Sáng nay, trên mạng xã hội có những thông tin liên quan đến cuốn sách mới của Huyền “Chip”. Một số người thích quan điểm sống mới này của Huyền Chip, nhưng cũng có những người bày tỏ lo ngại rằng không thích cách sống khá hoang dã như vậy và họ cũng không mong muốn con cái sống như thế. Quá là đau tim.
Trong buổi ra mắt cuốn sách “TUỔI TRẺ KHÔNG HỐI TIẾC” vào tối 25/5 vừa qua tại Hà Nội, Huyền Chip bày tỏ mong muốn truyền những thông điệp mới trong cuộc sống để tuổi trẻ không bao giờ phải hối tiếc đến với các bạn trẻ.
“TUỔI TRẺ KHÔNG HỐI TIẾC” – MỘT CUỐN SÁCH THÚ VỊ
Ông Nguyễn Bá Ngọc, giám đốc NBN, Media thì có một Status bày tỏ sự ủng hộ quan điểm này khi ông đang đọc cuốn sách với những lý do khá thú vị. Theo nick này thì: “Những chia sẻ của Huyen Chip, một cô gái vốn “hoang dại”, “con nhà nông” mà nay vừa lấy bằng thạc sĩ ngành trí tuệ nhân tạo (AI) trường Stanford trong cuốn này thật thú vị.
Mình vẫn đang đọc thôi nhưng thích cuốn này, thấy thích từ cái mục lục đến cách viết và tất nhiên toàn bộ hướng nội dung của sách.
Nói nhanh thì đây vừa là chia sẻ của một người thông minh, nhiều trải nghiệm, “dám sống” thực với con người và những đam mê của mình – đồng thời cũng là chia sẻ những kinh nghiệm bản thân trong cả chặng đường đi và học ở Stanford, ở Mỹ.
Có cả chia sẻ quanh việc nhìn nhận cuộc sống, đi làm (Huyền bảo anh ạ, em vừa thôi Netflix, giờ tập trung viết sách đã).
Bạn nào học sinh phổ thông, trẻ, đi làm rồi mà còn “hoang mang style” có thể đọc – khá thú vị. Cha mẹ nào cần định hướng, cần khích lệ con thì đây cũng là cuốn sách rất phù hợp ;)”.
Stt này được nhiều người like và comment ý kiến. Một số đọc qua lời giới thiệu ấy đã thấy hay và muốn mua ngay. Nhưng, như đã nói, có những người lại dè dặt, không thích quan điểm sống của Huyền Chip. Nó hoang dã quá và không muốn định hướng con theo hướng này.
Theo Mục lục được giới thiệu, có thể thấy cuốn sách chia làm 4 chương: HÀNH TRÌNH TRỞ THÀNH NGƯỜI LỚN, HỌC, LÀM, CHÁY. Với bố cục như vậy, có thể hình dung con đường trải nghiệm từ việc muốn làm con ngoan trò giỏi đến việc từng bước tự lập và độc lập trong cuộc sống để trở thành người lớn và hành trình làm cuộc sống của mình có nghĩa hơn từ tuổi học trò đến tuổi trưởng thành ở cột mốc 25 tuổi.
Chặng đường trải nghiệm và trưởng thành ấy thì phải là HỌC, học nhiều và học liên tục. Có lẽ quan trọng nhất mà Huyền Chip muốn nói với các bạn trẻ là TỰ HỌC, đây là cách để mà tự nạp tri thức và hoàn thiện mình. Đây cũng chính là hành trình để trở thành người lớn.
Rồi sau đó mới tới LÀM, tìm việc và thực tập để có thể tiếp tục hoàn thiện kiến thức mình đã học, đó là những kỹ năng cần thiết để tạo dựng sự nghiệp. Tất nhiên, đó cũng là việc nặng nhọc để kiếm tiền nuôi bản thân, nuôi đam mê của mình.
Và chương 4 là CHÁY, chính là thái độ của mình trước cuộc sống, sự dấn thân vào cuộc sống bằng yêu, đi và hành trình đến cuối đời… là cái chết.
Tất cả những trải nghiệm này chính là để đạt được thông điệp “TUỔI TRẺ KHÔNG HỐI TIẾC”. Đó chính là mỗi người chí có một cuộc sống, một thời tuổi trè, vì thế mà hãy:“Một cuộc sống không xoàng xĩnh, với tôi, là một cuộc sống có ý nghĩa. Là cuộc sống mà tôi tạo ra được giá trị thực sự, giúp đỡ được nhiều người, cho đi nhiều hơn là nhận. Là cuộc sống mà sau khi tôi chết đi, sẽ có người thương tiếc sự ra đi của tôi không phải vì mối quan hệ máu mủ, mà bởi vì tôi đã góp phần tạo nên những thay đổi tích cực trong cuộc sống của họ.”
