Loại SGK của GS Hồ Ngọc Đại: “Người ngoài” khó soạn SGK?

Bộ GD-ĐT là cơ quan xây dựng khung chương trình cũng như xây dựng các tiêu chí đánh giá thì không nên tham gia soạn thảo SGK nữa.

GS.TSKH Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam nêu quan điểm sau lùm xùm SGK công nghệ của GS Hồ Ngọc Đại bị loại và lo ngại độc quyền mới trong lĩnh vực giáo dục của một vị chuyên gia.

Một bài học phát âm theo hình vuông, hình tròn trong SGK công nghệ của GS Hồ Ngọc Đại

Chuẩn khung thế nào?

Về việc SGK công nghệ giáo dục lớp 1 của GS Hồ Ngọc Đại bị loại, GS Phạm Tất Dong cho rằng đứng trên vị trí của Hội đồng thẩm định họ đã làm tròn vai.

Yếu thế của bộ SGK công nghệ giáo dục là thiếu tính đồng nhất, chỉ có một bộ sách cho lớp 1 mà không có các bộ sách nối tiếp cho các lớp tiếp theo. Như vậy, nếu học sinh học theo SGK công nghệ thì hết lớp 1 sẽ phải chuyển tiếp sang học theo SGK lớp 2 của người khác, rất bất tiện, khó khăn cho người học.

Thứ hai, nếu căn cứ trên các tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá, chấm điểm của Bộ GD-ĐT, SGK công nghệ có tới 300 điểm chưa đạt về nội dung, cũng như cách trình bày… Căn theo lỗi đánh giá này rõ ràng bộ sách rất khó được thông qua.

“Trong trường hợp này rất khó nói Hội đồng thẩm định làm không tốt, làm chưa công tâm vì Hội đồng thẩm định cũng đánh giá dựa trên các căn cứ theo quy định”, GS Phạm Tất Dong nêu quan điểm.

Theo vị GS, vấn đề gây tranh cãi có lẽ không nằm ở việc bộ SGK công nghệ của GS Hồ Ngọc Đại đã bị loại như thế nào mà nằm ở khung chương trình chuẩn theo Bộ GD-ĐT được xây dựng ra sao; những tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá được xây dựng như thế nào? Tiêu chí sáng tạo được phép vượt quá chương trình khung là bao nhiêu? Sáng tạo tới mức nào là hợp lý?

Đây là điểm khiến dư luận còn băn khoăn. Ai cũng biết Hội đồng thẩm định đánh giá phải dựa trên các tiêu chuẩn chung nhưng nếu chỉ áp theo các tiêu chuẩn cứng để đánh giá thì không khác nào đã triệt tiêu tính sáng tạo của người soạn thảo.

Kể cả về chương trình khung cũng vậy. Một người vừa xây dựng chương trình, vừa đưa ra tiêu chí đánh giá, vừa soạn thảo nội dung, lại vừa chấm điểm thì rất khó cho mình điểm kém.

“Việc này cũng giống như may một chiếc áo mới vậy, thích thì ai chê cũng khen đẹp nhưng nếu không thích thì khen mấy cũng không hài lòng”, GS Phạm Tất Dong nói.

Vì lẽ này, vị GS cho rằng những lo ngại về hiện tượng độc quyền khép kín trong tất cả các khâu của quy trình từ xây dựng chương trình, xây dựng tiêu chí, chủ trì biên soạn đến phát hành đều do Bộ GD-ĐT quản lý là rất khó tránh.

Vấn đề này từng được GS Phạm Tất Dong trao đổi trực tiếp với  một vị lãnh đạo. Khi đó ông cũng đề cập thẳng tới việc giao quyền rõ ràng cho Bộ GD-ĐT trong xây dựng, biên soạn SGK để bảo đảm tính công bằng, khách quan đồng thời vẫn khuyến khích được nhiều nhà soạn thảo tư nhân cùng tham gia.

Theo đó, GS Dong đề cập tới câu chuyện giao Bộ GD-ĐT xây dựng các tiêu chí quản lý, không nên tham gia trực tiếp vào việc soạn thảo nội dung hay phát hành SGK.

Một nền giáo dục mở thì tư liệu, SGK cũng cần phải được mở ra. Việc soạn thảo nội dung SGK cũng như lựa chọn đơn vị hợp tác in ấn, xuất bản nên để những nhà đầu tư giáo dục khác có đủ năng lực, trình độ tự làm. Bộ chỉ kiểm duyệt về nội dung.

“Vấn đề quan trọng nhất là có được chương trình khung phù hợp theo hướng mở, sách được chọn phải là bộ sách có chất lượng, vừa phát huy được nền tảng giáo dục trong nước nhưng lại vừa được tiếp thu từ nền giáo dục hiện đại trên thế giới. Quan trọng nhất, bộ sách phải phù hợp với năng lực tiếp thu của người học.

Nếu làm được như vậy thì sẽ không còn lo ngại về tình trạng độc quyền trong soạn thảo, in ấn, phát hành SGK nữa”, vị GS bày tỏ.

