Trong cuộc sống, đặt biệt là khi bắt đầu khởi nghiệp là cũng bắt đầu chịu một áp lực vô cùng lớn. Nào hợp đồng, chăm sóc khách hàng, lương bổng cho nhân viên, chi phí hoạt động… trăm thứ đổ lên đầu. Đáng sợ, áp lực tâm lý có thể thất bại đè nặng cùng kịch bản dè bỉu của người thân, bạn bèn, lối xóm… càng là cho những người dấn thân khởi nghiệp thêm stress ảnh hưởng đến sức khỏe và tính tình.
Thế nhưng, hãy tập để giữ mọi thứ bình an dù bất cứ chuyện gì có thể xảy ra. Sự rèn luyện ấy chính là thể hiện ra ngoài bằng một vẻ thản nhiên trước bất cứ chuyện gì.
TĨNH TÂM SINH TRÍ TUỆ
Chỉ mới đây thôi, một người bạn vốn từng coi là bạn thân, có gia sản tương đối khổng lồ, đã không vừa lòng với tôi nên thể hiện ngay thái độ trên mạng xã hội và đời sống thực bằng sự xa cách. Vốn dĩ thường xuyên gặp nhau tâm tình chuyện nọ chuyện kia, thường xuyên có mặt trong các sự kiện của nhau. Tuy nhiên, vì có tiền và cũng là người rộng rãi, người bạn này thường là người chủ chi trong các cuộc liên hoan gặp mặt nên bạn bè cũng rất đông.
Trong số đó, có nhiều người khéo để có thể xin cái nọ, được tặng quà cái kia. Tựu chung, mọi người cần phải biết tung hô, chị là người đẹp nhất, dễ thương nhất quả đất. Và khi ai càng tỏ ra sự phụ thuộc, chỉ có chị mới mang lại hạnh phúc cho em, thì càng nhận được nhiều sự chăm sóc.
Một ngày đẹp trời, chắc không vừa ý gì đó, chị có thể không gọi người này hay người kia đến cùng dự những lần gặp mặt, hình được đám bạn post lung linh trên fb cùng những lời khen tặng có cánh, dường như để “dằn mặt”: không ngoan, hay không theo chị, thì không có quà…
Chị, một người từng là doanh nhân, cũng gặp nhiều may mắn, đến quá nửa đời người vẫn còn sân si như vậy, đủ hiểu con đường khi quản lý doanh nghiệp nó truân chuyên, kết quả hoạt động kinh doanh nó không đạt như ý, thậm chí câu chuyện phải dời khỏi doanh nghiệp đang làm quản lý nó cũng có nhiều điều cay đắng. Nhưng bình tâm nhìn lại, đó cũng là một phần hậu quả của tính cách bất thường của chị.
Trong cuộc sống, và nhất là khi đã khởi nghiệp hoặc lãnh trọng trách trong một doanh nghiệp hay một cơ quan, người đứng đầu cần phải biết giữ tính cách ổn định, một sự tĩnh tâm cần thiết để có thể ứng xử trước mọi việc tốt đẹp. Người xưa nói TĨNH TÂM SINH TRÍ TUỆ cũng là thế.
Những người biết tĩnh tâm chính là những người có tâm tính ổn định, không vì ĐƯỢC hay TUNG HÔ mà hoan hỷ, không vì MẤT mà âu sầu, vô cớ bị NHỤC MẠ mà không giận, gặp việc GẤP mà không sợ hãi. Khi làm chủ được cảm xúc như thế thì trước bất cứ việc gì những người này cũng có cách ứng xử, thể hiện bên ngoài là thản nhiên khi mất – dửng dưng khi được.
Thường khi rèn luyện đến mức như vậy thì những người này cũng là nhưng người có tấm lòng quảng đại, rộng rãi, không đặt tâm vào hơn thua, làm việc thiện vì muốn người khác tốt hơn chứ không phải vì mình (cầu cho mình gặp nhiều may mắn hơn nữa, tức là lại tiếp tục muốn giành phần hơn với thiên hạ). Hiểu điều này không phải là chuyện dễ dàng vì như người xưa nói: “Tâm tĩnh như nước” là biểu hiện của một loại trí tuệ, mà là trí tuệ thì phải trải qua học hỏi, rút kinh nghiệm, hiểu biết nhiều hơn…
BÀI HỌC TỪ “TAM QUỐC @ ”
Nhiều người đời sau đọc sách xưa, nhất là bộ sách TAM QUỐC DIỄN NGHĨA của La Quán Trung, đã có thể lý giải và chuyển dịch vào môi trường kinh doanh, tạo nên bài học vô cùng lý thú.
Còn nhớ, vào năm 2003 khi Việt Nam cũng mới mở cửa hội nhập được một thời gian, một lớp doanh nhân mới được hình thành. Có người được đào tạo bài bản nhưng cũng có nhiều người gặp cơ may mà lên. Lớp doanh nhân gặp may là con ông cháu cha, quen biết các thế lực quản lý ngành, có tiền nhờ đánh quả ra lập doanh nghiệp cũng nhiều. Thậm chí, có những tổng công ty, công ty, chỉ cần cấp trên vừa ý là có thể cân nhắc người thân, bồ bịch ngồi vào một vị trí quản lý nào đó.
