HỌC NHIỀU THỨ TỪ CÁCH LÀM MARKETING CỦA ÔNG SƠN BÁN CÀ PHÊ VỈA HÈ…

Dân công chức mỗi ngày đi qua con đường Út Tịch (quận Tân Bình) thường tò mò với một quán cà phê cóc vỉa hè, sáng nào cũng đông người.

Ngạc nhiên, bởi phần lớn dân ngồi đây là công chức, trí thức, dân thiết kết và kiến trúc sư, nhà báo và dân làm truyền thông, và thậm chí là nhóm quan chức của quận Tân Bình và Tân Phú cũng thường xuyên ngồi…

CÂU CHUYỆN VỀ ÔNG CHỦ BÁN CÀ PHÊ HÀO HOA

Thật lạ, gần như ngày nào tôi cũng đến uống cà phê ở quán vỉa hè này, dễ gần đến 4 năm, nhưng tôi không nhìn thấy tấm hình của ông Sơn, chủ quán ở trên tường.

Mỗi lần đến, thì cũng thường ngồi ở vị trí quen, khi nào vào trễ, chỗ của mình người khác ngồi thì tôi mới phải tìm một chỗ khác. Đôi khi, ngồi một mình duyệt bài, xem trang, ngó quanh quẩn, xem những vật trang trí trên tường như mấy tấm tranh cũ, ảnh những tấm biểm số xe cổ, nhưng chưa bao giờ tôi thấy bức tranh họa chân dung ông Sơn treo trên đó.

Thế mà hôm qua, vì đến trễ và đông khách, lui vào một góc, đang vẫn vơ nhìn, cũng như mọi khi. Thật lòng là lúc đó tâm lý hơn buồn vì cùng một lúc đồng loạt một số thứ đồ trong nhà, nhất là cái tủ lạnh rất cần kíp, thì lại bị hỏng. Thế nhưng, đang nhìn vẩn vơ thì chợt thấy ánh mắt lấp lánh phát ra từ bức tường nhìn mình vui vẻ thân thiện, thậm chí là ánh mắt như vừa nháy mắt hóm hỉnh, có vẻ như động viên, đừng lo, mọi việc sẽ ổn ngay đấy mà.

Định thần lại mới thấy tấm hình của ông chủ quán trên tường, rất đẹp và ánh mắt ông tươi rói thân thiện, quen thuộc…

Ông mất đã gần 2 năm nay. Và ông là người đã hiến xác cho khoa học…

Cũng trong chiều hôm qua, mọi thứ khó chịu trong căn hộ của tôi đã được khắc phục nhanh chóng, với một chi phí phải trả thấp đến bất ngờ so với dự kiến của tôi. Nhưng ánh mắt của ông chủ quán thì lại ám ảnh.

Sáng nay cà phê hỏi vợ con ông, tấm ảnh anh Sơn mới treo lên thường này hả. Ai vẽ mà đẹp thế, bật lên được thần thái hàng ngày của anh ấy. Cả vợ và con đều trả lời, không, tấm ảnh được treo lâu rồi mà. Một người bạn người nước ngoài của con trai ông vẽ lại theo tấm ảnh con trai ông post lên trên Facebook.

Thật sự bâng khuâng và không biết vì sao trong bao nhiêu lâu ngày nào cũng uống cà phê ở đây, cũng thường nhìn ngó các bức tranh lạ treo trên tường nhưng lại chưa bao giờ phát hiện ra bức tranh ấy. Cái sự băn khoăn này cũng là xuất phát bởi câu chuyện xảy ra trước ngày ông mất ít hôm và những điều tôi biết sau khi ông mất.

Chẳng là khi đó phường không cho ngồi bên vỉa hè, ông Sơn đã mua thêm một căn nhà phía sau để nối vào căn nhà ông, vốn khi mở đường đã xén vào còn diện tích rất ít. Để mua căn nhà ọp ẹp đó ông phải trả rất nhiều tiền, nhưng ông muốn không gian rộng hơn một chút cho tất cả khách hàng quên thuộc vốn ngồi bên vỉa hè này chuyển qua có đủ chỗ ngồi và tốt hơn.

Khi chuyển qua, vì nhà cũ nên hệ thống hơi ga chưa xử lý tốt, khiến tôi lúc đó không thích, và đã chuyển đến quán cà phê gần đó ngồi, tuy là ngồi trong nhà nhưng cũng sát vỉa hè, để thỏa cái thú ngắm xe cộ chạy qua và bông phèng vài câu chuyện với bạn bè cà phê quen (vài người cũng qua quán này như tôi).

Một lần, vì xe máy của khách đông, ông dẫn xe đến gần quán cà phê này thấy tôi ngồi, ông chựng lại ánh mắt có vẻ buồn giận và quay mặt đi. Tôi áy náy và thật là quán mới cà phê pha quá tệ, cũng như những người bạn cà phê quanh đây không vui, do vậy lại quay về quán ông Sơn.