HIỆN TƯỢNG HUYỀN CHIP TẠO LỐI SỐNG CHO THANH NIÊN
Đã 10 năm kể từ chuyến đi đầu tiên, Huyền Chip – tác giả của những tác phẩm như là “Xách ba lô lên và đi”, “Giấc mơ Mỹ – đường đến Stanfofd” đã có dịp ngồi kể lại về chuyến hành trình “đi” của mình với tất cả niềm đam mê và khát khao của tuổi trẻ trong cuốn sách mới “Tuổi trẻ không hối tiếc”.
Huyền Chip trong buổi giao lưu và ra mắt sách “Tuổi trẻ không hối tiếc”(nguồn:Vietnam.vn)
Thế giới trong mắt Huyền của năm tháng học trò là những trải nghiệm mang tính địa lý. Cô luôn khao khát được đi, được trải nghiệm và hòa vào cuộc sống xung quanh. Nhưng càng đi, Huyền càng nhận ra rằng, trải nghiệm không chỉ dừng lại ở việc đi từ nơi này sang nơi khác. Trải nghiệm – đó còn là sự thay đổi một thói quen cũ, thoát ra khỏi vùng an toàn của bản thân. Và, đó còn là việc đem lại những giá trị tốt đẹp cho xã hội.
Vì thế, Huyền quyết định đặt bút viết tâm sự chân thành về tuổi trẻ tới những độc giả của mình. Ban đầu, cô mong muốn cuốn sách mang tựa đề “Con đường em chọn”. Cô muốn gửi gắm thông điệp tới cậu em trai và cả những độc giả đã từng tìm đến cô với băn khoăn của tuổi trẻ khi đứng trước ngã rẽ cuộc đời. Tuy nhiên, vì cái tên “nghe giống hồi ký quá”, cuốn sách đã được đổi tên thành “Tuổi trẻ không hối tiếc.”
Huyền Chip tên là Nguyễn Thị Khánh Huyền, sinh ra tại Hải Hậu (Nam Định). Cô tốt nghiệp cử nhân và thạc sĩ chuyên ngành trí tuệ nhân tạo tại Đại học Stanford (Mỹ). Cô di chuyển giữa Mỹ, Anh, Việt Nam, chủ yếu dành thời gian cho viết lách và nghiên cứu. Hiện Huyền Chip làm trợ giảng trong một trường học tại Anh.
Con đường lập thân của Huyền Chip tính đến hiện tại không toàn hoa hồng. Cô suýt bị đuổi học hồi cấp ba, từng ngủ ở đồn cảnh sát vì không một xu dính túi, bị người yêu phản bội đến mức trầm cảm.
Trong lần giới thiệu cuốn sách mới này, Huyền Chip cũng nhắc lại cơn khủng hoảng tinh thần cô phải chịu đựng và vượt qua trong vụ ồn ào xoay quanh cuốn sách “Xách ba lô lên và đi”. Khi đó, khán giả nghi ngờ tính trung thực của một vài chi tiết trong sách như: làm việc tại sòng bạc ở châu Phi, sống giữa vùng chiến sự ở Trung Đông… và cho rằng cô nói dối, bịa đặt.
Huyền Chip từng thừa nhận có cường điệu. Cô cũng đã trả lời trên VietNamNet là không lừa dối độc giả, và đến tận bây giờ, cô ấy vẫn khẳng định như thế. Có thể một số thông tin trong sách là không chính xác, nhưng nó không phải là hư cấu.
Huyền đã thành thật xin lỗi: “Nếu độc giả nào mua sách của và cảm thấy mình bị lừa dối. Nếu quyền quyết định nằm trong tay tôi, tôi hy vọng mình có thể trả lại tiền cho độc giả đó. Tôi xin lỗi vì đã nông nổi nghịch ngợm hồi trẻ.
Tôi là một người tồi tệ. Tôi đã và đang cố gắng hàng ngày để trở thành một con người tốt hơn. Tôi không hy vọng rằng mọi người sẽ hiểu và thông cảm cho tôi. Tôi cũng không cố gắng làm cho những ai ghét mình yêu quý mình. Tôi chỉ có thể nỗ lực hết mình, dùng sức hèn tài mọn của mình để giúp ích cho đời.
Trong suốt chuyến đi của mình, cũng như sau chuyến đi, tôi đã nhận được vô số sự giúp đỡ của người khác mà tôi chưa bao giờ đền đáp được xứng đáng. Tôi đã dành bốn năm qua cố gắng trả những cái nợ đó – đôi khi trực tiếp, đôi khi gián tiếp qua việc giúp đỡ những người khác.
Tôi vấp ngã, nhưng tôi đứng dậy và đi tiếp”.
Tuổi trẻ, #chưa_bao_giờ_là_muộn_để_trải_nghiệm, hãy sống tử tế và hết mình.
ANH LAN (tổng hợp)