Đạo đức và lợi nhuận nhìn từ “kỹ nghệ thực phẩm” ở Mỹ

Sự lan tỏa đến chóng mặt của những chiêu thức marketing bẩn đánh vào nỗi sợ hãi của con người nhiều khi khiến cho cả xã hội bị cuốn theo, bị dẫn dắt, dẫn đến những chọn lựa sai lầm, ảnh hưởng đến sức khỏe của chính mình.

Năm 2012, tôi được xem bộ phim tài liệu “Food Inc.” dài khoảng 2 tiếng 16 phút của nhà sản xuất Robert Kenner thực hiện tại Hoa Kỳ dựa theo cốt truyện “Fast Food Nation” của Eric Schlosser qua diễn đạt hết sức hấp dẫn của giáo sư Michael Pollan và nhà báo Eric Schlosser.

Bộ phim này có nội dung nói về ngành nông nghiệp của các tập đoàn, công ty ở Mỹ (sản xuất thịt heo, bò, gà và sản xuất ngũ cốc).

Doanh nhân Đỗ Long – Chủ tịch Bita’s

Quan điểm từ nội dung bộ phim này đưa ra là cách thức sản xuất các sản phẩm như vậy là vô nhân đạo và không bền vững về môi trường; lợi nhuận của các công ty này chủ yếu đến từ việc cung cấp các loại thực phẩm rẻ nhưng độc hại nhưng được quảng bá tiếp thị rất mạnh mẽ, lạm dụng các chất hóa học chiết xuất từ dầu mỏ để dùng trong thuốc trừ sâu và phân bón hóa học; đặc biệt là sức mạnh kinh tế của các công ty như vậy đã có sự ảnh hưởng rất lớn đến chính sách, pháp luật.

Trước hết, câu chuyện của ngày hôm nay tôi muốn nói đến từ ý nghĩa của bộ phim này có liên quan đến Tập đoàn hóa chất Monsanto, tập đoàn hóa chất nông nghiệp có trụ sở tại Missouri (Hoa Kỳ) và đã thuộc sở hữu của Tập đoàn dược phẩm Bayer (Đức). Ngày 10/8/2018 Monsanto đã bị Tòa án bang California ra phán quyết bị phạt 289 triệu USD, trong đó phải bồi thường cho ông Dewayne Johnson 39 triệu USD, người làm vườn đã nhiều năm sử dụng thuốc diệt cỏ Roundup của công ty này và bị ung thư.

Vụ xử thắng kiện đối với người làm vườn có sử dụng chất diệt cỏ Roundup sẽ khiến tập đoàn này sẽ phải đối mặt với hàng ngàn đơn kiện khác trên khắp nước Mỹ (ước tính có khoảng 5000 đơn). Tại Việt Nam thời kỳ chiến tranh 1955 -1975, chính công ty Monsanto là nhà cung cấp chất độc da cam cho quân lực Mỹ sử dụng mà hậu quả là hơn 4 triệu người Việt Nam cũng hàng trăm binh sĩ Mỹ bị nhiễm, bị ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe và bệnh tật. Các nạn nhân chất da cam Việt Nam đã khởi kiện công ty này ra tòa án Mỹ vào khoảng năm 2005-2009 nhưng chưa có kết quả cuối cùng.

Chắc chắn tiến trình này để đi đến kết quả sẽ không hề nhanh chóng và dễ dàng; nhưng từ các vụ kiện tụng nói trên cùng với các kết quả nghiên cứu khoa học được công bố đang ngày càng khẳng định công ty này sẽ phải hành xử có trách nhiệm và khách quan đối với sự an toàn của sản phẩm mà họ sản xuất đến người tiêu dùng.

Dù sao đi nữa đã hơn 1/2 thế kỷ, những người dân Việt Nam đang chịu đựng nỗi thống khổ của chất độc màu da cam từ tập đoàn Monsanto cần được đền bù một cách công bằng, cần được sự quan tâm nhiều nhất, liên tục, kiên quyết để đưa ra tòa án quốc tế để cho họ thấy được lẽ phải, chân lý của Việt Nam.