Khi tôi về ông không nói gì, không kéo ghế ngồi trò chuyện linh tinh như trước, không nhìn mặt, chỉ lặng lẽ bưng cà phê ra để đó, hoặc tránh chỉ để con và vợ mang cà phê… Tôi biết ông giận cái thái độ của mình.

Càng ngày ông càng ốm, có những ngày ít thấy ông bán hàng hoặc đi qua đi lại một chút rồi không thấy đâu. Một hôm vừa đến nơi, đang tí toét với mấy người bạn quen trong quán, thì ông từ trên gác xuống chủ kéo ghế ngồi cùng bàn lắng nghe các câu chuyện và mỉm cười bâng quơ.

Tôi biết là ông hết giận nên tám đôi ba câu chuyện, còn nói ông hôm nào khỏe rảnh rảnh đi nhảy đầm với tôi. Ông là dân chơi trong ban nhạc trước đây và nghe nói nhảy giỏi, một tay chơi thứ thiệt hồi trẻ. Hai anh em lại nói chuyên tào lao, nhưng chủ yếu ông ngồi nghe tôi liến thoắng và cười. Khi cười trông của ông có vẻ mệt mỏi, tay hơi ôm ngực, tôi bảo anh phải chú ý đến sức khỏe đấy…

Ngày hôm sau không thấy ông xuống. Chỉ thấy vợ và con ông lặng lẽ pha cà phê cho khách, không râm ran chào hỏi…

Ngày hôm sau nữa tôi ghé quán thì thấy đóng cửa, một số khách hàng cũng ngỡ ngàng khi mấy khách quen thông báo ông đã mất, gia đình làm lễ và sau đó xác ông được mang đi do ông đã làm giấy hiến xác…

Với tôi, ông Sơn mất là hoàn toàn bất ngờ, vì trước đó tôi không hề biết ông bị bệnh nặng. Chắc do mình vô tâm chứ ông vốn gầy mà những ngày gần mất ông còn gầy hơn. Những khách quen trong mấy ngày đó dồn vào mấy quán bên cạnh. Câu chuyện hiến xác của ông khiến tôi cảm kích, nhưng câu chuyện ông cố giữ nếp quán khiến tôi trào nước mắt.

Trong những ngày cuối đời, căn bệnh ung thư khiến ông rất đau, gia đình đã định đóng cửa để chăm sóc ông, nhưng ông không chịu. Ông yêu cầu vợ con phải bán, mở cửa đúng giờ, chăm sóc khách hàng như mọi khi, thật tốt.

Hình như buổi sáng trước ngày ra đi, ông vẫn yêu cầu mọi người trong gia đình mở cửa bán cho khách. Khi biết ông chỉ còn sống tính theo giờ, vợ con muốn ở bên ông, nhưng ông bảo nếu không xuống bán ông sẽ xuống bán. Chính vì thế nhớ lại, lúc chúng tôi vẫn bình thản mà không biết trên gác mình ông nằm hấp hối, thỉnh thoảng vợ con lại chạy lên với ông, tôi đã không thể kìm được nước mắt.

CHUYỆN CỦA QUÁN CÀ PHÊ VỈA HÈ CHẤT LƯỢNG CAO

Cách đây có lẽ cũng đã hơn 4 năm hoặc 5 năm, lần đầu tiên tôi được dẫn đến quán vỉa hè này. Cà phê ngon, những người khách ngồi đó, ông chủ quán… tất cả tạo nên một ấn tượng thật đặc biệt.

Khi đó, những người uống cà phê thật sự ngồi trên vỉa hè đối diện với nhà ông (là quán hiện nay). Rất đông và vui vẻ. Mỗi người cái ghế nhựa, một cái khác làm bàn để ly cà phê và ấm trà. Nhóm nào đông thì có cái bàn xếp sắt. Mọi người ngồi dựa vào tường của nhà kho khách sạn Đệ nhất gì đó, uống cà phê, ngắm nhìn người qua lại, ngắm trời đất, và ngoảnh qua ngoảnh lại bàn chuyện thế sự, rôm rả.

Có một nhóm khách luôn được ưu tiên ngồi ở cây cột điện, có bàn và ấm trà lúc nào cũng ngon, chính là nhóm cán bộ nguyên ở Tân Bình sau về các quận – huyện – ban – ngành – đoàn thể khác. Họ có tình bạn bền chặt từ khi còn công tác Đoàn và phòng văn hóa thông tin quận Tân Bình ngày giải phóng. Phần lớn cũng là những người tôi quen khi còn trẻ sinh hoạt ở quận đoàn và sau này có thời kỳ khi mới ra trường về làm phòng VHTT Tân Bình… Nhập hội và trò chuyện, những câu chuyện tiếp tục được nối lại từ mấy chục năm trước… Họ thường đến rất sớm, uống cà phê rồi tới giờ là đứng dậy đi làm. Mấy tháng nay, phần lớn các vị khách này đã nghỉ hưu nhưng sáng nào cũng ngồi cà phê với nhau, thời gian ngồi lâu hơn, hơn 8.30 sáng mới chia tay…

