Nhắc đến gôn, mọi người sẽ nghĩ đến giới quý tộc siêu cao cấp. Nhưng ở VN, thời gian gần đây gôn mở rộng thành môn thể thao phong trào, không ít đối tượng tham gia chỉ là những người lắm tiền và thừa cân, họ chơi gôn nhiều lúc nhầm tưởng đang chơi bi, vì thế mà họ dễ có những hành động quái dị và gớm ghiếc.
Vụ gôn-phơ đánh gơn-lơ là một ví dụ
Thế giới đang có một xu hướng phổ biến, những từ tiếng Anh khá độc đáo như River (con sông), Summer (mùa hạ), Winter (mùa đông), Ember (bếp than hồng), Lavender (hoa oải hương), Aster (hoa cúc tây), Klover (cỏ ba lá), Sunflower (hoa hướng dương)… đều kết thúc bằng âm ER (ơ), được nói và phát âm dễ dàng, rất thân thiện, đáng nhớ và hấp dẫn; vì thế mà con gái được bố mẹ chọn tên kết thúc bằng âm ơ.
Girl name ending in er = Girl-er.
Sự việc thật đáng tiếc, mấy ngày vừa qua nhiều cơ quan báo chí dồn dập đưa tin gôn thủ Nguyễn Viết Dũng đánh vào đầu nữ nhân viên phục vụ sân gôn BRG, làm gãy cả gậy phát bóng. Gôn-phơ dùng gậy chọc gơn-lơ.
Cơ quan chức năng vẫn đang tích cực giải quyết. Vụ việc sẽ không bị chìm xuồng. Bởi trước đó, tháng 9 năm 2013 cũng đã từng xảy ra vụ việc tương tự, một gôn-phơ đại gia dùng gậy gôn đánh vào đầu gơn-lơ, sau đó ông bị khiển trách, bị xử phạt hành chính, bị Hiệp hội Gôn-phơ Việt Nam đề nghị các sân gôn không cho ông chơi trong một năm.
Chơi gôn là cách tốt nhất để phát hiện bản chất thật của một con người
Gôn phiên âm theo tiếng Anh là GOLF, được ghép từ những chữ cái đầu của 4 chữ, bao gồm Green (màu xanh lá cây), Oxygen (dưỡng khí), Sunshine (ánh sáng) và Frendship (tình bạn).
Một môn thể thao kết hợp được 4 nội dung hấp dẫn. Sự kết hợp ấy khiến người ta liên tưởng ngay đến vùng đất hoang sơ xanh tươi bao la. Vì thế mà sân gôn bao giờ cũng được xây dựng cạnh sông, cạnh núi, hồ nước và rừng cây, có tiếng chim hót, hoa thơm cỏ lạ, bên trong là vườn đào trĩu quả và những nàng tiên gơn-lơ xinh đẹp, khung cảnh chẳng khác nào chốn bồng lai tiên cảnh nơi hạ giới.
Trên thực tế, việc liên hệ gôn với 4 chữ cái gờ ô lờ ép là do các ông trùm bất động sản ở Đông Á hiện nay nghĩ ra, họ lấy cớ xây dựng sân gôn nhằm mục đích chiếm những mảnh đất vàng, chứ nó khiên cưỡng và không có cơ sở.
Nhiều người tin rằng, gôn bắt nguồn từ việc một người chăn cừu Scotland trong lúc quá buồn chán, đã vô tình dùng cây gậy đánh một viên đá tròn lăn vào hang của thỏ hoang khi đang chăn thả gia súc vào thời cổ đại. Trò chơi được lặp lại. Thậm chí người chăn cừu còn mời thêm những người khác cùng chơi, họ dùng gậy chăn cừu đánh viên đá vào lỗ thỏ, chủ yếu để giết thời gian nhàm chán.
Vào thời kì quý tộc châu Âu, gôn không chỉ hấp dẫn vì là môn thể thao giết thời gian, mà còn bởi sự chính xác đến từng milimet, sang trọng và điềm tĩnh. Chỉ giới thượng lưu mới chơi gôn. Những quy định dần trở nên khắt khe, từ trang phục, sân chơi, luật thi đấu, cho đến phục vụ đều phải theo những chuẩn mực.
Ví dụ về trang phục, giới quý tộc châu Âu thường mặc áo thi đấu của những hãng nổi tiếng, chân đi giày chơi gôn đặc biệt, đầu đội mũ lưỡi trai màu trắng, tay đeo đồng hồ thuộc loại “biểu trung quý tộc”, tức là đồng hồ đeo trên tay cũng phải là đồng hồ quý tộc trong thế giới đồng hồ.
