Điểm nghẽn vụ ly hôn vợ chồng “Vua cà phê” Trung Nguyên: Số tài sản hơn 2.100 tỷ đồng đứng tên bà Thảo đã “biến mất” đi đâu?

Sự biến mất của khoản tiền này chính là điểm nghẽn khiến vụ ly hôn của vợ chồng chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên vẫn chưa thể đi đến hồi kết.

Vụ ly hôn kéo dài hơn 3 năm của “vua cà phê” Đặng Lê Nguyên Vũ, và vợ ông, bà Lê Hoàng Diệp Thảo, đang khiến báo chí cũng như dư luận không ngớt quan tâm. Vụ việc tưởng chừng sẽ kết thúc vào ngày 1/3 vừa qua nhưng một tình tiết vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng khiến phiên xét xử bị lùi sang 27/3.

Tình tiết này liên quan đến tổng số tài sản trị giá hơn 2.100 tỷ đồng, do bà Lê Hoàng Diệp Thảo đứng tên tại 3 ngân hàng: Eximbank, Vietcombank và BIDV. Đây là tài sản riêng của hai vợ chồng làm ra, được tích cóp trong nhiều năm và được giao cho bà Thảo đem đi gửi tại các ngân hàng.

Theo nguồn tin từ Zing, khoản tiền trên gồm 654,2 tỷ đồng; 9,3 triệu Euro; 2,3 triệu GBP (bảng Anh); 28,9 triệu USD; 5,1 triệu AUD (đô la Australia) và 10.000 lượng vàng. Tổng số tài sản này được tính ra tiền Việt Nam tương đương 2.102 tỷ vào thời điểm năm 2016.

Cũng theo lời khai trước tòa, khối tài sản này được ông Vũ giao cho bà Lê Hoàng Diệp Thảo đứng tên vì hoàn toàn tin tưởng vợ mình. Tuy nhiên phía bà Thảo cho rằng đó là tiền phát sinh năm 2015-2016, sau thời điểm này thì số tiền đó không còn.

Bà Thảo đề nghị vì khoản tiền này không còn nên không thể đem ra chia được nữa.

Tại các phiên tòa trước, khi được hỏi về mục đích sử dụng của khoản tài sản này, bà Lê Hoàng Diệp Thảo cũng yêu cầu phóng viên đặt câu hỏi khác: “Vấn đề này không trả lời vì nó không liên quan tới vụ án”.

Điểm nghẽn liên quan đến khoản tài sản nói trên khiến phiên tòa ngày 1/3 vừa qua phải tạm dừng. Phía ông Vũ đề nghị phản tố, yêu cầu tòa xem xét lại bởi họ cho rằng số tiền này nằm trong tài khoản bà Thảo, chỉ bà Thảo là người rút chứ không ai rút.

Câu hỏi khiến nhiều người băn khoăn nhất cho đến thời điểm hiện tại là khối tài sản ấy đã đi đâu?

Theo thông tin từ luật sư của ông Vũ, năm 2006 bà Thảo mới tham gia điều hành Trung Nguyên. Và bà chỉ tham gia điều hành trong vòng 9 năm, cho đến khi bị cách chức Phó Tổng Giám đốc vào ngày 13/4/2015.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc trong suốt thời gian vụ án diễn ra, từ tháng 11/2015 cho tới tháng 2/2019 bà Thảo không còn liên hệ gì với Trung Nguyên nữa, khoản tài sản trên không thể nào chuyển về Trung Nguyên được.

Một điểm đáng chú ý là giai đoạn này cũng chính là giai đoạn thành lập TNI Corporation, công ty kinh doanh, phân phối cà phê của riêng bà Lê Hoàng Diệp Thảo.

Theo thông tin chính thức trên website TNI Corporation, tháng 7/2015, TNI Corporation ra đời, nghĩa là ngay sau thời điểm bà Thảo bị buộc rời khỏi Trung Nguyên. Liền sau đó, năm 2016, TNI Corporation ra mắt thương hiệu cà phê cao cấp King Coffee đồng thời tiến hành một loạt hoạt động quảng bá tại thị trường quốc tế, đầu tư xây dựng nhà máy hiện đại tại Bình Dương

Một số thông tin khác thì khẳng định TNI Corporation của bà Thảo có tiền thân là Trung Nguyên International, công ty con của Trung Nguyên Group . Đến tháng 7/2015, Trung Nguyên International mới chính thức đổi tên thành TNI Corporation và tách khỏi Trung Nguyên Group.

Nếu chiếu theo những thông tin này, nhiều người đặt ra giả thiết rằng phải chăng khoản tài sản hơn 2.100 tỷ đồng biến mất trong giai đoạn 2015-2016 đã được bà Thảo sử dụng để gây dựng TNI Corporation, hoặc dùng để tách TNI Corporation ra khỏi Trung Nguyên Group, chuyển từ “túi trái sang túi phải”?

Chỉ khi nào làm rõ được sự biết mất của khoản tài sản này, thì vụ ly hôn giữa vợ chồng ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo mới có thể đến hồi kết.

Theo CafeF