Nhưng có một vấn đề mấu chốt hơn đã được cảnh báo từ trong bộ phim Food Inc. nhưng có lẽ không nhiều người chú ý tới.

Đó là câu chuyện kể về các tập đoàn kỹ nghệ thực phẩm tại Hoa Kỳ dùng tiền, vận động hành lang để mua chuộc, tham gia các chức vụ then chốt trong chính phủ, làm hậu thuẫn cho các tập đoàn thực phẩm.

Đáng sợ nhất là sự truyền bá các loại thực phẩm mới do tập đoàn họ sản xuất như là bằng chứng khoa học để dẫn dụ người tiêu dùng từ làm quen tới “nghiện” với cách ăn uống mới, tiện lợi, rẻ, có mặt khắp trái đất như một sự tiến hóa tiến bộ của loài người…

Nói như người dẫn dắt trong phim là các tập đoàn kỹ nghệ thực phẩm muốn chúng ta cứ nhắm mắt mà ăn, mà uống, càng nhiều càng tốt và đừng thắc mắc đến việc sản phẩm được sản xuất như thế nào, nguyên liệu từ đâu, lợi hại ra sao vì tất cả đã được cơ quan chứng nhận an toàn thực phẩm FDA đóng dấu “an toàn”.

Và cũng khỏi phải nói, thực phẩm đưa ra thị trường vô cùng bắt mắt với bao bì, cách bài trí trong các siêu thị đi cùng các khẩu hiệu dễ nghe, dễ nhớ, cùng các hình ảnh thiếu nữ trẻ đẹp, trẻ em bụ bẫm, người già tươi tắn y như rằng họ hưởng lợi ích từ thực phẩm thiên nhiên, bổ ích, trường thọ.

Khi thực hiện bộ phim, các nhà sản xuất rất muốn có hình ảnh, tiếng nói từ các tập đoàn như Monsanto, Smithfield Foods, Tyson Foods, Perdue Farms… nhưng tất cả đều từ chối, buộc họ phải tìm những cách tiếp cận khác.

Liên tục trong phim, Michael Pollan và Eric Schlosser đã cố gắng đưa ra những bằng chứng không gì chối cãi cho thấy sự nguy hiểm của thực phẩm trên thế giới được biến tấu tinh vi, che giấu ngay trong nhà máy đến nông trại; con vật và môi trường bị ngược đãi, và thậm chí cả con người cũng có bằng chứng cho thấy bị coi thường, ngược đãi về an toàn sức khỏe…

Điển hình trong đó là sản phẩm bắp (ngô) biến đổi gen.

Có 30% đất nông nghiệp của Mỹ dành cho canh tác bắp (ngô). Giá bắp quá rẻ vì được chính phủ tài trợ nhằm mục đích giữ giá thấp để làm thức ăn cho ngành công nghiệp chăn nuôi. Thay vì trước đây bò ăn cỏ thì giờ đây chúng bị bắt buộc ăn bắp, hầu hết bò được vỗ béo nhanh hơn ăn cỏ. Xu thế nuôi bò dùng diện tích chăn nuôi cũng nhỏ gọn hơn bằng chuồng trại kiểu mỗi khu chứa vài ngàn tới chục ngàn con, nhiều khu vực chăn nuôi không đủ điều kiện nên vừa nhơ nhớp, lầy lội, thậm chí bò đạp dẫm trên biển phân…

Điều đáng lên án nằm ở chỗ nguyên liệu bắp cũng chỉ do một vài công ty sản xuất, họ che lấp và tạo ra kỹ thuật biến đổi gen cho ra một sản phẩm thích nghi nhu cầu mới. Khi khảo sát nuôi bò bằng bắp đã phát hiện chủng vi khuẩn E. coli 0157: H7 vô cùng độc hại nằm trong hệ tiêu hóa do được vỗ béo từ cách nuôi chuồng trại công nghiệp, không thả rông như cách truyền thống.