Năm 1860, Vương quốc Anh tổ chức giải gôn mở rộng đầu tiên. Năm 1922, ngoại giao gôn Anh – Mỹ núp bóng tranh cúp “Walker Cup”, đây cũng là trận thi đấu gôn quốc tế đầu tiên trên thế giới.
Hãy thử tưởng tượng, các quý tộc bước trên thảm cỏ xanh non, tay cầm gậy phát bóng, mắt nhìn ra hồ nước trong vắt, nơi có bụi cây rậm rạp xanh ngắt, có bãi cát vàng ươm, từng làn gió mát thoảng qua và xung quanh không có tiếng ồn ào, nếu có thì chỉ là tiếng tỏ tình ồn ào của những con bướm dậy thì trong đồng cỏ liền kề, những quý tộc không bận tâm vì những tiếng ồn ào ấy, họ xoay người một cách duyên dáng rồi đánh quả bóng một cách bình tĩnh.
Khoảnh khắc quả bóng từ từ lăn vào lỗ. Những chuyển động mạch lạc ấy đã tóm gọn định nghĩa về sự cao quý trong ba tính từ – “ưu nhã, trầm ổn, tinh chuẩn”.
Gôn là thanh lịch, là vững vàng, là chính xác
Đó là một trò chơi với mục tiêu đánh một quả bóng rất nhỏ vào một cái lỗ rất nhỏ, lỗ chỉ vừa khít quả bóng, chiếc gậy để chọc quả bóng vào lỗ cũng được thiết kế đặc biệt cứng. Quá trình chơi gôn không thể mắc sai lầm. Gôn-phơ một mình xông pha nơi tưởng đẹp như thiên đường, nhưng thực sự rất khó khăn, chỉ có ông trời đang theo dõi gôn-phơ và phục vụ anh theo đuổi quả bóng, bởi vậy mà người chơi gôn phải có phẩm chất đạo đức trong veo.
Đã uống rượu thì không lái xe.
Đã xấu tính thì không chơi gôn.
Khi các quý tộc trong tầng lớp thượng lưu chơi gôn, họ phải tuân thủ những quy định như tôn trọng truyền thống, tôn trọng người khác, tuân thủ các nghi thức và quy tắc, chú ý đến kỉ luật tự giác; vì thế mà gôn trở thành môn thể thao giàu văn hóa nhất trong tất cả các môn thể thao.
Tinh thần quý tộc trong môn thể thao gôn, nó không phải là tinh thần bộc phát, cũng không bao giờ đối lập với tinh thần của người bình thường, cũng không có nghĩa là tinh thần được ưu ái nuông chiều, nhàn nhã xa hoa, mà là tinh thần tiên phong lấy nền tảng là một loạt các giá trị như lòng dũng cảm, trách nhiệm, danh dự làm trung tâm của tính kỉ luật và sự tực giác.
Tinh thần quý tộc là phẩm giá siêu phàm. Đó là tinh thần trách nhiệm, từ trách nhiệm với bản thân, cho tới ý thức trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội và thế giới xung quanh.
Tinh thần gôn cũng chính là tinh thần quý tộc
Tinh thần gôn là “lễ phép, kỉ luật, tự giác, chính trực, công bằng, hữu nghị”. Đó là những chuẩn giá trị trong quy tắc ứng xử của người chơi gôn, là điều cốt yếu trong văn hoá gôn, người chơi phải liêm khiết, luôn đề cao tu dưỡng bản thân.
Gôn là sự rèn luyện kết hợp giữa tinh thần và thể chất, nên trong quá trình này, người chơi gôn phải kiềm chế sự nóng nảy, dùng lí trí để kiểm soát tính chính xác của cơ thể.
Ưu nhã là một loại bình tĩnh trong cuộc sống.
Để có được ưu nhã, con người phải không ngừng rèn luyện, rèn luyện trong môi trường ưu nhã. “Cận chu giả xích, cận mặc giả hắc – Gần son thì đỏ, gần mực thì đen”. Câu nói người xưa nếu áp dụng vào gôn, thì với một người chơi gôn nhiều năm, họ đắm chìm trong một thế giới quý ông, hệ quả tất yếu là tính cách của họ ngày càng trở nên kiêm tốn, thanh lịch.
Ưu nhã là sự tích luỹ trí tuệ và sự kiêm tốn theo năm tháng, giống như rượu, càng để lâu càng ngon theo thời gian. Triết lí của gôn là sự từng trải qua sóng gió, để từ đó biết cách bình tĩnh đối mặt với cuộc đời, bởi đằng sau sự bình tĩnh là dũng khí, là sự tự tin và trí tuệ để đối mặt với hiểm nguy rình rập.
