FACEBOOK LẬP KÊNH RIÊNG ĐỂ GIẢI QUYẾT ĐỀ NGHỊ CỦA BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

Hôm nay, trên báo Tiền Phong Online, phóng viên Nguyễn Hoài vừa thông tin như trên, một nội dung quan trọng về cuộc họp vào sáng nay của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, Facebook sẽ xây dựng một kênh riêng để giải quyết đề nghị của Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc ngăn chặn, xử lý, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật Việt Nam.

Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị Sơ kết 6 tháng đầu năm 2018 của Bộ Thông tin và Truyền thông, diễn ra sáng nay (9/7/2018).

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, thời gian qua Bộ đã tích cực làm việc với Facebook và Google trong việc ngăn chặn, xử lý thông tin vi phạm pháp luật Việt Nam. Tính đến hết tháng 6/2018, Google đã ngăn chặn, gỡ bỏ gần 6.700 trong số 7.800 video clip khỏi YouTube gồm gần 300 video clip liên quan đến Forrmosa và các tỉnh miền Trung với nội dung phản động, kích động nhân dân chống phá Đảng, Nhà nước.

Facebook đã ngăn chặn, gỡ bỏ gần 1.000 trong số 5.500 đường link có nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam. Ngoài ra, mạng xã hội này cũng gỡ bỏ 107 tài khoản giả mạo, 137 tài khoản nói xấu, bôi nhọ, tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam.

Bên cạnh đó, Facebook cho biết, sẽ xây dựng một kênh riêng để giải quyết đề nghị của Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc ngăn chặn, xử lý, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật Việt Nam trên mạng xã hội một cách hiệu quả hơn, tốt hơn. Trong khi đó, Google cam kết tuân thủ pháp luật Việt Nam và hợp tác trong vấn đề an toàn, an ninh thông tin.

Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đang nghiên cứu, xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử cho các nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam nhằm hướng tới một môi trường mạng lành mạnh.

Trước đó, tại Tọa đàm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội vì một môi trường mạng lành mạnh tại Việt Nam , Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, số người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam đạt khoảng 55 triệu người (chiếm tỷ lệ 57% dân số, theo báo cáo mới nhất của tổ chức We are Social), trong đó lượng người dùng mạng xã hội qua điện thoại di động là 50 triệu người. Thời lượng sử dụng internet và mạng xã hội trong một ngày của người sử dụng Việt Nam tương ứng 7 giờ và 2,5 giờ, khá cao so với khu vực và thế giới. Faceook và Youtube là những trang được sử dụng nhiều nhất với tỷ lệ 61% và 59%.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, mạng xã hội phát triển với các tính năng hỗ trợ chia sẻ, kết nối nhanh thông tin khiến cho hành vi nói xấu, bôi nhọ hay tin giả xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội phổ biến như Facebook, Youtube. Rất nhiều thông tin nói xấu, bôi nhọ, phỉ báng gây tổn hại nghiêm trọng uy tín, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân, gây tổn hại về kinh tế, thương hiệu doanh nghiệp Việt Nam và gây hoài nghi, hoang mang trong dư luận.

Được biết, vào tháng 4/2017 theo đề nghị của Bộ Thông tin và Truyền thông, ngày 26/4 Facebook đã cử đoàn đại biểu cấp cao do bà Monika Bickert, Giám đốc chính sách nội dung toàn cầu của mạng xã hội này làm trưởng đoàn đến làm việc với Bộ trưởng Trương Minh Tuấn.

Tại buổi làm việc, Facebook bày tỏ thiện chí sẵn sàng hợp tác với Bộ Thông tin và Truyền thông nói riêng và với Chính phủ Việt Nam nói chung nhằm tuân thủ các quy định pháp luật của Việt Nam. Hai bên đã trao đổi, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, hiểu rõ hơn về chính sách và mối quan tâm của cả hai bên. Facebook cam kết phối hợp ngăn chặn thông tin xấu độc, thông tin vi phạm pháp luật Việt Nam trên mạng xã hội Facebook; cùng phối hợp xây dựng môi trường mạng lành mạnh, an toàn cho người dân Việt Nam.

Cụ thể, Facebook cam kết sẽ phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông ưu tiên gỡ bỏ thông tin giả danh và tài khoản giả mạo các cá nhân, tổ chức, đặc biệt là tài khoản giả mạo các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, các tổ chức, cá nhân. Facebook sẽ thiết lập một kênh riêng phối hợp trực tiếp với Bộ này nhằm giúp Facebook ưu tiên đáp ứng các yêu cầu từ phía Bộ Thông tin và Truyền thông cũng như các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.

Bên cạnh đó, Facebook sẵn sàng phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông để tổ chức các khóa đào tạo cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như cộng đồng các nhà phát triển để góp phần vào sự phát triển kinh tế của Việt Nam. Facebook cũng sẵn sàng hỗ trợ tổ chức các khóa đào tạo cho các cơ quan nhà nước về cách sử dụng Facebook để truyền thông tốt hơn chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước tới công chúng.

“Tất cả các nội dụng lạm dụng tình dục trẻ em, các tài khoản giả mạo, xúc phạm cá nhân và doanh nghiệp sẽ ko có đất sống trên Facebook. Nếu phát hiện, chúng tôi sẽ khóa chặn nội dung, tài khoản vi phạm. Để làm việc đó, chúng tôi đã có các công cụ giúp người dùng thông báo về tin tức giả mạo cho Facebook. Tôi rất mong Bộ Thông tin và Truyền thông cùng Chính phủ Việt Nam sẽ quan tâm, hỗ trợ chúng tôi hoàn thành mục tiêu này”, bà Monika Bickert, Giám đốc chính sách nội dung toàn cầu của Facebook nhấn mạnh.