Sự nhiễm khuẩn thường diễn ra trong quá trình giết mổ và xay thành thịt bằm làm món Hamburger của nhiều con bò một lúc. Đã có nhiều vụ kiện liên quan đến E. coli 0157: H7, nhưng sau đó là những cuộc thương lượng đền bù, bít kín trách nhiệm.

Ngoài ra, những chất thuộc dòng tạo ngọt như đường high fructose corn syrup (HSCF) được sử dụng trên 40% trong thức ăn, thức uống tại Mỹ và Canada. HFCS đang là nơi trú ngụ của chất reactive carbonyl’s khi cơ thể con người tiếp xúc sẽ làm tổn hại tế bào beta của tụy tạng, nơi sản xuất insuline, dẫn tới tiểu đường type 2.

Tập đoàn sản xuất chất diệt cỏ Glyphosate (Roundup) lớn nhất thế giới cũng là tập đoàn đứng đầu về hạt giống biến đổi gien, họ nắm toàn bộ mùa màng đậu nành tại Hoa Kỳ thông qua hệ thống luật lệ phức tạp về quyền sở hữu di truyền được tòa án tối cao Hoa Kỳ phê chuẩn năm 1980.

Họ cũng sản xuất ra giống đậu nành Roundup Ready đề kháng với thuốc diệt cỏ Roundup, giống chuyển đổi gien này chỉ được gieo trồng một lần duy nhất, hạt của Roundup ready không gieo trồng được trở lại và như thế buộc các nhà nông phải lệ thuộc mãi mãi vào thuốc diệt cỏ Roundup và giống đậu nành Roundup ready.

Đặc biệt Monsanto cũng sản xuất và phân phối hormone rbGH để tăng năng suất bò sữa. Như vậy, tại Hoa Kỳ hầu như trên 30% bò sữa được tiêm hormone rb GH ( recombinant bovine Growth Hormone ) gọi tắt là rbST, là loại chuyển đổi gien, dù bị chống đối khủng khiếp từ khắp các nhà khoa học nhưng cuối cùng cũng được cơ quan FDA Hoa Kỳ cấp phép cho sử dụng năm 1993.

Đằng sau câu chuyện của Monsanto là nỗi thống khổ của các nhà nông nếu lỡ vi phạm các thỏa thuận về canh tác giống và thuốc!

Đằng sau câu chuyện của Monsanto còn là sự bắt tay với hệ thống quyền lực từ Capital Hill. Nhiều chính sách về nông sản thực phẩm của chính phủ đều phải có đội ngũ luật sư hạng ưu Monsanto “tham vấn” trước khi ban hành.

Ở trong nước thời gian gần đây liên tục nổi lên các vụ việc liên quan đến lĩnh vực thực phẩm như câu chuyện về nước chấm công nghiệp và nước mắm truyền thống. Mặc dù vụ việc là khác nhau so với câu chuyện trong bộ phim trên, nhưng ở góc độ nào đó cũng là điều khiến chúng ta có liên tưởng và phải suy nghĩ. Nhà sản xuất hơn ai hết phải ý thức đầy đủ về chất lượng sản phẩm mình làm ra, bảo đảm an toàn cho sức khoẻ người tiêu dùng, an toàn cho môi trường, giá hợp lý mọi túi tiền, có như vậy thì kinh doanh mới bền vững.

Còn nhập nhèm, đánh lận con đen, dùng chiêu thức marketing bẩn bằng mọi giá để làm giàu thì trước sau gì cũng bị người tiêu dùng nhận ra và tẩy chay. Nói gì thì nói, tôi sẽ chọn nước mắm truyền thống cho con cháu mình ăn chứ không ăn “nước mắm lạ”.

(*) Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả Đỗ Long – Chủ tịch Bita’s

Theo TheLEADER