Đừng tưởng chơi gôn nhàn nhã không phải vận động nhiều
Đầu tiên, là vận động về tâm tính, thứ vận động khó khăn nhất, không dễ đạt được một sớm một chiều. Trên đồng cỏ xanh bất tận của sân gôn, ngay cả khi không có ai xung quanh, gôn-phơ cũng phải không ngừng đấu tranh với những cảm xúc như lòng tham, sự nhút nhát, lo lắng về những điều được mất, sự tự tin vượt lên trên những cảm xúc tầm thường là rất quan trọng.
Khi đã dũng cảm đối mặt với những điều này và tự tin, gôn-phơ có thể làm chủ mọi đường gôn, từ đó biết cách làm chủ mọi tình huống trong cuộc sống.
Để làm chủ được mọi tình huống, cần phải quan sát địa hình, chướng ngại vật, độ dốc, tư thế đứng thẳng, hướng gió và thậm chí cả kiểu cỏ trên bãi cỏ, tức là gôn-phơ phải có cái nhìn sâu sắc về các cơ hội hoặc rủi ro khác nhau.
Muốn vậy, gôn-phơ phải sử dụng tất cả các loại trí tuệ cần thiết, khi đối mặt với các loại thử thách trong cuộc sống, không sợ phức tạp, bình tĩnh và điềm tĩnh, xem xét bóc tách từng vấn đề một cách khoa học và logic nhất có thể.
Thứ hai, là vận động thể chất, gôn khá nặng nhọc hơn chúng ta tưởng. Hãy thử hình dung, một quả bóng nhỏ đặt trên mặt đất, một người cầm gậy trên tay, với tư thế chân và thân không di chuyển, dùng toàn thân thực hiện động tác xoay đánh quả bóng nhỏ bay thật xa. Cú đánh có tốc độ đầu gậy vượt quá 160 km/h, tốc độ bóng có thể đạt tới 225 km/h, khoảng cách đánh 200-300m.
Để đạt vận tốc lớn như vậy, lực xoay tác động lên quả bóng gấp 8 lần trọng lượng cơ thể. Ví dụ một người nặng 85kg, thì lực xoay là 680kg, con số kinh hoàng.
Giả sử cú downswing đập vào một gơn-lơ thì khả năng xương tan thịt nát. Tất cả các khớp xương cơ thể đều chịu lực. Theo số liệu thống kê, người chơi gôn dễ bị chấn thương cột sống thắt lưng, các khớp khuỷu, khớp cổ tay, khớp gối và khớp cổ chân.
Một nghiên cứu ở Thuỵ Điển cho thấy, để chơi một vòng gôn 18 lỗ thì phải mất 5 giờ đồng hồ, mỗi giờ đốt cháy 306 calo, vậy tổng năng lượng đốt cháy là 1530 calo.
Đi bộ tiêu thụ 300 calo mỗi giờ.
Gôn thủ chuyên nghiệp sống lâu hơn
Một nghiên cứu ở Thuỵ Điển năm 2008, thực hiện khảo sát tất cả những người chơi gôn, tổng số hơn 600 ngàn người trong 9 triệu dân. Nghiên cứu cho thấy, ở cùng độ tuổi, giới tính, điều kiện kinh tế và tính trạng xã hội, những người chơi gôn có tỉ lệ tử vong thấp hơn 40% và sống lâu hơn khoảng 5 năm so với những người không chơi gôn.
Giáo sư Anders Alb từ Viện Y học Môi trường thuộc Viện Karolinska ở Thụy Điển, người đứng đầu cuộc nghiên cứu, cũng là một người đam mê chơi gôn 66 tuổi, ông cho biết chơi gôn giúp giảm tỉ lệ tử vong và tăng tuổi thọ vì gôn giúp giảm các bệnh tim mạch, béo phì, huyết áp cao, mỡ máu và tiểu đường. Nghiên cứu cũng chỉ ra những người chơi tốt sẽ khoẻ mạnh và sống lâu hơn người chơi kém.
Ethan Shelton là tay golf lớn tuổi nhất thế giới, ông chỉ bắt đầu chơi gôn từ năm 72 tuổi, đến hơn trăm tuổi ông vẫn có thể chơi 9 lỗ, có khi 18 lỗ, một năm có thể chơi hơn chục ván; Ethan thọ 111 tuổi.
Gus Andreone là huyền thoại gôn người Mỹ, thọ 107 tuổi, cụ chơi gôn 3 lần mỗi tuần. Năm 103 tuổi, cụ đã thực hiện cú hole-in-one hay còn gọi là cú Ace (đánh một gậy trúng lỗ) thứ 8, làm cả thế giới ngả mũ thán phục.
