hướng tích cực.

XÁC ĐỊNH RANH GIỚI RÕ RÀNG TRONG QUYỀN LỰC VÀ TRÁCH NHIỆM

Quan sát đàn ngựa có thể thấy, việc phân chia ranh giới trong đàn ngựa luôn được đảm bảo duy trì. Dưới sự dẫn dắt của con ngựa đầu đàn, có nhiều cách thức để thiết lập các ranh giới trong quan hệ nhằm củng cố trật tự, xây dựng mối quan tâm và nâng đỡ đến các thành viên trong đàn, từ đó tạo nên SỰ BỀN VỮNG CỦA CẢ ĐÀN NGỰA.

Với một doanh nhân hay doanh nghiệp, chúng ta nhận thấy các công ty vừa và nhỏ có sự góp vốn của 2-3 người thường gặp phải vấn đề khó chịu trong công tác điều hành doanh nghiệp. Với tinh thần KHỞI NGHIỆP VÀ LÀM CHỦ, nhiều người không chịu “lép vế” dưới quyết định của người kia dễ làm cho công ty rơi vào khủng hoảng.

Điều cần làm là nên có sự phân công, PHÂN CHIA QUYỀN LỰC VÀ TRÁCH NHIỆM rõ ràng, khi đó mọi việc được giải quyết dựa trên nguyên tắc đồng thuận. Tuy nhiên, thường khi phân chia đồng đều quyền lực dễ dẫn đến những mâu thuẫn phát sinh và bất đồng. Do vậy sự đồng thuận này phải được hiểu, nếu công ty KHÔNG CÓ NGƯỜI LÃNH ĐẠO CAO NHẤT cũng như NGƯỜI CHỊU TRÁCH NHIỆM SAU CÙNG, sẽ dẫn đến các quyết định đưa ra thiếu nhất quán và hiệu quả.

Một vài chuyên gia thì còn đưa bài học xa hơn, đó là khi quan sát việc THIẾT LẬP RANH GIỚI của những con ngựa trong đàn cũng có thể áp dụng cho chiến lược đa dạng hóa hay tập trung của công ty. Theo họ, hiện nay cũng có những DOANH NGHIỆP THÀNH CÔNG ở lĩnh vực này lại ảo tưởng rằng DOANH NGHIỆP MÌNH ĐỦ SỨC MẠNH để kiếm tiền ở một thị trường mới, dẫn đến đầu tư vào lĩnh vực hay thị trường mới, dễ đi quá giới hạn cho phép dẫn đến thất bại. Xác định ranh giới và biết mình ở đâu giữa lằn ranh đó là rất quan trọng đối với bất kì một nhà kinh doanh nào.

HIỆU ỨNG CON NGỰA LƯỜI VÀ BÀI HỌC KHÔNG NGỪNG NỖ LỰC VƯƠN LÊN

Chuyện về hai con ngựa cho chúng ta bài học rất hay. Chuyện rằng có hai con ngựa mỗi con kéo một xe hàng. Một con ngựa chăm chỉ nên cắm cúi kéo xe đi rất nhanh, một con ngựa thì lười nên vừa đi vừa nhởn nhơ gặm cỏ.

Người chủ hàng thấy vậy bực mình mà mang toàn bộ hàng trên xe của con ngựa lười nhở nhơ chất lên xe con ngựa chăm chỉ. Khi ấy, con ngựa lười nhở nhơ tỏ ra thích thú và bảo với con ngựa kia, thấy chưa khi làm được việc là người ta sẽ dồn việc cho mình, càng nỗ lực thì người ta càng bắt làm thêm nhiều việc hơn.

Thế nhưng, người chủ hàng thì suy tính, một con ngựa cũng kéo hết bấy nhiêu hàng, hà cớ gì phải nuôi tới 2 con tốn kém thế. Vậy là người chủ làm thịt con ngựa lười nhở nhơ để ăn thịt và bán cho mọi người. Đây cũng là bài học lớn đối với mỗi nhân viên trong công ty. Cần phải biết rằng, trong một doanh nghiệp, nếu việc bạn làm không đem lại giá trị (KPIs) cho công ty thì chắc chắn người chủ doanh nghiệp sẽ tìm cách loại bạn ra khỏi công ty càng nhanh càng tốt.

Từ bài học này cho thấy, mỗi cá nhân trong một công ty luôn cố gắng, nỗ lực, chăm chỉ để làm ra sản phẩm tốt, hiệu quả cuối cùng phải cao thì mới có thể đồng hành lâu dài cùng doanh nghiệp, sẽ được CHỦ DOANH NGHIỆP TRỌNG DỤNG xứng đáng với kết quả (KPIs) mà bạn mang về. Ngược lại, những đối tượng lười biếng, thích sự an nhàn, không nỗ lực học hỏi và trau dồi kiến thức thể vươn lên thì sẽ bị loại khỏi bộ máy.