Ông chủ quán lúc đó, ông Sơn, là người biết chiều khách hàng. Những ai đã đến đây uống cà phê đều cảm tình vì ông chăm sóc khách hàng chu đáo, sự lôi cuốn ấy mạnh hơn cả hương vị cà phê vốn đã ngon ở đây. Ông biết tính nết từng người. Biết ai thích uống trà ngon sẽ luôn có bình trà nóng chất lượng. Ngày tết hay lễ ông hay tăng mọi người một ly miễn phí. Như tôi khách quen, hôm đó đi công tác đâu hôm sau ghé vẫn được ông miễn phí…

Chuyện vui là, có những lúc ngồi vỉa hè, khi thấy đội trật tự đến gần mọi người mỗi người một tay cần ly tách, bình trà, bàn ghế… mang vào nhà ông để tránh bị tịch thu (nhà lúc đó còn nhỏ xíu); hoặc đứng lên đi về nhưng hôm sau vẫn trả tiền hai ly, đủ để thấy sự trung thành của khách.

Tất cả những điều đó giúp quán ông Sơn có thể giữ chân các khách hàng trung thành trong rất nhiều năm. Giá cà phê ở đây so với nhiều quán thật sự là vỉa hè chắc chắn cao hơn, nhưng không ai thấy nó cao. Với lượng khách này, ngày ước tính bao nhiêu ly, kiếm bao nhiêu tiền, chắc chắn ông Sơn tính toán được. Nhiệm vụ là giữ khách trung thành ngày cũng tới, kiểu gây nghiện không khí quán, là điều ông Sơn đã làm được.

Vài tờ báo ông mua để đó cho mọi người đọc và bình luận, một ấm trà ngon, dẫn giúp chiếc xe lên vỉa hè… mỉm cười và trò chuyện với sự hiểu biết tình hình trong và ngoài nước, sự từng trải trong âm nhạc và nghệ thuật, làm cho những vị khách như chúng tôi không thể bỏ qua mỗi sáng. Nhiều khi, sáng ra đến đó ngồi uống và tám, sau đó mới chạy ra quán cà phê khác hẹn khách…

Điều thú vị mà nhiều người cần học, những khách hàng “bình dân” thật sự không được chào đón nhiệt tình ở đây. Quá độ, một người chạy xe ôm hay gì đó có thể ghé quán uống ly cà phê, nhưng thái độ không vồn vã của ông chủ đã khiến họ lạc lõng và hôm sau không ghé lại nữa. Một cách chọn lọc khách hàng rất hay. Thái độ phục vụ để thu hút lượng khách hàng phân khúc mà ông chủ quán muốn. Giá cả cao hơn quán vỉa hè thường, gần sát giá ở quán cà phê tốt trong nhà, để những người ngồi uống không thấy nó rẻ tiền, và những người thu nhập thấp hơn sẽ thấy nó cao nên tự động di chuyển đến quán khác…

Những người kém hiểu biết, lấc cấc, ông nói chuyện kiểu khác, nhát gừng và và có khi còn xiên xỏ vài câu khiến họ bỏ đi không trở lại quán. Câu chuyện của ông là dành cho trí thức, công chức, nó tạo nên một không khí tương đồng, giúp cộng đồng khách hàng luôn thoải mái và gắn bó. Hôm nay gặp mấy người bạn này tám, mai ra hết chỗ thì ngồi ghép vào chỗ trống nào đó, tám tiếp không e ngại.

Trong vai trò một CEO, ông điều hành cái quán chuẩn, chí phí ban đầu bao năm nay vẫn vậy, mấy các ghế nhựa, cái bình trà hoa văn từ thời bao cấp, cái bàn xếp bằng sắt, ai đến trễ thì cái ghế nhựa nhỏ để ngồi và trước mặt là cái ghế nhựa nhỏ khác làm bàn để ly cà phê và bình trà…Việc chi phí vận hành và phục vụ khoảng bao nhiêu khách đều đều như vậy mỗi buổi sáng, đến gần trưa đóng cửa… hoàn toàn hợp lý. Gần đây quán có thêm khách mới và mọi người lại tự nguyện xách cái ghế nhựa nhỏ, chen vào khoảng trống nào đó để ngồi và gọi cà phê…

Cung cách làm marketing của một người như ông Sơn chắc chưa qua trường lớp nào nhưng hoàn toàn chuẩn và tạo nên thu nhập ổn định. Chọn phân khúc thị trường tốt nên khả năng chi trả tốt, không mấy ai uống thiếu hay nợ nần gì. Chăm sóc khách hàng chu đáo, khuyến mại hậu mãi đều làm khách vui lòng. Sản phẩm mang giá trị tinh thần rất lớn là kết nối được các khách hàng vui vẻ bên nhau và ngày nào cũng như ngày nào, bấy nhiêu khách hàng lại vui vẻ kéo đến…