Ida Peric, là người phụ nữ chơi gôn dễ thương nhất thế giới. Cụ bước đi run rẩy và nói “sức khoẻ tôi không tốt lắm”, nhưng cụ vẫn tự mình chơi gôn. Khi đó cụ 102 tuổi. Dù khó có thể che giấu tuổi già và không còn những cú swing ổn định nhưng cụ Ida chưa bao giờ từ bỏ gôn.
Năm 2011, Đại học Rutgers ở New Jersey, Hoa Kỳ đã tiến hành một nghiên cứu dự đoán có tên là Survival Function Estimates trên những người chơi gôn chuyên nghiệp cao tuổi, nhằm ước tính tuổi thọ của những người chơi cao tuổi. Đối tượng nghiên cứu của họ là 313 tuyển thủ chuyên nghiệp đã tham gia các giải đấu cấp cao, những người này đã giành được ít nhất một chức vô địch PAG Tour.
Kết quả cho thấy 88% chuyên gia chơi gôn lớn tuổi dự kiến sẽ sống trên 76 tuổi, so với chỉ 50% nam giới không chơi gôn. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng tuổi thọ trung bình của một chuyên gia chơi gôn là 88 năm. Họ sống lâu hơn tuổi thọ trung bình của dân số Hoa Kỳ và lâu hơn tuổi thọ trung bình của các vận động viên hàng đầu trong các môn thể thao khác.
Tại sao gôn chỉ dành cho người giàu?
Đây là hai câu hỏi thú vị. Nó cũng giống như tại sao người giàu thích ở khách sạn hạng sang, thích đi máy bay hạng thương gia, thậm chí thích đi máy bay riêng. Thực ra ai cũng thích chơi gôn, người nghèo có khi còn thích hơn, nhưng người giàu có tiền và có thời gian.
Riêng tiền học chơi gôn, mỗi buổi thuê thày 1,5 – 7 triệu, khoá học 12 buổi, sau đó thực hành 18 giờ với mỗi giờ khoảng 1 triệu. Ngoài ra phải mua gậy gôn 50 triệu. Mua thêm thiết bị của câu lạc bộ, gồm giày thể thao, quần áo, mũ, bóng… hết khoảng 10 triệu.
Tổng tiền ban đầu 160 triệu.
Những ván gôn tiếp theo khoảng 2 triệu, tính cả năm khoảng 300 triệu chưa kể tiền boa, đó là tiết kiệm không thể tiết kiệm hơn. Với chi phí lớn như vậy, người nghèo là không thể, vì vậy chỉ còn người giàu chơi. Nếu chơi gôn chỉ tốn 10k mỗi giờ như trẻ trâu đến quán internet chơi game online, thì sân gôn sẽ đông chẳng khác gì bãi biển mùa hè.
Suy cho cùng, tiền vẫn là thứ rất quan trọng, chơi gôn và đi máy bay riêng đòi hỏi phải có nền tảng kinh tế rất tốt.
Có những lí do để người giàu bỏ tiền chơi gôn
Đầu tiên, chơi gôn thực sự rất thú vị, đánh một quả bóng nhỏ ở cự li hơn 200 mét, đó là một cảm giác thành tựu tuyệt vời. Còn gì lí thú hơn khi dạo chơi trong một khung cảnh, có trời xanh mây trắng, cỏ xanh, núi non nhấp nhô, cò đậu trên mặt hồ trong veo, mùa thu có quả đỏ, mùa hè có gió mát, bốn mùa có tiếng chim hót líu lo, chẳng môn thể thao nào có thể sánh kịp.
Thứ hai, chơi gôn với người giàu về bản chất là một cách giao tiếp. Đây là điểm khác biệt so với tất cả các môn thể thao còn lại. Trong quá trình chơi, hai người đàn ông giàu có nói về mọi thứ với nhau một cách thoải mái. Điều đó sẽ không bao giờ xảy ra với môn thể thao vua là bóng đá, tức là không thể có hai đội gồm 22 người giàu có cùng lúc vừa đá bóng vừa bàn chuyện làm ăn.
Chưa kể, gôn là môn thể thao sang trọng, phù hợp với địa vị của những người giàu có. Đối với những người giàu, không có nhiều người thích chơi bóng rổ và bóng đá trong thời gian rảnh rỗi, họ thích chơi gôn để vừa thể tập thể dục trong thời gian rảnh rỗi, lại vừa giải trí.
Đánh bóng, đi bộ, trò chuyện với đối tác kinh doanh, đều là những điều mà người giàu thích làm. Gôn đặc biệt chú ý đến nghi thức, chẳng hạn như trang phục, động tác, thiết bị, văn hoá… là những điều người nghèo ít quan tâm.
Trên thực tế, người nghèo thích chơi gôn nhưng không có tiền đến sân gôn, thì có thể xem các trận đấu trên kênh truyền hình quốc tế, cũng là một thú vui.
BS TRẦN VĂN PHÚC