TÔN TI TRẬT TỰ LÀ NỀN TẢNG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Kết quả nghiên cứu hành vi trong một đàn ngựa cho thấy cơ cấu xã hội của loài ngựa được tổ chức chặt chẽ trong một quần thể có PHÂN ĐỊNH TÔN TI TRẬT TỰ RẤT RẠCH RÒI. Trong đàn, các cá thể ngựa đều tuân phục theo quy tắc chung và TÔN TRỌNG VỊ TRÍ CON NGỰA ĐẦU ĐÀN cũng như TỰ GIÁC THỰC HIỆN NHIỆM VỤ bản thân trong đàn phân công.

Trong doanh nghiệp, cần phải thiết lập các quy định và điều lệ cụ thể, bao gồm các quy tắc ứng xử thể hiện trật tự, đạo đức cũng như văn hoá công ty và mọi người trong toàn công ty phải tuân thủ. Câu chuyện này chính là quá trình xây dựng VĂN HÓA CÔNG TY/VĂN HÓA DOANH NGHIỆP, và nếu một doanh nghiệp lơ là nguyên tắc và văn hóa công ty sẽ đẩy công ty đến sự lụn bại.

THÁI ĐỘ CỞI MỞ VÀ HỢP TÁC GIỮA CÁC NHÂN VIÊN

Mọi hoạt động của cá thể ngựa luôn mang tính bầy đàn, tức là có sự hỗ trợ và tương tác với nhau, do vậy trong một doanh nghiệp thì các thành viên cũng nên biết, để đạt được sự thành công là có cả một chuỗi hỗ trợ trong ekip chung. Do đó, cần khiêm tốn trước những thành công của mình, không nên quá khoe khoang vì trong đó các bộ phận liên kết đã support cho nhau mới mang lại kết quả tốt.

Mỗi cá nhân nên cởi mở để việc hợp tác với nhau ngày một tốt hơn, Quá trình này cũng giúp cho mỗi cá nhân trong doanh nghiệp luôn phải cập nhật kiến thức mới, sẵn sàng học hỏi và trao đổi với nhau trong chuỗi/các bộ phận liên quan, để đạt mục tiêu cuối cùng là hiệu quả công việc thật tốt, mọi người đều hài lòng.

LÃNH ĐẠO NHẤT QUÁN, CÔNG BẰNG VÀ THÀNH THỰC

Ở những đàn ngựa hay, người ta nhận thấy vai trò con ngựa đầu đàn rất quan trọng. Việc ứng xử với các thành viên trong đàn của con đầu đầu đàn luôn công bằng, nhân ái và chính trực. Tương ứng, các nhân viên trong công ty cũng luôn quan sát và mong người lãnh đạo nhất quán, công bằng và trung thực. Điều lãnh đạo nói –nghĩ-làm phải tương đồng, từ đó mới thuyết phục nhân viên trung thành và sát cánh cùng doanh nghiệp vượt qua mọi khó khăn để thành công.

Làm lãnh đạo cần rất cẩn trọng điều này vì khoa học chứng minh có 93% hành vi giao tiếp của chúng ta là cử chỉ phi ngôn từ, do đó hãy thành thực ngay từ những ngày đầu và cẩn trọng với những gì mình suy nghĩ, để cuối cùng là điều người lãnh đạo/đầu đàn thể hiện có thể tạo ra thiện cảm với mọi người xung quanh.

BỀN BỈ RÈN LUYỆN VÀ PHẤN ĐẤU ĐỂ KHÔNG BỊ NGÃ NGỰA

Yếu tố di truyền quan trọng nhưng là chưa đủ để làm nên thành công. Những con ngựa chiến thắng khi duy trì giống nòi cho ra con ngựa tốt, nhưng chỉ những con ngựa được huấn luyện, chịu khó rèn luyện thì mới có khả năng chiến thắng trong các cuộc đua.

Con người cũng vậy, dù bạn sinh ra thuộc dòng dõi trâm anh thế phiệt thì vẫn phải chịu khó học hành, rèn luyện, bền bỉ phấn đấu mới có thể thành công. Trong kinh doanh, THƯƠNG TRƯỜNG LÀ CHIẾN TRƯỜNG, do vậy càng đòi hỏi các nhân viên như những chiến binh không ngừng rèn luyện và phấn đấu. Còn doanh nhân, người đứng đầu lại càng phải TRUI RÈN NĂNG LỰC nhiều hơn nữa để khi đối mặt với rủi ro không nao núng, bước vào cuộc tranh đua với các đối thủ hùng mạnh không chùn chân, bình tĩnh đưa ra các giải pháp xử lý để có thể thắng trận chứ nếu không sẽ DỄ BỊ NGÃ NGỰA ĐÓ NHÉ.