Để dần bình đẳng trong biên soạn SGK

Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận, SGK hiện không phải là miếng bánh “béo bở”, khó thu hút được các nhà đầu tư tư nhân. Theo giải thích của GS Phạm Tất Dong, rào cản lớn nhất là yêu cầu về  nguồn nhân lực và nguồn lực tài chính.

Vì đầu tư làm SGK phải cần tới rất nhiều con người và phải đầu tư rất lớn. Vì lẽ này, hàng năm vẫn phải chi rất nhiều tiền cho Bộ GD-ĐT làm SGK.

Nhưng việc chi tiền cho Bộ GD-ĐT soạn thảo một bộ SGK riêng với việc mở cửa cho các nhà soạn thảo tư nhân tham gia vào vô tình đã tạo ra sự cạnh tranh bất bình đẳng, sự chênh lệch quá lớn về nguồn lực ban đầu.

Vị GS cho rằng, trong bối cảnh hiện tại, cũng không thể mạo hiểm giao thẳng cho tư nhân mà vẫn phải bảo đảm mục tiêu cho giáo dục quốc gia. Do đó, việc hỗ trợ kinh phí xây dựng SGK là tất yếu, tuy nhiên, về lâu dài muốn có nhiều bộ SGK, có nhiều người soạn thảo thì phải có chính sách công bằng và bình đẳng đối với những đơn vị tham gia làm SGK.

Trong đó, cũng có cả việc quy định về trách nhiệm rất rõ ràng. Ví dụ, trong trường hợp SGK do Bộ soạn thảo không đạt yêu cầu, không tốt hơn so với những bộ SGK tư nhân làm thì rõ ràng Bộ GD-ĐT phải chịu trách nhiệm với Chính phủ, chịu trách nhiệm với nguồn vốn Nhà nước đã đầu tư.

“Nếu có được những quy định rõ ràng như vậy chắc chắn tình trạng độc quyền trong soạn thảo SGK sẽ được hạn chế”, GS Phạm Tất Dong nói.

———————————————–

Bê nguyên bộ sách đã dùng 40 năm, Giáo sư Đại đã tự loại mình ra khỏi cuộc chơi

“Giáo sư Hồ Ngọc Đại không tuân thủ cuộc chơi tức là tự loại mình ra khỏi cuộc chơi đó”, Giáo sư Trần Đình Sử nhấn mạnh.

Thông tin chính thức từ Hội đồng thẩm định quốc gia về sách giáo khoa của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, bộ tài liệu “Tiếng Việt 1  – Công nghệ giáo dục” do Giáo sư Hồ Ngọc Đại chủ biên đã bị loại do không đạt yêu cầu.

Cụ thể, sách đã bị 15/15 thành viên hội đồng xếp loại “Không đạt” với gần 300 nội dung, chi tiết cần sửa, cần bỏ, phần lớn là những nội dung mà hội đồng cho rằng sách “vượt chương trình”, “quá khó với học sinh lớp 1”, một số vấn đề kỹ thuật, trình bày.

Trước thông tin này, chia sẻ với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 16/9, Giáo sư Trần Đình Sử – Chủ tịch Hội đồng thẩm định môn tiếng Việt khẳng định các thành viên hội đồng thẩm định đã đánh giá khách quan và bám sát các tiêu chí của chương trình mới.

“Giáo sư Hồ Ngọc Đại không tuân thủ cuộc chơi tức là tự loại mình ra khỏi cuộc chơi đó”, Giáo sư Trần Đình Sử nhấn mạnh.

Thông tin chính thức từ Hội đồng thẩm định quốc gia về sách giáo khoa của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, bộ tài liệu “Tiếng Việt 1 – Công nghệ giáo dục” do Giáo sư Hồ Ngọc Đại chủ biên đã bị loại do không đạt yêu cầu

Nói rõ hơn về ý kiến này, thầy Sử chia sẻ, về mặt nguyên tắc, khi chúng ta đã xây dựng và ban hành được chương trình mới thì phải xây dựng được một bộ sách giáo khoa phù hợp cho chương trình mới.

Hội đồng thẩm định sách giáo khoa phải bám sát vào 4 điều, 13 tiêu chí và 40 chỉ báo trong Thông tư 33/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về tiêu chuẩn sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới để đánh giá bộ sách có đáp ứng yêu cầu hay không.

Yêu cầu “cuộc chơi” đã rất rõ ràng nhưng Giáo sư Hồ Ngọc Đại bê y nguyên bộ sách đã dùng 40 năm nay gửi tới Hội đồng thẩm định, không chỉnh sửa chi tiết nào. Mặc dù Hội đồng thẩm định đã góp ý những điểm không phù hợp để Giáo sư Hồ Ngọc Đại sửa nhưng thầy Đại không sửa, tức là bắt Hội đồng thẩm định phải thừa nhận sách của mình thì đó là điều không thể.