Cũng năm đó, cuốn TAM QUỐC @ DIỄN NGHĨA của Thành Quân Ức được dịch và in đã gây nên sự kiện lớn trong giới doanh nhân. Cách viết giải thích cuộc đời và phương châm quản lý dưới góc độ lịch sử cũng tạo nên ảnh hưởng kiểu bắc cầu với những tiểu thuyết thương trường, tiểu thuyết quan chức và các tác phẩm lấy đề tài lịch sử sau này khi đó đang rất hót tại Trung Quốc. Nội dung của TAM QUỐC @ DIỄN NGHĨA những câu chuyện trong Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung được “chuyển dịch” sang môi trường kinh doanh hiện đại.
Đọc cuốn này khá thú vị khi thấy thế vạc ba nước Hán – Thục – Ngô thời Tam quốc biến thành ba loại hình công ty hiện đại. Một là công ty lớn, sẵn có thực lực hùng mạnh, được hưởng nhiều ưu đãi nhưng ẩn chứa nhiều bất ổn bên trong (công ty nhà nước Đông Hán của Tào Tháo). Hai là công ty dựa vào bản sắc riêng mà giữ vững thị phần, đợi thời cơ là khuếch trương (tập đoàn Đông Ngô của Tôn Quyền). Ba là công ty từ tay trắng mà nên (công ty Hoàng Tộc của Lưu Bị).
Những ai đã từng đọc sẽ vô cùng thích thú với lối hành văn hài hước và vô cùng sống động, tác giả Thành Quân Ức đã cho thấy Lưu Bị từ khi là cậu học trò nghèo tới khi làm tổng giám đốc, gặp được nhà tư vấn Gia Cát Lượng và lập nên tập đoàn Thục Hán, chia ba thị trường Trung Quốc. Và cũng sẽ rất hào hứng với hình ảnh Đổng Trác, Lã Bố trong vai các GIÁM ĐỐC GIẢO HOẠT, Viên Thiệu lãnh đạo công ty tư nhân nhưng phong cách quản lý đặc sệt “HÀNH CHÍNH BAO CẤP”, và đặc biệt là một nhân vật vốn được chú ý nhất và ghét bỏ nhất là TỔNG GIÁM ĐỐC ĐIỀU HÀNH – TÀO THÁO quyền mưu đã biến cả một tổng công ty nhà nước THÀNH CÔNG TY RIÊNG CỦA MÌNH…
Những nhân vật trong “TAM QUỐC DIỄN NGHĨA” đã có thể thú vị như vậy đấy. Nhưng ở góc nhìn khác, có thể học rất nhiều các nhân vật này trong cuộc sống và hành xử. Chẳng hạn, Gia Cát Lượng sau khi bị thất thủ ở Nhai Đình, trong tay chỉ có vẻn vẹn 2.500 quân lính giữ thành, khi nghe tin Tư Mã Ý dẫn theo mười lăm vạn (15.000) đại quân tấn công Tây Thành, mặt không hề biến sắc. Khi đó, Gia Cát Lượng không có tâm hoảng loạn, mà rất bình tâm tĩnh khi dẫn hai tiểu đồng cầm đàn, dựa vào lan can trong thành ngồi gảy đàn.
La Quán Trung viết rằng, khi ấy Tư Mã Ý dẫn quân kéo đến Tây Thành, thấy tình cảnh như vậy lấy làm lạ, đăm chiêu nghe Gia Cát Lượng gẩy đàn một lúc, rồi hạ lệnh cho quân nhanh chóng tháo lui. Tiếng đàn được coi là BÌNH TĨNH BẤT LOẠN của Gia Cát Lượng đã hù dọa được Tư Mã Ý lo sợ mà thoái lui. Đây được gọi là “núi Thái Sơn sụp đổ ngay trước mắt mà sắc mặt không thay đổi, con nai có nhảy múa bên cạnh thì mắt vẫn không liếc nhìn”, một khí độ siêu phàm.
Vì sao người xưa nói: “Tĩnh là phúc!”.
Đó chính là do tất cả những phiền não trong đời người đều là đến từ dục vọng (ham muốn) và sự không an phận của con người. Những hấp dẫn của VẬT CHẤT – DANH – LỢI – TÌNH ÁI khiến người ta khiến người ta rối loạn, ham muốn, từ đó có những hành vi cũng rối loạn để đạt được mục đích này.
Tâm lý chung của người bình thường gặp phải lúc thất bại sẽ cảm thấy vô cùng thất vọng, khi bị người khác làm tổn thương thì cảm thấy vô cùng thống khổ, khi bị phỉ báng thì cảm thấy rất oan ức, còn khi bị những vật chất hấp dẫn ham muốn, họ sẽ lưỡng lự hoang mang, khi bị phản bội thì thấy phẫn nộ, khi đứng trước lựa chọn giữa sống và chết thì cảm thấy vô cùng sợ hãi. Ấy là do khả năng tiết chế giữ cho sự tĩnh lặng không cao.
Với những người rèn luyện (tu luyện) là cả một quá trình trải nghiệm và suy ngẫm để rút ra bài học kinh nghiệm, đó là quá trình giác ngộ, khi đủ giác ngộ sẽ không vì gặp khó khăn mà nản, không vì gặp chuyện mà hoảng hốt, lâm nguy mà không sợ, lấy mỉm cười đối đãi với phỉ báng, lấy từ bi đối đãi với sự phản bội, dù trước mắt có biến cố gì cũng vẫn thong dong, tự tại “tĩnh tâm như nước”…
Một doanh nhân khi bắt đầu khởi nghiệp cũng vậy, cần có một quá trình giác ngộ để biết cách cho tâm tĩnh lặng như nước, ứng xử khoan hòa, một cảnh giới tinh thần cao nhất trong nhân sinh.