Đầu tư 107 tỷ USD, Malaysia quyết dẫn đầu ngành bán dẫn khu vực Đông Nam Á

Vào ngày hôm nay 28/5, thủ tướng Anwar Ibrahim đưa ra tuyên bố Malaysia đầu tư 107 tỉ USD vào ngành công nghiệp chip bán dẫn, nhằm nâng cao vị thế quốc gia khi chuỗi cung ứng toàn cầu đang dịch chuyển về phương Đông, hướng tới mục tiêu dẫn đầu Đông Nam Á.

Quyết tâm dẫn đầu ngành bán dẫn khu vực Đông Nam Á

Theo lời Thủ tướng Malaysia, khoản đầu tư 107 tỉ USD dành cho ngành công nghiệp bán dẫn của mình, nhằm đạt mục tiêu biến quốc gia này thành một trong những trung tâm sản xuất công nghệ cao toàn cầu. Đây là khoản đầu tư toàn diện, xuyên suốt từ mảng nghiên cứu thiết kế, sản xuất, kiểm thử và đóng gói chip bán dẫn sau đó là lắp ráp.

Trong đó, một phần gói đầu tư khủng này hướng trực tiếp tới việc thành lập 10 công ty tại các địa phương chuyên hoạt động trong tất cả các mảng của quy trình chế tạo chip bán dẫn, từ nghiên cứu thiết kế, sản xuất, kiểm thử đến đóng gói và lắp ráp.

Vào cuối tháng trước, ông Anwar Ibrahim đã thông báo kế hoạch xây dựng khu phức hợp liên hoàn từ thiết kế đến chế tạo mạch tích hợp lớn nhất Đông Nam Á bằng các ưu đãi như: giảm thuế, trợ cấp và miễn thị thực để thu hút các công ty công nghệ hàng đầu thế giới và các nhà đầu tư tài chính toàn cầu.

Hiện tại, Malaysia ở vị trí quan trọng đáng nể trong ngành công nghiệp bán dẫn, tham gia vào 13% hoạt động thử nghiệm, đóng gói và  lắp ráp chip trên thế giới.

Trung Quốc phát triển ngành công nghiệp bán dẫn riêng giảm thiểu áp lực từ phương Tây

Cũng thời điểm này, Trung Quốc đang bước vào Giai đoạn thứ ba của Quỹ Đầu tư Công nghiệp Mạch tích hợp Quốc gia (được gọi là Big Fund III) được thành lập vào ngày 24/5/2024, đã huy động được 47,5 tỉ USD từ chính phủ trung ương và các ngân hàng cùng doanh nghiệp nhà nước, bao gồm Ngân hàng Công thương Trung Quốc.

Quỹ Đầu tư Big Fund III năm nay tăng gấp đôi quy mô của Big Fund II vào năm 2019. Mục đích của Quỹ này nhằm xây dựng và phát triển ngành công nghiệp bán dẫn dành riêng cho Trung Quốc, trong bối cảnh căng thẳng thương mại và công nghệ với Mỹ ngày càng leo thang không kiểm soát.

Trong cuộc đối đầu với Trung Quốc về bán dẫn, các cường quốc Âu- Mỹ và Liên đã đầu tư gần 81 tỉ USD vào sản xuất thế hệ chip tiên tiến. Cùng với Đạo luật Chip và Khoa học ban hành vào năm 2022, chính quyền Mỹ cũng cung cấp 39 tỉ USD hỗ trợ và gói 75 tỉ USD tín dụng cho các nhà sản xuất chip bán dẫn.

Hàn Quốc quyết tâm củng cố năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực sản xuất chip

Hàn Quốc quyết định hỗ trợ 19 tỷ USD cho ngành chip bán dẫn, Tổng thống Hàn Quốc tuyên bố vào ngày 23/5. Với việc đầu tư lớn vào ngành công nghiệp bán dẫn, Hàn Quốc đang thể hiện quyết tâm nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất chip, kỳ vọng sẽ giúp nước này khẳng định vị thế hàng đầu trong thị trường thế giới chip.

Khoản đầu tư này được thực hiện bằng cách trực tiếp hướng vào các chương trình hỗ trợ tài chính, nghiên cứu sáng tạo và phát triển cho trung tâm nghiên cứu ứng dụng, các công ty chuyên thiết kế chip, nhà cung cấp vật liệu bán dẫn và các nhà sản xuất chip.

Trọng tâm của gói đầu tư là 12,5 tỷ USD dành riêng hẳn cho cơ sở hạ tầng công nghệ do ngân hàng phát triển Hàn Quốc triển khai.

Theo báo cáo gần đây của giới quan sát công nghệ toàn cầu tại Mỹ, Hàn Quốc được dự đoán sẽ đạt sản lượng cao nhất từ trước đến nay, chiếm gần 20% sản lượng bán dẫn toàn cầu vào năm 2030.

Hai tuần trước, vào ngày 12/5, Chính phủ Hàn Quốc chỉ dự kiến chuẩn bị tung ra một gói hỗ trợ hơn 7 tỷ USD dành cho ngành công nghiệp chất bán dẫn. Cụ thể, gói hỗ trợ này sẽ dành cho các công ty thiết kế bán dẫn, vật liệu chip và thiết bị sản xuất… trong mọi lĩnh vực của ngành này.

Nhật Bản tăng cường đầu tư để quyết tâm giành lại địa vị đã mất

Xứ sở Hoa Anh đào cũng quyết định quay trở lại lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn bằng cách đầu tư thích đáng vào công nghệ mà họ đã từng giữ vị trí đứng đầu vào thập niên 1960-1970 cùng với những sản phẩm điện tử gia dụng và công nghiệp, để hỗ trợ các ngành công nghiệp nội địa vốn tiêu thụ số lượng lớn chip tiên tiến nhất.

Hai năm qua, trong giai đoạn 2021 – 2023, Nhật Bản đã đầu tư 24,8 tỷ USD vào ngành công nghiệp chip bán dẫn, chiếm 0,71% GDP của nền kinh tế Nhật, vượt qua con số 0,41% của Đức, 0,21% của Mỹ và 0,2% của Pháp.

Đăc biệt, giai đoạn này, Chính phủ Nhật Bản quyết định hỗ trợ gói tài chính cho Công ty Sản xuất chip TSMC của Đài Loan lên tới 2,78 tỷ USD, chiếm khoảng 1/3 tổng chi phí xây dựng và hoàn thành nhà máy chế tạo chip tại tỉnh Kumamoto vào tháng 2/2024. Dự kiến nhà máy chế tạo chip vào hoạt động sản xuất vào cuối năm nay.

Được biết 16 năm trước đây, khi dự án tại TP HCM của tập đoàn bán dẫn hàng đầu thế giới Intel còn chưa thành hình, con chip đầu tiên của Việt Nam đã ra đời, là sản phẩm của một nhóm giảng viên cùng các kỹ sư trẻ tại Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC) thuộc Đại học Quốc gia TP HCM, ra mắt ngày 16/01/2008.

Vào thời điểm này, giới mê công nghệ, những người quan tâm đến ngành công nghiệp chip bán dẫn của nước nhà đang đặt ra câu hỏi nhiều trăn trở. Còn Việt Nam thì sao?!?

Nguyễn Xanh