Giáo sư Trần Đình Sử phân tích thêm, sách “Tiếng Việt 1” của chương trình mới có các tiêu chí là nghe, nói, đọc, viết, dạy phân biệt chính tả, biết kể chuyện…

Trước đó, như Báo điện tử giáo dục Việt Nam thông tin, ngày 19/4/2017, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quyết định thành lập Hội đồng Quốc gia thẩm định Tài liệu Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục.

Đến ngày 12, 13/5/2017, Hội đồng Quốc gia thẩm định Tài liệu Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục đã họp để đánh giá tài liệu này.

Theo đó, Kết luận của Hội đồng quốc gia thẩm định tài liệu Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục cũng đã chỉ ra ưu điểm, hạn chế của mục tiêu chương trình; Phương pháp dạy học và đánh giá kết quả học tập; Nội dung dạy học; Ngữ liệu; Cấu trúc sách và cấu trúc bài học và Hình thức trình bày.

Cụ thể, Hội đồng thẩm định đã có kết luận:

1. Điều kiện tiên quyết

-Nội dung của Tài liệu Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam; không có những định kiến xã hội về giới, sắc tộc, tôn giáo, nghề nghiệp, tuổi, địa vị.

2. Thể hiện mục tiêu của chương trình

a. Ưu điểm

Tài liệu Tiếng Việt 1 đáp ứng một số mục tiêu của chương trình môn Tiếng Việt, nhất là mục tiêu giúp học sinh hình thành và phát triển kỹ năng đọc thành tiếng, viết chính tả, góp phần rèn luyện các thao tác tư duy cho học sinh; cung cấp một số kiến thức về tiếng Việt, về tự nhiên, xã hội và con người, về văn hóa và văn học.

b. Hạn chế

– Mục tiêu giúp học sinh phát triển kỹ năng nói và nghe chưa được thể hiện trong tài liệu. Các hướng dẫn, hoạt động giúp học sinh đọc hiểu bài đọc như tìm hiểu nghĩa của từ, nội dung của câu và đoạn văn, trả lời câu hỏi đọc hiểu chưa được chú trọng. Vì vậy học sinh có thể đọc thành tiếng văn bản nhưng không hiểu nghĩa.

-Tài liệu cũng chưa đáp ứng tốt mục tiêu giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, hạn chế này thể hiện rõ nhất qua phần ngữ liệu.

3. Phương pháp dạy học và đánh giá kết quả học tập

a. Ưu điểm

-Vận dụng định hướng học qua thực hành, giúp học sinh hiểu khái niệm và có kỹ năng ngôn ngữ. Thông qua “chuỗi việc làm” trên lớp theo yêu cầu “thầy thiết kế, trò thi công” để học sinh tự hình thành kiến thức và rèn luyện kỹ năng đọc và viết.

– Tài liệu Tiếng Việt 1 giúp học sinh nắm vững các quy định về chính tả để viết đúng và phát triển kỹ năng đọc thành tiếng. Phương pháp “lập mẫu” và “dùng mẫu” để học sinh tự lập ra các vần mới, tiếng mới có những hiệu quả nhất định.

– Tài liệu đã đưa những câu trọn vẹn ngay trong phần đầu của tập 1, giúp học sinh sớm có cơ hội luyện đọc câu (tuy nhiên đôi khi không được tự nhiên).

– Một số hoạt động, chẳng hạn thao tác phân tích tiếng bằng tay, có phần khơi gợi được hứng thú của học sinh.

– Tuần 0 thực sự có ý nghĩa trong việc giúp học sinh làm quen với những quy ước và thao tác căn bản ban đầu, giúp quá trình của học sinh diễn ra một cách thuận lợi và hiệu quả.

b. Hạn chế

– Việc thiết kế quy trình chi tiết, ràng buộc quá chặt chẽ đối với cả giáo viên và học sinh có thể hạn chế sự sáng tạo của giáo viên và hứng thú của học sinh. Hoạt động dạy học lặp đi lặp lại, nếu tiếp tục trong khoảng thời gian dài sẽ làm cho hoạt động dạy học trở nên đơn điệu.

– Việc rèn luyện cho học sinh kỹ năng phân tích cấu trúc âm tiết và luyện phát âm đối với học sinh bản ngữ (tiếng Việt) không thật sự cần thiết và không phù hợp với phương pháp học bản ngữ.

Hiện nay ngay cả khi dạy học ngôn ngữ thứ hai và ngoại ngữ, phương pháp phân tích cấu trúc ngữ âm như cách của Tài liệu Tiếng Việt 1 cũng ít khi được sử dụng.

– Quan điểm “chân không về nghĩa” không đúng với bản chất của ngôn ngữ và không phù hợp với thực tiễn dạy học ngôn ngữ, trái với nguyên tắc dạy học tiếng theo quan điểm giao tiếp.

– Việc sử dụng phương tiện dạy học chưa được quan tâm đúng mức.

– Việc kiểm tra, đánh giá tập trung chủ yếu vào kỹ năng đọc thành tiếng và viết chính tả của học sinh…

Theo Đất Việt