Giải pháp thiết kế, lắp đặt, sử dụng trang thiết bị công trình để đảm bảo điều kiện chất lượng không khí trong nhà

Trong kế hoạch xây dựng các tiêu chuẩn Việt Nam, Bộ Xây dựng đã giao Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam nghiên cứu xây dựng dự thảo Tiêu chuẩn về Nhà ở và nhà công cộng – Các thông số chất lượng không khí trong nhà. Ngày 29/8/2022, Tiêu chuẩn “TCVN 13521:2022 – Nhà ở và nhà công cộng – Các thông số chất lượng không khí trong nhà đã được Bộ Khoa học và Công nghệ công bố tại quyết định số 1686/QĐ-BKHCN.

Việc ban hành tiêu chuẩn này có ý nghĩa rất quan trọng để tạo cơ sở pháp lý trong việc thiết kế, vận hành và quản lý công trình nhằm tạo lập một môi trường sống trong nhà có chất lượng cao, đảm bảo sức khỏe và hiệu quả làm việc cho người dân Việt Nam.

Hội thảo Giải pháp thiết kế, lắp đặt, sử dụng trang thiết bị công trình để đảm bảo điều kiện chất lượng không khí trong nhà

Trong quá trình nghiên cứu xây dựng dự thảo tiêu chuẩn, Bộ Xây dựng đã cấp kinh phí và cùng với sự hỗ trợ về thiết bị của Tập đoàn Panasonic Nhật Bản để tiến hành đo đạc, khảo sát môi trường trong một số nhà ở và nhà làm việc ở Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh. Tiêu chuẩn này không phải là biên dịch hoàn toàn từ Tiêu chuẩn nước ngoài mà là Tiêu chuẩn được biên soạn dựa trên kết quả khảo sát môi trường thực tế ở Việt Nam, kết hợp với sự tham khảo các Tiêu chuẩn có liên quan của một số nước trên thế giới. Do đó Tiêu chuẩn này vừa có tính hiện đại, hòa nhập Quốc tế, vừa có tính thực tiễn, tính khả thi ở Việt Nam.

Việc ban hành Tiêu chuẩn là rất quan trọng, nhưng việc bảo đảm sự tuân thủ áp dụng nghiêm chỉnh Tiêu chuẩn vào thực tế còn quan trọng hơn nhiều. Vì vậy, trong khuôn khổ hoạt động của Sự kiện Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam năm 2022, với mục đích phổ biến nội dung Tiêu chuẩn TCVN 13521:2022 và chia sẻ kinh nghiệm về các giải pháp kỹ thuật đảm bảo đáp ứng các yêu cầu về chất lượng không khí trong nhà, Hội thảo “Giải pháp thiết kế, lắp đặt, sử dụng trang thiết bị công trình để đảm bảo điều kiện chất lượng không khí trong nhà” được tổ chức với sự phối hợp của Bộ Xây dựng, Trung tâm Môi trường Đô thị và Công nghiệp thuộc Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam và Tập đoàn Panasonic.

Hội thảo thu hút nhiều chuyên gia trong ngành tham dự

Hội thảo đã được tổ chức tại 3 thành phố lớn gồm: Hà Nội vào ngày 2/11/2022, Đà Nẵng vào ngày 7/11/2022 và tại TP Hồ Chí Minh vào ngày 9/11/2022. Đã có khoảng 700 đại biểu ở cả ba miền tham dự, đến từ các các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Y tế và các Sở chuyên ngành địa phương; các cơ quan, tổ chức quốc tế; các tổ chức nghiên cứu và đào tạo; các chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn thiết kế, thi công xây dựng và quản lý vận hành tòa nhà; các doanh nghiệp sản xuất và phân phối thiết bị thông gió, điều hòa không khí, đảm bảo vệ sinh môi trường trong nhà; các đơn vị đo đạc, quan trắc chất lượng môi trường không khí; các đơn vị sản xuất và phân phối vật liệu và thiết bị nội thất; các hiệp hội nghề nghiệp; các kiến trúc sư, kỹ sư và các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường, công trình xanh và sức khỏe con người.

Các chuyện gia khoa học đã trình bày các tham luận như: thực trạng chất lượng không khí trong nhà dân dụng ở Việt Nam và giới thiệu Tiêu chuẩn “TCVN 13521:2022 – Nhà ở và nhà công cộng – Các thông số chất lượng không khí trong nhà”, do TS.KTS Phạm Thị Hải Hà trình bày; Chất lượng không khí cho cuộc sống con người, do ông Ichiro Suganuma (tập đoàn Panasonic) trình bày; Một số giải pháp công nghệ kỹ thuật trong thiết kế và vận hành công trình để kiểm soát chất lượng không khí trong nhà, do PGS.TS Nguyễn Đức Lượng trình bày; Ví dụ điển hình về các sản phẩm và giải pháp công nghệ giúp cải thiện chất lượng không khí trong nhà của tập đoàn Panasonic, do ông Nguyễn Kim Duy Nghiêm (Panasonic Electric Works Việt Nam) và ông Võ Văn Hoàng (Panasonic Air-conditioning Việt Nam) trình bày và định hướng tương lai của tiêu chuẩn chất lượng không khí trong nhà, do ông Philip Ong, Trung tâm R&D Panasonic-Singapore trình bày.

Theo thegioimoitruong.vn